Aleksey Kulak, kẻ phản bội KGB: Chết rồi mới lộ mặt

Thứ Hai, 20/07/2009, 08:37
Đám tang ấy được tổ chức một cách trọng thể vào một ngày tháng 2/1983. Người quá cố là Anh hùng Liên Xô, Đại tá tình báo Xôviết Aleksey Kulak. Linh cữu được quàn tại phòng khánh tiết  của Trường Đại học Kỹ nghệ hóa học mang tên Mendeleev tại Moskva, nơi mà người quá cố từng theo học sau chiến tranh thế giới thứ hai và đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ.

Những người tới dự đám tang đã nghe rất nhiều lời ca tụng người quá cố, một cựu chiến binh, một nhà khoa học nhiều thành tích. Duy chỉ có một điều đã không được nhắc thành lời: con người đầy danh vị này thực ra đã phản bội lại lý tưởng và tổ quốc, từ chỗ là một cán bộ an ninh Xôviết đã trở thành kẻ bắt tay với tình báo Mỹ và trở thành điệp viên với mật danh Fiodor.

Sau khi Kulak mất, hành tung thật của ông ta đã bị phát giác. Một số nhà báo Mỹ và Nga đã viết về vụ việc của ông ta nhưng các đại diện chính thức của cả ngành tình báo Nga lẫn Mỹ đều từ chối đưa những lời bình luận chính thức về Kulak. Chỉ gần đây trên tờ báo Nga Tuyệt mật mới công bố những lời kể của Thiếu tướng Tình báo Yuli Kobyakov, từng nhiều năm làm việc cạnh kẻ phản bội Kulak. Ông Kobyakov đã phục vụ trong các cơ quan an ninh Liên Xô và Nga từ năm 1957 tới năm 1997 và chuẩn bị cho xuất bản tập sách "Những cái nhìn mới về các vụ gián điệp cũ".

Theo lời Thiếu tướng Kobyakov, ông đã biết điệp viên Fiodor hơn 15 năm mà trong đó chủ yếu không phải như kẻ mang mật danh đó mà như một đại tá tình báo kỹ thuật Aleksey Isidorovich Kulak, một Anh hùng Liên Xô, được đồng nghiệp quen gọi là Leshka Kulak. Thiếu tướng Kobyakov kể:

"Tôi quen ông ta vào tháng 3/1965, khi tôi nhận nhiệm vụ tại cơ quan đại diện KGB ở New York. Khi đó, Kulak, vẫn đang là một người đàn ông vạm vỡ, rắn chắc, trông già hơn nhiều so với tuổi 43 của mình, với bộ quai hàm bạnh ra và mái tóc húi cua, đang đóng vai trò chủ đạo trong nhóm tình báo kỹ thuật của chúng tôi. Khi lãnh đạo nhóm, phó cơ quan đại diện nghỉ phép, Kulak thay vào chỗ ông ấy và vì thế có thể tiếp cận với mọi tài liệu đến đó từ Trung tâm.

Kulak đã góp "cổ phần" đầu tiên vào câu lạc bộ những kẻ phản bội tháng 3/1962 bằng cách cung cấp cho FBI thông tin về kỹ sư Mỹ gốc Ucraina, John William Butenco, người đã bí mật cung cấp cho cơ quan tình báo Xôviết những thông tin quý giá về các hệ thống thông tin và điều khiển của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược Mỹ. FBI đã theo dõi Butenco khoảng một năm rưỡi rồi tới ngày 23/10/1963 mới bắt anh tại nơi đỗ xe hơi ở Englewood, bang New Jersey, cùng với ba đầu mối Xôviết: Gleb Pavlov, Yuri Romashin và Igor Ivanov.

