Bái, vái, xá lạy như chày máy

Thứ Sáu, 16/08/2019, 15:55
Sáng nọ trên đường xuống phố, đến đoạn cuối chân cầu Kiệu, y chứng kiến một hình ảnh lạ lùng: Có nhà sư đi khất thực, cứ đi một bước lại dừng, cúi rập người, mặt áp sát đất, vái một vái rồi đứng dậy, tiếp tục lặp lại động tác ấy. 

“Nhất bộ nhất bái” đấy chăng? Giữa cả một rừng người đang tất bật ngược xuôi, lách đầu này đánh võng đầu kia, người chen ngang kẻ tạt dọc cứ như thể bằng mọi cách phải chạy đua với thời gian dù chỉ khoảnh khắc, chỉ tích tắt. 

Ngược lại, nhà sư kia vẫn cứ bình thản như không, cứ từng bước một, nhịp nhàng, khoan thai, không nôn nóng. Nhìn thấy, khâm phục. Nhìn thấy, chợt rùng mình phát khiếp.

Nhìn thấy lại nghĩ

Sáng hôm ấy, sau khi dừng xe, đứng ngẩn tò te quan sát nhà sư đang từng bước, từng bước chậm rãi lên cầu Kiệu, trong lòng y lại nghĩ đến điều gì nữa? Thì đấy, vẫn là mối quan tâm về tiếng Việt. Tại sao có người dùng từ bái, có người dùng từ vái? 

Vậy, bái và vái là cùng nghĩa? Đúng thế. Vái là do từ bái gốc Hán Việt mà ra - nhằm chỉ hành động cung kính, cúi đầu, nét mặt nghiêm trang, chắp tay đưa lên hạ xuống để tỏ lòng cung kính với người khuất mày khuất mặt hoặc đấng bề trên… 

Một khi nghe ai đó nói: “Tớ bái cậu”, chắc gì bái được hiểu theo nghĩa này? Bái ở đây chỉ là cách nói tắt của từ bái phục; thật ngộ nghĩnh cũng còn được hiểu qua nghĩa khác, rằng sau khi nghe người kia có lập luận lạ đời, hành động trái khoáy gì đó, người này bèn nói “bái” lại hàm nghĩa không thèm chấp, không thèm tranh cãi dẫu nửa lời.

Bái còn là từ vay mượn từ tiếng Anh bye bye - lời từ biệt trong thân mật, tất nhiên có hẹn ngày gặp lại - nói như lời Tống biệt của một thi sĩ vô danh ở đất Bình Thuận: “Trái mù u trên núi/ Chạy xuống cửa Phan Rang/ Ông đi về ngoài nớ/ Trong lòng tôi chẳng an/ Bao giờ ông trở vô/ Gặp tôi ở giữa đàng/ Nắm tay nói chuyện chơi/ Uống rượu cười nghênh ngang”. 

Thiệt thân tình. Thiệt sảng khoái. Vậy mà sau khi du nhập vào tiếng Việt, “bái” lại còn mang thêm “trọng trách” nhằm chỉ hành động đi luôn, đi biệt, không thèm hẹn ngày tái ngộ tùy theo ngữ cảnh.

“Đi ngang nhà má, tay tôi xá cẳng tôi quỳ/ Lòng thương con má sá gì thân tôi”. Xá cũng bái/ vái. Lại còn nghe nói đến câu “lạy lục cúc bái”. Thử hỏi, lục là gì mà đi cặp kè với lạy? Ít ai ngờ lục cũng chính là lạy, Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích. 

Có thể hiểu lạy lục là cấp độ cao hơn của lạy, không chỉ bái/ vái mà còn hạ mình van xin ỉ ôi khốn khổ đến tội nghiệp. Tựa như cấp độ cao hơn của bái là “bái cả nón”. Còn cúc trong cúc bái? Rằng, cúc cũng đồng nghĩa vừa nêu là nhằm chỉ động tác cúi mình.

Thử hỏi, trong việc thờ cúng, giỗ quẩy tổ tiên ở trong Nam, người ta bái/ vái/ lạy như thế nào? Nhà văn Sơn Nam giải thích: “Thông thường, tuy ông bà khá đông đã quá cố nhưng chỉ lạy ba lạy, không hơn không kém. Đó là lạy Thiên, Địa, Nhân. Khi lạy, chắp hai bàn tay lại, ngón tay để thẳng. Lúc cúi đầu thì ngửa lòng bàn tay lên, đón lấy cái trán hạ xuống”. 

