Ẩn số của phương trình

Thứ Hai, 01/07/2019, 09:41
Dĩ nhiên là kết quả điều tra về cái chết của nhà báo quốc tế Jamal Khashoggi – sự vụ từng gây chấn động dư luận quốc tế hồi tháng 10-2018 – thế nào cũng sẽ phải được công bố.

Song, điều quan trọng là việc Liên Hiệp Quốc công bố những kết quả sơ bộ vào thời điểm này sẽ tác động thế nào đến chuỗi các sự việc khác đang diễn ra, và ảnh hưởng thế nào đến sự cân bằng chiến lược tại khu vực Trung Đông cũng như toàn cầu?

Cáo trạng đanh thép

Ngắn gọn là ngày 19-6, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc – bà Agnes Callamard – đã công bố chi tiết bản báo cáo độc lập đầu tiên về cái chết của nhà báo Khashoggi. 

Theo đó, bản báo cáo đưa ra những bằng chứng cho thấy rằng không chỉ lên kế hoạch sát hại người này, các quan chức cao cấp nhất của Saudi Arabia còn cẩn thận lên kế hoạch che giấu vụ giết người đó trước cộng đồng quốc tế.

Câu chuyện này sẽ không dễ dàng lắng xuống...

Kết luận điều tra sơ bộ của Liên Hiệåp Quốc có thể được tóm tắt trong 10 điểm:

- Thái tử Mohammed Bin Salman là người chịu trách nhiệm lớn nhất, và cần phải bị điều tra. Vụ sát hại này đã được lên kế hoạch, tổ chức và thực hiện trên danh nghĩa nhà nước Saudi Arabia. Nghĩa là, trách nhiệm thuộc về Hoàng gia Saudi Arabia đang điều hành đất nước, với người đứng đầu là Thái tử Mohammed Bin Salman, theo pháp luật quốc tế về nhân quyền.

- Trước khi tiến hành vụ sát hại, các quan chức Saudi Arabia đã nói dối Khashoggi rằng Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) ra lệnh đưa ông trở về Riyadh. Họ đề nghị ông nhắn tin cho con trai để không gây nghi ngờ.

- Jamal Khashoggi bị đánh thuốc mê và làm ngạt thở bằng túi nilon. Bản báo cáo đề cập tới những âm thanh thể hiện sự vật lộn, thậm chí cả tiếng hè nhau đè giữ nạn nhân xuống.

- Kế hoạch tẩu tán thi thể nạn nhân được thảo luận trước khi ông tới tòa lãnh sự. Có cả tiếng hỏi nhau xem “vật tế thần đã tới chưa?” mà điều tra viên Liên Hiệp Quốc đã được nghe từ các băng ghi âm.

- Vụ sát hại đã được tiến hành hết sức bí mật. Nó được thảo luận bởi các quan chức Saudi Arabia vào ngày 1-10-2018, một ngày trước khi diễn ra. Toàn bộ các nhân viên lãnh sự quán Saudi Arabia đã được lệnh không rời nhiệm sở, vì có khách.

- Kế hoạch sát hại bắt đầu được lên vào ngày 28-9 – ngày mà Khashoggi đến lãnh sự quán xin chứng nhận độc thân để cưới vị hôn thê hiện tại, Hatice Cengiz. Ông được hẹn sẽ quay lại lấy giấy xác nhận vào ngày 2-10. Trong đêm 29-9, Tổng lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul là Mohammed Alotaibi đã thực hiện những cuộc điện thoại liên quan tới kế hoạch này.

- Nhiều khả năng cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đều không biết trước vụ việc, nhưng kết luận được đưa ra dựa trên thông tin tình báo của chính họ. Cả hai nước đáng lẽ phải điều tra sâu hơn, về quãng thời gian trước khi mọi chuyện diễn ra.

- Nên dừng phiên tòa do Saudi Arabia tiến hành, bởi phiên tòa này không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế trong việc xét xử những vụ việc nghiêm trọng như vậy. Danh tính những người bị khởi tố cũng như tội danh mà họ bị khởi tố vẫn chưa được công bố, và phiên tòa còn được xử kín.

- Một số thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có trách nhiệm với sự thất bại của phiên tòa này, khi được phía Saudi Arabia mời tham dự với điều kiện không tiết lộ thông tin. Với điều kiện đó, các quan sát viên – điều tra viên của Liên Hợp Quốc không thể đóng vai trò phù hợp trong cả hỗ trợ điều tra lẫn giám sát tố tụng.

- Bà Agnes Camallard cho rằng những biện pháp trừng phạt hiện đang áp dụng với Saudi Arabia là chưa đủ, và thế giới cần có thêm các lệnh trừng phạt đối với bản thân cũng như tài sản cá nhân của Thái tử Mohammed Bin Salman, trừ phi ông chứng minh được rằng mình không liên quan và không có trách nhiệm liên đới nào đến vụ sát hại này.

Và những quân bài trong tay áo

Không có gì ngạc nhiên, ngay lập tức, Ngoại trưởng Saudi Arabia – Adel Al Jubeir – lên tiếng bác bỏ những kết luận đanh thép và nặng nề đó của các điều tra viên Liên Hiệp Quốc. 

