7 câu hỏi nóng được đặt ra về Hồi giáo

Thứ Tư, 11/03/2015, 22:59
Thế giới đang phải hứng chịu các vụ tấn công khủng bố thực hiện bởi các phần tử Hồi giáo cực đoan. Số lượng các nước nằm trong danh sách bị tấn công khủng bố đang tăng lên theo thời gian. Đa số các tín đồ Hồi giáo đều kịch liệt phản đối những hành động khủng bố này. Và, trước mức độ thường xuyên diễn ra và tính tàn bạo của hàng loạt các vụ khủng bố gần đây khiến cho mọi người phải đặt ra những câu hỏi khó về tôn giáo. Dưới đây có lẽ là những câu hỏi được nhiều người đặt ra nhất.

1. Hồi giáo có ủng hộ bạo lực?

Nhiều tín đồ Hồi giáo cảm thấy khó chịu khi nghe ý kiến này. Họ cho biết có 1.6 tỉ người Hồi giáo trên thế giới và đa số họ sống một cuộc sống lao động sản xuất bình thường trong hòa bình.

Như Arsalan Iftikhar, một luật sư nhân quyền và là một tín đồ Hồi giáo, đã đưa ra bình luận sau vụ tấn công tờ báo Charlie Hebdo tại Paris vừa qua làm 12 người chết. Iftikhar và những người Hồi giáo khác cho rằng, đối với mỗi tôn giáo, dù Đạo Ki-tô hay Do Thái, từ Hindu cho đến Đạo Phật, khủng bố đều có thể xảy ra.

Các học giả cho biết, hiếm có mối liên hệ trực tiếp nào giữa các tín ngưỡng tôn giáo và tư tưởng bạo lực. Thay vào đó, khủng bố là tổng hợp của các yếu tố khác nhau gây ra.

Tuy nhiên, có một sự thực hiển hiện đang diễn ra: một số lượng lớn các cuộc tấn công khủng bố do những người tự xưng là tín đồ Hồi giáo gây ra đang tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Những vụ tấn công này dẫn tới một số ý kiến cho rằng bản thân Hồi giáo đã mang tính bạo lực. Để minh chứng cho ý kiến này, họ đã chỉ ra “những câu thơ của binh đao” trong chương A của kinh Koran.

Những câu thơ nói rằng:

“Khi những tháng thánh qua đi, các ngươi hãy tàn sát những kẻ đa thần bất cứ nơi nào bắt gặp chúng, hãy bắt chúng, giam cầm chúng và nằm chờ, phục kích chúng. Nhưng nếu chúng biết hối lỗi, bắt đầu cầu nguyện, và làm bố thí cho người nghèo, hãy thả cho chúng đi”.

Nhiều tín đồ Hồi giáo đã lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ lý lẽ đó và cho rằng, phần đông những người Hồi giáo rõ ràng không gây chiến với những tôn giáo khác. Nhưng những vần thơ này đã bị nhà nước IS - một nhóm các phần tử Hồi giáo cực đoan lợi dụng. Những kẻ này cho rằng các tín đồ Hồi giáo có nhiệm vụ thánh là “giết những kẻ ngoại đạo”.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo còn cho biết, các nhà phê bình Chủ nghĩa Hồi giáo và những kẻ cực đoan đã tách “những câu thơ binh đao” khỏi bối cảnh lịch sử của nó. Những câu thơ này không thể xem như lệnh thi hành án tử hình cho phép toàn quyền áp đặt lên những người không theo đạo Hồi.

2. Tại sao xuất hiện ngày càng nhiều các vụ tấn công khủng bố gây ra bởi những kẻ theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan?

Không có một câu trả lời đơn lẻ nào cho câu hỏi trên. Thay vào đó, các chuyên gia cho rằng có một số nguyên nhân, từ những động lực của cá nhân cho đến sự phát triển toàn cầu, từ học thuyết cổ đại cho đến công nghệ hiện đại.

Điển hình như hai tên nghi phạm gây ra vụ khủng bố tại Paris làm 12 người chết, Cherif Kouachi, 32 tuổi và anh trai, Said, 34 tuổi. Cả hai tên đã bị cảnh sát Pháp bắn chết sau khi bị truy đuổi gắt gao. Theo báo Pháp, hai tên này đã giết hại các phóng viên của tờ báo Charlie Hebdo, một tạp chí biếm họa của Pháp sau khi tạp chí này đăng ảnh biếm họa của Đấng tiên tri Mohammed.

