“Ai bắt được Lê Bẩy được thưởng 40.000 Đông Dương…”

Thứ Ba, 26/06/2018, 09:56
Từ trần ngày 6 tháng 2 năm 1990, hưởng thọ 79 tuổi, Lê Bẩy tuổi trẻ thông minh, thạo tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Quan Hỏa. Có tài cưỡi ngựa, bắn súng, lại giỏi võ, từng tay không đánh bại nhiều tướng phỉ người Hoa sừng sỏ. 


“Lày Sắt” – Lê Bẩy là nỗi khiếp sợ đối với phỉ người Hoa. Còn nhân dân khắp tỉnh Hải Ninh (cũ) nay là các huyện một dải từ Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn) tôn vinh ông là “Hùm xám miền Đông”.

Trong kháng chiến chống Pháp, thủ lĩnh “Xứ Nùng tự trị” tỉnh Hải Ninh là Voòng A Sáng cũng phải nể trọng Lê Bẩy.

Ở miền Đông tỉnh Quảng Ninh này, người dân vẫn truyền tụng nhau câu chuyện thực dân Pháp in ảnh Lê Bẩy dán ở khắp nơi với nội dung: “Ai bắt được Lê Bẩy được thưởng 40.000 đồng Đông Dương, 2 tấn gạo, 1 tấn muối. Nếu giết chết đem đầu đến nộp thì được một nửa”. 

Lập tức hôm sau, Lê Bẩy viết thông cáo ký tên mình và dán ngay bên cạnh: “Ai bắt được Voòng A Sáng và đại lý Pháp giao cho quân đội, chính quyền, cần bao nhiêu tiền của cũng cho”.

Trong bản Sơ yếu lý lịch Đảng viên lưu tại Ban Tổ chức Huyện ủy Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, ông Lê Bẩy sinh ngày 12 tháng 7 năm 1912, tại xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên, tỉnh Hải Ninh (nay là tỉnh Quảng Ninh). Tham gia hoạt động cách mạng năm 1940, được kết nạp Đảng chính thức năm 1948 ở chi bộ Tỉnh ủy Hải Ninh.

Ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hải Ninh

Một lần từ Hòn Gai ra huyện lỵ Hải Hà để tìm tư liệu về Đại tá Mai Trung Lâm, nguyên Tỉnh đội trưởng tỉnh Hải Ninh, tôi quá giang huyện Tiên Yên thì được nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan, người chép sử Tiên Yên bằng hình ảnh, dẫn đến chơi nhà riêng của nhà giáo Đinh Viễn.

Nhà từ đường của ông Lê Bẩy ở thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: KMS.

Đượm câu chuyện bên ấm trà xuân, nhà giáo Đinh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện, mới tiết lộ cho tôi biết rằng, ở Tiên Yên có một con người đã đi vào huyền thoại, với biệt danh “Hùm xám miền Đông”. 

Trong đầu tôi thoáng nghĩ ngay đến “Hùm xám đường số 4” – Trung tá Đặng Văn Việt. Chẳng lẽ nào ông giáo gọi nhầm? “Cụ Lê Bẩy” – ông giáo Viễn trả lời chắc nịch. 

Rồi không để tôi phải nửa tin nửa ngờ, ông vào trong phòng văn, mang ra cho tôi xem cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Yên” xuất bản năm 1991 đã bạc phếch theo thời gian, mà ông là người chấp bút chính. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan, người chụp chân dung cụ Lê Bẩy, cũng điểm xuyết vào mấy nét khiến tôi rung động, muốn tìm hiểu ngay về con người huyền thoại ấy. Ngó vào đồng hồ thì đã khuya. Nhà giáo Đinh Viễn hẹn để sang ngày hôm sau…

Khu nhà từ đường thờ cụ Lê Bẩy bên bờ sông Tiên Yên bao năm thách thức với bão lũ. Thiên tai nhiều bận thách thức, lớn nhất là trận lụt năm 2008, cả thị trấn Tiên Yên chìm trong biển nước. Khu nhà sau lũ vẫn trụ vững. 

Đến như nhân tai cũng chẳng chạm được vào cánh cổng khu nhà. Người cao tuổi vùng đất từng là tỉnh lỵ này vẫn nhớ, tướng phỉ Voòng A Sáng dù đã ra lệnh đốt phá bao nhiêu ngôi nhà của dân ở phố Tiên Yên nhưng không hề đụng đến ngôi nhà Lê Bẩy kể cả khi vắng chủ. Ông giáo Viễn trỏ lên tấm Huân chương treo cao trên tường dặn tôi đọc to từng chữ cho ông nghe.