Vì có quyền miễn trừ ngoại giao nên hai cán bộ Pavlov và Romashin chỉ bị phía Mỹ giữ vài giờ rồi trục xuất về Liên Xô ngay trong ngày hôm sau. Đồng thời, một nhân viên khác của cơ quan ngoại giao Xôviết ở LHQ là Vladimir Oleniev, từng gặp gỡ với Butenco trước đó, cũng bị trục xuất về nước. Igor Ivanov, làm việc ở Mỹ với vỏ bọc lái xe của hãng Amtorg (được thành lập năm 1924, đóng vai trò môi giới trong các thương vụ xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Liên Xô và Mỹ, có trụ sở ở New York) vì không có quyền miễn trừ ngoại giao nên phải vào ngồi tù.

Một phiên tòa diễn ra sau đó vài tháng đã kết án tù 30 năm cho Butenco và 20 năm cho Ivanov. Các luật sư của Ivanov ngay lập tức kháng cáo. Chẳng bao lâu sau Ivanov đã được tại ngoại nhờ tiền đặt cọc một trăm nghìn USD. Sau đó vài năm, anh đã được đổi lấy một số kẻ bất đồng chính kiến với chính quyền Xôviết. Trong quá trình diễn ra vụ xét xử, FBI đã cố hết sức để Kulak không bị lộ diện. Những nhân viên đặc biệt của FBI đã ra làm chứng trước tòa với những lời khai giả mạo về lý do mà nhờ đó, họ đã phát hiện ra Butenco: theo họ, sở dĩ FBI biết được nhân thân của kỹ sư này là do đã theo dõi điệp viên Xôviết Gleb Pavlov và nhờ thế, mới lần ra mối quan hệ giữa hai người... Sự thật không phải như thế.

Sự phản bội của Kulak trong nhiều năm vẫn được giữ bí mật. Ông ta đã được kính trọng như một cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, từng nhận danh hiệu cao quý của đất nước...

Bản thân Kulak cũng là một người có sức hấp dẫn cá nhân nhất định: bề ngoài ông ta trông rất nghiêm khắc nhưng không nhàm chán, có khiếu hài hước đôi khi cũng khá chua cay, bặt thiệp, uống rượu thùng bất tri thình... Với cương vị ngoại giao là Bí thư thứ nhất, ông ta thường thích giao tiếp lúc rảnh rỗi với đội ngũ cán bộ kỹ thuật và các cán bộ tình báo trẻ. Trong số những bạn bè thân cận nhất của ông ta có Igor Ivanov, người mà vì sự phản bội của ông ta đã bị tòa án Mỹ kết án 20 năm tù.

FBI đã theo dõi Kulak rất sát, điều mà cơ quan tình báo Nga cũng biết vì việc đó cũng thích hợp đối với vai trò một nhà tình báo tích cực như ông ta. Bề ngoài, Kulak thường tỏ ra hơi khinh mạn các nhân viên FBI và không hề tỏ ra nôn nóng khi chuẩn bị cho các chiến dịch như nhiều đồng nghiệp của ông ta.

Nhìn chung, Kulak đã tạo ra được ấn tượng về một người hơi trơ tráo nhưng đầy bản lĩnh, sẵn sàng mạo hiểm. Khác với không ít các cán bộ trong đoàn ngoại giao Xôviết ở Mỹ lúc đó, Kulak không quan tâm tới việc mua sắm những hàng hóa rất được người Nga ưa chuộng hồi đó, thí dụ như các đồ điện tử hay dân dụng do phương Tây sản xuất. Chỉ có một lần tôi nhìn thấy ông ta có một đồ vật đắt tiền. Đó là một máy ảnh Nikon rất hiện đại mà thời ấy có giá bán rất cao.

Kulak nói với tôi rằng, ông ta mua cái máy ảnh đó với giá ưu đãi và nhờ tôi đánh giá các phẩm chất kỹ thuật của nó. Tôi đã ngạc nhiên vì không hiểu một người chụp ảnh nghiệp dư thì cần gì tới loại máy đắt tiền như thế. Tôi đã nhận được câu trả lời sau đó hai mươi năm trong phòng xử án của Toà án Tối cao Xôviết, xét xử vụ việc của một kẻ phản bội khác trong hàng ngũ KGB, Sergey Motorin. Trên bàn trước quan toà đã bày ra các vật chứng mà trong đó có một máy ảnh Nikon, quà tặng của FBI.--PageBreak--

