"C gái" anh hùng chuyện bây giờ mới kể

Thứ Hai, 24/07/2017, 16:15
“C gái” là tên thân mật bà con gọi Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng! Cách đây hơn 20 năm, xã Ngư Thủy, chia thành 3 xã Ngư Hòa, Hải Thủy, Ngư Thủy.


Ngư Thủy cái tên nổi tiếng lại được đặt cho xã phía nam. Khi phong trào thăm hỏi, ủng hộ “C gái” nổi lên, cả nước đều tìm về xã Ngư Thủy phía nam, vì tưởng “C gái” ở đó. 

Thực ra quân số chính của “C gái” nằm ở xã Hải Thủy ở giữa. Lúc đó, tôi có viết bài báo dài trên Báo An ninh thế giới (tuần) Hãy trả lại tên cho em. Tỉnh Quảng Binh đã đặt lại tên cho 3 xã, xã nào cũng có chữ Ngư Thủy: Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung. 

Vì thế việc thăm “C gái” về đúng địa chỉ của nó. Và tượng đài “C gái” do tỉnh Quảng Bình xây dựng cũng đặt ở làng Thượng Luật, Ngư Thủy Trung, được xây dựng hoành tráng bằng đá granite, nòng pháo vươn ra Biển Đông. Tượng đài là cái còn lại của tuổi trẻ các chị, bất tử với biển trời quê hương. Vì các chị pháo thủ xưa nay đã 66, 67 tuổi, thành bà nội, bà ngoại cả rồi. “Nòng pháo xưa vẫn vươn ra biển/ Như một lời cam kết với mai sau...” (NM).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều vị lãnh tụ nổi tiếng về thăm như Chủ tịch Cuba Fidel Castro, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng,... 

Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã hai lần vào thăm “C gái” ngay ở trận địa, cùng ăn cơm đạm bạc với các nữ pháo thủ. Cơm dọn ra trên trận địa pháo. Những hòm đạn được kê làm bàn. Bộ trưởng Xuân Thủy, trưởng đoàn đàm phán của ta tại Hội đàm Paris cũng đã về thăm “C gái”. Ông để lại mấy câu thơ: “Chiều nay Xuân Thủy thăm Ngư Thủy/ Trời biển mênh mông đất Quảng Bình/ Giặc Mỹ hay đâu cồn cát trắng/ Anh hùng toàn những gái xuân xanh". 

Thăm “C gái” còn có các đoàn của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức v.v...  Bây giờ, chiến tranh qua 42 năm rồi vẫn có nhiều đoàn khách từ khắp cả nước vượt đường sá xa xôi về thăm các chị. Tặng quà, chụp ảnh dưới chân tượng đài.

Ngư Thủy quê tôi có một lứa “con gái vàng” mười tám hai mươi như Ngô Thị The, Trần Thị Thản, Ngô Thị Khá, Ngô Thị Gái, Ngô Thị Ngự, Ngô Thị Tần, Ngô Thị Sam, Ngô Thị Gắng, Nguyễn Thị Đào, Ngô Thị Sang v.v.., đã thành nữ pháo thủ. Con gái nhà quê, mới học hết lớp 6, lớp 7 mà điều khiển loại pháo mặt đất hiện đại như vậy trong lịch sử chiến tranh Việt Nam và thế giới chưa từng có! 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm “C gái”.

Họ chiến đấu suốt 10 năm y chang bộ đội. Cũng áo mũ, sao gạch, cũng cơm vắt nằm hầm, cũng đương đầu với bom pháo ngút trời. Khi tàu chiến Mỹ vào, kẻng báo động vang lên. Đàn ông làng chạy ra trận địa cùng các nữ pháo thủ đẩy pháo ra trận. Khi bắn xong, bà con lại đẩy pháo vào hầm trú ẩn, bất chấp tàu chiến, máy bay địch đánh trả. Vì 37 cô mà có tới 4 khẩu pháo nặng hàng chục tấn, các cô gái không thể đẩy nổi.

Ngày 21-11-1967, “C gái” được thành lập, ban đầu có 37 người với 4 khẩu pháo 85 ly nòng dài, có thể bắn mục tiêu xa 30 cây số. Đàn ông trong làng phải hàng tháng trời đào trận địa cho các em chiến đấu. Trận địa gồm có hầm pháo, hầm chỉ huy, hầm pháo thủ, trận địa chiến đấu hình bán nguyệt đường kính tới hai chục mét, đủ rộng để hai càng pháo bám vững phía sau khi pháo bắn. Tất cả đều làm bằng gỗ dương và cỏ rười, một thứ cỏ hình ống nhỏ, dài tới hơn mét. 

