Đêm riêng tư thức cùng Hà Nội

Thứ Năm, 28/12/2017, 13:59
Nhìn những vệt bùng sáng vút lên trời cao của tên lửa, nhìn lửa đạn bom nổ ngút trời Hà Nội, Nga ôm lấy tôi thổn thức...

Học ở Trường Đại học Thương mại 4 năm, tôi có một mối tình với Lê Thị Bạch Nga, người Vinh, học cùng lớp. Nhưng tất cả đã phải gác lại vì chiến tranh. Tôi gửi lại cho Nga tất cả “tài sản” sinh viên của mình gồm va-li quần áo, chăn màn, sách vở và tấm bằng tốt nghiệp (nhờ Nga nhận giúp).

Chiến tranh không chỉ làm tắt ngấm bao hy vọng về hạnh phúc, về công việc của tôi và Nga mà đã giết chết tương lai của hàng triệu đôi trai gái mới lớn lên ở miền Bắc thời đó. Hàng triệu chàng trai chết trẻ, chưa biết “mùi đàn bà”. Hàng triệu cô gái sống trong đợi chờ vô vọng...

Mấy ngày trước khi tôi lên đường, Nga khóc sưng cả mắt. Ngày 25-9-1972, những tân binh tập hợp ở một mé đồi thuộc huyện Thanh Thủy, Vĩnh Phú (lúc này, Mỹ bắn phá miền Bắc rất ác liệt, cấp trên cho biết Thủ đô Hà Nội cũng không ngoài mục tiêu của chúng, nên các trường phải sơ tán. Trường Đại học Thương mại sơ tán lên huyện Thanh Thủy, Phú Thọ).

Chuẩn bị lên đường, thì Nga tất tưởi chạy đến, mắt đỏ hoe, quàng tay, hôn đánh chụt lên môi tôi rồi vừa chạy vừa khóc, khuất vào lũy tre đầu thôn. Chờ đơn vị tôi đi qua, Nga dúi vào túi áo bộ đội của tôi một phong thư.

Trong thư Nga buồn, đau khổ vì phải xa người yêu. Con gái mới lớn đang được yêu thương bỗng phải xa không biết bao giờ gặp lại người mà mình vô cùng yêu quý là một cơn bão đời khủng khiếp nhất.

Thấy Nga buồn quá, tôi khuyên Nga phải can đảm lên, rồi “lên lớp” chính trị: “Phải nhìn toàn cục, đừng ích kỷ riêng mình”, nên Nga mới viết trong thư như vậy. Tôi đọc mấy chữ “Vĩnh biệt anh” mà rùng mình. Quả thực, cuộc chiến tranh vô cùng ác liệt, không ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Có thể đây sẽ là lần cuối chúng tôi bên nhau. Con người ta như chiếc lá khô giữa thời bão gió. Nên con người, dù ở phía nào, cũng luôn căm ghét chiến tranh là vì thế!

Từ khi tôi nhập ngũ lên Phú Bình, Thái Nguyên, luyện tập chuẩn bị đi B, tôi gửi ngay địa chỉ đơn vị về Trường Đại học Thương mại, Nga đã viết cho tôi 12 lá thư rất nồng nàn. Lá nào cũng 4-5 trang giấy pơ-luya. Trên góc bên trái bao giờ Nga cũng đề “Thư số 1, 2, 3...”.

Bầu trời Hà Nội rực sáng đêm máy bay Mỹ tập kích.

Tôi đã mang theo những bức thư nóng bỏng tình yêu ấy lên Trường Sơn và suốt 4 năm đánh giặc khắp chiến trường miền Đông Nam Bộ. Thỉnh thoảng lại mở ra coi... Tôi xin chép lại đây bức thư số 11 của Nga, bức thư cuối cùng chúng tôi liên lạc bằng thư từ với nhau để bạn đọc hiểu thêm một góc tình yêu của người lính trước giờ vượt Trường Sơn:

“Thư số 11

Thanh Thủy ngày 15/12/72

Anh yêu thương của em!

Đáng lẽ ra hôm nay em lên Thái Nguyên thăm anh, nhưng vì nhiều lý do này khác nên em chưa lên được. Và không hiểu rồi từ nay đến lúc anh đi chiến đấu em có gặp anh không? Em nóng lòng được gặp anh, anh thương yêu ạ. 