Không rõ Kulak đã nhận được bao nhiêu tiền cho sự phản bội của mình. Các nguồn tin Mỹ đã lờ đi chuyện này dù có viết rằng Kulak đã giấu tiền trong một cái bịch giấy để ở dưới giường. Theo tôi, có lẽ không phải là hàng trăm nghìn hay hàng triệu USD như cơ quan tình báo Xôviết thường trả cho các nguồn tin quý giá của mình trong hàng ngũ các cơ quan an ninh Mỹ. Có lẽ, đó chỉ là vài chục nghìn USD. FBI vốn nổi tiếng là "rán sành ra mỡ". Thí dụ, khi xử vụ án Motorin, chúng ta mới phát hiện ra rằng, hắn ta, một nguồn tin đang làm việc tại cơ quan tình báo Xôviết ở Washington, chỉ được trả từ 250 tới 500 USD cho mỗi lần gặp gỡ.

Có vẻ như mâu thuẫn nhưng quả thực là Kulak cũng không giấu giếm những mối quan hệ với FBI. Mọi người đều biết là ông ta thường hay đến quầy bar ở cạnh cơ quan đại diện của Liên Xô tại LHQ và thường xuyên uống rượu cùng với các nhân viên FBI, những kẻ hay cung cấp cho ông ta những câu chuyện lạ để rồi ông ta kể lại cho đồng sự Xôviết nghe. Có lẽ Trung tâm đã "bật đèn xanh" cho Kulak gặp gỡ các nhân viên FBI vì những cuộc gặp gỡ ấy đã thường xuyên diễn ra. Hình như Trung tâm cũng muốn qua những  cuộc gặp gỡ ấy, Kulak có thể chiêu mộ được ai đó trong số các nhân viên FBI cho KGB. Trong bất luận trường hợp nào, danh tiếng một chuyên gia chiêu mộ có hạng của Kulak cho phép chúng ta được nghĩ như thế.

Những đồng nghiệp trong cơ quan tình báo Xôviết nhìn trong những mối quan hệ như thế dấu hiệu của sự tôn trọng từ phía FBI: một nhà tình báo với tiểu sử anh hùng và cách cư xử đàng hoàng, có thể đáp lại lời mời chiêu đãi trong quán bar mà không sợ bị lộ diện một cách tầm thường. Rất khó nói là cách cư xử như thế của Kulak và các nhân viên FBI cộng tác với ông ta là màn giả trang chủ động hay do ông ta, với tính cách cố hữu của mình, đã xem thường mọi quy định truyền thống của hoạt động bí mật. Tôi nghĩ điều sau này là đúng hơn và chính thái độ coi thường đối với sự an toàn của chính mình càng chỉ làm cho người Mỹ thêm hoài nghi vào sự tin cậy của điệp viên Fiodor.

Trong suốt hai thập niên có lẽ vụ việc này đã là đối tượng gây nên những mâu thuẫn trầm kha giữa CIA và FBI. Trong lúc FBI coi Kulak như một điệp viên đáng tin cậy thì CIA lại coi ông ta như một điệp viên hai mang, một kẻ trá hàng từ phía KGB. Còn khi FBI thay đổi thái độ và nghi ngờ Fiodor về trò đòn xóc hai đầu thì CIA lại bác bỏ điều này.

Theo Sam Papich, một chuyên gia phản gián có uy tín của FBI, phần lớn những thông tin tình báo mà điệp viên Fiodor cung cấp thuộc loại hai và đã lỗi thời. Một phần không nhỏ những tư liệu mà Fiodor cung cấp dựa trên những tin đồn, vì Kulak chỉ được trực tiếp tiếp cận với các tài liệu tình báo khoa học kỹ thuật, nhưng lại thích bộc lộ ý kiến về tất cả những việc khác nữa. Thêm vào đó, Sam Papich không thể tin rằng một kẻ đào tẩu từ KGB lại có thể giữa ban ngày ban mặt tới trụ sở FBI ở Manhattan và công khai đề nghị cộng tác. Mà trụ sở FBI lại nằm ở cách cơ quan đại diện KGB có ba trăm mét!

