Ai đã đưa ông Yeltsin lên nắm quyền?

Thứ Hai, 20/06/2011, 15:29
Cách đây 20 năm, ngày 12/6/1991 đã diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga, khi ấy là một trong số 15 nước cộng hòa của Liên bang Xôviết (hiện nay tên gọi chính thức của nước Nga là Liên bang Nga).

Người giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử này là ông Boris Yeltsin, kẻ về sau đã phản bội lại lý tưởng cộng sản của mình. Không nhiều người biết rằng, góp phần giúp Yeltsin trở thành nhân vật được chú ý lại là một bài viết ngụy tạo những điều mà ông ta đã phát biểu tại Hội nghị BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 10/1987.

Tới năm 1991, công cuộc cải tổ  được khởi xướng từ năm 1985, đã dần dà lâm sâu vào tình trạng "quá mù..." và vì thế, ngày một tuột khỏi vòng kiểm soát và điều phối của những người cầm lái tại Liên Xô lúc đó. Đấy là chưa kể sự đổi hướng trong nội tâm của  các nhân vật chính yếu, như Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev về sau đã nói rằng, ngay từ đầu công cuộc cải tổ, ông ta đã muốn thủ tiêu hệ tư tưởng cộng sản (?!).

Trong xã hội Xôviết lúc đó đã bộc lộ những mâu thuẫn rất lớn. Các rường mối trở nên lỏng lẻo hơn, còn cuộc sống của người dân lại khó khăn hơn. Chính quyền liên bang do sự thụ động và thiếu kiên quyết của Gorbachev, lúc này còn có thêm cả chức Tổng thống Liên Xô, đã làm nảy sinh tại các nước cộng hòa xu hướng muốn mạnh ai nấy đi.

Ngay từ năm 1990, tại chính CHLB Nga đã bầu ra một Xôviết tối cao với thành phần bao gồm nhiều gương mặt với màu sắc khác thế hệ trước. Boris Yeltsin, do bị gạt khỏi đội ngũ hàng đầu trong Điện Kremli, đã tìm được chỗ đứng mới của mình trong Xôviết tối cao CHLB Nga và mau chóng trở thành thủ lĩnh của cơ quan quyền lực này. Tất nhiên, ông không vội để lộ những mục tiêu dài hạn ngay.

Đối mặt (Boris Yeltsin và Mikhail Gorbachev).

Khi công bố chương trình hành động của mình trên cương vị Chủ tịch Xôviết tối cao CHLB Nga, Yeltsin đã nói: "Tôi đã không bao giờ chủ trương tách nước Nga ra, tôi ủng hộ chủ quyền của Liên bang, quyền bình đẳng của các nước cộng hòa, ủng hộ việc làm cho các nước cộng hòa trở nên mạnh mẽ và nhờ thế, củng cố Liên bang của chúng ta. Tôi nay vẫn chỉ đứng trên quan điểm này".

Thế nhưng, chỉ sau đó vài ngày, 12/6/1990, quốc hội Nga đã thông qua Tuyên ngôn về chủ quyền quốc gia của CHLB Nga. Hai tháng sau, tại Ufa, Yeltsin đã đưa ra đề nghị với các nước cộng hòa trong thành phần CHLB Nga thực hiện quyền tự chủ cho mình ở mức độ "tiêu hóa được bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu". Một năm sau, ngày 12/6/1991, diễn ra cuộc bầu cử vị Tổng thống đầu tiên của CHLB Nga (Ngày này hiện nay được kỷ niệm như Quốc khánh của LB Nga).

Có đối thủ, có động lực

Con đường đi tới quyền lực của Yeltsin được nối dài ra từ sự thất thế dần dà của Gorbachev. Ngày 21/10/1987, tại Hội nghị BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, ở cương vị Bí thư Thứ nhất Thành ủy Moskva, Yeltsin đã lên diễn đàn mạnh mẽ phê phán ban lãnh đạo liên bang, trong đó có Gorbachev.

Hội nghị này đã đánh giá bài phát biểu của Yeltsin là "một sai lầm về mặt chính trị". Và Yeltsin đã bị cách chức Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva và được đưa về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Xây dựng Liên bang. "Anh muốn làm gì thì làm, - Gorbachev đã nói với Yeltsin khi đó. - Nhưng tôi sẽ không cho anh dính líu vào chính trường nữa".

Thật ra bài phát biểu của Yeltsin tại Hội nghị tháng 10/1987 không hấp dẫn vì bản thân ông này cũng chỉ là một người kém khả năng diễn thuyết. Tuy nhiên, việc Yeltsin sau Hội nghị này bị huyền chức đã khiến dư luận rất tò mò về nội dung bài phát biểu của ông ta.

