Nghề lạc quan và phóng khoáng

Thứ Năm, 25/05/2017, 08:10
Nghề nông là một nghề chỉ phù hợp với những ai có tính lạc quan và suy nghĩ phóng khoáng.

Hầu hết chúng ta vẫn chỉ quan niệm nghề nông là nghề cực khổ, một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời... Tôi nghĩ quan niệm này không sai - nhất là ở Việt Nam, nhưng nó sẽ không còn đúng nữa nếu những người nông dân biết làm chủ công nghệ, nắm bắt các xu hướng, kiến thức về kỹ thuật - bên cạnh kinh nghiệm sẵn có được đúc rút qua nhiều năm làm việc trên cánh đồng - để cải tiến về chất lượng, tăng năng suất sản phẩm và cải tiến mẫu mã, tìm được đầu ra với giá cao.

Tôi mới đọc cuốn Thích gì làm nấy của ông nhà văn người Nhật Ryu Murakami trong những ngày lang thang ở... New Zealand. Sáng sáng ngồi cafe ngắm cảnh, đọc khoảng chục trang, ngạc nhiên là một trong hai ông nhà văn đương đại nổi tiếng nhất Nhật Bản này lại đi viết một cuốn sách kỹ năng gọi là Cẩm nang lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh theo phong cách của người Nhật.

Ông viết ra khoảng hơn 200 cái nghề khác nhau và khuyến khích các bạn trẻ cứ thích gì thì làm nấy, và làm thật nhiệt huyết, thật say mê, biến mình thành chuyên gia của lĩnh vực mình theo đuổi, thì trước sau gì cái nghề đó nó cũng đền ơn đáp nghĩa cho mình.

Trong cuốn này, ông cũng đề cập đến nghề nông, từ cái đam mê thích ngắm, chăm sóc hoa và cây cỏ. Ổng nói: "Nghề nông chịu ảnh hưởng và phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên, cụ thể là điều kiện thời tiết và thiên tai nên có rất nhiều việc chỉ bằng nỗ lực vẫn không mang lại kết quả. Chính vì vậy mà công việc làm nông chỉ phù hợp với những ai có tính cách lạc quan và suy nghĩ phóng khoáng".

Những nông dân đang làm việc trong vườn ươm.

Tôi cũng phải công nhận là làm nông dân mà không lạc quan và phóng khoáng thì khó làm nổi. Và nói chung làm nghề gì cũng thế, không có một tâm hồn lạc quan và phóng khoáng thì nhìn đâu cũng thấy khó khăn, tăm tối. Nghề nông, tuy bán mặt cho đất bán lưng cho trời, nhưng mặt khác cũng là người tận hưởng được những khoảnh khắc giao hòa của trời đất, ngắm nhìn được những thay đổi, sinh sôi của vạn vật, chứng kiến được những cây giống bé tí hin mới mọc mầm lên chồi đến những cây trưởng thành cho hoa cho trái...

Nhưng bên cạnh cái lạc quan và phóng khoáng giữa trời đất ấy, nếu người nông dân biết nắm bắt và học hỏi từ kỹ thuật nghiên cứu của các nhà khoa học nữa thì chuyện họ trở thành triệu phú, tỷ phú không phải là hiếm hoi nữa.

Hôm tôi đi qua vùng đất của đảo Nam New Zealand, có tên là Marlborough - cả những cánh đồng nho bạt ngàn từ hai bên đường highway, nhìn thanh bình và đẹp mắt không chịu nổi. Thế là đến trạm dừng gần đấy trước khi đi phà qua đảo Bắc, tôi đã tranh thủ đọc một cuốn tạp chí miễn phí về vùng rượu vang Marlborough Sounds của New Zealand.

Từ một vùng đất chủ yếu là chăn cừu và bò sữa, những người nông dân New Zealand đã nghiên cứu thổ nhưỡng và thấy vùng đất này rất phù hợp với cây nho. Chỉ mất hơn 20 năm, Marlborough trở thành một vùng trồng nho lớn nhất của New Zealand và cung cấp tới 70% sản lượng rượu nho cho nước này.

Chỉ trong vòng 20 năm, New Zealand đã trở thành một trong 10 nước cung cấp những chai rượu vang hảo hạng nhất thế giới. Rất nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân nhờ trồng nho đã xuất hiện ở Marlborough.

Không có thiên nhiên trù phú như New Zealand, một đất nước khác tôi đặt chân đến cũng khiến tôi kinh ngạc là Israel. Ai đọc cuốn Quốc gia khởi nghiệp (Start-up Nation) cũng đều biết được sự phát triển thần kỳ của quốc gia Do Thái này.

Nhưng đến tận nơi và chứng kiến tinh thần khởi nghiệp của họ mới hiểu được tại sao một quốc gia nhỏ bé nằm trên vùng đất sa mạc khô cằn, lại bao quanh bởi các quốc gia láng giềng kẻ thù mà Israel vẫn phát triển thần tốc. Và một trong những ngành phát triển nhất ở Israel là... nông nghiệp. Nhờ công nghệ phát triển vượt bậc về giống, kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt và sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính; đất nước bé tẹo và nằm trên dải đất bán sa mạc này lại là nước xuất khẩu trái cây tươi thuộc vào hàng top đầu của thế giới.