CIA cũng có những lý do để không tin cậy Fiodor. Những điều mà Kulak kể về mục tiêu và phương pháp làm việc của tình báo Xôviết mâu thuẫn với những thông tin mà CIA nhận được từ một kẻ đào tẩu khác từ KGB, Thiếu tá Anatoli Golisyn. Ngoài ra, CIA cho rằng, Kulak có lẽ không ở trong "đơn vị siêu mật nội bộ" của KGB (cái gọi là "đơn vị siêu mật nội bộ" chỉ là sự bịa đặt đầy hoang tưởng của Golisyn dùng để loè lãnh đạo phản gián của CIA James Jesus Engleton), và vì thế, KGB có thể thí ông ta làm quân trá hàng.

Một lý do nghiêm trọng khác khiến CIA hoài nghi về sự chắc chắn của Fiodor là, thông tin do Kulak cung cấp lại trùng với những thông tin giả mà CIA từng nhận được từ một kẻ đào tẩu khác, Yuri Nosenko.--PageBreak--

Phó phòng phản gián KGB Nosenko tháng 6/1962 đã liên hệ với người Mỹ ở Geneva khi anh ta tới đó công tác với tư cách sĩ quan an ninh trong thành phần phái đoàn Xôviết đàm phán về giải trừ quân bị. Nosenko tuy thế lại từ chối cộng tác với người Mỹ ở Moskva và có vẻ như trong giai đoạn đó không định chạy hẳn sang Mỹ. Lần thứ hai Nosenko sang Geneva là vào đầu năm 1964. Khi đó, anh ta thông báo rằng đã nhận quân hàm trung tá và cả quyết rằng không có ý định quay về Liên Xô nữa vì ngày 4/2/1964, cơ quan đại diện KGB ở Geneva đã nhận được bức điện mật yêu cầu đưa anh ta về Moskva ngay lập tức (việc nhận được một yêu cầu như thế có nghĩa là anh ta đã bị lộ diện phản bội).

Người Mỹ đã tin Nosenko và ngay hôm đó đưa anh ta sang CHLB Đức rồi từ đấy, đưa về Mỹ. Thế nhưng, trong quá trình kiểm tra những thông tin về Nosenko, họ đã xác định được rằng anh ta vẫn chỉ là đại uý và  ngày 4/2/1964 không hề có bức điện mật nào được gửi từ Moskva tới cơ quan đại diện KGB ở Geneva cả. Sau nhiều lần bị tra hỏi gay gắt, Nosenko cuối cùng đã thú nhận rằng anh ta đã nói dối về quân hàm của mình, còn câu chuyện về bức điện mật đã được anh ta bịa ra để gây sức ép buộc người Mỹ phải đưa anh ta sang Mỹ ngay lập tức. Điều dối trá đó cũng như những thông tin khác mà Nosenko đã cung cấp cho CIA cũng không đáng tin cậy và CIA nghĩ rằng, Nosenko có thể là kẻ trá hàng nhằm tung tin giả cho người Mỹ.

Điều nực cười nhất là chính Kulak lại khẳng định với FBI rằng, Nosenko là trung tá KGB và đào tẩu vì trước đó nhận được tin về bức điện mật yêu cầu anh ta quay trở lại Moskva. Trong chuyện này Kulak là nạn nhân của thói ưa đưa chuyện đồn thổi cho FBI như những thông tin chuẩn xác. Sau chuyện này, Nosenko đã bị giam trong một phòng đặc biệt ở CIA trong hơn ba năm, còn Kulak đã  đánh mất thêm lòng tin của CIA.

Thế nhưng, Giám đốc FBI John Edvard Goover vẫn tiếp tục coi Fiodor là nguồn tin tốt: 90% các chiến dịch phản gián của FBI được xây dựng trên cơ sở những thông tin của ông ta và Goover, bất chấp những lập luận của lãnh đạo bộ phận phản gián của FBI William Sullivan, đã không xem xét lại những vụ việc đó. Cuối cùng những mâu thuẫn xung quanh Kulak đã triệt tiêu mối quan hệ hợp tác giữa CIA và FBI. Quan điểm của FBI chỉ thay đổi sau khi Goover chết và Kulak trở về Moskva năm 1976.