Ở mỗi trận địa, người ta đào 4 trận địa chính cho 4 khẩu pháo, 4 trận địa dự phòng và nhiều trận địa giả dọc 22 km bờ biển của xã. Trong khi 4 khẩu pháo của “C gái” nổ súng thì 4 tổ dân quân ở trận địa giả lại giật mìn nổ để nghi binh, dụ chúng phản pháo nhầm.

Sau mỗi “C gái” đánh trúng tàu chiến, máy bay Mỹ ném bom trả thù. Mấy lần chúng thả bom napalm, bom bi suốt hai ngày đêm ở làng tôi. Khói lửa ngút trời. Có gia đình bị bom nổ trúng hầm chết hết. Hơn trăm ngôi nhà của làng bị cháy rụi. Có thể nói, những trận đánh tàu chiến Mỹ của “C gái”, không chỉ là “C gái” đánh mà cả làng, cả xã tôi đánh!

Tôi có kỷ niệm rất sâu đậm với “C gái”. Ngày 7-2-1968, xuất quân trận đầu, “C gái” đã bắn cháy tàu chiến Mỹ chỉ bằng 12 phát đạn, nghĩa là mỗi khẩu 3 phát.

Mạ tôi kể đạn pháo “C gái” bắn nổ to như bom. Nguyễn Thị Xử, pháo thủ số 3 (nạp đạn) kể: “Viên đạn 25 kí, nặng như rứa mà em cứ thấy nhẹ như không, chỉ tiếng pháo nổ làm ù đặc cả tai”. Lúc đó tôi đang học lớp 8 trên huyện, nghe tin liền bươn chạy 20 cây số về nhà để viết bài tường thuật trận đánh gửi cho Báo Trường Sơn (nay là Báo Quân khu 4). Bài báo Pháo binh nữ Ngư Thủy trận đầu bắn cháy tàu chiến Mỹ in kín 2 trang báo được gửi về xã Ngư Thủy làm mọi người nức lòng. 

Đầu năm 1975, tôi đang chiến đấu ở Đồng Xoài - Phước Long, chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, thì một buổi tối bất ngờ được xem phim Những cô gái Ngư Thủy (phim tư liệu của cố đạo diễn Lò Văn Minh). Phim do sư đoàn mang về chiếu ở hậu cứ. Đêm ấy tôi đã khóc vì gặp lại chị em bà con mình là pháo thủ trên phim, khóc vì nhớ quê, nhớ mạ. Sau đó tôi đã thức bấm đèn hạt đỗ làm bài thơ: Đêm rừng xem phim những cô gái Ngư Thủy:

Từ luống sáng ấy
Các em bước ra
Đêm thăm thẳm rừng giá
Bờ cát sóng xao tiếng cười trắng xóa
Trận địa Cồn Dinh dương xơ xác lá
Pháo vươn nòng đo tầm biển mênh mông...
Trong trẻo tiếng con gái dịu hiền
Phút hóa thành chớp lửa
Cuộn lên từ bờ cát quê hương
Tàu giặc tả tơi
Tâm bão xoáy tròn...

“C gái” hồi đó phiên thành 3 trung đội: 1 trung đội chỉ huy (gồm tiểu đội trinh sát, tiểu đội thông tin, đài chỉ huy, đài giao hội và một tiểu đội hậu cần 0, 2 trung đội trận địa. Có một chi tiết ít người  biết, mà báo chí cũng không biết mà viết. 

Đó là trong “C gái” Ngư Thủy ấy có 5 “đực rựa”, là bộ đội huyện Lệ Thủy điều về để cố vấn về kỹ thuật cho chị em gái, biên chế ở tiểu đội trinh sát. Đó là các anh Ngô Tấn Ninh, Hoàng Văn Nhưng, anh Thông, anh Vư, anh Hưng được đi tập huấn về kỹ thuật đo đạc pháo binh. 

Nhiệm vụ của tổ “đực rựa” này là trinh sát mặt biển, đo cự ly, tốc độ tàu chiến giặc, tính toán phương vị, tốc độ bắn cho các khẩu đội. 5 chàng trai này thầm lặng đứng sau “C gái”, không xuất hiện trên phim ảnh, báo chí. Ngay cả bây giờ, mọi chuyện đã công khai, cũng không ai biết về họ. 

