Ba gương mặt của chủ nghĩa dân túy toàn cầu

Thứ Sáu, 28/12/2018, 16:38
Khi cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tối 19-9-2006 diễn ra, người ta đã liên tưởng đến sự kết thúc của chủ nghĩa dân túy ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là dưới sự mở rộng của quá trình dân chủ hóa toàn cầu, được gọi là làn sóng dân chủ hóa thứ ba (Samuel Huntington). 

Trớ trêu, đó lại là điểm khởi đầu của một làn sóng dân túy toàn cầu mới, không chỉ gây xáo trộn trật tự quốc tế, tạo ra chia rẽ xã hội, mà còn là nguy cơ cho những bất ổn toàn cầu.

Trong vòng hơn một thập niên, làn sóng này lan rộng ra toàn thế giới, không chỉ ở những quốc gia đang phát triển mà đang trở thành trào lưu mới ở những nước phát triển như Hà Lan, Pháp, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng, có lẽ “cú sốc” lớn nhất đối với niềm tự hào của mô hình liberal democracy/dân chủ tự do Âu Mỹ chính là nền cầm quyền của Tổng thống Donald Trump. 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chụp ảnh cùng binh sĩ.

Đây là một nghịch lý vì thế giới đang làm ăn tốt, đặc biệt là các nước phát triển hàng đầu và hệ thống thị trường tự do vẫn chiếm ưu thế. Quy mô nền kinh tế toàn cầu từ năm 1970 cho đến trước khủng hoảng tài chính 2008 tăng 4 lần. 

Lẽ ra đó phải là những nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hạ các hàng rào thuế quan và cổ vũ dòng người tự do đi lại, thay vào đó, họ bầu cho một tổng thổng tuyên bố trước đám đông tranh cử: ông có thể bắn bất cứ ai trong đám đông mà không giảm đi một phiếu bầu nào và chỉ mình ông ta mới giải quyết được các vấn đề của nước Mỹ. 

30 năm trước, tổng thống của nước Mỹ Ronald Reagan hãnh diện đứng trước cổng Brandenburg của nước Đức, thách thức lãnh đạo Liên Xô: “Ngài Gorbachov, hãy tháo dỡ bức tường này!”. 

Hôm nay, nước Mỹ đưa lên một vị tổng thống với lời hứa đầu tiên là xây bức tường biên giới. Điều gì đang diễn ra trên thế giới? Và đâu là nguồn sống của làn sóng dân túy toàn cầu này?

“Chủ nghĩa dân túy” (populism) là một cách thức thực hành chính trị hiện đại, dựa theo truyền thông, thông tin, xây dựng hình ảnh và quảng bá chính sách chính trị nhằm thu hút sự ủng hộ của “đa số dân chúng”. 

Ở một góc độ nào đó thì đây là cách thức mà tất cả các chính trị gia và đảng phái thực hiện để tiếp cận quyền lực. Có điều đối với những người dân túy, điều này được thực hiện bằng những cách thức gây nguy hại nền chính trị, kinh tế và ổn định xã hội.

Có nhiều cuộc tranh luận: thế nào là dân túy, song có thể thấy gương mặt của nó ở 3 góc độ sau:

Thứ nhất, trên địa hạt kinh tế là “bóc ngắn cắn dài”, dùng các chính sách kinh tế mang lại lợi ích trong ngắn hạn để “đánh lừa” dân chúng, lấy phiếu bầu. Trong tương lai, những chính sách này sẽ phản tác dụng, thậm chí để lại hệ quả nghiêm trọng.

Thứ hai, những người dân túy tuyên bố họ là đại diện cho dân chúng, hành động vì lợi ích của dân chúng, tuy nhiên tìm cách lập lờ và lũng đoạn khái niệm “ai là dân”. Thực tế, họ không đại diện cho tất cả dân chúng mà chỉ một nhóm được lựa chọn vì mục đích tranh cử.

Để thực hiện điều này, người dân túy chia xã hội làm hai nhóm quần chúng mà họ là đại diện và nhóm thứ hai là kẻ thù: những người xa lạ, người bên ngoài, dù là tầng lớp elite hay nhập cư. Với họ, lợi ích của quần chúng đang bị các nhóm này thách thức và chỉ có họ mới đủ khả năng giành lại quyền lợi cho quần chúng.

