Bạn đọc hỏi, nhà báo trả lời số 173

Thứ Năm, 18/02/2016, 16:43
Lễ hội là tạo nên những vẻ đẹp của đời sống văn hóa, lưu giữ những vẻ đẹp ấy và lan tỏa những vẻ đẹp đó vào đời sống xã hội...

Lễ hội còn giữ được vẻ đẹp văn hóa?

Bà Trần Thanh Thảo (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương): Tết đến xuân về là thời điểm người dân cả nước nô nức vào mùa lễ hội. Theo thống kê một năm cả nước ta có đến 9.000 lễ hội với quy mô, thời gian tổ chức khác nhau. Xin nhà báo cho biết con số 9.000 lễ hội ở nước ta có phải là nhiều không nếu so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới? Hơn nữa do chưa có kiến thức về lễ hội, về tín ngưỡng văn hóa, về công tác tổ chức nên không ít địa phương đã làm biến dạng lễ hội với mục đích vụ lợi, thực hiện những trò mê tín dị đoan…

Trước tình hình trên, các cơ quan có thẩm quyền cần có chế tài quy định việc tổ chức lễ hội như thế nào, đồng thời phải tuyên truyền vận động người dân ra sao để mùa lễ hội tới sẽ diễn ra hiệu quả và ý nghĩa?

Nhà báo Minh Đức: Thưa bà Trần Thanh Thảo, tôi rất chia sẻ với những suy nghĩ của bà về vấn đề lễ hội hiện nay ở Việt Nam. Tôi thực sự không dám khẳng định 9.000 lễ hội là nhiều hay vừa đủ hay ít. Nhưng tôi quan niệm về lễ hội là tạo nên những vẻ đẹp của đời sống văn hóa, lưu giữ những vẻ đẹp ấy và lan tỏa những vẻ đẹp đó vào đời sống xã hội. 

Có một điều chúng ta đều hiểu rằng hầu hết những lễ hội truyền thống đều là những lễ hội đáng được lưu giữ và lan tỏa. Bởi trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm, những lễ hội đó đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam. Và chắc chắn, trong tương lai sẽ xuất hiện những lễ hội mới do nhu cầu của đời sống đương đại. Chính vì thế mà số lượng lễ hội là bao nhiêu thì đủ hay quá nhiều chúng ta sẽ rất khó nói nếu như đó là nhu cầu thực sự của đời sống tinh thần con người.

Điều mà bà lo lắng chút nào đó về số lượng là bởi thực trạng của các lễ hội hiện nay. Một sự thật cho thấy có không ít các lễ hội đã bị biến tướng. Những lễ hội truyền thống đó đã đánh mất đi bản chất của nó bởi những người quản lý và thực hiện các lễ hội này. 

Ví dụ như Lễ Khai ấn đền Trần thì quá rõ ràng trở thành một hình thức của mua quan bán chức trong khi bản chất khởi thủy của lễ hội này không phải thế. Kinh tế thị trường đã trở thành một nguy cơ tệ hại nhất làm biến tướng các lễ hội. Không ít địa phương phục hồi các lễ hội truyền thống không phải là phục hồi những vẻ đẹp truyền thống trong đời sống văn hóa Việt mà để nhằm mục đích kinh doanh.

Cùng với kinh doanh là một đời sống mê tín dị đoan đang lan tràn trong các lễ hội. Và một điều bi hài là chính những người đến lễ hội lại chỉ nhận được những hình ảnh và hành động phi văn hóa chứ không phải nhận vào tâm khảm mình những điều tốt đẹp và linh thiêng của lễ hội.

Chúng ta có lẽ cũng không cấm các lễ hội truyền thống được phục hồi. Nhưng chúng ta phải có những quy định nghiêm ngặt trong quản lý các lễ hội đó. Khi những người quản lý văn hóa và cụ thể là quản lý các lễ hội thấu hiểu bản chất của lễ hội truyền thống và các lễ hội xuất hiện trong đời sống đương đại thì sẽ làm ra được những quy định và có các chế tài hợp lý để quản lý lễ hội. Còn nếu không làm được điều đó thì cho dù có 90 lễ hội hay 9 lễ hội trong một năm thì sự biến tướng của các lễ hội đó vẫn cứ tiếp diễn.

Không chỉ là vấn đề ngân sách mà còn là vấn đề lương tâm

Anh Ngô Quang (Trạm Tấu, Yên Bái): Thưa nhà báo, Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Cũng giống như mọi năm, những thông tin về thưởng tết, thông tin nơi thưởng ít thưởng nhiều đều rất nhiều trên báo chí. Và chuyện thưởng tết của giáo viên cắm bản luôn luôn là chuyện rất đáng suy nghĩ. Đã qua nhiều năm nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu. Vậy chúng ta cần có phương án nào giải quyết tốt hơn để đời sống giáo viên cắm bản, ít ra là những cái tết với những phần quà khiêm tốn khiến cho cả người trong cuộc và người ngoài sẽ bớt được chạnh lòng?

Nhà báo Minh Đức: Thưa anh Ngô Quang, có một đôi lần, tôi nghĩ chúng ta không nên công bố việc thưởng Tết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công bố này không hề kích thích cảm hứng lao động mà thực tế đang làm cho nhiều người tủi thân. Đặc biệt là những người có thu nhập thấp, trong đó những giáo viên cắm bản như anh đề cập.