Có một điều là tất cả chị em pháo thủ đều biết, vì 5 cô pháo thủ trong thời gian chiến đấu đã yêu các chàng trai trinh sát, thành vợ thành chồng, như Trung đội trưởng Ngô Thị Gái lấy anh Ngô Tấn Ninh, Nguyễn Thị Xử lấy anh Hoàng Văn Nhưng v.v... “C gái” 8 lần xuất kích thì 5 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ. 

Tượng đài “C gái”.

Ngày 25-8-1970 đại đội được tuyên dương đơn vị anh hùng LLVT. Trong thành tích có phần nhỏ của những chàng trai với máy móc lặng thầm đêm ngày bám biển, phát hiện tàu giặc từ xa...

Lại có một câu chuyện hi hữu nữa về “C gái” mà chưa có sách báo nào nói tới. Đó là mùa đông năm 1967, đang đêm, đài quan sát “C gái” phát hiện một chiếc tàu lớn đang tiến vào vùng biển Ngư Thủy. Biển đang mùa động. Sóng to lắm. Lệnh báo động, sẵn sàng chiến đấu suốt đêm. Chiếc tàu đang lù lù tiến vào. Chị em “C gái” cũng hướng 4 khẩu súng 85 ly nòng dài vào con tàu lạ, đã đo đạc tọa độ, phương vị rất cẩn thận. Tất cả sẵn sàng nổ súng. 

Chỉ cần 4 phát đạn thôi thì con tàu sẽ tan xác. Nhưng quan sát qua ống nhòm, Chính trị viên Trần Thị Thản và Đại đội trưởng Ngô Thị The hội ý thấy dáng con tàu vật vờ trên sóng như đang trôi, nên hai người quyết định chờ, không nổ súng vội. 

Con tàu trôi vào gần bờ hơn, rồi mắc cạn. Từ trên tàu họ ném xuống một chiếc thuyền nan nhỏ với hai người chèo vào bờ. Đại đội trưởng dân quân xã lúc đó là anh Thược cử hai dân quân mang súng AK xuống bờ sóng gặp họ. Họ giơ tay như thể đầu hàng. Rồi họ hoa tay múa chân nói tiếng xì lồ xì lào, chẳng ai nghe được gì cả. May hôm đó Chủ nhật, mấy anh dân quân đi gọi 3 đứa học sinh cấp 3 Lệ Thủy là tôi, Bạo, Vựng  đang học tiếng Trung vào chỗ con tàu mắc cạn để “đối thoại”. 

Mấy đứa tôi mới học tiếng Trung, họ nói mình chẳng nghe được mấy. Chỉ nghe được câu họ là người nước CHND Trung Hoa (Ửa sư chung cứa rấn, Trung hóa rấn mín cung hứa quớ). Chúng tôi nói lại với họ rằng đây là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Họ mừng lắm. Lập tức, người nào cũng rút trong túi ngực áo ra, giơ cao cuốn sách, tôi đọc được 3 chữ Mao Trạch Đông (mao chừa tung), biết ngay là Mao tuyển. Cuốn sách bìa đỏ chót, nhỏ bằng bàn tay, giấy láng coóng. 

Tất cả ngư phủ Trung Quốc đều gầy nhom và đen nhẻm, không có lấy một bộ quần áo nào lành lặn. Sau đó họ được xã đưa lên huyện. UBND huyện Lệ Thủy may cho họ quần áo rồi đưa xe chở ra tỉnh để họ về nước bằng con đường ngoại giao. 

Qua sự việc này tôi mới biết “C gái” quê tôi luôn sẵn sàng đánh địch, bất chấp đạn bom ác liệt. Nhưng chị em C Gái cũng rất nhạy cảm, nhận ra ngay những con tàu bị trôi dạt, không có khả năng chiến đấu. Đó là sự nhân văn, là cái tâm của người chiến sĩ Việt Nam. 

“C gái” bây giờ vẫn tụ tập sinh hoạt với nhau rất đầm ấm, giúp nhau trong cuộc sống. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, chị em đã lên Khu lưu niệm Đại tướng ở làng An Xá viếng. Ngày 27-7-2014, chị em thuê xe ra Vũng Chùa - Đảo Yến viếng Đại tướng Tổng Tư lệnh, người đã luôn ân cần với Đại đội pháo binh Ngư Thủy xưa. 

Ngày 7-6-2014, 34 trong số 81 thành viên nữ “C gái” đã đến thăm lãnh đạo huyện Hoàng Sa ở Đà Nẵng. Các nữ pháo thủ được xem lại những thước phim tư liệu giới thiệu về quá trình sở hữu của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo không thể tách rời của Việt Nam này. Những hoạt động ý nghĩa ấy càng gắn chặt các chị với đất nước, quê hương...

Ngô Minh
.
.