Ngoài ra ông còn cho biết: “Nam Bộ là đất mới khẩn hoang, người của thế hệ sau, nhất là phía đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ lệ cúng thêm một mâm cơm, với thức ăn, đơn giản hơn, gọi là “mâm đất đai”. 

Người nhà thắp nhang cúng mâm này đặt ngoài cửa, khấën vái đại khái thỉnh: “Đất đai viên trạch, tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” tức thỉnh người xưa đã cư ngụ ở phần đất ruộng, đất vườn, đất thổ cư của khu vực nhà ở và phụ cận. Tiền hiền là người đầu tiên đến khai phá đất hoang, và người đã dâng đơn lên quan trên để xin hợp thức hóa, lập làng mới với quan trên”.

“Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý căn bản của người Việt, bất luận là vùng miền nào. “Mâm đất đai” này ở Quảng Nam cũng không khác gì, gọi là “mâm cúng đất”. 

Họ bày biện mâm lễ trước nhà, ngoài sân rồi từ trong nhà vái vọng ra. Mâm cúng ngoài hương hoa, trà, quả, xôi chè, nhang đèn hương khói… nhất thiết phải có gạo và muối. Cúng đất đai tức là cúng thổ địa, người khuất mày khuất mặt, các bậc tiền hiền… đã từng cư ngụ trên mảnh đất mà họ đang yên ổn làm ăn sinh sống. Tấm lòng của mỗi nhà là vậy, còn cộng đồng chung thì sao? 

Ngày xưa ở Quảng Nam, hễ đến Lễ kỳ yên (cầu an) diễn ra ở đình làng thì trước đó một ngày là “Lễ nghĩa trủng” - nơi chôn những người hy sinh vì việc nghĩa, không rõ danh tính, không người thờ phụng, hồn xiêu phách lạc trải dài theo năm tháng.

Văn bia dựng ở nghĩa trủng Hòa Vang (Đà Nẵng) dưới thời vua Tự Đức, năm 1876 có câu: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng chỉ vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện. Dù việc thiện nhỏ thế nào cũng không bỏ qua. Nơi ngày xưa là thành lũy đổ chất chồng, người ta đã vùi dập đó đây những nắm xương của những người vì nghĩa mà hy sinh... Nào đâu hương thơm, nào đâu lễ vật, ai người dâng cúng. Hoặc không người thân gần gũi, lấy ai đắp điếm nắm xương tàn nơi chín suối; hoặc do gia hương xa cách, còn ai vẫy gọi hồn thiêng trung can tới vạn dặm. Lửa đóm ma trơi, buồn khóc thâu đêm, hồn phách oan khiên, năm canh gào thét. Thảm biết chừng nào”. 

Vì lẽ đó, vào Lễ kỳ yên, ngày xưa người dân có lệ đi dẫy mả nghĩa trủng là vậy - không ngoài ý nghĩa uống nước nhớ nguồn. Tục lệ tốt đẹp này, liệu có còn?

Nghĩ xong lại đọc

Khi viết về đình miếu, lễ hội dân gian miền Nam, tiếc là nhà văn Sơn Nam không cung cấp cho chúng ta biết văn bản cúng tế thuở ấy. Trộm nghĩ, khảo sát từ văn bản ấy, ta có thể tìm thấy dấu vết của nhiều điều cực kỳ thú vị. Chẳng hạn, thời nhỏ, trăm lần như một, hễ mỗi chiều đi chợ về, bao giờ bà mẹ cũng lôi tuột y ra cái giếng nhà ông ngoại ở trước sân, vừa kỳ cọ vừa xối nước vừa mắng: “Mi chơi cái chi mà nhớp như lồi?”.

Vậy lồi là gì?

Tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue) tập X in năm 1923, có bài Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam của bác sĩ A.Salles. 

Ông cách lý giải: “Lồi” có nghĩa là mọc từ đất, nhưng lại ứng dụng vào rất nhiều sự vật thông thường liên quan với một kỷ niệm Chàm. Ta có thể căn cứ vào điều này để chứng minh các định nghĩa thứ hai của Gabriel trong từ điển của ông: “Người Lồi” là người của nước Cham-pa, có được không? 

Tại Quảng Nam, tôi không hề thấy tiếng gọi tên này được vận dụng trực tiếp cho người đã bị mai một, nhưng tôi nghĩ rằng đối với người An Nam, ý tưởng nằm trong định nghĩa này là nhắm vào đồ vật và nơi chốn. Họ gọi thành Lồi để chỉ các hào lũy phòng thủ xưa kia của người Chàm. 

