Anh “ly dị” EU: “Ngư ông đắc lợi” và bài học dành cho châu Á

Chủ Nhật, 31/07/2016, 12:44
Ngày 24-6-2016, sau khi bày tỏ mong muốn được tách ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), 52% dân số nước Anh đã làm thị trường chứng khoán toàn cầu mất 2.000 tỷ USD, giá đồng bảng Anh giảm 31% và theo đánh giá của công ty xếp hạng tín dụng Moody thì xếp hạng nợ của nước Anh lập tức bị hạ cấp từ “ổn định” xuống mức “xấu”.

Những nhà quan sát cho rằng Brexit là động tác quay lưng lại với châu Âu, là đòn đánh nặng nề vào quá trình toàn cầu hóa. Những hậu quả tệ hại mà nó mang lại đã có thể thấy rõ nhưng không hẳn bức tranh sẽ toàn màu xám. Ai sẽ hưởng lợi từ sự kiện này và bài học rút ra cho châu Á mà trực tiếp là khối ASEAN là gì?

Brexit - Trung Quốc hưởng lợi

Sau Brexit có thể thấy hai vấn đề ảnh hưởng tới Trung Quốc. Một là do rất nhiều công ty Trung Quốc coi Anh là đầu cầu để tiến quân vào EU, hiện nay Anh đã rời khỏi EU thì những trụ sở do các công ty này xây dựng đã trở nên không còn nhiều ý nghĩa nữa. Vấn đề thứ hai là về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố phải biến London thành trung tâm giao dịch đồng nhân dân tệ. Sau sự kiện Brexit thì địa vị tài chính của Anh cũng có phần sút giảm, điều này là không có lợi đối với việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Hai vấn đề này xem chừng rất nghiêm trọng nhưng trên thực tế cũng không phải vấn đề gì lớn.

Anh là một nền kinh tế lớn, GDP chiếm 20% tổng lượng của EU và đứng thứ 6 toàn cầu. Các tập đoàn đa quốc gia mở trụ sở khu vực tại Anh hoặc di dời sang Berlin hoặc Paris cũng là việc dễ dàng. Còn nói về việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ thì sau khi rời khỏi EU, Anh sẽ chỉ càng dựa thêm vào Trung Quốc để tìm kiếm sự độc lập về kinh tế và thúc đẩy sự quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trở nên nhanh chóng hơn mà thôi.

Chỉ có như vậy, địa vị trung tâm tài chính của London sẽ được duy trì và củng cố. Đồng bảng Anh vốn luôn duy trì tính độc lập, không tham gia hệ thống đồng euro. Anh cũng từ chối tham gia Hiệp ước Schengen. Lợi ích then chốt của việc lưu thông tiền tệ và nhân sự đều không suy giảm, thì việc Anh gia nhập EU chỉ là hình thức.

Nói về ảnh hưởng đối với Trung Quốc có thể thấy rõ ràng là một châu Âu bị chia rẽ sẽ chỉ càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Một EU không có Anh khi đàm phán mọi vấn đề với Trung Quốc đều sẽ giảm bớt phí tổn. Anh đã rút khỏi châu Âu và muốn nỗ lực thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, EU không thể đi sau để người Anh hưởng lợi.

Do quan hệ cạnh tranh này trên các phương diện như tiếp cận thị trường, tự do thương mại và tự do hối đoái tiền tệ,… Trung Quốc đều hứa hẹn đạt được nhiều lợi ích từ các cuộc đàm phán cùng lúc với cả Anh và EU. Sẽ là thiển cận nếu cho rằng Trung Quốc gặp cản trở trong phương diện khai thác thị trường EU và thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau sự kiện Brexit.

Vấn đề lớn mà phương Tây phải đối mặt chính là chế độ dân chủ của họ, trên phương diện pháp lý cơ bản nhất không thể đối phó với thách thức mới. Lý luận dân chủ không thể phản đối trưng cầu ý dân, cũng không có cách nào hạn chế dân chủ cực đoan, bất lực đối với sự truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan, tiếp tục phát triển theo hình thức hiện tại thì xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn và trì trệ là tất yếu.

Nhưng Trung Quốc thì khác, ý thức hệ của quốc gia này vô cùng nhấn mạnh sự gắn kết ý chí quốc gia, nếu muốn dựa vào các biện pháp như trưng cầu dân ý để chia rẽ đất nước là không thể. Vì vậy trước mối đe dọa lớn đối với tình hình thế giới sau sự kiện Brexit thì ý thức hệ và văn hóa truyền thống của Trung Quốc tỏ ra có lợi hơn so với phương Tây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron.

Rất rõ ràng, Trung Quốc có thể từ cơ bản ngăn chặn các phương thức dân chủ như trưng cầu dân ý để tạo sự chia rẽ và bất ổn, có thể từ cơ bản để chống lại và đề phòng sự truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan.