Tháng 2/1978, khi trên tạp chí Mỹ New York xuất hiện bài báo đầu tiên về điệp viên Fiodor, cơ quan đại diện KGB ở đó mới ngã ngửa người ra.

Bài báo đó là một bài phỏng vấn một tác giả Mỹ, Edward Epstein, trước khi cuốn sách "Huyền thoại - thế giới bí mật của Lee Harvey Oswald" của người này ra mắt độc giả. Trong cuốn sách đó có đoạn:

"Tháng 3/1962, một cán bộ Xôviết đang công tác tại trụ sở LHQ nói với chi nhánh FBI ở New York rằng, ông ta thực ra là cán bộ cao cấp của KGB, chuyên thu thập thông tin về khoa học kỹ thuật. Ông ta kể lể về sự thất vọng của mình trong KGB và xin cung cấp thông tin cho FBI về các kế hoạch và mạng lưới điệp viên của Liên Xô. Ông ta đã được đặt cho mật danh là Fiodor".

Epstein đã chỉ ra rằng, người cung cấp cho mình thông tin về điệp viên Fiodor là William Sullivan, người đã chết vì một tai nạn trong lúc đi săn cách đấy vài tháng.

Trong cuốn sách được xuất bản sau đó, Epstein viết rõ hơn: "Fiodor là sĩ quan tình báo Xôviết, làm việc với danh nghĩa cán bộ ngoại giao ở LHQ. Tháng 3/1962, ông ta đã liên hệ với FBI và đề nghị cung cấp thông tin về các chiến dịch tình báo của Liên Xô. Fiodor nói rằng, ông ta là sĩ quan Tổng cục 1 KGB và tại Mỹ phụ trách mạng lưới tình báo khoa học kỹ thuật".

Ở thời điểm tháng 3/1962, nhóm tình báo viên về khoa học kỹ thuật của cơ quan đại diện KGB tại New York chỉ có khoảng 8-9 người. Xác định trong số này một sĩ quan cao cấp có thể chuyển cho phía Mỹ những thông tin về các dự án Xôviết trong lĩnh vực  tên lửa và năng lượng hạt nhân hoàn toàn không khó. Sự rò rỉ thông tin này dẫn tới chính Kulak, mặc dầu ý nghĩ về việc Anh hùng Xôviết Leshka Kulak lại có thể trở thành kẻ phản bội là rất khó tin. Trong bất luận trường hợp nào, theo những gì tôi biết, cùng với Kulak còn có một số tình báo viên làm việc trong giai đoạn đó ở cơ quan đại diện New York cũng bị tình nghi. Đối với họ, điều đó có nghĩa là kết thúc sự nghiệp.

CIA đã biết trước về việc bài báo đó sẽ xuất hiện là vì vẫn coi Fiodor là một nguồn tin đáng tin cậy nên đã quyết định đánh động cho ông ta về mối nguy hiểm sắp xuất hiện. Một đại diện đặc biệt của CIA đã được phái sang Moskva. Đại diện này đã cảnh báo Kulak và rời khỏi Moskva an toàn. CIA nhìn thấy trong việc đó thêm một minh chứng về sự đáng tin cậy của Fiodor. Thực ra, việc đó chẳng chứng minh được gì cả. Nếu Kulak là kẻ trá hàng từ phía KGB thì việc giữ lại nhân viên CIA chẳng có ý nghĩa gì cả. Đối với cơ quan phản gián Xôviết, trong trường hợp này, hợp lý hơn cả là chờ đợi để mối liên hệ giữa Fiodor với cơ quan đại diện CIA ở Moskva được khôi phục lại.