Theo lời kể của Mikhail Poltoranin, lúc đó là Tổng biên tập báo Sự thật Moskva và rất thạo các trò chơi trong hậu trường của nền chính trị Xôviết, nội dung đó thực ra cũng chẳng có gì ghê gớm ngoài thái độ phủ nhận được diễn tả một cách vụng về đối với ban lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó. Và Poltoranin mới bảo với Yeltsin: "Sao ông lại phát biển với một văn bản kém như vậy?". Yeltsin đáp rằng, ông ta không kiềm chế được nên mới tự viết tay ra rồi lên diễn đàn nói. Nếu bài phát biểu này của Yeltsin được in ra thì hẳn người dân sẽ rất thất vọng về ông ta...

Poltoranin kể tiếp: "Một tháng sau Hội nghị đầy tai tiếng trên, tại Viện hàn lâm khoa học Liên Xô đã diễn ra cuộc họp của các tổng biên tập của toàn Liên bang Xôviết. Các đồng nghiệp đã nài nỉ tôi kiếm văn bản bài phát biểu khét tiếng của Yeltsin. Tôi đã ngồi vào bàn và thảo ra nó. Chúng tôi đã cho copy nó vào lúc nửa đêm, rồi sáng ra mang đi phát cho các tổng biên tập. Những người này mang văn bản đó đi truyền bá khắp Liên bang. Và uy tín của Yeltsin đã được thổi phồng lên".

Trong cái gọi là "Bài phát biểu của Boris Yeltsin tại Hội nghị tháng 10" được lan truyền rộng rãi đó, Poltoranin đã nhồi vào tất cả những điều tâm huyết và thiết thực mà người dân Liên Xô muốn được nghe thấy từ lãnh đạo cấp cao của đất nước về cuộc sống thật của họ, dù Yeltsin không hề nói như thế trong thực tế. Và mặc nhiên Yeltsin đã được tiếng là hiểu dân, gần dân, thật thà với dân nhất (?!).

Một điều đáng nói là trong tình huống này, bộ máy của Gorbachev đã rất thụ động. Mặc dù họ biết văn bản bài phát biểu tại Hội nghị tháng 10 của Yeltsin là ngụy tạo nhưng họ đã rất chậm trễ để đưa ra được những phản ứng thích đáng. Chỉ tới một năm sau, họ mới cho đăng nguyên văn bài phát biểu (thật) của Yeltsin trong một tạp chí lý luận của Đảng, vốn luôn luôn ít độc giả vì cách làm khô cứng và máy móc. Và người dân khi nhìn thấy "văn bản xịn" này lại nghĩ đó mới chính là sự ngụy tạo (!).

Theo lời kể của Poltoranin, có lần gặp gỡ các nghị sĩ, Gorbachev đã bắt tay tất cả những người có mặt, chỉ trừ ông cựu tổng biên tập này. Gorbachev đã nghiến răng nói với Poltoranin: "Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh!". Đôi khi một văn bản được tung ra đúng lúc có giá trị khuynh đảo quyền lực cấp cao như thế đấy!

Có thể chính vì không phục Gorbachev và sự tức tối muốn trả thù vì bị hạ nhục đã trở thành một trong những động lực mới giúp cho Yeltsin cố gắng làm mọi việc để lại nhảy lên trên đầu ngọn triều chính trị ở Liên Xô. Khao khát vượt lên đè bẹp đối thủ luôn là nguồn năng lượng tốt để có thêm sức mạnh trên chính trường ở bất cứ đâu.

Làm theo phương Tây

Mặc dầu vậy, chỉ tới năm 1990, Yeltsin mới ngửa bài khi tuyên bố li khai BCH TW Đảng Cộng sản Liên Xô, ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử Xôviết tối cao CHLB Nga. Gorbachev lúc này còn có thêm chức Tổng thống Liên bang Xôviết nữa nên Yeltsin, sau khi trở thành đại biểu rồi Chủ tịch Xôviết tối cao CHLB Nga, đã rất hăng hái cổ xúy cho việc bầu ra chức Tổng thống CHLB Nga.

Ông ta cần thêm thế lực để đọ sức với Gorbachev, tiêu diệt đối thủ giành lấy chính quyền và thủ tiêu Đảng Cộng sản. Với những kẻ xu thời và phản bội như Yeltsin lúc đó, sự tồn tại của Đảng Cộng sản Liên Xô chính là lực cản đối với sự hưng thịnh của nước Nga.

Trục chính trị Gorbachev - Yeltsin ngày một trở nên căng thẳng hơn. Vì bị lôi cuốn ngày một sâu vào cuộc chiến với Yeltsin, Gorbachev tới đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã để rơi khỏi tay mình bánh lái quốc gia.

