“Nữ quyền” hay chuyện “con rối” bị giật dây?

Thứ Tư, 11/07/2018, 07:15
Giờ đây, nếu muốn thành công, bạn phải đưa “nữ quyền” thành từ khóa cho những chiến dịch của mình, dù là chiến dịch tranh cử chính trị hay chiến dịch kinh doanh. 


Ngày 1 tháng 7 năm 1946, ở cực Đông Bắc nước Mỹ, trên quần đảo san hô Bikini lúc này đã không còn người ở, một cuộc thử nghiệm hạt nhân của chính phủ diễn ra - đó cũng là vụ nổ thiết bị hạt nhân đầu tiên kể từ vụ đánh bom thành phố Nagasaki tàn phá hoàn toàn một miền đất rộng. Lúc này, người Mỹ đang sa vào một cuộc đua vũ trang với Liên bang Xôviết.

Vụ thử nghiệm tiến hành thuận lợi. Thông tin về nó lan tràn trên mặt báo. Và chỉ 4 ngày sau, ở một nơi rất xa, một kỹ sư chuyên về động cơ xe hơi cho ra mắt... một thiết kế áo bơi “nhỏ hơn tất cả những thiết kế áo bơi khác trên thế giới”.

Bộ đồ dành cho phụ nữ chỉ gồm 2 mảnh, nhỏ thật! - có thể gấp lại và cất vừa trong một hộp diêm và chỉ đủ để che những phần nhạy cảm nhất trên cơ thể. Louis Réard - vị kỹ sư tham vọng ấy - đặt cho bộ đồ cái tên bikini, với hy vọng bộ đồ sẽ gây địa chấn không thua gì vụ thử hạt nhân của lính Mỹ.

Thế nhưng, thời gian đầu tiên, Réard đã phải thất vọng. Những người mẫu Paris không đủ can đảm để phô bày da thịt trong thiết kế táo bạo đó. Chính phủ nhiều nước như Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Australia... cấm tiệt bikini. Tòa thánh Vatican tuyên án bikini là một phát minh tội lỗi.

“Mọi phụ nữ đều xinh đẹp” là khẩu hiệu biểu tình chống lại các cuộc thi sắc đẹp.

5 năm sau, vào năm 1951, cuộc thi hoa hậu thế giới đầu tiên diễn ra tại nước Anh, khi ấy thực chất là một lễ hội quảng bá thời trang áo tắm. Cuộc thi nhanh chóng trở thành một vụ scandal choáng váng khi vào đêm trao giải, người đẹp Thụy Điển Kiki Hakansson lên nhận vương miện và quyền trượng hoa hậu trong bộ đồ hai mảnh khêu gợi. Hình ảnh của Kiki gây bão đến mức đánh động cả đức Giáo hoàng Piô XII khả kính.

Ngài Piô XII, người đắc cử trong buổi loạn ly của lịch sử, đã dành nhiều tâm sức để ngăn chặn nào là chiến tranh thế giới, nào là nạn diệt chủng Do Thái, nào là việc kết tội chiến tranh cả dân tộc Đức, toàn những vấn đề hết sức nghiêm trọng vĩ mô, vậy mà chính ngài lại đồng thời cũng là người cố gắng ngăn chặn... bộ bikini chướng mắt của chị em phụ nữ.

Vậy nói đúng ra, cuộc thi hoa hậu đầu tiên trên thế giới là một cuộc cách mạng giải phóng cơ thể phái đẹp khỏi những ràng buộc về y phục rườm rà, kiểu cách, trưởng giả, cổ lỗ đấy chứ? Và thi sắc đẹp, do đó, cũng đã từng là một kiểu ví dụ về nữ quyền.

Có điều thời đại “trở mặt” rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, các cuộc thi sắc đẹp và đặc biệt là phần trình diễn áo tắm trở thành đối tượng bị công kích nặng nề bởi những nhà hoạt động bình quyền.