Một địa điểm xưa kia được gọi là “cồn lồi”, một địa điểm khác xưa kia có cây mít to, được gọi là “mít lồi” và đây là một địa điểm rộng có nhiều gạch cho thấy một công trình xây đắp bị đổ nát (NXB Thuận Hóa - 2002, tr.222).

Vậy, “lồi” có liên quan đến người Chàm?

Trả lời câu hỏi vốn đã từng gây nhiều tranh cãi, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã khảo sát từ văn bản cúng đất của cư dân miền Trung. Theo ông, lồi chính là “người Lồi”: “Tôi thấy ở Thừa Thiên, Quảng Nam, ngày trước lễ cúng tá thổ thường cử hành trọng thể. Tá thổ là thuê, mướn đất... Lễ này của đạo giáo, các phù thủy giữ vai trò liên lạc với người khuất mặt bằng những lối riêng để đạt những yêu cầu nào đó của người sống. Lễ tá thổ sở dĩ có vì hai lý do: để an ủi tiền dân vì đã mất đất đứng và để xin tiền dân đừng vì cơn phẫn nộ truyền kiếp mà khuấy phá kẻ hậu sinh. 

Trong các văn tế từ Thừa Thiên (tôi chưa khảo sát những vùng khác) vào Quảng Nam, dù lời văn có khác nhau, song đại ý đều chỉ đối tượng đầu tiên là: “Chủ Ngung, Man Nương”, rồi tiếp theo lời khấn vái các cô hồn khác:

Lồi, Lạc thương vong
Chàm, chợ, mọi rợ
Đăng chủ hương hồn
Đồng lai cộng hưởng

Hai câu sau là lời mời tiên dân về xơi cỗ, hai câu trước nêu lên các sắc dân. Điều đáng quan tâm ở đây: không phải người Chàm là chủ nhân ông trước tiên mà còn có những sắc dân khác đã tạo dựng nên lịch sử vùng đất này.

Từ Lồi phổ biến đến nỗi những di tích cũ của Chàm, dù thành, quách, tượng... cũng bị Lồi hóa. Thành đất ở Quảng Trị, Huế và Quảng Nam, gần Túy Loan (Đại Lộc hiện nay vẫn còn di tích) đều được gọi là thành Lồi. Bà Thiên Y A Na, trong các văn tế cũ (chẳng hạn làng Phước Ninh - Đà Nẵng) cũng gọi là Lồi Phi phu nhân. 

Một số tượng nơi này, nơi nọ cũng gọi tượng Bà Lồi. Vậy Lồi là một sắc dân có thật, không phải là Chàm, chỉ bị người sau vì thói quen đồng hóa với Chàm. Văn tế minh xác điều ấy, không lầm lẫn được” (Địa chí Đại Lộc, NXB Đà Nẵng - 1992 tr.18-19).

Thiết nghĩ, cách giải thích “lồi” trong phương ngữ Quảng Nam: “Nhớp như lồi” của ông Nguyễn Văn Xuân thuyết phục hơn cả. Tất nhiên, trong các cuộc cúng tế ấy, không thể thiếu động tác bái/ vái/ lạy mà ta vừa bàn qua. Lạy có nhiều cách lạy, tự dưng nhớ đến câu này: Lạy như tế sao/ Lạy như chày máy - hàm nghĩa vái lạy lia lịa, ca cẩm van xin luôn miệng như động tác của người tế trời đất. Tế là cúng dâng trọng thể, có chiêng trống nhặt khoan, có văn tế /văn cúng xướng lên du dương trầm bổng thống thiết.

Vậy, “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây” thì “tế” cũng hiểu theo nghĩa này? Ai cũng quả quyết rằng, không. 

Tế trong ngữ cảnh này là chạy mau, chạy đều, chạy bon bon, chạy phăm phăm ngon lành cành đào. Ngon như cỡ xưa nay đã có nhiều quan chức nhà ta hễ thấy văn bản trình lên là nhắm mắt ký rẹt rẹt, không thèm nhìn, thèm đọc, để đến khi dư luận phản ứng ầm ầm thì lại thốt lên não nùng như than như khóc như trêu như đùa: “Tiên sư thằng đánh máy”.

Lúc ấy, đột nhiên “Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc” chứ gì?

Lê Minh Quốc
.
.