An ninh hàng không - Vẫn còn nhiều lỗ hổng

Thứ Sáu, 15/07/2016, 19:58
Vụ tấn công sân bay quốc tế Ataturk ở thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 28/6 cho thấy việc bảo đảm an ninh hàng không đang trở thành vấn đề quan trọng đặc biệt đối với chính quyền và cơ quan hành pháp của nhiều quốc gia. 


Để ngăn ngừa tất cả những nguy cơ khủng bố có thể xảy ra, cơ quan an ninh của một loạt sân bay đã triển khai vô số những biện pháp kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vấn đề mới lại nảy sinh: an ninh hàng không vẫn chưa "động chạm" nhiều tới các khu vực công cộng, bởi vì tuy tăng cường các biện pháp bảo vệ nhưng sẽ làm hạn chế sự tự do và tiện lợi của hành khách.

Hiểm họa tiềm ẩn

Thế giới những ngày qua đã chứng kiến hàng loạt các vụ đánh bom đẫm máu do các phần tử cực đoan tiến hành. Cơ quan an ninh dường như đang lâm vào tình thế bế tắc và phải đối đầu với kẻ thù giấu mặt trong bóng tối với vô số những âm mưu và thủ đoạn ngày càng táo bạo. 

An ninh hàng không, vì thế, trở thành mối quan tâm hàng đầu bởi tính chất khó kiểm soát dòng người đi lại cũng như nhiều "hàng nóng" được che giấu vô cùng tinh vi. Những công nghệ hóa học hiện đại cho phép tổng hợp các loại chất nổ "vô hình" đối với các thiết bị dò tìm. 

Thực tế đã chứng minh, mỗi lần bọn khủng bố có công nghệ mới là các nhà chức trách phải lao đao. Đơn cử như vụ nổ chiếc máy bay Boeing 747 của hãng Pan American (khiến 259 người thiệt mạng) trên bầu trời Lockerby vào ngày 21/12/1988. 

Bọn khủng bố đã sử dụng loại thuốc nổ mới, được giấu kín bên trong một chiếc máy nghe nhạc cầm tay, giúp vô hiệu hóa các máy dò kim loại cũng như sự kiểm soát của các nhân viên an ninh.

Thế giới đang chứng kiến hàng loạt các vụ đánh bom đẫm máu do các phần tử cực đoan tiến hành ngày càng táo bạo, với những âm mưu và thủ đoạn tinh vi hơn.

Trong khi đó, ngày 10/8/2006 trở thành ngày thứ năm đen tối của ngành hàng không thế giới khi hàng trăm chuyến bay xuyên Đại Tây Dương bị hủy bỏ và khoảng 400.000 hành khách kẹt ở các sân bay, tạo nên một cảnh tượng lộn xộn chưa từng thấy. Nguyên nhân là bởi cơ quan điều tra Anh đã phá vỡ một âm mưu khủng bố lớn không kém gì vụ 11/9/2001 ở Mỹ. 

Theo tiết lộ, một nhóm thanh niên người Anh gốc Pakistan dự tính chế tạo bom ngay trên máy bay rồi làm nổ tung khi nó bay trên các thành phố lớn của Mỹ. Mục tiêu đánh bom không phải 1 mà là 10 chiếc, tất cả đều là máy bay thương mại Mỹ từ sân bay Heathrow của Anh bay về Mỹ. Điểm đáng lưu tâm nằm ở chỗ, kế hoạch sử dụng chất nổ dạng lỏng - minh chứng về một "phát minh đáng ngại" của bọn khủng bố. 

Theo các nhà phân tích, thành công của mật vụ Anh trong việc ngăn chặn âm mưu này báo hiệu giai đoạn mới của cuộc chiến với vô số những âm mưu khủng bố thâm độc hơn.

Câu hỏi đặt ra là, phải chăng an ninh sân bay đang tồn tại quá nhiều lỗ hổng khiến số lượng các vụ tấn công khủng bố ngày càng gia tăng? Tháng 11/2013, một kẻ tấn công bằng súng trường bắn chết nhân viên Cục An ninh Giao thông Mỹ và làm bị thương nhiều người tại sân bay quốc tế Los Angeles ở California. 

Tháng 1/2011, một kẻ đánh bom tự sát trong sảnh đến đông đúc tại sân bay quốc tế Domodedovo ở thủ đô Moscow (Nga) làm 37 người chết và 173 người bị thương. Tháng 6/2007, hai kẻ tấn công tự sát lái một chiếc Jeep Cherokee chất đầy các bình ga propane lao vào cửa kính nhà ga sân bay quốc tế Glasgow ở Scotland và phát nổ. 

Các vụ tấn công trên đều diễn ra tại khu vực không có an ninh, cho thấy rằng ngay cả tại các sân bay an ninh nghiêm ngặt, nhiều không gian của hành khách còn ít an toàn hơn so với một đường phố bình thường.

Trong vụ đánh bom sân bay quốc tế Zaventem ở thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng 3/2016, những quả bom lớn giấu trong các vali làm nhiều người chết và bị thương tại sảnh kiểm tra hành lí. 

Ba kẻ khủng bố đã đẩy các xe hành lý chở các vali bom mà không gây chú ý. Trong số đó, có ít nhất một kẻ đang bị Pháp truy nã là nghi phạm chế bom trong vụ nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công Paris làm 130 người chết vào tháng 11/2015. 

Và vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã rung chuyển vì ba vụ đánh bom tại sân bay Ataturk vào đêm 28/6. Từ đây, giới điều tra nhận thấy khu vực soi chiếu bổ sung, phổ biến tại nhiều sân bay ở Trung Đông, cùng khu vực hành lí và những nơi tập trung đông người chờ không được bảo vệ trở thành "mục tiêu đánh bom" cho những kẻ khủng bố.

