Khách VIP đi tàu không số

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:25
14 năm hoạt động (từ 1961-1975), trên các chuyến đi “xẻ dọc Biển Đông” của những con tàu không số, không chỉ có vũ khí mà còn có hàng ngàn vị khách của Trung ương và các bộ vào công tác tại Sài Gòn và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Những khách VIP đó là các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp quân đội được điều động vào chiến trường, cán bộ các bộ, ngành, hội đoàn đi xây dựng vùng giải phóng và cả đi chuẩn bị cho ngày thống nhất đất nước...

Trong hàng ngàn khách VIP đó có những vị khách rất đặc biệt: Đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh và bà Nguyễn Thụy Nga (tức Bảy Vân), người vợ miền Nam của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ngoài ra còn có bác sĩ  Bảy Thủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Nguyễn Thiện Thành, Giáo sư, bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất v.v...

Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào Nam bằng con tàu 676 của Lữ đoàn 125 Hải quân vào ngày 13/7/1975, chỉ sau giải phóng có mấy tháng. Thủ tướng đi thăm và kiểm tra thềm lục địa vùng biển Vũng Tàu và đảo phía Nam.

Còn các vị “khách đặc biệt” khác đều đi vào Nam bằng tàu không số trước giải phóng, đi cả trong thời gian mà Biển Đông bị tàu chiến, máy bay của Hạm đội 7 của Mỹ và Hải quân Sài Gòn phong tỏa gắt gao nhất.

Có lẽ người phụ nữ Việt Nam vào Nam bằng tàu không số duy nhất là bà Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân). Bà và đồng chí Lê Duẩn kết hôn năm 1948 tại miền Tây Nam Bộ, do ông Lê Đức Thọ làm mối, ông Phạm Hùng làm chủ hôn. Sau 1975, bà Nga làm Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang, rồi Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng. Hiện bà sống ở TP Hồ Chí Minh).

Bà Bảy Vân.

Theo nhà văn Xuân Ba trên Báo Tiền phong, năm 1964, vì nhiều lý do khác nhau, bà Bảy Vân quyết định vào Nam công tác, tiếp tục chấp nhận cảnh sống xa chồng và các con. Bà lên đường trên tàu không số vào những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ, ngày 5-1-1965.

Bà Bảy Vân kể: “Lúc đầu, trên bố trí cho đi cùng với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bằng tàu Trung Quốc cập cảng Sihanoukville Campuchia. Nhưng kế hoạch đó đã không thành. Chỉ có cách đi tàu không số. Đi tàu không số thì nguy hiểm hơn nhiều vì nó nhỏ mà phải vượt đại dương sóng gió. Đành mạo hiểm vậy thôi.

Trước khi đi, Văn phòng Trung ương tổ chức bữa cơm tiễn đưa. Có mặt các chú theo anh Ba (tức đồng chí Lê Duẩn), các đồng chí Văn phòng Trung ương. Độ 12 giờ cơm nước xong. Anh Ba nằm trên giường có con gái Vũ Anh ngồi bên. Tôi thấy anh buồn quá. Tôi nói: “Thôi cuộc đời chúng mình đã như vậy rồi. Chúng mình lấy lý tưởng sự nghiệp làm chính, như vậy chúng ta vẫn gần nhau”.

Anh nằm nước mắt chảy dài. Anh nói: “Anh mong em phấn đấu trở thành anh hùng”... Ai cản bà cũng không được. “Bỏ 3 đứa con lại ra đi, tôi như cầm dao cắt rời 3 khúc ruột của mình...”.

Chuyến tàu không số mang bí số 69 ấy do thuyền trưởng can trường Nguyễn Hữu Phước quê ở Long Thạnh, Bạc Liêu, chỉ huy, có 16 thủy thủ chở 67,3 tấn vũ khí vào Cà Mau. Đi cùng bà Bảy Vân còn có 4 đại tá quân đội vào Nam công tác. Đó là bác sĩ quân y Nguyễn Thiện Thành (thân phụ của ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh hiện nay), đồng chí Hoàng Thế Thiện, đồng chí Xuyên Khung và đồng chí Nguyễn Duy Nhương, sĩ quan chuyên gia về thông tin.

Lịch trình là 7 ngày nhưng lệnh của Trung ương là nếu Hạm đội 7 chặn đường thì phải quay lại. Đã 3 lần chỉ huy sở gọi quay lại. Nhưng may chỉ phải dừng ở đảo Hải Nam một lần. Có lần đụng máy bay và tàu địch, anh em thủy thủ khôn khéo treo cờ nước khác nên qua được. Có lần anh em hỏi: “Bà xem có tài liệu, thư từ, hình ảnh gì giao cho thuyền trưởng để thủ tiêu khi cần”. Nhưng may thoát được cả.