Không chỉ đánh động trước cho Kulak, các cơ quan tình báo Mỹ còn định triệt tiêu những mối nghi ngờ có thể có về ông ta bằng những thông tin giả. Để đạt được mục đích này, trên báo chí Mỹ xuất hiện những bài viết cho rằng điệp viên CIA chính là nhân viên Xôviết làm việc cho LHQ Victor Mechislavovich Lesiovsky, từng là trợ lý cho hai đời Tổng thư ký LHQ là U Thant và Kurt Waldheim. Thông tin giả này về sau cũng được cả một số phương tiện thông  tin đại chúng ở Nga lặp lại, không ngờ mình ăn phải đồ rởm của CIA. Tuy nhiên, cơ quan an ninh Xôviết đã không bị mắc bẫy CIA.

Sau khi Lesiovsky qua đời năm 1983, lãnh đạo Cục 1 (chuyên về Mỹ) của Tổng cục 1 KGB đã quyết định họp nội bộ để thông báo một thông tin đặc biệt. Các cán bộ ở Cục 1 đã được quán triệt rõ ràng: những gì mà người ta viết về điệp viên Fiodor không liên quan gì tới Lesiovsky, người đã trung  thành và trung thực phục vụ Tổ quốc. Điều đó có nghĩa là tới thời điểm đó lãnh đạo cơ quan an ninh Xôviết đã có đủ thông tin chuẩn xác về việc kẻ nào ẩn dưới mật danh Fiodor. Mọi người có mặt trong buổi họp hôm đấy đều linh cảm về một cái tên họ nhưng không ai dám nói ra thành lời.

Mọi lập luận về những nguyên nhân dẫn tới sự phản bội của Kulak đều được coi là những giả thuyết. Ông ta không bao giờ bị tra hỏi và đã chết năm 1983 mà vẫn không bị vạch mặt.

Tôi nghĩ, sở dĩ Kulak liên hệ với FBI là để kéo dài thời gian ở Mỹ của mình. Tại đấy ông ta có mức lương cao, những điều kiện đời sống tốt. Tôi không lấy làm ngạc nhiên nếu như ông ta, một sĩ quan từng qua chiến trận, từng tận mắt nhìn thấy chết chóc, từng đổ máu và từng được nhận những huân huy chương chiến tranh cao nhất, đã cho rằng, ông ta có quyền đặc biệt để được hưởng thụ như thế.

Cần phải nói rằng, đoạn đời quân đội của Kulak với rất nhiều huân huy chương nhưng hoàn toàn không quá tuyệt vời. Sau chiến tranh, ông ta đã làm chỉ huy quân quản tại một thành phố nhỏ ở Đức, đại diện cho chính quyền đang chiếm giữ lãnh thổ Đức. Thế nhưng, năm 1947, khi phục viên, ông ta chỉ đeo quân hàm thượng uý hay đại úy thôi.--PageBreak--

Trong thời bình, ngôi sao vàng của Kulak đã bị mờ nhạt đi. Chỉ khi gia nhập KGB, ông ta mới lại cảm thấy mình thực sự là một Anh hùng. Ở thời điểm ấy trong lực lượng tình báo Liên Xô chỉ có ba bốn Anh hùng Liên Xô nên Kulak rất muốn mình được trọng vọng. Nhưng với một cán bộ bình thường ở tuổi 40, bắt đầu một sự nghiệp mới trong lực lượng an ninh là việc không đơn giản. Là một người nhiều tham vọng, Kulak không muốn chơi ở những thang bậc dưới vì làm thế không thể muốn là được. Thêm vào đó những lời phê phán của những đồng sự đồng cấp nhưng trẻ tuổi hơn và chưa từng ngửi mùi thuốc súng khiến ông ta bực mình. Ông ta muốn có mọi thứ ngay lập tức. Để đạt mục tiêu đó, ông ta đã liên hệ với FBI. FBI giúp đỡ ông ta "tuyển mộ" được một vài người Mỹ và Moskva ghi nhận thành tích này thoạt tiên bằng một huân chương Sao Đỏ, sau đó bằng huân chương Cờ Hồng Chiến công và thế là ông ta đã được mở cửa tới tương lai.

