Khi chủ nghĩa tối giản gặp thời

Bài 4: Tái quy tâm văn xuôi cổ điển

Thứ Ba, 07/05/2019, 17:12
Trong sự sinh động, đôi khi là vụng về bắt chước phương Tây, của các thủ pháp nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại, thật đáng chú ý, có một cung cách xem chừng nền nã, ý tứ nhưng cũng hết sức hiệu quả và gây hấp dẫn không ngờ: tái dụng các mô hình viết của văn xuôi cổ điển, trước hết là truyện kí và truyện ngụ ngôn, để diễn đạt chính xác, đích đáng những cảm xúc, cái nhìn mới mẻ. 

Chính nhờ các mô hình này, vốn đã chinh phục thời gian nhờ sự chắc chắn, bền vững đến khó tin của cấu trúc biểu nghĩa mà tư duy tối giản hiện đại có thể phóng túng, tự do đẩy đến cùng các dự tính sáng tạo độc đáo.

1. Là nhà văn hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp không bắt chước thao tác “thuật nhi bất tác” nhưng việc tiếp nhận Sử kí, truyện kí của văn học cổ điển chắc chắn khiến ông chủ động tìm cách cải dạng lối viết truyện kí. 

Trước tiên, trong vai người kể chuyện, ông thường cải dạng tác giả truyện kí ở điểm tạo tác văn bản. Các tác giả truyện kí, liệt truyện, như Lê Quý Đôn phải “tìm cả sách tạp, các bản sót, các liệt truyện, các dã sử, văn khắc…”; Phan Kế Bính đã “kê cứu trong chính sử và các tạp kí”. Cách thức, mục đích sản xuất văn bản, như vậy, chấp nhận cả sự sai sót, khuyết thiếu và sửa chữa. 

Với Nguyễn Huy Thiệp, trong Kiếm sắc, người viết truyện cho biết đã có nhiều người giúp ông “sưu tầm, chỉnh lí những tư liệu cần thiết”; trong Vàng lửa thì nhấn mạnh “khi viết, tôi có tự ý thay đổi một vài chi tiết phụ và sắp xếp, chỉnh lí lại các tư liệu để hợp với việc kể chuyện”; trong Phẩm tiết, ngoài thông tin điền dã, còn thêm băn khoăn “phải là người mơ mộng và nghiêm khắc mới hiểu rằng biết hoặc không biết, đều chỉ là những ước lệ mơ hồ”. 

Điều này không những tạo không khí nệ sử mà còn tạo “bẫy đọc” cho những người chỉ truy vào cái gọi là sự thật của câu chuyện. Các sự kiện, chi tiết lịch sử với những thân danh cụ thể nhưng qua bàn tay sắp xếp của người kể chuyện, hiển nhiên, đã được bồi đắp, sáng tạo hoàn toàn. 

Cũng có trường hợp như Thương nhớ đồng quê, người kể chuyện đính kèm ba tiểu truyện khiến tác phẩm mang hình hài của kiểu nhân vật chí dù về bản chất, nó chỉ kéo dài thêm tình cảnh, số phận của lớp người đang là chủ nhân vùng tụ cư làng xóm nghèo khó. 

Trường hợp khác (Thương cho cả đời bạc) thì tiểu sử và giai thoại còn chiếm dung lượng lớn như thể người viết chẳng cần bận tâm đến quyền năng tác thuật của mình. Nhưng chính bởi lối pha trộn đó mà nhân vật của sử liệu còn có thêm những khía cạnh phi chính thống, cùng cơ hội gắn vào đời sống hôm nay khăng khít hơn. 

Rõ ràng, ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp đã rất mực tự do, chủ động trong thế ứng xử “noi theo” tác giả trung đại, ít nhất ở việc tân đính, tân biên chấp chới vô số bịa đặt, thêm bớt không thể kiểm chứng. 

Các kiểu loại nhân vật trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp khá đa dạng. Từ người anh hùng, danh nhân, những người lao động, những bậc nghĩa hiệp cho đến những tên lưu manh, lừa lọc, du thủ du thực. 