Bà Bảy Vân kể: “Tôi biết mình đang ngồi trên một khối thuốc nổ đủ sức xé con tàu ra từng mảnh nhỏ nếu chẳng may có bề gì... Nhưng ngọn hải đăng Hòn Khoai đã chớp phía kia. Anh em lấy đó làm chuẩn cho tàu vào bến. Theo ám hiệu, anh em đáp đèn pin lại. May mắn con tàu đã cập bến an toàn...”.

Đi tàu biển say sóng nôn mửa nhiều ngày, tàu lắc lư mệt nhọc, nhưng bà Bảy Vân vẫn vượt qua được. Có ngày bà còn đứng bếp nấu ăn cho anh em thủy thủ. Thật là một phụ nữ gan góc, quả cảm, thân gái dặm trường trên Biển Đông ngàn hải lý. Sau bà Bảy Vân, còn có hai vị khách đặc biệt đi tàu không số...

Theo sách Lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển (NXB Quân đội nhân dân 10/2011), ngày 9/7/1973, chuyến tàu chở đồng chí Sáu Dân (Võ Văn Kiệt), lúc đó là Bí thư Khu ủy Quân khu 9 từ miền Bắc trở lại Nam Bộ xuất phát.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy miền Tây Nam Bộ, được Bộ Chính trị triệu tập ra Trung ương để bàn thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Khi ra, đồng chí đi bằng ô tô trên đường bộ Trường Sơn, đến miền Trung thì chuyển sang máy bay ra Hà Nội.

Sau khi kết thúc hội nghị, Bộ Chính trị quyết định đồng chí phải về gấp bằng đường biển để kịp triển khai nghị quyết. Một trong những thủy thủ dày dạn kinh nghiệm của Đoàn tàu không số lúc đó là thuyền trưởng Tư Mau được Bộ Tư lệnh Hải quân giao đặc trách chỉ huy chuyến tàu đặc biệt này.

Trong chuyến hành trình ấy, có 3 chiếc tàu bí mật chở theo vũ khí, còn một chiếc công khai mang số Sài Gòn-159/TT (tức loại tàu thương thuyền của nhà buôn), chở đồng chí Sáu Dân cùng một người của Ngân hàng Trung ương mang theo 3 triệu đô-la Mỹ - cũng là “hàng” chi viện cho miền Nam.

Đồng chí Sáu Dân với vai thương gia sang trọng của Công ty Ngũ Long - Sài Gòn chuyên kinh doanh muối trên tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng với đầy đủ giấy tờ tùy thân do chính quyền Sài Gòn cấp. 

Con tàu không số. Ảnh: Tư liệu:

Sau khi tàu của Đoàn 125 chở từ Hải Phòng sang cảng Di Linh (Hải Nam, Trung Quốc), đồng chí Sáu Dân chuyển sang chiếc thuyền SG159 của Đoàn 371 do đồng chí Thôi Văn Nam làm thuyền trưởng, Nguyễn Sơn, thuyền phó và 3 thủy thủ Bảy Chống, Chín Húa, Tư Kỷ. Vì chở “hàng đặc biệt” nên trong thuyền có Đoàn trưởng Tư Mau cùng đi để trực tiếp phụ trách đội công tác.

Tới vùng biển Cam Ranh thì thuyền bị rò nước, phải ghé vào Cà Ná để sửa chữa. Sau 4 ngày kể từ khi rời bến bí mật ở Hải Phòng, tàu Sài Gòn-159/TT đến Vũng Tàu công khai như nhiều thương thuyền khác tấp nập vào ra bến không ai để ý.

Thuyền trưởng Tư Mau lên bờ, đàng hoàng tới trạm hải quan bến cảng để đóng thuế và xin ký xác nhận tàu tiếp tục chở muối xuống Cà Mau. Thế rồi, đêm hôm sau đến bến hẹn bí mật, ở đó đã có người của Khu ủy chờ sẵn để đón đồng chí Sáu Dân về căn cứ. 

Vậy là sau 5 ngày vượt biển, đồng chí Bí thư Khu ủy đã về đến nơi an toàn để kịp triển khai Nghị quyết của Trung ương chuẩn bị kế hoạch phối hợp chiến trường đầu năm 1975. Chỉ có những người “biết địch biết ta” như Tư Mau mới dám chở lãnh đạo cao cấp đi công khai trên biển như thế.

Cuối tháng 11/1973. Đoàn 371 được giao nhiệm vụ chở đồng chí Sáu Nam (tức Lê Đức Anh), lúc đó là Tư lệnh Quân khu 9 từ Nam Bộ ra miền Bắc công tác. Đây là một chuyển đi vô cùng gian khổ và trắc trở, suýt không thành.