Các điệp viên mà Kulak chiêu mộ được rất độc đáo. Sau khi họ được chuyển cho những cán bộ khác phụ trách thì hiệu quả làm việc của họ suy giảm hẳn. Những cán bộ đó bị phê bình là không đủ tầm cỡ như Kulak. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ khác: FBI đã hạ hiệu suất làm việc của những điệp viên mà họ cung cấp cho KGB để hỗ trợ cho việc chuyển Kulak sang lại Mỹ. Và năm 1972, ông ta lại được cử sang New York. Kulak lại nối liên lạc với các "điệp viên" cũ và mọi chuyện xem ra lại rất trôi chảy. Và thế là Moskva lại tưởng rằng Kulak rất "giỏi"!

Một câu hỏi rất đáng tìm lời đáp: Tại sao Kulak sau nhiệm kỳ công tác thứ hai tại Mỹ vào mùa hè năm 1976 đã không đào tẩu để ở lại đó hẳn?

Người Mỹ nhìn thấy trong việc này minh chứng về tính hai mặt của Kulak. Còn cơ quan an ninh Xôviết lại suy nghĩ khác.

Nếu Kulak là một kẻ phản bội, tại sao ông ta lại quay trở về Moskva, nơi ông ta không có ai chờ đợi (ông ta không có vợ con, không họ hàng thân thích ở Liên Xô), không có gia sản gì? Ông ta không phải là kẻ ái quốc ngây thơ. Có lẽ ông ta chỉ là một kẻ trắng trợn vô phương cứu chữa.

Có thể người Mỹ đã làm việc gì đó khiến ông ta không hài lòng. Khi Thủ tướng Anh William Churchill từ chối những yêu cầu gia tăng trợ giúp quân sự của Stalin, ông ta nói: "Ngay cả cô gái đẹp nhất thế giới cũng không thể cho hơn những gì mà nàng có" và Stalin rít tẩu thuốc trả lời: "Nhưng nàng có thể cho hai lần!". Có lẽ người Mỹ khi đòi hỏi Kulak cung cấp thông tin mới hay tiết lộ danh tính những điệp viên Xôviết mới, vẫn không tin rằng ông ta đã cung cấp cho họ tất cả những gì có thể.

(Nói chung, trong lúc chế nhạo sự thiếu hiệu quả của hệ thống xã hội Nga, người Mỹ vẫn luôn có xu hướng thổi phồng thành tựu và sức mạnh của KGB). Thêm vào đó lại là nỗi nghi ngờ về trò "đòn xóc hai đầu" và việc cung cấp thông tin giả. Vốn giàu lòng tự ái, Kulak có thể đã nổi xung lên và cắt đứt quan hệ với FBI. Ông ta có thể đã nghĩ rằng khó ai ở Moskva lại dám nghi ngờ một Anh hùng Liên Xô về tội phản bội và nếu có nghi ngờ thì cũng không dám đụng đến. Có lẽ ông ta đã tính đúng.

Kulak trở về Moskva trên lưng ngựa trắng và được đưa về làm việc tại một lĩnh vực cực kỳ quan trọng và tế nhị - nhóm điều phối, nơi thu nhận mọi đơn đặt hàng về thông tin khoa học kỹ thuật tối mật. Nhiệm vụ của Kulak là đề ra các nhiệm vụ với các nguồn thông tin có thể có và xác định phương thức tối ưu để có được thông tin mật. Vị trí này chứng tỏ cấp trên đã rất tin tưởng ở Kulak.

Thế nhưng, sau đó đã có chuyện gì đấy xảy ra và Kulak đột ngột bị đưa về trường đại học mà ông ta đã từng là sinh viên hơn ba mươi năm trước, với nhiệm vụ dường như là để tuyển mộ những sinh viên giỏi cho KGB (Cá nhân tôi biết là vì sao nhưng điều này vẫn còn là bí mật quốc gia).

