Bửu Trác Phó vương chống Pháp

Thứ Tư, 24/05/2017, 09:03
Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta (1858) cho đến năm 1945, nhiều vua, quan triều Nguyễn đã liên tục chống Pháp, thể hiện lòng yêu nước trung trinh, như: Trương Định, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Kế Viêm, Tôn Thất Thuyết v.v...

Nổi bật nhất là ba vị vua, như: Hàm Nghi ra hịch Cần Vương đánh Pháp, bị quân Pháp bắt đưa đi an trí ở Alger (thủ đô Algérie); rồi vua Thành Thái, Duy Tân do chống Pháp quyết liệt, hai cha con bị Pháp đày ở đảo Réunion. Sơ lược như thế để biết tinh thần chống Pháp của vua, quan triều Nguyễn không bao giờ ngừng.

Trong những ông quan triều Nguyễn yêu nước, chống Pháp ấy, tôi muốn kể về cụ Bửu Trác. Theo anh Vĩnh Mẫn, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Đoàn 125 (Đoàn tàu không số) kể, thì bố anh, cụ Bửu Trác là cháu nội vua Hiệp Hòa. Thời vua Khải Định (1885-1925), cụ Bửu Trác được vua rất tin dùng, thăng tiến liên tục.

Cụ là quan ngự tiền hộ giá, sau được thăng đến chức thống chế nhất phẩm triều đình, nhân vật thứ hai sau vua. Ở Huế, người hoàng tộc Nguyễn gọi cụ là “Phó vương”, còn dân Huế thì gọi là “Ông Nhất”.

Ông Phạm Khắc Hòe, Đổng lý văn phòng thời Bảo Đại đi theo cách mạng, năm 1993, gặp Vĩnh Mẫn ở Hà Nội, khi nghe giới thiệu “Vĩnh Mẫn là con cụ Bửu Trác”, đã nhớ ra và thốt lên: “Con ông Nhất ở Đập Đá phải không?”. Bửu Trác là con trưởng của ông Ưng Bác với kế thiếp là bà Huỳnh Thị Lê. Cụ sinh năm 1887, mất năm 1940. Cụ Bửu Trác thông thạo chữ Hán và tiếng Pháp, rất thông minh và cương trực.

Cụ Bửu Trác.

Là Phó vương, quyền lực ngất trời, nhưng do tính cương trực, cụ Bửu Trác rất ghét thực dân Pháp. Triều Nguyễn thời ấy, trong hoàng cung, đa số quan lại đều ghét Pháp vì chúng lấn át quyền lực triều đình. Triều đình Huế lúc ấy chỉ là bù nhìn, nên ai cũng đau lòng và căm tức. Quan Pháp tự do đi vào cửa Ngọ Môn, cửa chỉ dành cho vua đi. Nhưng không ai dám phản ứng ra mặt. Cụ Bửu Trác thì khác.

Cụ không chịu luồn cúi và chống Pháp theo cách riêng của mình. Trong hồi ký của “vua” lưu vong Bảo Đại viết bằng tiếng Pháp tên là Le Dragon D Annam (Con rồng Việt Nam), bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Phước Tộc 1990, Bảo Đại đã viết về hoạt động chống Pháp, lật vua ở trong nước thời gian đó như sau: “Chưa nói đến Hoàng thân Cường Để đang hoạt động ở Nhật và ở Đài Loan. Đã có hai người anh họ là Bửu Trác, trước từng là tùy viên của cha tôi, nhất là Bửu Đình luôn tìm cách để hạ bệ tôi. Trong thời gian tôi du học ở Pháp, ông ta đã đăng những bài báo nảy lửa...”.

Theo sách Những bí mật trên Côn Đảo của nhà văn Pháp Demario Giang Celdo viết từ những năm 1935-1936: “...Trác đã lôi kéo sự hăng say của người bà con trẻ Bửu Đình về phái mình. Chính Trác đã “đạo diễn” cho những bài báo độc địa và chuẩn bị cho những cuộc diễn thuyết xúi giục nổi loạn ở Kim Long, ở Huế, ở Quảng Trị. Qua các cuộc diễn thuyết quan lại bị lăng nhục và các dự án của Pháp đã bị phê phán một cách dữ dội”.

Xin mở ngoặc về Bửu Đình (1989-1931). Cụ Bửu Trác gọi bằng anh theo thứ tự hoàng tộc, sinh ở Kim Long. Là nhà văn, nhà báo, cộng tác với các báo Nam Kì kinh tế, Phụ nữ tân văn... Ông nhiều lần diễn thuyết, lên án nền quân chủ chuyên chế, đòi xóa bỏ chế độ Nam triều, lập chế độ cộng hòa theo chủ trương của Phan Châu Trinh.

Năm 1927, ông về Huế dự lễ chúc thọ Phan Bội Châu. Ở đây ông lại tiếp tục diễn thuyết chống Pháp, chống vua. Hội đồng Phủ Tôn Nhơn đã kết ông tội "khi quân", xóa tên, lãnh án tù 9 năm, giam tại nhà tù Lao Bảo. Trong tù, ông lại tiếp tục chống triều đình, nên bị lưu đày ra Côn Đảo.