Có thể thấy, sự kiện Brexit chỉ là một tác động nhỏ đối với Trung Quốc mà thôi. Mặt lợi của nó là chủ yếu và dài hạn, ảnh hưởng bất lợi là thứ yếu, ngắn hạn. Chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc đều có thể lợi dụng quan hệ cạnh tranh giữa Anh và EU, bước khai thác thị trường châu  Âu. Trong cuộc khủng hoảng bất ổn thế giới này, Trung Quốc trở thành “cảng tránh gió” an toàn về kinh tế với vai trò của đồng nhân dân tệ được thể hiện rõ nét.

Những bài học cho châu Á

Sau Brexit, giới quan sát Đông Nam Á đặt ra câu hỏi: Liệu điều này có thể xảy ra ở ASEAN không? Câu trả lời là không. Có thể thấy rõ rằng tất cả chính phủ các nước thành viên ASEAN vẫn nhận thấy lý do ban đầu cho sự thiết lập và tồn tại là có giá trị, tạo ra và duy trì hòa bình và an ninh khu vực, và ngăn chặn các siêu cường phân chia Đông Nam Á thành những khu vực nhỏ hơn và thù địch lẫn nhau. 

Việc duy trì hòa bình và an ninh khu vực sẽ đòi hỏi phải có một ASEAN mạnh mẽ và thống nhất với khả năng theo đuổi sự hợp tác mang tính xây dựng với các đối tác bên ngoài.

Sự khác biệt rất lớn giữa ASEAN và EU là các quốc gia trong ASEAN hoàn toàn không có bất kỳ nghĩa vụ tiếp nhận người tị nạn. Do đó các nước thành viên ASEAN nói chung không phải đối mặt với áp lực di cư bên trong khu vực hay dòng người tị nạn đổ vào theo cách mà EU đang phải hứng chịu. Khác biệt tiếp theo là không có một cơ quan nào của ASEAN có thể ban hành và áp đặt các quy định về pháp lý ràng buộc gây bất tiện cho bất kỳ một quốc gia thành viên.

Trong bài viết của mình, Phó Giáo sư Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Viện nghiên cứu An ninh và Quan hệ quốc tế, Đại học Chulalongkorn Thái Lan cho rằng bài học chính từ Brexit cho châu Á là phải theo đuổi sự hợp tác lâu dài trong khu vực mà không cần phải hội nhập bằng mọi giá.

So sánh các quan hệ hợp tác còn non trẻ của ASEAN với tiến trình hội nhập đầy ấn tượng của châu Âu có thể thấy rõ chủ nghĩa khu vực đầy khát vọng của Đông Nam Á được tiếp nhận kiến thức từ sự vươn lên có phương pháp của châu  Âu, từ một liên minh thuế quan đến thị trường duy nhất và cuối cùng là một thực thể chính trị và kinh tế chính thức , chính sách an ninh quốc phòng tập thể, cộng đồng dân cư tương đối không biên giới và một đồng tiền chung.

Bằng lá phiếu của mình, cử tri Anh đã quyết định tách nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu.

Giờ đây mọi sự đã thay đổi. Quyết định rời bỏ EU của Vương quốc Anh sau 43 năm thành viên chỉ đơn thuần là biểu hiện mới nhất cho mớ bòng bong thiếu hấp dẫn của châu Âu. Nợ, khủng hoảng tài chính, những dòng người di cư và tị nạn đã tạo thành một bức tranh ảm đạm của cuộc khủng hoảng được dự báo trước.

Trở lại với châu Á, ASEAN đã trở thành điểm tựa cho việc xây dựng cấu trúc khu vực, nhưng với sự thành công còn hạn chế. Nếu châu  Âu đã đi quá xa với hội nhập kinh tế và liên minh chính trị, thì ASEAN vẫn đi chưa đủ xa. Vẫn cần phải làm nhiều hơn trong việc thể chế hóa các không gian hợp tác của ASEAN.

Phương cách hội nhập của ASEAN lỏng lẻo về cấu trúc và cơ bản là không có tính ràng buộc dựa trên các tiêu chuẩn chức năng và các kế hoạch kết nối thực tế chứ không phải là các hiệp ước siêu quốc gia mang tính pháp lý. EU vẫn có thể tập hợp lại và tự tái tạo bằng cách cải cách nội bộ và lùi bước để giảm bớt hội nhập đến mức phù hợp với các nhu cầu và xua tan những lo lắng của cộng đồng dân cư. Brexit đã dẫn đến việc châu Á được chú ý nhiều hơn khi sự dịch chuyển quyền lực và của cải toàn cầu sang khu vực đông dân nhất hành tinh này.

Có thể châu Á không muốn tiến gần mức độ hội nhập như châu Âu nhưng châu lục này cần hợp sức và hợp tác nhiều hơn, với vai trò  trung tâm là ASEAN. Đây chính là lúc tăng tốc sự hợp tác trong khu vực trong các không gian và thời gian hiệu quả với mục đích cuối cùng là đạt được sự hội nhập có kiểm soát và chọn lọc.

Đình Nguyễn
.
.