Học giả trong mắt phu nhân

“Anh Bách là một người đàn ông hoàn hảo”

Thứ Hai, 07/01/2008, 14:00
"Thú thực lòng mình, với tôi anh ấy chỉ là anh Bách, một người chồng hoàn hảo và tài năng. Tôi yêu anh, sống với anh bởi ngoài trí thông minh, sự cần cù chịu khó trong việc học hành, anh là người có tố chất của một nhà khoa học. ", PGS - TS Nguyễn Thị Nga (vợ Phó Giáo sư Tôn Thất Bách) , Trưởng khoa Huyết học truyền máu, Bệnh viện Việt - Đức  tâm sự.

Tôi không bao giờ có cảm giác mình là vợ của một vị phó giáo sư khả kính và tôi đang sống cùng với vị phó giáo sư đó. Mặc dù chồng tôi, Phó Giáo sư - Viện sỹ Tôn Thất Bách là một người rất thành đạt về công danh và có học hàm học vị cao.

Chúng tôi chỉ hơn nhau hơn 1 tuổi, cùng là sinh viên của Đại học Y Hà Nội. Ngày chúng tôi yêu nhau, anh Bách đang là sinh viên năm thứ 6, trong đội kịch của trường. Tôi là sinh viên năm thứ 3 trong đội múa. Mọi người thời đó vẫn bảo chúng tôi là một đôi "trai tài gái sắc" gặp nhau.

Tôi và anh Bách không phải là một tình yêu thầy - trò. Một tình yêu bắt đầu bằng sự ngưỡng mộ tôn kính của một học trò mê thầy của mình. Chúng tôi là những nam thanh nữ tú gặp nhau và bị khuất phục nhau bởi tài và sắc.

Những năm yêu nhau, anh ấy đã về làm cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Y Hà Nội, năm cuối cùng, anh có hướng dẫn sinh viên chúng tôi độ vài tháng Bộ môn Ngoại khoa, nhưng chỉ rất ít.

Tôi trở thành vợ của anh rồi sau này anh mới học lên phó giáo sư, viện sỹ. Chính vì vậy, tôi hoàn toàn không có cảm giác mình đang yêu, và thành chồng thành vợ với một vị phó giáo sư.

Khi đường đường là một phó giáo sư khả kính cùng làm việc ở Bệnh viện Việt - Đức, quan hệ thầy - trò cũng không có mà chỉ là quan hệ sếp và nhân viên. Chúng tôi ở hai lĩnh vực khác nhau, anh là lâm sàng còn tôi lại phi lâm sàng nên rất ít chung nhau trực tiếp trong công việc. Quan hệ sếp - nhân viên cũng chỉ xuất hiện rất ít ỏi vào các buổi giao ban ngắn đầu tuần.

Chúng tôi có những quy ước khi trở về nhà không mang công việc về theo, vì vậy ở nhà trong vai trò là người vợ, tôi càng không bao giờ thấy bóng dáng của vị phó giáo sư khả kính tồn tại trong quan hệ vợ chồng.

Thú thực lòng mình, với tôi anh ấy chỉ là anh Bách, một người chồng hoàn hảo và tài năng. Tôi yêu anh, sống với anh bởi ngoài trí thông minh, sự cần cù chịu khó trong việc học hành, anh là người có tố chất của một nhà khoa học. Mặc dù thiên về nghiên cứu khoa học nhưng anh Bách không lập dị, hay khác người như một số những biểu hiện vẫn thường thấy ở những nhà khoa học xuất chúng.

Anh Bách là một người đàn ông có tâm hồn phong phú và lãng mạn. Anh Bách nấu ăn rất ngon, tôi thường đi chợ, chuẩn bị các nguyên liệu sẵn sàng để chờ anh vào bếp trong những dịp nghỉ cuối tuần. Anh chế biến món ăn ngon lắm, nhất là canh riêu cá.

Anh cũng là một người cực kỳ sát cá, rất mê môn thể thao câu cá ngoài trời. Thỉnh thoảng tôi và anh đi câu cá và anh bao giờ cũng là tay sát cá cừ khôi. Không lần nào về là không mang theo vài con cá cỡ vài kilôgam. Mùa hè anh cũng thích đi câu ở biển, thường cứ đi dọc bờ biển và câu với một chiếc cần câu lớn, vụt mồi rất xa, như một tay câu cá chuyên nghiệp.

Điều mà tôi kính nể ở anh là tấm lòng hiếu thảo với mẹ (bố anh đã mất). Đó là một người con hiếu thảo bậc nhất với cha mẹ, yêu mẹ, yêu trẻ con vô cùng. Một thú vui của anh nữa là thích chăm cây cảnh, có thể bỏ hàng giờ, hàng ngày để trồng cây, tỉa cành, sang các chậu cây cảnh. Về đến nhà muộn thế, bận rộn thế nhưng anh vẫn dành thời gian ra tưới cây.

Đặc biệt, anh đánh đàn ghi ta rất được. Có những buổi chiều anh vào bếp cùng tôi làm thức ăn, ăn xong anh vào phòng con gái đùa nghịch với các cháu và ôm lấy cây đàn ghi ta chơi những bản nhạc cổ điển cho tất cả con cháu quây quần bên cạnh. Đó là những giây phút thư giãn và ấm cúng của gia đình.

Là một phó giáo sư nổi tiếng trong giới y học, thế nhưng anh Bách có cuộc sống đời thường với vợ con giản dị và dễ chịu lắm.

Anh Bách mất đột ngột, sự thiếu hụt của anh, một người chồng, người cha lâu nay như một cây cổ thụ tỏa bóng bao trùm lấy gia đình, làm cho tất cả những thành viên còn lại đều chênh vênh, đều thiếu hụt. Sự thiếu hụt của một hạnh phúc lẽ ra là toàn vẹn và mỹ mãn

Dương Thục Anh
.
.