Làm việc trong trường đại học không phải là một sự thích thú đối với một nhân vật có kinh nghiệm và tiểu sử như Kulak. Đó là dấu hiệu rõ ràng về việc Kulak bị tình nghi và cũng là việc tối đa mà KGB có thể làm được đối với một cán bộ cao cấp bị tình nghi nhưng chưa có những chứng cớ rõ ràng để loại Kulak khỏi những bí mật quan trọng, để tránh một vụ tai tiếng lớn và không để lộ những nguồn tin của cơ quan an ninh Xôviết trong các cơ quan tình báo Mỹ. Lý do để chuyển công tác Kulak không khó tìm, nhất là khi ông ta cực kỳ nát rượu.

Kulak đã chết vì u não. Ông ta được mai táng với đủ các lễ nghi tương xứng. Trong số những người dự đám tang chỉ có một hai người là biết đích xác rằng, ông ta là kẻ phản bội. Hai ba người khác do hiểu tình hình nên tin chắc rằng điệp viên Fiodor và Kulak, đó là một người! Một vài người khác có nghe về vụ Fiodor và những đồn đại về vai trò của Kulak trong chuyện này nhưng lại coi đó là thông tin giả từ phía các cơ quan tình báo Mỹ.

Trong những người dự đám tang Kulak có một nhân vật mà trong một số bài báo đã gọi là "Phản gián" viết hoa. Trong Tổng cục 1, người này có vai trò tương tự như Engleton trong CIA. Mặc dầu trong không khí đám tang, nhưng tôi và một đồng nghiệp, cùng từ lâu đã kết luận rằng, Fiodor và Kulak là một, khi nhìn thấy "Phản gián", đã thầm thì nói đùa với nhau rằng, nhân vật ấy tới đó để tận mắt chứng kiến, kẻ bị tình nghi số 1 đã chết và có thể khép vụ việc lại.

Thế nhưng, vụ việc Fiodor vẫn còn chờ một thời gian nữa mới đóng lại được. Chân dung Kulak sau khi ông ta chết khá lâu vẫn còn treo trên tường Viện Bảo tàng Tình báo, tất nhiên, ở chỗ không thuận mắt lắm. Tuy nhiên, việc chân dung Kulak vẫn được treo ở đó đang làm cả CIA và FBI nghi ngờ về tính hai mặt của điệp viên Fiodor.

Đã có lần tôi hỏi một người bạn làm việc trong tình báo đối ngoại, người cũng như tôi tin chắc việc Kulak chính là kẻ phản bội: làm sao để thoát khỏi tình thế khó xử này, làm sao để giải thích cho những đồng nghiệp trẻ về những thông tin về vụ Fiodor đã lọt lên báo chí? Anh bạn ấy nhăn mặt một cách đau đớn và bảo: "Phản gián" nói với tôi điều mà tôi tự biết: có thể minh oan cho người chết nhưng không thể đưa người chết ra tòa.

Chỉ có một lần vào năm 1989, lãnh đạo mới của Tổng cục 1, Trung tướng Leonid Vladimirovich Shebarshin đã buột miệng nói trong một cuộc họp tại trụ sở cơ quan an ninh: "Chỗ chúng ta có một người được coi là anh hùng, ảnh của ông ấy còn được treo trên tường nhưng ông ấy đã phản bội chúng ta. Chúng tôi đã kiểm tra lại rất kỹ và nếu thông tin này được xác nhận, chúng tôi sẽ yêu cầu tước bỏ mọi danh vị của ông ta"...

Hiện giờ chân dung của Kulak đã không còn được treo trên tường Viện Bảo tàng Tình báo Nga nữa. Và quyết định phong Kulak là Anh hùng Liên Xô cũng đã bị bãi bỏ một cách âm thầm vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Kulak cũng đã bị tước Huân chương Sao Đỏ sau khi chết một cách lặng lẽ... Tuy nhiên, danh chính ngôn thuận, vẫn chưa có một thông báo chính thức nào về kết cục của vụ việc điệp viên Fiodor...".

Dẫu sao Kulak cũng đã bị chôn hai lần: lần đầu với tư cách một Anh hùng Liên Xô. Còn lần sau, như một kẻ phản bội

Lương Dụng
.
.