Các sân bay đã tăng cường hệ thống an ninh, kiểm soát hành khách và soi chiếu hành lý nhằm hạn chế nguy cơ khủng bố

Giải pháp bảo vệ

Theo các chuyên gia an ninh, những tên khủng bố luôn có khả năng săn lùng hay chế tạo được những loại thuốc nổ mới nhất, đồng nghĩa với những âm mưu nhằm đưa bom lên máy bay vẫn liên tục diễn ra. 

Dù các âm mưu đánh bom sân bay bị chặn đứng kịp thời, nhưng chúng vẫn có tác động dây chuyền làm tê liệt hoạt động của ngành hàng không, cũng như một loạt sân bay, khiến "thượng đế" của các hãng hàng không lâm vào tình trạng "bị hành xác" trong quá trình làm thủ tục trước khi lên máy bay. 

Trong cuộc chiến không có hồi kết này, việc đào tạo và trang bị cho các nhân viên an ninh hàng không chủ yếu sẽ phát triển theo xu hướng không ngừng nâng cao cảnh giác và khả năng ngăn chặn.

Hiện nay, các sân bay hàng đầu trên thế giới đều sử dụng các hệ thống an ninh nhiều lớp với vô số các thiết bị và phương pháp phát hiện ra thủ phạm và công cụ khủng bố, từ kiểm tra hành khách, xem xét hành lý, hàng xách tay tới dò tìm trên bản thân máy bay cũng như cả các loại bưu phẩm. 

Những hệ thống máy soi hiện đại nhất có thể giúp nhận biết mọi thứ trong hành lý, xác định được các thành phần hữu cơ theo khối lượng nguyên tử, và chỉ ra những phần đáng ngờ của hành lý trên màn hình hiển thị. 

Hành khách trước khi bước lên được máy bay phải lần lượt trình diện trước những camera cài đặt chương trình đặc biệt, có khả năng làm rõ những tội phạm đang bị truy nã, hay những nhân vật bị nghi ngờ dính líu tới khủng bố.

Sau các vụ tấn công sân bay ở Moscow và Glasgow, một số thay đổi đã được thực hiện. Tại Glasgow, đường vào nhà ga được chỉnh sửa để tăng khoảng cách từ lề đường đến nhà ga, trong khi các trụ bê tông được lắp đặt để ngăn chặn các cuộc tấn công tự sát bằng xe.

Tại Domodedovo, khâu kiểm tra an ninh trước nhà ga đã được bổ sung khi hành khách phải qua trạm kiểm soát và soi chiếu X quang trước khi có thể di chuyển đến phòng chờ. 

Tại Israel, nơi an ninh hàng không được xem là hiệu quả nhất thế giới, hành khách bị theo dõi khi qua các trạm kiểm soát bởi các nhân viên an ninh, quân sự được huấn luyện để phát hiện và giữ lại bất kỳ người nào được đánh giá là gây nguy cơ an ninh. Tuy giải pháp theo dõi đi kèm ảnh hưởng lớn tới quyền tự do dân sự nhưng Tel Aviv đã sử dụng hiệu quả để giảm nguy cơ an ninh.

Cú sốc vụ khủng bố 11/9 ở Mỹ dẫn đến thắt chặt an ninh và tăng cường theo dõi trước chuyến bay, rà soát danh sách hành khách trước khi máy bay được cho phép cất cánh. Âm mưu của Al-Qaeda khủng bố bằng chất nổ lỏng trên các chuyến bay từ Anh sang Mỹ bị phá vỡ tháng 8/2006 dẫn đến lệnh cấm đưa lên máy bay mọi vật chứa chất lỏng hơn 100ml. 

Ngoài ra, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã tăng cường tuần tra tại các sân bay trong khi Hải quan và Biên phòng Mỹ gần đây hạn chế visa đối với những người từng đến các điểm nóng khủng bố như Syria và Iraq. 

Tuy nhiên, khu vực sân bay không có an ninh vẫn là "mục tiêu mềm", những khu vực như điểm trung chuyển và trung tâm mua sắm, nơi hành khách có thể lo sợ khủng bố nhưng vẫn muốn có quyền tự do đi lại không hạn chế. Giờ đây, IS và các nhóm khủng bố khác đang tìm cách khai thác các địa điểm bất ngờ để tấn công, nhằm tối đa hóa nỗi sợ hãi của công chúng.

Hiện một nhóm các nhà nghiên cứu tại châu Âu đang nỗ lực xây dựng một hệ thống bảo vệ an ninh cho các máy bay ở quy mô khu vực, gọi tắt là SAFEE, nhằm theo dõi hành vi của hành khách bên trong khoang máy bay và phát tín hiệu cảnh báo trong trường hợp ai đó có những cử chỉ đáng ngờ. 

Ngoài ra, các tác giả của SAFEE cũng tính toán đến chức năng tự hiệu chỉnh đường bay khi thấy máy bay đang tiến sát tới một đối tượng lớn như tòa nhà cao tầng hay vách núi, đồng thời bổ sung một máy tính đặc biệt giúp cho máy bay tự động hạ cánh xuống sân bay gần nhất trong trường hợp bị khống chế bởi không tặc. 

Giới chức châu Âu đang đầu tư tiền bạc và công sức vô cùng mạnh tay cho dự án này, với mục đích quan trọng nhất là đảm bảo an ninh hàng không và bảo vệ hành khách đi máy bay.

Thanh Sơn
.
.