Ngoài hành tích đáng lưu danh sử sách của những bậc anh hùng, Nguyễn Huy Thiệp cũng tỏ ra hứng thú với việc tạo hành tích của lớp người ngoài lề, vị thế khiêm nhường, lớp người mà trong biến động thời cuộc sẽ nổi lên nhờ vào tài xoay sở, mánh lới của mình. 

Sự xuất hiện của họ gợi nhắc tính hấp dẫn, hỗn tạp, phiêu lưu mạo hiểm từng bị che giấu dưới lớp vỏ nghiêm trang, đứng đắn, chuẩn mực của văn học sử thi. Họ gây ấn tượng mạnh vì dục vọng ham sống, không cam chịu, bất tuân phục và thường tìm được giải thoát dù giữa thời cuộc mạt vận và khó khăn thế nào.

Như Tang thương ngẫu lục đã nhắc đến những thân danh giờ đây là vô danh, Nguyễn Huy Thiệp cũng “liệt truyện hóa” những cá nhân chìm nổi, bị sỉ nhục, bị bỏ mặc trong bối cảnh khủng hoảng sinh kế và nhân tính. Càng khôi phục những nhân vật “bất hảo”, nhà văn càng hối thúc cái nhìn biện hộ, chiêu tuyết và cảm thông.

2. Nguyễn Huy Thiệp từng gây ám ảnh vì những câu thoại ngắn, thường chỉ có cụm danh - động từ làm chủ vị mà không có tình thái từ xen giữa. Tướng về hưu, Không có vua trở thành kinh điển của những pha đối thoại phi sắc thái khi cả người nói và người nghe đều chỉ tồn tại sau những động từ “bảo”, “nói”, “hỏi” khô khốc. 

Bản thân những mẫu câu này không phải quá mới (truyện kí và tiểu thuyết trung đại đã thành mẫu mực) nhưng trong bối cảnh xã hội chuyển đối, cái khung đối thoại như vậy gợi ra sự rời rạc, bát nháo, phi phương hướng và mất kết nối. 

Vì thế, những khoảng trống, vô âm, sự im ắng bên trong như một nín nhịn, chịu đựng, bất khả tri dường như càng lớn hơn và nó báo hiệu sẽ có tai ương khó đoán. 

Khi đời sống thực tại thâm nhiễm sâu những cuộc nói chuyện “nội bộ” vô cùng khó lĩnh nhận như gia đình tướng Thuấn (Tướng về hưu) thì không mấy ai dám chắc quyết bản chất thực sự của những uẩn khúc ẩn giấu. 

Trình bày kinh nghiệm viết văn của mình, Nguyễn Huy Thiệp không ít lần nhắc đến bài học giản dị, chính xác: “Chính xác ở ngôn từ thể hiện. Chính xác ở bản thân sự kiện. Chính xác ở tư tưởng […] Chính xác cũng là một điều kiện thiết yếu của cái Đẹp”.

Khổ công lao động ngôn từ để đạt tới những tiêu chí này, theo nhà văn, đòi hỏi sự “kiên nhẫn vừa thủ công, vừa bác học ở người nghệ sĩ”. 

Việc ông quay về và tái quy tâm (recentered) điều mà ông gọi là “giá trị truyền thống”, xét trên bình diện cấu trúc tác phẩm, còn thể hiện đậm nét ở lớp văn hóa nội sinh như lễ - tết - hội, các nghi thức làng xã, quang cảnh sông nước để từ đó, nhìn thấu đời sống, bản tính cộng đồng Việt và nhất là, tư tưởng Lão Trang để đẩy sự chuyển hóa theo ngũ hành: Những người thợ xẻ có 5 nhân vật; Không có vua cũng có 5 anh em trai; kịch Còn lại tình yêu có 5 hồi; kịch Suối nhỏ êm dịu có 5 nhân vật… 

Sắp xếp như vậy không phải chỉ để kể chuyện rành mạch, tiếp nối trình tự mà ở bề sâu, còn dự sẵn cái nhìn chuyển hóa của đời sống: sướng ít khổ nhiều, bĩ cực thái lai, phúc họa đi liền, tốt xấu thiện ác cùng gắn bó. 