Trước hết chúng ta phải khẳng định một điều là hầu hết những giáo viên cắm bản là những người có tình yêu thương đối với các em nhỏ ở những vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Nếu chỉ vì đồng lương thì họ có thể rời bỏ những nơi xa xôi, heo hút như vậy để làm một công việc khác. Họ là những người tiên phong trong những người tiên phong trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta. Chúng ta có thể không thể nâng lương những giáo viên này một cách quá cao so với những giáo viên khác nhưng việc thưởng Tết mỗi năm chỉ có một lần. Vậy mà như anh nói, chúng ta vẫn không làm được. Nếu chúng ta thực sự nghĩ đến những giáo viên này mà xa hơn, lớn hơn là nghĩ đến sự nghiệp giáo dục ở những vùng xa như thế thì thái độ của chúng ta đã khác.

Đất nước chúng ta còn khó khăn, nhưng chúng ta đã rất lãng phí trong rất nhiều lĩnh vực. Chúng ta chỉ cần có trách nhiệm, có tấm lòng là chúng ta có thể cân đối việc sử dụng ngân sách của Nhà nước một cách tốt nhất. Tôi vẫn thường nhìn thấy những con đường ngoại ô được phun nước rửa bụi hàng ngày. Hình ảnh này thật vô lý và hài hước. Chúng ta hoàn toàn không cần phải làm những việc như thế và chi vào những việc như vậy không ít tiền. Chúng ta chứng kiến nhiều thành phố đổ ra biết bao tiền để trang trí lòe loẹt vào dịp Tết mà thực tế không cần thiết. 

Đấy chỉ là một trong muôn vàn việc sử dụng ngân sách một cách vô lý và hài hước. Trong khi đó, một chút tiền thưởng cho các giáo viên cắm bản là một việc vừa thuộc về sự nghiệp giáo dục, vừa thuộc về chính sách đối với những vùng đặc biệt và vừa thuộc về lương tâm cũng như sự công bằng xã hội thì chúng ta lại không thể thực hiện. 

Tại sao có những cụ già, những thanh niên nam nữ đi quyên góp quần áo cho trẻ em miền núi trong khi đó những người quản lý và điều phối ngân sách của Nhà nước lại không biết làm gì cho những điều bất bình thường như chúng ta đang chứng kiến. Vấn đề ở đây không còn là vấn đề của ngân sách mà là vấn đề của lương tâm. Chúng ta vừa đánh mất lương tâm vừa đánh mất sự công bằng. Ở một góc độ nào đó, chúng ta vẫn chỉ nói hay và làm dở.

Tạo nền tảng cơ bản chứ đừng chạy theo giải pháp tạm thời

Bác Lê Thị Tuyết (Việt Trì, Phú Thọ): Từ ngày 1-1-2016, người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở cơ sở y tế từ tuyến quận, huyện trở xuống sẽ được tự do đến bất kỳ bệnh viện nào cùng tuyến khám chữa bệnh mà không bị hạn chế quyền lợi như trước.

Thưa nhà báo, việc thông tuyến sẽ giúp người dân có quyền lựa chọn nơi mình muốn khám, chữa bệnh. Về lâu dài điều này liệu có thực sự tạo ra sự cạnh tranh về nâng cao dịch vụ chăm sóc y tế giữa các bệnh viện tuyến quận, huyện nhằm thu hút bệnh nhân tới khám chữa bệnh hay không? Hay chỉ tạo ra việc nơi thì quá tải, nơi thì thưa thớt người tới khám chữa bệnh?

Nhà báo Minh Đức: Thưa bác Lê Thị Tuyết, với điều kiện khám chữa bệnh của hệ thống bệnh viện hiện nay và thực trạng của y đức thì quyết định thông tuyến này chưa phù hợp trong thời gian này cho dù việc phân tuyến như trước cũng có những hạn chế. Không chỉ trong y tế mà trong giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác, chúng ta vẫn chưa tạo ra nền tảng cơ bản vững chắc. Chính vì thế mà chúng ta thường xuyên thay đổi chính sách mà vẫn không mang lại hiệu quả. 

Quả thực, chất lượng khám và chữa bệnh ở các bệnh viện chúng ta chênh lệch quá lớn. Bởi thế mà bệnh nhân khi có quy định thông tuyến sẽ tập trung hết vào một bệnh viện này mà bỏ rơi bệnh viện khác. Có hai lĩnh vực mà các nước trên thế giới không cho phép cạnh tranh mang tính thị trường, đó là giáo dục và y tế. Chất lượng của hai lĩnh vực này bắt buộc phải đạt đến một mức nhất định. Bởi hai lĩnh vực này là hai lĩnh vực không thể kinh doanh bằng mọi giá mà công việc của họ có tính sứ mệnh và nằm trong chiến lược lớn nhất của các quốc gia đối với người dân của mình. 

Ngành y tế của chúng ta phải nhanh chóng đi qua hai ngưỡng quan trọng. Đó là chuyên môn và y đức. Khi các bệnh viện đạt được hai điều quan trọng nhất này thì người dân sẽ được hưởng lợi. Còn nếu tình trạng như hiện nay của y tế Việt Nam thì việc thông tuyến sẽ chắc chắn gây ra những “tắc nghẽn” trong việc khám và chữa bệnh. Nguy hiểm hơn là sẽ tiếp tục gây ra những tiêu cực. 

Mà thực tế cũng đã cho chúng ta thấy được những tiêu cực ngay trong việc thanh toán bảo hiểm y tế. Để giải quyết những vấn nạn y tế hiện nay, con đường duy nhất chúng ta phải làm là tạo nên một nền tảng cơ bản chứ không phải chạy theo những giải phạm tạm thời.

ANTG Cuối tháng số 173
.
.