Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước

Thứ Sáu, 09/01/2015, 15:37
Quân đội nhân dân Việt Nam - Bộ đội Cụ Hồ, bộ phận trọng yếu trong cấu thành cách mạng từ giữa thế kỷ XX tới nay. Nhìn tổng thể, quân đội ngày nay cũng chính là sự kế tục nền móng cách mạng “đại nghĩa thắng hung tàn”, “chí nhân thay cường bạo” được tạo dựng, hun đúc suốt chiều dài mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Truyền thống ấy từng rạng danh từ thời nhà Trần. Truyền rằng, Hưng Đạo Đại Vương làm quan đến đời vua Anh Tông thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Khi ngài sắp mất, vua Anh Tông có ngự giá đến thăm, thấy ngài bệnh nặng, nhà vua mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân giặc lại sang thì làm thế nào?”.

Hưng Đạo Đại Vương tâu rằng: “Đánh giặc ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thời thì khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả”. Ngẫm ấy cũng là mạch nguồn cội rễ quyết định mọi chiến thắng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta trải suốt chiều dài lịch sử.

Chính quân đội nhà Trần là quân đội đầu tiên của nhà nước phong kiến Việt Nam có được một hệ thống lý luận quân sự thống nhất trong toàn quân với các bộ binh thư có giá trị như: Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp tông bí truyền thư do Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc, nhà quân sự thiên tài soạn thảo để toàn quân học tập.

Thế kỷ XX, xác định xây dựng lực lượng cách mạng với các hạt nhân vũ trang đã được Bác Hồ đặt ra từ những ngày đầu thành lập Đảng. Đến tháng 12/1944, tại Pác Bó (Cao Bằng), Người chỉ định đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công tác thành lập lực lượng vũ trang tập trung, lấy tên “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân”. Người khẳng định: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc vào Nam, khắp đất nước Việt Nam”.

Năm 1949, trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, Người chỉ rõ: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước yêu dân, cho nên hy sinh gian khổ. Quân đội ta luôn giữ gìn và phát huy truyền thống anh dũng của quân đội giải phóng Việt Nam và đạo đức cách mạng gồm trong 10 điều kỷ luật”.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong ngày 19/9/1954 tại Đền Giếng trước khi về tiếp quản Thủ đô. Ảnh: Tư liệu.

Trong thư gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ ngày 22/12/1959, Người căn dặn: “Phải trau dồi đạo đức cách mạng, đoàn kết, khiêm tốn, hết lòng vì Đảng, vì nhân dân. Phải nâng cao chí khí chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hoà bình”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử 70 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta thấy sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ ở việc quyết định thành lập một tổ chức quân sự kiểu mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn cho thấy những tư tưởng cơ bản, chỉ đạo xuyên suốt trong việc tổ chức, xây dựng một quân đội cách mạng để giành và giữ chính quyền.

Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được coi như Cương lĩnh quân sự của Đảng (như đánh giá của đồng chí Trường Chinh), trong đó vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng là dựa vào phong trào vũ trang toàn dân, bản chất cách mạng chính trị trọng hơn quân sự, chức năng của quân đội kiểu mới (ngoài chức năng chiến đấu, còn có chức năng vận động, tuyên truyền quần chúng). Đồng thời, chỉ ra nghệ thuật tác chiến của đội quân này (vận dụng lối đánh du kích, nhanh chóng, tích cực, bí mật, bất ngờ).

Với quan điểm, tư tưởng xuyên suốt đó, 70 năm qua, từ đội quân thuở ban đầu chỉ có 34 chiến sĩ, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, có đủ các lực lượng: Hải - Lục - Không quân ngày càng vững mạnh, chính quy, hiện đại, thực sự là lực lượng chiến đấu, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Ngày nay, nhìn lại thành quả vững chắc của Quân đội suốt 7 thập kỷ, quả đúng như lời tiên đoán của Hồ Chí Minh: “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang”.

Trong Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng và 45 năm thực hiện Di chúc của Người, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ rõ, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nguyện một lòng đoàn kết thực hiện lời căn dặn của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, lời căn dặn của Bác tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng, của các bậc tiền nhân, đồng thời nhắc nhở ý thức trách nhiệm giữ nước của cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong, của Quân đội nói riêng và của chúng ta - những người dân nước Việt nói chung.

Thế kỷ XXI, nhân loại đang chứng kiến sự đột phá vượt bậc của các loại vũ khí có khả năng gây thương vong vô cùng lớn, đặc biệt là vũ khí hạt nhân. Cuộc chạy đua vũ trang ở nơi này hay nơi khác, lúc dịu đi, lúc nóng bỏng nhưng ở bất kỳ trạng thái nào cũng hàm chứa mối nguy hiểm tước đoạt sự sống con người. Khi những điểm nóng xảy ra ở nơi nào đó trên quả địa cầu này, nếu những cái đầu bốc hỏa không được kiềm tỏa bởi lý trí và trái tim thì sự sống bị đe dọa nghiêm trọng trước cú ấn nút đầu đạn và nó sẽ là thảm họa nếu đó là đầu đạn hạt nhân. Bởi bối cảnh và những hiểm nguy đe dọa như thế, nhân loại hơn lúc nào hết đang cần sự chung sức ở điểm tựa vì hòa bình, ổn định và phát triển.

Và thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái khẳng định nhiều lần tại các diễn đàn quốc tế là “lòng tin chiến lược”. “Lòng tin chiến lược” chính là sự thực tâm và chân thành, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia, nhất là các nước lớn và hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương, bình đẳng giữa các thành viên. Với tư cách một quốc gia có vị trí chiến lược và vai trò quốc tế quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương đứng trước nhiều dòng chảy dịch chuyển của các mối quan hệ quốc tế lớn nhỏ, Việt Nam kêu gọi các nước đặt “niềm tin chiến lược” như một điểm tựa để đảm bảo hòa bình, ổn định và hợp tác.

Là một quốc gia chịu nhiều đau thương, mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, chúng ta khao khát, chúng ta mong muốn hòa bình để xây dựng đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Nhưng hòa bình không thể chỉ khát khao mong muốn mà có. Chúng ta phải mạnh lên về mọi mặt - cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, với khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.

Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ vững được hòa bình, mới bảo vệ được vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Bởi vậy, tại lễ thượng cờ tàu ngầm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan điểm phải tập trung sức xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… trong đó phải đi thẳng, đi nhanh vào xây dựng hiện đại lực lượng hải quân, không quân, tên lửa và những lực lượng quan trọng khác để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân của chúng ta có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt trong bảo đảm hòa bình, trong phòng thủ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Trong bài viết nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã xây đắp nên truyền thống cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; khơi dậy niềm tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đánh thắng mọi kẻ thù.

Bộ trưởng chỉ rõ, kế tục xứng đáng và phát huy truyền thống đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, có hiệu quả giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nguyện nỗ lực tiếp tục sát cánh cùng Quân đội nhân dân phấn đấu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng tốt mục tiêu “quân cường, nước mạnh” trong thời kỳ mới của cách mạng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đăng Minh
.
.