Ngày 17/3/1991 tại Liên Xô đã diễn ra cuộc trưng cầu dân ý do Gorbachev đề xướng về việc tiếp tục duy trì Liên bang Xôviết. Hơn 76% số công dân đã bày tỏ nguyện vọng ủng hộ. Trên lãnh thổ CHLB Nga, do chủ trương của Yeltsin đã có thêm câu hỏi trong cuộc trưng cầu dân ý: "Bạn có cho rằng cần phải lập ra chức Tổng thống CHLB Nga bằng bầu cử toàn dân?". Hơn 52% đồng tình với ý tưởng này.

Hơn ba tháng trôi qua được dành cho việc chuẩn bị chiến dịch "bước biến đổi lớn" này. Học theo cách của người Mỹ, tại CHLB Nga cũng đưa ra cặp bài trùng ứng cử viên Tổng thống kèm Phó Tổng thống. Nhân vật được đưa ra cùng với Yeltsin là Aleksandr Rutskoi, một đại tá không quân, anh hùng trong chiến tranh ở Afghanistan (ông này về sau khi đã có quyền lực rồi thì cũng trở nên suy đồi và dính líu vào nhiều vụ bê bối).

Trong số những đối thủ của Yeltsin có cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Xôviết Nikolai Ryzhkov (với tư cách một cán bộ hưu trí), thủ lĩnh đảng Dân chủ - tự do Vladimir Zhirinovsky, nghị sĩ Aman Tuleyev, các vị tướng quân đội và an ninh Albert Makashov và Vadim Bakatin.

Theo nhận định của Zhirinovsky, ở thời điểm bầu cử năm 1991, "toàn bộ nước Nga đã bị lôi kéo theo Yeltsin, cả hệ thống báo chí, cả các thiết chế quyền lực". Còn theo lời kể của Mikhail Poltoranin, nhờ đã giúp Yeltsin "ngụy tạo" văn bản nên đã được làm Bộ trưởng Bộ Thông tin Nga từ năm 1990 tới năm 1992,

Ý tưởng đưa Yeltsin lên làm Tổng thống Nga đã được "nhập khẩu" về từ Mỹ năm 1987: "Tại Mỹ đã tiến hành một công việc đồ sộ với các chính trị gia của chúng ta. Mà Yeltsin thì lại rất hay chịu ảnh hưởng từ bên ngoài. Dù rằng sau đó, như một gã mugích Nga cứng đầu cứng cổ, đã không chịu công nhận những sai lầm đã phạm phải mà luôn biện bạch rằng tôi làm gì cũng đúng cả. Ở bên kia đại dương họ rất hiểu rằng, quan trọng là để bên cạnh một vị Tổng thống Liên bang Xôviết do các đại biểu Xôviết tối cao bầu ra có một vị Tổng thống Nga được bầu lên qua bầu cử toàn dân. Bằng cách này sẽ xuất hiện được mâu thuẫn trong chính quyền. Và nhờ thế, phá hủy Liên bang sẽ là việc trong tầm tay. Yeltsin đã chủ động tiến tới việc phá hủy Liên bang Xôviết và biết rõ rằng ông ta không được ưa chuộng cả ở Ucraina, cả ở Belorus, cả ở Kazakhstan. Và ông ta cũng biết rằng ông ta sẽ không bao giờ được bầu làm Tổng thống Liên bang Xôviết. Ônh ta chỉ có cơ hội duy nhất là trở thành Tổng thống Nga".

Ông Poltoranin cũng tiết lộ rằng, trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 1991, các chuyên gia phương Tây đã rất sát cánh bên cạnh cơ quan tham mưu của Yeltsin...

Với sự khôn ngoan và lọc lõi của mình, lại được phương Tây hỗ trợ như thế, Yeltsin đã giành được chiến thắng ngay trong vòng một bầu cử. Phát biểu nhậm chức trong Điện Kremli, Yeltsin tuyên bố: "Nước Nga đã đứng lên khỏi tư thế quỳ gối! Chúng ta sẽ biến đổi nó thành một quốc gia phồn vinh, dân chủ, yêu hòa bình, pháp quyền và có đầy đủ chủ quyền". Sau nghi lễ nhậm chức, Yeltsin và Gorbachev rời khỏi sân khấu cùng nhau. Hay Yeltsin đã kéo Gorbachev rời khỏi sân khấu?!

Một thời đại mới đã bắt đầu trong lịch sử Liên bang Xôviết và nước Nga. Ở thời điểm đó, Gorbachev đã không hiểu rằng, ông ta đã thụ động và mất cảnh giác với chính người sẽ đào huyệt chôn sống ông ta trên chính trường

Nguyễn Trung Tín
.
.