Thứ ba: phần lớn các nhà dân túy vì thế hành động cá nhân, coi mình như người hùng, là người duy nhất giúp đưa ra các giải pháp cho xã hội. Họ coi mình đứng về dân chúng, chống lại các mạng lưới quyền lực cũ, các chính trị gia bị quan liêu hóa. 

Họ mô tả mình như người ngoài cuộc, vì thế có bàn tay sạch và chính sách triệt để, không vụ lợi vì nhân dân. 

Đó là lí do vì sao ứng viên Tổng thống Donald Trump tuyên bố: “Không ai biết rõ về hệ thống này hơn là tôi, [vì thế mà] tại sao chỉ có mình tôi mới có thể sửa được nó?” (Người cuối cùng gần đây nhất nói những câu như thế có lẽ là Benito Mussolini của chế độ phát xít/fascism Italia). 

Danh sách những người hùng như thế có thể rất dài, từ Jean-Marie Le Pen ở Pháp, Geert Wilders ở Hà Lan, Andrés Manuel López Obrador ở Mexico, Rodrigo Duterte ở Philipines, Luigi Di Maio ở Italia, đến Michel Temer ở Brazil...

Điều đáng chú ý là làn sóng dân túy mới nhất này mang màu sắc của chủ nghĩa dân tộc, điều mà người ta tưởng đã chết ở thế giới phương Tây từ sau năm 1945. Đây là sự phản ứng đối với các hệ quả của toàn cầu hóa và chủ nghĩa tự do trong hơn nửa thế kỷ qua gây ra phân hóa trong lòng xã hội Âu Mỹ.

Cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội của chủ nghĩa dân túy ở nhiều quốc gia chính là sự suy thoái của tầng lớp trung lưu. Trong nhiều thập kỷ, những công nhân da trắng chẳng hạn, là trụ cột của nền dân chủ, người đóng thuế chủ yếu để duy trì hệ thống an sinh xã hội. 

Sự cạnh tranh của nền sản xuất công nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ..., chuyển đổi sản xuất công nghiệp sang công nghệ cao, dân nhập cư làm gia tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động... tất cả đánh trực diện vào nhóm này, vì thế, lần đầu tiên, người da trắng phát hiện ra mình là nạn nhân, bị xã hội bỏ rơi và nhận ra thuế hay an sinh xã hội của mình đang bị chia sẻ bởi ngày càng nhiều những người từ bên ngoài nhập cư vào. Và họ đã lên tiếng.

Những người áo ghi-lê vàng ở Pháp là một ví dụ, đã gây ra các cuộc biểu tình bạo lực nhất tại Pháp từ những năm 1960. Ban đầu họ chống lại việc tăng thuế dầu diesel của chính phủ nhưng đằng sau đó chính là một sự phản ứng xã hội rộng lớn của cả người cánh tả và cánh hữu đối với nỗ lực của chính quyền Tổng thống Macron thúc đẩy dân chủ tự do, nhập cư và toàn cầu hóa. 

Trong lập luận của họ, đời sống công nhân Pháp đang đi xuống và họ không thể nai lưng ra để cứu môi trường của nhân loại, trong khi tầng lớp elite và giới giàu có không hề chia sẻ bất cứ nghĩa vụ nào. 

Tổng thống Macron đã phải nhượng bộ, bãi bỏ dự luật tăng thuế đối với nhiên liệu hóa thạch và cam kết tăng lương tối thiểu lên 100 euro trong năm 2019. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế.

Tiếng nói của những người bình dân và tầng lớp trung lưu đang suy yếu này xứng đáng được lắng nghe và phản ánh trong chính sách. Trên nhiều khía cạnh, họ đã đúng khi nhắm vào hệ thống chính trị quan liêu hóa, lũng đoạn bởi các tập đoàn, hay sự suy yếu của các thiết chế toàn cầu. 