Hôm qua em đi họp đoàn rồi công đoàn, họ bảo phải đảm bảo ngày công, rồi giờ công, phải gương mẫu đầu tàu trong bất kỳ công việc nào... Nếu không họ điều đi phục vụ tù binh ở Sầm Sơn, Quân khu 4.

Eo ơi, ngán quá. Đó là lý do thứ nhất. Lý do thứ hai là hôm 13/12, em nhận được thư của Trung (người Vĩnh Linh, sinh viên Đại học Thương mại nhập ngũ với tôi và hi sinh ở Long An trước giờ giải phóng Sài Gòn) trong thư viết ngày 3/12. Nó bảo là chỉ vài ngày nữa là anh đi dã ngoại và có thể không về Thái Nguyên nữa mà đi chiến đấu luôn. Vì thế em không đi lên anh nữa. Em buồn lắm, vì em nhớ anh, muốn lên ở bên anh trước khi anh đi chiến đấu. Nhưng không biết anh đã đi dã ngoại hay chưa...

Không biết tin anh em buồn và nhớ lắm. Không biết rồi số phận chúng ta sẽ ra sao trong cuộc chiến tranh khốc liệt này.

Anh yêu thương của em. Viết thư cho anh em chả mong là anh nhận được, vì biết đâu anh đã đi nơi khác rồi. Nhưng em vẫn viết, viết nhiều để đỡ đi nỗi nhớ thương đang xoáy trong lòng. Khi nhận được thư này của em, tình hình thế nào anh báo tin cho em biết.

Tốt nhất là anh điện tín về cho em với nội dung: “Anh đã đi dã ngoại về rồi. Vẫn ở chỗ cũ”. Em nhận được điện là em lên với anh ngay. Nếu còn lâu anh mới đi dã ngoại thì cũng báo tin cho em biết. Rất mong tin anh.

Anh yêu thương của em!

Khoa (Nguyễn Bách Khoa, bạn của tôi, người Hải Phòng, học cùng khóa, sau này là Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đã nghỉ hưu) vừa đi phép Hải Phòng lên. Khoa được phân công dạy môn Tổ chức kỹ thuật, nhưng Khoa không thích. Đọc thư Khoa chắc anh hiểu tâm trạng của em. Còn em của anh vẫn khỏe, việc nhiều, ít được nghỉ lắm vì phải đi phục vụ khóa 8 vào trường.

Còn tình hình của anh thế nào anh phải báo cho em biết. Anh nhớ phải biên thư về cho thầy Mười (thầy trưởng khoa), giục thầy để thầy lấy bằng tốt nghiệp của anh cho em. Em nói nhiều rồi mà chưa được. Em hẹn anh lá thư sau. Nếu biết tình hình cụ thể của anh, em sẽ lên thăm anh. Em chúc anh khỏe. Cho em gửi lời thăm các bạn anh.

Em yêu của anh!

BN”.

Và Nga đã lên thăm tôi thật. Cuối tháng 12/1972, Nga đạp xe tong tả từ Hà Nội qua Bắc Ninh, Bắc Giang hơn 70 cây số lên Lương Phú, Phú Bình, Thái Nguyên. Con gái mà thức khuya dậy sớm, đạp xe đường xa như thế là gan lắm, liều lắm. Nga chỉ được nghỉ có một ngày, một đêm, nên tranh thủ đạp xe từ sáng sớm.

Gặp tôi, dù trước rất nhiều lính tráng chạy tới chia vui, Nga vẫn ôm chầm lấy tôi khóc nức nở thành tiếng. Buổi chiều Nga làm bữa cơm mời mấy anh em thân thiết uống rượu. Tối đó, hai đứa đốt lửa trong nhà bếp của chủ nhà nơi tôi ở trọ nói chuyện thâu đêm. Thằng Bốn, ở với tôi một nhà dân, đã tự nguyện gác đêm thay tôi, rồi sang nhà khác ngủ, nhường cái giường đôi cho tôi và Nga. Nhưng chúng tôi không ngủ chung giường được vì đêm ấy là đêm đầu tiên Hà Nội “Điện Biên Phủ trên không”.