Tôi đọc rành rõ từng chữ: Huân chương Kháng chiến Hạng Nhì do Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng ký ngày 29 tháng 3 năm 1952 thưởng cho ông Lê Bẩy, Ủy viên Nhân dân Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hải Ninh, Liên khu I. 

Nhà giáo Đinh Viễn trầm trồ đọc lại cả đoạn khen thưởng trên tấm huân chương cho người con dâu của cụ Lê Bẩy và tôi nghe, cứ y như giọng bình văn của các bậc túc Nho thuở trước:

“Chiến sĩ cách mạng đã nêu cao ngọn cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hải Ninh và có công chinh phục được nhiều thổ phỉ, cấp giúp cho bộ đội năm 1948. Lãnh đạo đoàn Đông tiến, gây cơ sở ở miền Đông tỉnh Hải Ninh, giúp đỡ các đơn vị trong tuyên truyền của Tiểu đoàn 439 và đặt nền móng trên Đường số 4. Trong những giờ phút hiểm nghèo đã tỏ ra là một cán bộ hăng hái, can đảm và sáng suốt”.

Tài xoay xở khôn khéo

Nhà cách mạng lão thành Trần Cung, một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Đệ Tứ chiến khu (Chiến khu Trần Hưng Đạo) ở Đông Triều, trước khi nghỉ hưu công tác tại Tòa án nhân dân tối cao, đã viết trong hồi ký cách mạng “Một trang đáng nhớ” (Nhà xuất bản Văn học 1980), như sau:

“Vào cuối tháng 5 năm 1945, Lê Bẩy về Đông Triều gặp chúng tôi bàn định một chương trình hoạt động từ Cẩm Phả, Tiên Yên đến Đầm Hà, Móng Cái… Lê Bẩy ở phố Tiên Yên. Vùng này có nhiều nguồn mua vũ khí, như lũ “lái súng” từ Trung Quốc sang, và binh lính chôn giấu súng khi Nhật đảo chính Pháp.

Một lần, Lê Bẩy và Hùng Phong đi một chiếc thuyền có hai tầng sạp, từ Tiên Yên đến đồn Phủ Chùa trình giấy. Tầng dưới để mười khẩu súng trường, 10 bao tải đạn, 30 quả lựu đạn, kíp mìn; tầng trên đổ năm bảy thùng muối. Cách ngụy trang đó thường thường vẫn đi lọt, nhưng bữa ấy lại gặp trắc trở. 

Hôm ấy, cạnh thuyền của ta chẳng may có một chiếc thuyền lạ bị lính đồn nghi mang hàng lậu. Lính đồn giữ lại cả hai thuyền. Bị nhốt trong lô cốt, Phong nói với Bẩy: - Nó khám thuyền mà thấy vũ khí thì thật là chúng bắt cua mà được ếch!.

Hùng Phong bàn cách trốn, Bẩy lắc đầu: - Đồn này ba mặt bể, một mặt núi cao rừng rậm trốn sao thoát được? Chúng tra tấn thì ta cố chịu đựng, cứ thống nhất khai là buôn lậu súng, đem về Cửa Ông bán. Chúng tra chán rồi nếu không tha, chúng sẽ trả ta về Tiên Yên làm tù, chứ không giam mãi ở đồn quân sự này đâu. Về Tiên Yên ta sẽ liệu…

Suy tính rồi hai người bàn đến chuyện đút lót tiền cho lính để thoát trước khi chúng lục soát thuyền. Tiền có bao nhiêu đã mua vũ khí hết. Món hàng lậu, lính họ chẳng cần. Còn mấy thúng muối thì chả đáng là bao. 

Phong vừa nói ra điều lo lắng ấy, Bẩy đặt ngay tay vào túi: - Mình còn bảy chục đồng đây, để mình thử tán xem sao. Thuyền mình bé, bảy mươi đồng có thể xuôi.

“Hùm xám miền Đông” Lê Bẩy (1912 – 1990) – Tư liệu gia đình.

Bẩy nhờ người lính gác mời đội đồn đến nói chuyện. Viên đội tới, Bẩy nói: - Chúng tôi qua đây về thăm người nhà ở Cửa Ông, có đem mấy thúng muối theo làm quà. Chẳng may chiếc thuyền đậu bên bị bắt vì tội gì không rõ, chúng tôi bị bắt lây. Nay nhờ ngài làm ơn nói với quan Nhật tha cho chúng tôi. Ngài giúp được cho thì xin có năm chục bạc gọi là món quà nhỏ tạ ơn ngài.

Viên đội lắc đầu: - Thà không có gì chứ đã nói tiền bạc thì năm chục đồng sao đủ chia cho anh em hơn hai mươi người? Thôi, nếu các anh không có tội việc chi phải mất tiền, cứ đợi sáng mai Nhật hỏi rồi nó sẽ tha. Tôi nhận năm mươi đồng sẽ mang tiếng với anh em mà không đáng là bao.