Tuy nhiên, điều nguy hiểm là họ sử dụng các công cụ bạo lực, phân biệt đối xử đối với những người yếu thế, nhập cư, hay chống lại các làn sóng trao đổi toàn cầu. Họ tấn công vào chủ nghĩa tự do, vào các thiết chế của nền dân chủ vì coi đó là nguyên nhân cho sự sa sút của mình.

Cuộc bạo động của những người “Áo ghi-lê vàng” ở Paris, 12-2018.

Bầu cử tự do (ở các mức độ khác nhau) là điều dễ làm nhất trong số các tiêu chí của mô hình dân chủ. Vì chỉ cần ban bầu cử, hòm phiếu, máy in là có thể thực hành được điều này. Tuy nhiên, để vận hành nhà nước theo các cơ chế dân chủ theo sau cuộc bầu cử này lại là một vấn đề khác. 

Những người dân túy lợi dụng sự chia rẽ xã hội, đánh vào nỗi sợ hãi của dân chúng và luôn tìm ra kẻ thù, dù là bên ngoài hay một nhóm thiểu số. Tại Thái Lan, chính quyền Thaksin hướng đến các nông dân vùng nông thôn với lựa chọn duy nhất là tới Bangkok làm lái xe taxi. 

Tại Phillipines, ông Duterte đánh vào sự chán ghét của dân chúng đối với tầng lớp chính trị dòng dõi, tuyên chiến với tội phạm và ma túy và thuyết phục rằng chỉ có một bàn tay mạnh của ông mới giúp lập lại trật tự xã hội. Và ông đã thắng cử trong một cuộc bầu cử tự do và dân chủ. 

Nên nhớ rằng bầu cử ở Mỹ, Nga, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Pakistan... được tiến hành một cách dân chủ (ở các mức độ khác nhau). Tuy nhiên, những người dân túy này đang làm chia rẽ sâu sắc xã hội, tạo ra xung đột cả trong nước và quốc tế.

Sự lúng túng của các hệ thống chính trị toàn cầu với làn sóng dân túy này cho thấy những lỗ hổng của mô hình dân chủ tự do phương Tây và sự “già cỗi”, kém linh hoạt của nó trong việc giải đáp các vấn đề xuyên quốc gia và toàn cầu. 

Liên minh châu Âu đang đứng trước thách thức lớn nhất trong lịch sử của mình, một trong các nguy cơ chính là việc nó sẽ bị xé nhỏ bởi các phong trào dân túy dân tộc chủ nghĩa trong lòng mỗi quốc gia thành viên.

Khi học giả Francis Fukuyama viết cuốn sách về Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng, ông tin rằng số phận của lịch sử đã được định đoạt với sự chiếm ưu thế của nền dân chủ tự do của phương Tây. 

Tuy nhiên, rõ ràng những gì diễn ra cho thấy giới hạn của nền dân chủ và tự do phương Tây đối với nhiều vấn đề toàn cầu. Đây là lúc mà các thiết chế này cần những điều chỉnh và thích ứng mới.

Lịch sử rõ ràng đã tiến vào những khúc cua không thể lường trước. Những gì diễn ra ở nước Mỹ cho thấy rắc rối và phiền hà của nền dân chủ, nơi có quá nhiều quyền lực ràng buộc lẫn nhau. 

“Điểm yếu” của hệ thống phân chia và cân bằng quyền lực này là một nhóm nhỏ bất kỳ nào đó có thể “lũng đoạn” việc ban hành, thông qua, hay xóa bỏ các luật và quyết định quan trọng, thậm chí những thay đổi đó được cả xã hội thấy cần thiết (ví như hơn 90% người Mỹ thấy cần thiết phải thay đổi hệ thống pháp luật liên quan đến quyền sử dụng súng).

Trong trung hạn và ngắn hạn, Trung Quốc, dường như đang cung cấp một mô hình được quảng bá với tính “hiệu quả” trong việc ra các quyết sách và điều hành nền chính trị và ngày càng có nhiều nước coi đây là mô hình để “cạnh tranh” với mô hình dân chủ tự do của Mỹ và châu Âu. Nhưng thực tế, cuộc cạnh tranh này như thế nào thì vẫn phải chờ thời gian trả lời.

Vũ Đức Liêm
.
.