Trên đảo, ông viết sách, báo gửi về đất liền. Những cuốn tiểu thuyết như Cậu Tám lọ, Mảnh trăng thu và tập thơ Giọt lệ tri âm được xuất bản. Tháng 11 năm 1930, ông vượt ngục nhưng không thành. Cuối năm 1931, ông lại tổ chức vượt ngục nhưng bị mất tích trên biển, khi mới 33 tuổi.

Không chỉ qua Bửu Đình, cụ Bửu Trác còn cho Thân Trọng Dược, một vị quan vào Sài Gòn cổ động báo chí chống Pháp và đả kích triều đình Huế.

Có bốn câu ca dao tương truyền là của “Ông Nhất” Bửu Trác: “Ai về địa phủ hỏi Gia Long/ Khải Định thằng này phải cháu ông/ Một mai Khải Định về chín suối/ Để thằng con nít giữ non sông!” (thằng con nít ở đây ám chỉ Bảo Đại, vua đang du học ở Pháp). Cũng có dị bản: “Ai về địa phủ hỏi Gia Long/ Khải Định thằng này phải cháu ông/ Chễm chệ ngai vàng tô tượng gỗ/ Vua thì còn đó, nước thì không”...

Trong khuôn viên gia đình, cụ Bửu Trác cho một người đàn ông quê Nghệ An góc vườn làm nhà để ở. Theo Vĩnh Mẫn, người này hay lên nhà cụ Phan. Có thể đã chuyển những thông tin hoặc lời khuyên từ cụ Phan cho cụ Bửu Trác và ngược lại.

Theo Nguyễn Đắc Xuân, chính từ nguồn thông tin do Bửu Trác cung cấp, Báo La Cloche Félée (Tiếng chuông rè) của Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường đã viết bài đả kích chế độ quân chủ. Chưa bao giờ vai trò của nhà vua lại bị báo chí công kích làm mất mặt đến như thế...

Vì những hoạt động đó, sau khi vua Khải Định băng hà, cụ Bửu Trác đã bị Phủ Tôn Nhơn kết án, tước chức, tước tôn tịch, đày đi Lao Bảo. 6 tháng sau, năm Bảo Đại thứ nhất (1926) ông được ân xá. Triều Huế chuẩn khôi phục nguyên tước Hương Công, mời trở lại làm, nhưng ông từ chối!

Thời kỳ ra tù, ông hoạt động Phật giáo, quan hệ với các ông Lê Đình Thám, Đặng Ngọc Sánh, cụ Thái Văn Toản - hòa thượng trụ trì chùa Quốc Ân... Ông  làm hội phó Tổ chức An Nam Phật học hội. Nhưng mật thám Pháp theo dõi ông rất gắt gao. Chánh mật thám Trung Kỳ Srogny mỗi đầu tuần lại về nhà cụ Bửu Trác một lần. Tên này thường bách bộ ngang qua Đập Đá xem những người ngồi câu cá (như đây là điểm tập trung báo cáo tin tức) trước khi vào nói chuyện với cụ Bửu Trác.

Vì ghét bọn mật thám Pháp, cụ đã treo biển bằng chữ Pháp ở ngoài cổng: “Coi chừng! Chó giữ nhà!” (Actention! Le chiên garde a la maisơn!). Đó là cách phản ứng của cụ trước sự đeo bám của bọn Pháp!

Phó vương Bửu Trác không chỉ chống Pháp, mà quan trọng hơn, ông còn luôn dạy dỗ những đứa con của mình “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, giáo dục tư tưởng yêu nước, chống Pháp. Cụ có 6 người con thì sau này lớn lên, 3 người đã đi theo Việt Minh là Vĩnh Tập, Vĩnh Mẫn và Băng Tâm. Đó là sự hy hữu của một gia đình hoàng tộc trực hệ (miên hương ưng bửu vĩnh).

Vĩnh Tập là con thứ 2 của cụ Bửu Trác. Anh sinh ngày 6-3-1927. Anh thi đậu Diplôme và tham gia cách mạng rất sớm. Đầu tiên, anh gia nhập Hội Hướng đạo sinh Trung Kỳ do thầy Tạ Quang Bửu làm huynh trưởng. Đi theo Việt Minh, Vĩnh Tập đã trở thành chính trị viên Trung đội 9, Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa, Trung đoàn Trần Cao Vân do ông Hà Văn Lâu chỉ huy.

Trong “tuần lễ vàng” năm 1945, Vĩnh Tập đã mang di vật quý giá của cha mình là chiếc mũ đại triều (đính nhiều vàng bạc) hiến cho cách mạng. Năm 1946, Tiểu đoàn Tiếp phòng quân Thuận Hóa đã mở trận đánh “cảm tử” vào nhà hàng Sáp-phăng-giông (đối diện với Đài Truyền hình VTV8 bây giờ) để tiêu diệt bọn Pháp đóng quân ở đó. Trận tập kích không thành.