Việc những người đẹp dưỡn dẹo trên sân khấu trong những bộ bikini nhục cảm trước cặp mắt hau háu của hàng triệu khán giả bị đánh giá là sự xúc phạm tới danh dự của phụ nữ, “vật hóa” (objectify) phụ nữ, biến họ thành như những vật vô tri hay công cụ tình dục.

Sau khi cuộc thi Hoa hậu Mỹ chính thức bỏ phần thi gây tranh cãi này trong năm nay, ở Việt Nam cũng dấy lên cuộc tranh luận về việc nên hay không cắt nó ra khỏi nội dung thi của Hoa hậu Việt Nam. Đa số bênh vực việc thi bikini vẫn chỉ xoay quanh các lý luận cảm tính, chẳng hạn như: hoa hậu thì trước hết phải đẹp, bỏ phần này thì còn gì là hoa hậu?

Nhưng trong một xã hội mà hệ giá trị đảo lộn như hiện tại, để đưa xã hội ấy tiến lên, người ta không thể hành động theo kiểu “mình thích thì mình làm thôi” một cách vu vơ như thế.

Thực tế, hai cụm từ “hoa hậu” và “nữ quyền” dường như đang đi trên hai đường thẳng song song không bao giờ gặp mặt. Những nỗ lực bài trừ thi hoa hậu đã xuất hiện từ khi các cuộc thi này mới còn manh nha, bắt đầu từ một sự cuộc biểu tình diễn ra vào năm 1968 tại nước Mỹ.

Thành phố Atlantic, bang New Jersey, một ngày mùa thu. 400 người phụ nữ, tay mang băng rôn, khẩu hiệu đầy tính đả phá như “Chào mừng tới cuộc thi Miss America hay là đấu giá súc vật”, “Phụ nữ là người, không phải gia súc”, “Liệu trang điểm có che được những vết thương từ sự áp bức đè nén lên chúng tôi?”, “Nếu cần thịt, hãy đến tiệm bán thịt”... nhằm công kích cuộc thi hoa hậu Mỹ đang tổ chức rầm rộ.

Họ đem theo những chiếc thùng rác với dòng chữ “Rác thải của tự do”, ném vào đó tất cả những món đồ mà họ cho là đứa con của nền văn hóa nam trị: giày cao gót, đồ dưỡng da, đồ trang điểm, keo xịt tóc, áo lót, các ấn phẩm báo chí từ tạp chí khiêu dâm Playboy cho đến tạp chí thời trang Cosmopolitan. 

Đỉnh điểm của cuộc diễu hành, theo truyền miệng lại, là khi họ hỏa thiêu những chiếc áo nịt ngực - biểu tượng tối cao của lịch sử về tính nữ.

Tất nhiên, không phải nhà nữ quyền nào cũng phản đối chiếc áo ngực, và không phải nhà-nữ-quyền-phản-đối-áo-ngực nào cũng tìm hiểu tường tận lý lịch của thứ đồ mà họ kỳ thị. Những người phụ nữ ngày nay quên mất rằng, trước khi áo ngực ra đời, phái đẹp bị kìm kẹp trong bộ khung cứng ngắc của chiếc corset.

Bộ khung ấy tượng trưng cho định kiến thâm căn cố đế của xã hội (một xã hội duy ý chí của đàn ông) về tiêu chuẩn cái đẹp: vòng ngực nở nang, vòng eo con kiến, vòng hông tròn trịa. Chiếc corset nếu không phải là quyền lực áp chế của đàn ông thì còn có thể là gì nữa? 

Hãy nhớ rằng, vào thời của Louis XIV, vị hoàng đế này còn ra lệnh toàn bộ y phục của phái nữ là do các thợ may nữ chịu trách nhiệm, riêng chiếc corset sẽ được “săn sóc” bởi các thợ may nam!

Chiếc áo với dòng chữ “Tương lai là phái nữ” - món đồ thời trang được phái đẹp ưa chuộng - đem về lợi nhuận lớn cho các nhà tư bản.