Hôm tôi đi chợ trái cây Carmel ở Tel Aviv, thấy như lạc vào một thiên đường... nhiệt đới, dù trái cây ở đây to gấp... 3 lần trái cây xứ nhiệt đới, trái nào trái nấy chắc lẳn, to tròn, bóng mượt nhìn rất đã mắt. Tất cả đều được trồng trên những cánh đồng khô cằn của bán sa mạc. Và họ chiến thắng sa mạc, biến nó thành mảnh đất phì nhiêu hoàn toàn nhờ công nghệ.

Ở Việt Nam, dù phần lớn bà con nông dân vẫn sản xuất dựa trên kinh nghiệm và sự nỗ lực, nhưng cũng bắt đầu có những nông dân, đặc biệt là các bạn trẻ nông dân đã biết biến mảnh đất của mình cho năng suất gấp vài lần nhờ ứng dụng công nghệ. Chuyến đi khảo sát của tôi và một vài người bạn ở Buôn Ma Thuột mới đây đã chứng kiến được những sự thay đổi đầy tích cực của vùng đất sản xuất cà phê lớn nhất nước.

Từ năm 2011, dự án Nescafé plan đã thực hiện một chương trình hợp tác giữa Nestlé, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) và một vài đối tác khác, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng, tăng sản lượng cà phê và qua đó tăng thu nhập cho người nông dân tại 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng).

Cây giống cà phê nhờ kỹ thuật cấy mô trong vườn ươm của WASI. Từ một chiếc lá cà phê giống tốt có thể tạo ra... 2 triệu cây giống tốt và cho năng suất như nhau.

Trong buổi đến thăm WASI, tôi đã có dịp thăm vườn ươm của họ. Ngoài kỹ thuật nhân giống truyền thống, Viện WASI đã tiến hành kỹ thuật nhân giống nhờ cấy mô. Một nữ tiến sĩ đã được đài thọ sang Pháp học trong 2 năm về kỹ thuật cấy mô này và về thí nghiệm tại vườn ươm, đã bắt đầu cho những thành quả đầu tiên.

Nếu kỹ thuật nhân giống truyền thống mất rất nhiều công đoạn cấy ghép và phải đối mặt với rủi ro, sâu bệnh, thì kỹ thuật cấy mô từ một chiếc lá cà phê được chọn lọc có thể nhân được... 2 triệu cây giống. Tất nhiên thời gian cấy mô lâu hơn, nhưng khi đã đi vào hoạt động bài bản và cụ thể, nó có thể cung cấp cho bà con nông dân một số lượng cây giống lớn, đạt năng suất cao và hạn chế được sâu bệnh...

Bên cạnh đó, bà con nông dân cũng được tập huấn kỹ thuật dựa trên nền tảng của bộ quy tắc quốc tế 4C sản xuất chế biến và kinh doanh cà phê bền vững. Áp dụng các kỹ thuật của NESCAFÉ Plan, người nông dân không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước.

Cụ thể là từ năm 2011 tới nay, dự án đã giúp cho 21,000 nông dân đạt chứng chỉ cà phê quốc tế 4C, phân phối 15 triệu cây giống cà phê năng suất cao, kháng bệnh, tổ chức các khóa tập huấn cho gần 150,000 nông dân, giúp nông dân tiết kiệm 40% lượng nước tưới, 20% lượng phân bón, tăng 40% thu nhập. Mô hình xen canh cây cà phê của dự án đã góp phần tăng 100% thu nhập cho nông dân, góp phần cải tạo đất trồng.

Chuyến khảo sát đã giúp tôi được trải nghiệm tận mắt từ những cây giống trong vườn ươm, đến những vườn cà phê đang mùa ra hoa trắng khiến những chú ong đi lấy mật còn say ngất ngây (giờ mới biết "Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật" là thế nào).

Sau đó còn được thăm những khu vườn cà phê của những người nông dân thực thụ, những người mà sau 4-5 năm tham gia dự án này đã tăng năng suất và trở thành những... tỷ phú nông dân kiểu mới.

Tháng Ba, giữa đất trời Tây Nguyên, một trong những vùng đất yêu thích của tôi và đã đặt chân lên nhiều lần; giữa những vườn cà phê đang ra hoa trắng muốt và nụ cười chất phác của những người nông dân đang làm chủ khu vườn của mình; tôi tin điều ông Ryu Murakami nói: Nghề nông là nghề chỉ phù hợp với những ai có tính lạc quan và suy nghĩ phóng khoáng.

Rồi tự thấm một điều, thực ra nghề gì cũng thế thôi, cứ lạc quan và phóng khoáng thì đời và nghề nó sẽ đền đáp cho mình.

Chắc luôn!

Sinh năm 1977, là nhà báo có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí chuyên nghiệp từng làm Thư ký tòa soạn của một tờ tạp chí phong cách sống dành cho nam giới và hiện nay đang là nhà báo tự do. Tác giả của 3 cuốn sách về điện ảnh và đang hoàn thiện dự án "101 phim Việt Nam" ra mắt vào cuối năm nay. "Ngoài báo chí như một nghề nghiệp chính, điện ảnh, văn chương và những chuyến đi trải nghiệm cuộc sống là những niềm đam mê của tôi".
Lê Hồng Lâm
.
.