Đó là đêm máy bay Mỹ tập kích Hà Nội và trận “Điện Biên Phủ trên không” bắt đầu diễn ra, hai đứa ra sân ôm nhau khóc nhìn về Thủ đô trong ánh chớp đạn lửa rực trời. Bầu trời Thái Nguyên đên nay cũng chớp sáng lên từng đợt theo quầng sáng của tên lửa Hà Nội, đạn pháo Hà Nội bắn lên và bom nổ rất gần. Không ngờ đêm nay tôi và Nga lại cùng nhau lo cho Hà Nội trước khi tôi hành quân đi B. Chúng tôi cùng thức đứng ngồi giữa sân nhà anh Tài - nơi tôi ở - ngóng về Hà Nội.

Hai chúng tôi chợt cùng nhắc về một người bạn thân thiết đang đánh nhau với B52 ở Hà Nội. Đó là Nguyễn Quang Bạo, người bà con của tôi ở làng Thượng Luật. Trong quan hệ họ hàng, tôi gọi Bạo bằng anh, nhưng lại là bạn học với nhau từ hồi lớp 1 cho đến Đại học Thương mại.

Không biết có đôi bạn nào lại học một lớp với nhau dài đến 14 năm như thế không? Học cùng lớp, lên đại học ngủ chung giường đôi. Tôi ngủ dưới, Bạo ngủ trên. Bạo, tôi và Nga cùng lớp Thực phẩm 4. Bạo đi bộ đội trước tôi 1 năm (1971), ở đơn vị tên lửa bảo vệ Thủ đô đóng ở Sơn Tây. Bạo giỏi cờ tướng nhất trường. 

Mấy ông già cán bộ đi học thường rủ Bạo chơi cờ để thử sức mình. Vì cán bộ đi học có lương, nên mấy ông cán bộ hay đi chợ làm bữa ăn tươi cải thiện hoặc rủ Bạo ra quán thịt chó trước cổng trường, Bạo lại rủ thêm tôi. Thế là tôi luôn được ăn tươi.

Tác giả Ngô Minh và Nguyễn Quang Bạo (bên trái).

Ở trường Bạo yêu Nguyễn Thị Đán, người Sơn Tây, cùng lớp. Không biết sau khi Bạo đi bộ đội, tình yêu hai đứa thế nào. Bạo là con trai một. Ông bà ấy sinh tới 4 đứa con gái, chỉ Bạo là con trai. Đêm nay, Bạo đang vào cuộc chiến đấu quyết liệt với máy bay Mỹ.

Nhìn những vệt bùng sáng vút lên trời cao của tên lửa, nhìn lửa đạn bom nổ ngút trời Hà Nội, Nga ôm lấy tôi thổn thức. Hai chúng tôi nhìn về bầu trời Hà Nội, thầm đoán quả tên lửa nào phóng lên từ phía Bạo. Nếu Bạo có mệnh hệ gì thì ông già mất người nối dõi. Chúng tôi lo cho Bạo quá. Hai đứa tôi cầu mong cho Bạo đêm nay an toàn.

Sau năm 1975, gặp lại, Bạo kể, đơn vị tên lửa của Bạo hành quân vào Vĩnh Linh, chưa bắn được quả đạn nào thì phải cấp tốc hành quân ra Hà Nội để bảo vệ Thủ đô. Và Bạo đã chiến đấu suốt 12 ngày đêm khốc liệt ấy. Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” Hà Nội xong, đơn vị Bạo lại hành quân vào Nam. Và tháng 4-1975, Bạo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó ra quân, về trường Đại học Thương nghiệp học tiếp...

Thế là hai đứa thức suốt đêm ở Thái Nguyên nhìn về Hà Nội. Sáng sớm, Nga đạp xe vội vã về Hà Nội. Em ôm lấy tôi khóc, nước mắt chảy ướt cả vai áo. Dáng em như con nhạn trong sương. Chia tay Nga, tôi thấy lòng trống trải, buồn nẫu ruột. Đến con mương đầu xóm, em quay lại nhìn tôi rồi vấp xe bị ngã chỏng chơ.

Tôi chạy theo đỡ dậy, lau nước mắt cho em rồi động viên: “Em yên tâm, nhất định anh sẽ trở về! Thầy coi rồi, số anh không chết trẻ. Anh sẽ trở về...”. Nhưng cứ nghĩ về cú ngã xe của Nga, tôi băn khoăn không biết có điềm chi đây? Ôi, thương em vô cùng!

Ngô Minh
.
.