Toàn đơn vị rút ra căn cứ, còn Trung đội 9 cảm tử của Vĩnh Tập bị mắc kẹt lại. Địch bắn như trút, kêu gọi đầu hàng, các anh vẫn chống trả quyết liệt. Giặc phun xăng đốt ngôi nhà. Các chiến sĩ đã xuống tầng trệt, dùng bộc phá nổ tung, biến ngôi nhà thành mộ chôn chung cả trung đội!

Ngày 4-6-1992, trong lúc đào móng cải tạo công trình nhà của Ủy ban Khoa học kỹ thuật tỉnh tại 18-Hà Nội-Huế, người ta phát hiện 17 bộ hài cốt, trong đó một bộ hài cốt có sợi dây chuyền nhỏ đeo một miếng nhôm. Rửa sạch miếng nhôm, hiện lên dòng chữ khắc: “Phùng Huấn - VQĐ - Thuận Hóa”. “VQĐ” là Vệ quốc đoàn. Như vậy sau 46 năm, thi hài liệt sĩ Vĩnh Tập mới được tìm thấy. Chính trị viên Vĩnh Tập đã hy sinh như một anh hùng!

Người con gái ông Bửu Trác là Công Tằng Tôn Nữ Băng Tâm, cũng theo anh trai Vĩnh Tập đi theo Việt Minh đánh Pháp. Chị hoạt động theo đường dây của ông Phạm Sang, Thành ủy viên Huế. 

Trên đường đi công tác lên chiến khu thì bị đích phục kích. Chị hy sinh năm 1951. Đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy xác. Anh Vĩnh Mẫn đưa cho người viết bài này xem một số giấy tờ, chứng nhận để đề nghị công nhận chị Băng Tâm là liệt sĩ, nhưng vẫn chưa được.

Con trai thứ ba của cụ Bửu Trác là Vĩnh Mẫn, sinh ngày 30-11-1931 là nhân chứng sống của một gia đình hoàng tộc trực hệ đi theo cách mạng. 14 tuổi, Vĩnh Mẫn gia nhập Việt Minh Trung Bộ làm liên lạc cùng với Phùng Quán, Phan Nghi, Nguyễn Văn Dánh...

Năm 1948, Vĩnh Mẫn được cách mạng đặt tên mới là Phan Thắng và được kết nạp vào Đảng năm 1949. Học xong khóa V Trường lục quân Trần Quốc Toản (Nghệ An), anh được giữ lại trường dạy học.

Năm 1951, Phan Thắng Nam tiến. Phải đi bộ mò mẫm đường rừng, xin gạo dân mà ăn, đào củ chụp mà sống. 8 tháng trời mới vào đến miền Đông Nam Bộ, được anh Trần Văn Trà và Nguyễn Đức Thuận giao làm đại đội phó, sau làm chính trị viên đại đội, hoạt động ở vùng Mỏ Vẹt, Svay Riêng, Tây Ninh, sau đó về Sa Đéc, Tây Nam Bộ. Chính trị viên Phan Thắng từng ăn bồ hốc của Miên, mắm ba khía Nam Bộ, khen ngon, từng đóng đảng phí bằng măng le...

Năm 1954, tập kết ra Bắc, học lại Trường lục quân Trần Quốc Tuấn khóa 10. Sau đó Vĩnh Mẫn về Sư đoàn 338 do tướng Tô Ký làm tư lệnh, giảng dạy cho cán bộ miền Nam để họ trở lại quê hương chiến đấu.

Tháng 2-1965, anh đi tàu không số vào Nam Bộ công tác, nhưng tàu phải quay lại và được Tổng cục Chính trị phân công làm Trưởng Ban Tuyên huấn D125 như trên đã kể. 

Năm 1973, Thiếu tá Vĩnh Mẫn được điều về thành lập Hải quân khu vực 5, đơn vị hải quân đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam đóng ở Cửa Tùng, giữ chức Phó chính ủy. Khi Cửa Việt giải phóng, Hải quân khu vực 5 về đóng tại Cửa Việt. mọi người hay gọi ông là “Chính ủy Cửa Việt”.

Sau 1975, Phan Thắng xin chuyển ngành làm Trưởng ban C-K Bình Trị Thiên, cũng là công tác ngoại giao, một nhiện vụ đặc biệt lúc bấy giờ. Năm 1989 anh xin nghỉ hưu, về lại ngôi nhà bên sông Hương của bố mẹ để lại. Ngôi nhà ấy hai gia đình anh em (em là Vĩnh Biên, sinh 1940) cùng ở. Vĩnh Mẫn đi cửa phụ, gia đình em đi cửa chính.

Thời kỳ nghỉ hưu, Vĩnh Mẫn đã tìm mọi cách kết nối chiến binh tàu không số, thành lập Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, đưa kỳ tích kháng chiến vĩ đại này ra ánh sáng công khai! Đó cũng là một chiến tích lớn của anh!

Trong phòng khách nhà anh Vĩnh Mẫn, ảnh cụ Bửu Trác đội mũ phớt, mắt sáng, hằng ngày ngắm nhìn những đứa con, đứa cháu của mình vẫn luôn là những người con yêu Tổ quốc như lòng cụ mong ước 78 năm trước!

Ngô Minh
.
.