Theo các nguồn tin, hai anh em tên này được sinh ra ở Pháp, bố mẹ đẻ là người Algeria và được nhận nuôi từ khi còn nhỏ, không có mối liên hệ đặc biệt nào với tôn giáo trong suốt quá trình trưởng thành. Theo các hãng thông tấn Pháp, Cherif Kouachi chỉ quan tâm đến uống bia, nghe nhạc hip-hop và theo đuổi các cô gái.

Một báo cáo của Viện Brookings thu thập từ nhiều nguồn tin, trong đó có cả những tài liệu ghi chép sau phiên tòa xử tại Pháp, đã thể hiện bức tranh cuộc sống ảm đạm của những người nhập cư vào Pháp thế hệ đầu tiên, đặc biệt là những người nhập cư từ Nam Phi.

Theo báo cáo này, rất nhiều người phải sống trong cảnh bần cùng nghèo khổ, không được hưởng phúc lợi xã hội, vướng vào cảnh chợ đen và gia đình tan vỡ, cứ trong 5 người thì có gần 1 người không có nước nóng để sinh hoạt trong nhà. Trong khi đó, các tín đồ Hồi giáo thường phàn nàn về chuyện không được văn hóa lâu đời của Pháp tôn trọng.

Tài liệu không nói nhiều về thời trẻ của anh em nhà Kouachi, nhưng cho biết, Cherif Kouachi cuối cùng đã gặp Farid Benyettou, người Pháp gốc Algeria, kẻ đã thuyết phục, nhen nhóm cho tên này một nền văn hóa mới và động cơ mới, làm Benyettou tin rằng nếu họ chết như những chiến binh jihad, họ có thể sẽ được lên thiên đường. Còn Kouachi đã xem những hình ảnh về chiến tranh tại Iraq trên tivi, và tên này dần bị thuyết phục rằng anh ta cần phải cầm vũ khí để chiến đấu, bảo vệ các tín đồ Hồi giáo, chống lại đội quân của Mỹ.

Năm 2005, tên này bị bắt trong khi chuẩn bị tới Iraq. 3 năm sau, Kouachi bị tuyên phạt 3 năm tù vì tội tham gia dự tuyển vào đội quân jihad tại Paris. Các nhà chức trách Mỹ và Pháp cho biết: bằng chứng cho thấy cả hai anh em tên này đã được Al-Qaeda đào tạo vũ khí tại Yemen, một nhà nước bất ổn và sau đó trở thành cái nôi cho bọn khủng bố.

Bút và hoa để tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo.

3. Cảm giác của các tín đồ Hồi giáo như thế nào?

Có thể tóm tắt cảm giác của những người Hồi giáo trong một từ: thất vọng.

Theo lời một công dân Mỹ là một tín đồ Hồi giáo, tâm trạng của các tín đồ Hồi giáo có thể được mô tả như sau: Những người theo đạo Hồi không hề có cơ hội. Mỗi ngày lại có thêm một sự kiện diễn ra gợi lên suy nghĩ rằng bản thân Hồi giáo vốn đã mang tính bạo lực. Những sự kiện đó đang phá hỏng nhiều năm thiện chí và cố gắng của Hồi giáo.

Nhiều tín đồ Hồi giáo cho biết cảm giác thất vọng chồng chất là kết quả của việc các tín đồ Hồi giáo đang phải hứng chịu và bị đổ lỗi cho các vụ tấn công khủng bố, hay bị đổ lỗi họ chưa làm hết khả năng để tố giác các phần tử cực đoan.

4. Hồi giáo có thực sự cấm tất cả hình ảnh của Nhà tiên tri Mohammed?

Việc miêu tả nhà tiên tri không được nhắc đến trong kinh Koran, cuốn sách đầu tiên của người Hồi giáo. Những câu chuyện, lời nói được cho là của Mohammed và những cuốn sách của ông, Mohammed không khuyến khích các tín đồ Hồi giáo vẽ tranh hay chụp ảnh mình.

Nhìn theo cách khác, sự ngăn cấm vẽ tranh, chụp ảnh Nhà tiên tri Mohammed là một hành động phản ứng khi mà các tôn giáo khác cũng đang hiện hữu tại cái nôi Ả rập. Mohammed đã chứng kiến những tôn giáo khác thần tượng, thần thánh hóa Đấng tiên tri và Thiên sứ của mình. Nhưng với Mohammed, ông muốn đảm bảo các tín đồ Hồi giáo chỉ tôn kính và sùng bái Thượng đế.

Nhiều tín đồ Hồi giáo đã làm theo lời khuyên của Mohammed và một số người cho rằng những bức tranh, ảnh của Mohammed là báng bổ. Tuy nhiên, việc miêu tả Nhà tiên tri vẫn là một truyền thống mang đậm tính lịch sử, đặc biệt là ở những nơi như Persia và Thổ Nhĩ Kỳ, Christiane Gruber, một chuyên gia nghiên cứu về văn hóa Hồi giáo của Trường đại học Michigan cho biết.