Các sự kiện, nhân vật tương sinh tương khắc như sự vận động của ngũ hành, có trước có sau, thường đa nghĩa, đa tính cách và cũng như tính chất vũ trụ, kết cấu của tác phẩm trở nên chặt chẽ, hài hòa.

3. Tính hữu dụng của cách kể cổ điển, trong chừng mực nào đó, có thể nhận ra ở loại truyện cực ngắn (“truyện chớp”) mà khá nhiều nhà văn trẻ từng theo đuổi. 

Các tập truyện tạo dấu ấn như Những tàn dư mưa (2011), Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (2011), Ngón tay út (2011), Màu cỏ xanh trong suốt (2013) cho thấy tính cách của thể đoản ngôn, và xa hơn, là ngụ ngôn. 

Nhà nghiên cứu Pamelyn Casto đã nhận định rất chính xác rằng, khuôn thức của dạng truyện cực ngắn được kế thừa từ thể ngụ ngôn của Aesop xa xưa. Và các văn hào, những bậc thầy truyện ngắn thế giới như A. Chekhov, O. Henry, J. Borges, D. Barthelme, J. Updike, J. Oates, R. Carver…, đều đã từng thể nghiệm và làm phong phú thêm cách viết thật ngắn, dồn nén nhưng luôn đa tầng biểu nghĩa. 

Khi các tác giả trẻ Việt quay về với truyện cực ngắn, thật ra, là một chủ ý tìm khả năng mô tả, phóng chiếu thế giới bằng muôn vàn ô cửa, vô số lăng kính. Nhiều truyện cực ngắn chỉ có vài câu, vài chục chữ mà nếu so với hằng hà status “triết lý” trên facebook, nó thậm chí còn ít ỏi hơn. Nhưng sức mạnh của thắt nút, cao trào hay bóng bảy, mơ hồ, gợi tưởng ở truyện cực ngắn thì không dễ gì bì nổi. 

Chẳng hạn, về bi kịch đời người: “Cô tôi da vàng mũi tẹt. Hành nghề trang điểm cho người sống và cả người chết, nhưng cả đời cô không thể trang điểm cho chính mình. Cho đến khi chết đi” (An nam phụ); về một nguyên cớ sâu xa: “Những quả táo héo nằm lăn lóc giữa vườn địa đàng. Vướng cả vào bước chân quàng xiên của Adam làm gã này trượt ngã khi gã tưởng mình sắp trở thành Thượng đế. Eva, nàng chỉ là một cái cớ hay tuyệt” (Adam, Eva và những quả táo héo); về khao khát ẩn ngầm: “Để không bao giờ viết nữa, hắn ngồi mài mười đầu ngón tay xuống đá ngày này sang ngày khác cho đến khi hai bàn tay trụi lủi. Khi đó, hắn lại bắt đầu công cuộc tập viết bằng các ngón chân” (Cuộc đời tẻ nhạt)… 

Cực ngắn, như vậy, phải đẩy đến cùng một ẩn ý, một cảm xúc vụt lóe hoặc một trạng thái, cảm giác sống khó diễn giải dưới khuôn khổ giảm thiểu nhất. 

Có nghiêm ngắn, mực thước nhưng cũng có bông đùa, hài hước; có phong vị tĩnh lặng suy tư của Thiền nhưng không thiếu những pha trộn carnaval huyên náo, hỗn tạp của cảm quan hậu hiện đại, lối viết truyện cực ngắn, theo tôi, thách thức mọi tay nghề công phu. 

Làm nên giàu có vô tận trong một căn phòng hẹp, mượn lời của J. Keats, há chẳng phải là “ít hóa nhiều” mà tất cả chúng ta, bất luận mệt mỏi thế nào, đều tin tưởng theo đuổi trong đời sống nghệ thuật hôm nay đó sao?

Mai Anh Tuấn
.
.