Phong và Bẩy hiểu ý nó chê ít. Hai người vờ hỏi nhau: - Còn đồng nào không? Bẩy vét túi đưa tất cả bảy chục đồng cho tên đội. Nó giơ tay nhận và bảo: - Các anh biếu quan Nhật năm bảy thùng muối thì mới ổn. Ở đây nó phải về Cát Hải mới có muối. Với lại rồi cũng bị tịch thu thôi vì muối các anh đem trái phép.

Sáng hôm sau, Phong và Bảy đội bốn thúng muối lên bờ đấm mõm cho bọn Nhật. Thế là thoát. Hùng Phong phải chịu tài xoay xở khôn khéo của Bẩy…”.

Chuyến thứ hai, Lê Bẩy đi một mình mua được hai mươi súng và mấy hòm đạn. Chuyến thứ ba, tiếp đến chuyến thứ tư đón ở Cửa Ông, hai người mua được 25 súng trường, 5 hòm đạn. Có chuyến khi vũ khí cập bờ thì cái cặp đựng hai vạn bạc đã bay mất cùng với người đi áp tải súng đạn. 

Không có tiền, Hùng Phong định mời toán buôn lậu về căn cứ để lấy tiền trả nhưng họ nể và tin Lê Bẩy nên đã cho nợ. Hoàn thành nhiệm vụ mua vũ khí, Lê Bẩy ở lại Chiến khu Đông Triều tham gia chiến đấu.

Vị chủ tịch đầu tiên của tỉnh Hải Ninh

Hải Ninh là tỉnh giáp biên giới Trung Quốc. Ngay sau khi quân đội phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, chính quyền Cách mạng ở địa phương còn trứng nước thì quân đội Tưởng Giới Thạch đã tràn sang biên giới với danh nghĩa quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật. 

Theo sau quân Tưởng là lực lượng “cứu quốc” hải ngoại – Việt Quốc và Việt Cách về nước tranh giành chính quyền với Việt Minh. 

Lực lượng non yếu nên phải đến đầu tháng 12 năm 1945, tại cuộc họp chung cán bộ 3 huyện Tiên Yên, Bình Liêu và Đình Lập – sau được tách về tỉnh Lạng Sơn – kiến nghị thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hải Ninh để điều hành công việc chung và nhất trí cử Lê Bẩy làm Chủ tịch đầu tiên.

Để giữ yên phên giậu Tổ quốc trước sự chống phá của Việt Quốc và Việt Cách, cuối tháng 12 năm 1945, Lê Bẩy về Hà Nội báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh tình hình chính trị, quân sự tỉnh Hải Ninh. Trong tài liệu cá nhân, ông cho biết đã được cùng ăn cơm với Bác và cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Hồ Chủ tịch đã ký tên mình lên tấm giấy nhỏ mầu hồng in mấy chữ “Thành đồng Tổ quốc” rồi trao cho Lê Bẩy. Đồng thời, Bác dặn ông Nguyễn Xiển – Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ giao cho Chủ tịch tỉnh Hải Ninh 30.000 đồng Đông Dương để chi dùng cho cách mạng. 

Với số tiền này, về đến Hải Phòng, Lê Bẩy đã mua được 30 tấn gạo rồi thuê 6 chiếc thuyền chở về Tiên Yên giao cho bộ đội. Dọc đường, ông đã chia sẻ một phần cho nhân dân Cẩm Phả, Cửa Ông.

*

*    *

Ông Kiều Quốc Huy, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên; ông Nguyễn Tiến Khang, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tiên Yên dẫn tôi đi thực tế dọc “đường Lê Bẩy” ra đến một vùng đầm phá rộng lớn của xã Hà Dong. 

Con đường ấy không có biển đề tên như các khu đô thị. Cái tên “đường Lê Bẩy” là từ trong trái tim người dân Tiên Yên dành cho một con người đã đi vào huyền thoại mà trong khuôn khổ một bài viết không thể nói hết được.

Đầu năm 2018, ông Nguyễn Ngọc Đàm, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kể với người viết bài này: “Chính đồng chí Lê Bẩy là người đã bí mật tham gia đưa đường cho phái đoàn của Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt dẫn đầu (cùng các đồng chí Đặng Việt Châu – nguyên Phó Thủ tướng; Dương Đức Hiền – nguyên Bộ trưởng Bộ Thanh niên;…) sang Trung Quốc cuối năm 1944 đầu năm 1945 làm công tác ngoại giao, theo con đường vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông, ra Móng Cái”.
Kiều Mai Sơn
.
.