5. Tại sao Mohammed lại quan trọng với các tín đồ Hồi giáo đến thế?

Tất cả các tôn giáo đều tôn thờ Đấng tiên tri của mình, nhưng đối với những tín đồ Hồi giáo, Mohammed không chỉ là một Thiên sứ. Ông là hiện thân của những tín đồ sùng đạo một cách tuyệt đối và là biểu tượng của niềm tin.

Muhammad Qasim Noor, một người Ảrập Xêút trẻ tuổi cho biết: “Là một tín đồ Hồi giáo, tôi có thể bỏ qua những lời chỉ trích, buộc tội hướng đến cá nhân tôi. Nhưng nếu có ai đó chỉ trích Mohammed, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh ta”.

Theo Abed Awad, một chuyên gia về luật Hồi giáo, hầu hết các cuốn sách luật quy định việc phê phán, chỉ trích Mohammed, với vai trò là Nhà tiên tri, đồng nghĩa với việc phỉ báng Thượng đế. Những luật khác cho rằng tất cả những hành động như chê bai, xem thường, hay miệt thị Nhà tiên tri, trong một số trường hợp có thể được xem như sự bội giáo. Tuy nhiên, truyền thống Hồi giáo cũng nhấn mạnh rằng Mohammed chỉ là một người bình thường và cũng có thể mắc sai lầm như những người khác.

6. Hồi giáo có cần được cải cách?

Chỉ một ngày trước khi diễn ra vụ tấn công khủng bố tại Paris, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã thúc giục những nhà lãnh đạo Hồi giáo tiến hành một cuộc “cách mạng tôn giáo”.  “Các vị là những người chịu trách nhiệm trước Thánh Allah”, ông nói với các giáo sĩ ở Al Azhar, viện tín đồ Hồi giáo đứng đầu của Ai Cập. “Cả thế giới đang mong ngóng thế giới của các vị… Vì thế giới Hồi giáo đang bị xé lẻ, bị phá hủy và dần biến mất. Và nó đang dần biến mất bởi chính bàn tay của các vị”.

Dù thế giới đã ghi nhận những vụ tàn sát đẫm máu, bất đồng ngày càng tăng, các nhà báo bị hành quyết, tình cảm giữa các tín đồ Hồi giáo bị chia rẽ, nhưng nhiều tín đồ Hồi giáo chỉ nhún vai bỏ qua bài phát biểu của Al-Sisi.

Thực ra, ý tưởng về một cuộc cải cách Hồi giáo đã được xây dựng trong hơn một thập kỷ, một số người thậm chí còn nói Hồi giáo đã và đang được cải cách. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng không thể tồn tại việc hai tôn giáo cùng đi một con đường lịch sử. (Trước đó, Đạo Ki tô đã được cải cách vào thế kỷ 16, chia tách những người theo đạo Tin lành và Thiên chúa giáo).

“Chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị Hồi giáo cốt lõi: lòng nhân từ, trắc ẩn, tri thức, những việc làm tử tế, sự nhường nhịn, và còn nhiều đức tính nữa” - Qadhi, giáo sĩ Hồi giáo cho biết.

7. Làm thế nào để ngăn chặn những kẻ cực đoan?

Farah Pandith, nguyên đặc phái viên tại cộng đồng Hồi giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã gọi những kẻ cực đoan là một “vấn đề thế hệ”.

Bà cho biết những kẻ tử vì đạo Jihadist không chiêu mộ những người trong độ tuổi 40. Đối tượng mà chúng hướng đến là những người trẻ tuổi, những người đang bị hoang mang bởi vô số các luồng thông tin báo chí và là người có thể dễ dàng mang sự kích động từ Internet sang cuộc chiến trong thế giới thực. Gần 60% những tín đồ Hồi giáo dưới 30 tuổi, bà Pandith cho biết.

Câu hỏi là Nhà nước Hồi giáo và Al-Qaeda xây dựng đội quân của mình bằng cách nào? Chúng tuyển mộ chiến binh ra sao?... Chúng ta phải ngăn chặn hành động tuyển mộ của bọn chúng. Và vì vậy, điều tối quan trọng đối với các bậc cha mẹ, giáo sĩ, học giả, nghệ sĩ và các nhà hoạt động là cần phải tập hợp sức mạnh của “đội quân ảo”, những người có thể chống lại những kẻ cực đoan một cách kịch liệt.

Đinh Hương
.
.