Theo ông, nội dung báo cáo chỉ lặp lại những gì đã được lưu hành trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chứa đựng nhiều mâu thuẫn và cho ra kết quả là những cáo buộc vô căn cứ.

Đó là phản ứng ai cũng có thể đoán trước. Nhưng, để thực sự bác bỏ được những cáo buộc nặng nề mà cả thế giới đã nghe, ngành ngoại giao cũng như ngành tư pháp Saudi Arabia cần phải đưa ra được những lập luận cùng bằng chứng đủ sức nặng.

Và hiện tại, dòng chảy các sự kiện quốc tế cũng đang quay cuồng với rất nhiều cáo buộc. Ở Trung Đông, Mỹ và các đồng minh phương Tây cáo buộc Iran phải chịu trách nhiệm về những vụ gài mìn tấn công các tàu chở dầu. Tehran bác bỏ mọi lời kết tội đó. Sự việc tiếp nối với chuyện máy bay do thám không người lái của Mỹ bị bắn hạ (mà theo Mỹ thì nó bị bắn hạ ngoài không phận Iran, còn Iran khẳng định điều ngược lại).

Một câu chuyện khác cũng đang được xới lên, khi một nhóm điều tra độc lập mang tên Bellingcat công bố danh tính 12 nghi can liên quan đến vụ bắn rơi máy bay Boeing MH-17 của Hàng không Malaysia, với những lập luận rõ ràng là quy kết trách nhiệm cho lực lượng ly khai ở Donetsk được Nga hậu thuẫn. 

Song, chỉ vài ngày sau, chính đương kim Thủ tướng Malaysia – Mahathir Mohamad – lại đăng đàn khẳng định: “Nga đã bị đem ra làm con dê tế thần”.

Tất cả những cáo buộc đó đều đang ở tình trạng “treo”, để chờ đợi những bằng chứng xác thực nhất. Vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cũng không phải ngoại lệ.

Vấn đề là, cho dù Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc gây sức ép mạnh mẽ với Saudi Arabia như thế nào, hay cho dù gia đình của nhà báo quá cố nhất quyết “làm cho ra nhẽ” đến đâu, các phương trình vẫn có những ẩn số.

Ở đây, như trên đã nêu, ngay tại kết luận thứ 7, một cánh cửa thoát hiểm dường như đã mở hé cho Thái tử Mohammed Bin Salman. Kết luận sơ bộ này của Liên Hiệp Quốc dựa trên thông tin tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. 

Vậy, nếu CIA có những động thái đính chính, thay đổi hoặc thậm chí là “phản cung”, bác bỏ tính chính xác của những thông tin đó, nhằm cứu một đồng minh truyền thống quan trọng như Saudi Arabia? Chỉ đơn phương các bằng cớ mà tình báo cũng như cơ quan điều tra Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, liệu có còn đủ sức nặng?

Nhưng buộc được tội cho vị Thái tử này cũng sẽ là điều cực kỳ khó khăn.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đang cố “đấu dịu” với nhau quanh các hợp đồng mua bán vũ khí, và trong khi đó, Mỹ luôn cần Saudi Arabia như một cường quốc đối trọng của Iran tại Trung Đông (khi Israel không bao giờ có tiếng nói và sức ảnh hưởng lớn đến như vậy đối với cộng đồng các nước Arab).

Khi lợi ích cốt lõi lên tiếng, mọi sự “ngã giá” hợp lý đều có thể trở thành hiện thực. Kể từ lúc sự vụ Khashoggi bùng nổ, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump đã luôn luôn cố gắng bảo vệ (hay ít nhất là tránh kết tội) Thái tử kế vị của Saudi Arabia. 

Đến lúc này, nếu như có gì ông không tiện phát ngôn hay hành động, thì lịch sử tồn tại của CIA lại luôn đầy nghẹt những chuỗi điệp vụ trong bóng tối. Mà hiện tại, hơn lúc nào hết, ông chủ Nhà Trắng đang cần siết chặt những vòng vây quanh Iran, để bắt Tehran cúi đầu. 

Chẳng phải ông thậm chí đã từng lên một kế hoạch hành động quân sự với nước Cộng hòa Hồi giáo đó, nhưng rồi sau khi cân nhắc lại tạm dừng (Theo The New York Times, ngày 20-6) đó sao?

Saudi Arabia đã từng bùng lên những phản ứng chống Mỹ dữ dội, quanh chuyện Mỹ chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel, hay chuyện chuẩn bị công nhận cao nguyên Golan (phần lãnh thổ Syria bị chiếm đóng) là lãnh thổ Israel. 

Song, ngọn cờ của Liên đoàn Arab hẳn cũng sẽ dao động không ít, nếu bằng một cách nào đó, họ nhận được sự giúp đỡ cần thiết để thoát khỏi tình trạng khó khăn lúc này (chưa kể đến những mối lợi khi các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu là Venezuela hay Iran khốn đốn).

Chừng đó đã đủ đánh đổi sự công bằng dành cho cá nhân Jamal Khashoggi chưa?

Thiên Phong
.
.