Và tại sao áo ngực lại ra đời? Mary Phelps Jacob, người giữ bằng sáng chế cho chiếc áo ngực hiện đại, cho biết cô đã tạo ra nó để “cứu” phụ nữ thoát khỏi sự xiềng xích của chiếc corset cồng kềnh tai hại. Vậy là, lại thêm một lần nữa, chúng ta nhận ra, nếu nhìn một hiện tượng từ ngọn ngành thì nó không hề xấu xa như những gì thế hệ sau gán ghép cho nó.

Trình diễn bikini cũng vậy, thi hoa hậu cũng vậy, mặc áo ngực cũng vậy. Bản chất của chúng không hề đi ngược lại nữ quyền, thậm chí vào một vài thời điểm nhất định trong lịch sử, chúng còn cổ vũ cho sự nổi dậy của nàng Eva chống lại chiếc xương sườn của Adam nữa.

Giống như mọi thứ trên đời như mạng xã hội hay Internet, hoa hậu và bikini chẳng có gì xấu cả, nhưng đã có những kẻ lợi dụng chúng để làm nảy mầm những ung nhọt tệ nạn: một xã hội coi trọng vẻ bề ngoài đã làm hoa hậu biến tướng thành một cuộc mua vui thể xác phụ nữ, biến bikini thành thang điểm đánh giá ngoại hình một con người, biến các cô gái đẹp thành công cụ để tạo ra khao khát về một vẻ đẹp hoàn hảo, biến họ thành gương mặt quảng cáo hiệu quả, làm động lực cho chủ nghĩa tiêu dùng và chủ nghĩa vật chất.

Phong trào nữ quyền hoàn toàn chính xác khi chống lại những biến đổi độc hại đó. Nhưng đến bản thân phong trào nữ quyền, vốn có mục đích rõ ràng là tốt đẹp, thế mà trong giai đoạn nhân rộng hiện nay cũng đang bắt đầu sa vào cái bẫy mà tư bản giăng ra.

“Nữ quyền đạo đức giả đang là xu hướng thời thượng của các start-up” - bài báo của cây viết Doree Shafrir như một nụ cười chua xót dành cho hai chữ “nữ quyền” vốn giàu ý nghĩa và truyền cảm hứng.

Bài báo của Shafrir chỉ ra, “nữ quyền” đang bị lạm dụng. Giờ đây, nếu muốn thành công, bạn phải đưa “nữ quyền” thành từ khóa cho những chiến dịch của mình, dù là chiến dịch tranh cử chính trị hay chiến dịch kinh doanh. 

Có thể nói gì đây? Chỉ có thể nói rằng, tư bản quá nhạy bén, đánh hơi được cơ hội kinh doanh ở bất cứ đâu và sẵn sàng kinh doanh cả đạo đức hay tư tưởng xã hội. Tư bản rao giảng về nữ quyền để xoa dịu những tâm hồn phụ nữ dễ bị rung động và đã phải chịu quá nhiều bất công. 

Cho nên, khi người mẫu trẻ đẹp Cara Delevingne diện chiếc áo nỉ trị giá 50 USD với khẩu hiệu mạnh mẽ “The Future Is Female” (Tương lai là phái nữ), chiếc áo ngay lập tức trở thành một cơn sốt trong giới mộ điệu thời trang.

Nhưng ai sẽ là người hưởng lợi từ việc bán những chiếc áo đó? Còn ai khác ngoài những nhà mode sành điệu? Tất nhiên, cả những phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên, những người tự hào với đầu óc cấp tiến và tư tưởng tiến bộ. 

Trong khi ấy, ở đâu đó trên thế giới, đang có hàng ngàn nữ thợ may da màu nghèo khổ làm việc như trâu như ngựa để sản xuất những bộ đồ theo kịp trào lưu. Họ lao động trong môi trường khắc nghiệt, sống với chỉ vài đô một ngày và cùng lúc đó, họ thêu lên dòng chữ: “Tương lai là phái nữ”. Đương nhiên, chuyện ấy chẳng bao giờ được kể ra.

Tố Tâm
.
.