Tác giả cuốn sách này được biết đồng chí Lê Đức Anh khi vào miền Nam nhận nhiệm vụ Tư lệnh Quân khu 9 cũng đi bằng tàu không số theo đường biển vào Cà Mau. Đó là tháng 3-1964, ông Sáu Nam đi tàu số 5 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và chính trị viên Hồ Đức Thắng chỉ huy cùng 5 cán bộ của Bộ Tổng tham mưu từ Đồ Sơn vào Bạc Liêu. Tức ông Lê Đức Anh đã 2 lần đi tàu không số.

Để an toàn cho chuyến đi, Đoàn 371 đã bố trí 2 con tàu cùng đi, do Đoàn trưởng 371 Tư Mau trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Lê Đức Anh đóng vai người phụ bếp. Thuyền SG159 chở đồng chí Sáu Nam, có anh Tư Mau do thuyền trưởng Thôi Văn Nam điều khiển. Thuyền SG158 làm nhiệm vụ hộ tống do Nguyễn Sơn làm thuyền trưởng cùng với 5 thuyền viên. 18 giờ ngày 26/11, hai thuyền rời bến Vàm Hố (Cà Mau) ra khơi.

Đêm đến, gặp sóng gió lớn, thuyền SG159 bị sự cố nước tràn vào nhiều. Để đảm bảo an toàn, Tư Mau báo cáo và đề nghị đồng chí Lê Đức Anh chuyển sang tàu SG158. Còn đoàn trưởng Tư Mau ở lại thuyền cùng anh em vừa bơm vừa tát nước ra. Trưa ngày 27/11, khi thuyền ở ngoài khơi tỉnh Trà Vinh, mọi người thấm mệt, nước vào ngày càng nhiều.

Không thể khắc phục được. Đoàn trưởng Tư Mau đành ra hiệu cho tàu của Nguyễn Sơn cập mạn để mọi người chuyển qua thuyền SG158. Còn thuyền SG159 không người lái, nước vào đầy, chìm dần xuống biển. Việc hy sinh một con tàu ai cũng tiếc đứt ruột, vì con tàu là tài sản lớn của cách mạng, nhưng vì công việc khẩn cấp, không thể khác được.

Như vậy là con tàu đã từng chở công khai ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) vào Khu 9, đã kể ở trên, đã vĩnh viễn chìm sâu vào lòng biển. Đi biển vào mùa dông bão là cách đi của những tàu không số. Tuy sóng to gió lớn, thuyền lắc mạnh, đến bữa ăn cũng khó nấu được, nhưng lại ít hiểm nguy vì địch không để ý.

Thuyền SG158 cũng bị rò nước, nhưng ít hơn. Người thì đông mà thuyền chỉ có một chiếc. Chi bộ hội ý quyết định 5 đồng chí ở lại, những anh em khác tiếp tục đưa đồng chí Sáu Nam ra Bắc. Thế là phải ghé vào bãi ngang Long Hải (Vũng Tàu) để sửa chữa thuyền và đưa bớt người lên bờ.

Ngày 3-12-1973, Ba Tam, một cán bộ của đoàn phản bội, chỉ điểm cho giặc đến phá tan các cơ sở hoạt động công khai của Đoàn  371. Ba Tam còn khai với địch tàu của công ty đang chở ông Lê Đức Anh và Tư Mau ra biển. Hơn trăm người bị bắt. Chúng thu giữ toàn bộ nhà, xe, tài sản của Đoàn 371 ở Sài Gòn.

Nhằm tìm ra tung tích của Tư Mau và Sáu Nam, địch tra tấn anh em. Không ai dặn trước, tất cả anh em đều khai Tư Mau và Sáu Nam đi về miền Tây Nam Bộ để đánh lừa sự truy tìm của địch. Khi biết là tàu của ta ra Bắc, địch đánh đập anh em rất dã man và lệnh cho tàu hải quân miền Trung nhanh chóng xuất kích chặn bắt thuyền chở “đầu sỏ Việt Cộng”.

Nhưng chúng đã chậm chân. Lúc đó, ngày 6-12-1973, tàu chở đồng chí Sáu Nam đến ngang Nha Trang, cách đất liền 170 hải lý. 17h ngày 8-12, tàu SG158 tới cảng Hậu Thủy, Hải Nam, Trung Quốc.

Ngày 11-12 tàu của Hải quân đưa đồng chí Sáu Nam và Tư Mau về Việt Nam trước sự vui mừng, xúc động của mọi người. Bởi trước đó, không  bắt được liên lạc với tàu, nên mọi người cứ nghĩ sau vụ phản bội của Ba Tam, thuyền chở đồng chí Sáu Nam cũng đã bị địch bắt... 

Ngô Minh
.
.