Khủng hoảng chính trị Thái Lan: Dấu chấm hết của gia tộc Shinawatra

Thứ Hai, 18/09/2017, 09:55
Việc cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra không xuất hiện trong phiên tòa ngày 25-8 vì chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều nguồn tin cho hay, một số quan chức chính phủ đã “bật đèn xanh” để bà Yingluck đào tẩu ra nước ngoài thành công.

Ngoài ra, việc trốn thoát của cựu Thủ tướng Yingluck đã được lên kế hoạch chu đáo từ trước với sự giúp đỡ của người anh Thaksin đang sống lưu vong ở Dubai. Theo đó, bà Yingluck có thể sẽ không sống tại Dubai mà xin tị nạn chính trị tại London.

Đây chỉ là một trong số những biến cố mà Shinawatra - gia tộc quyền lực, giàu có và quan trọng bậc nhất Thái Lan - trải qua trong những thập niên qua. Dòng họ Shinawatra, trong giai đoạn 1932-2013, chiếm hơn 10% số thủ tướng ở Thái Lan (3/28), chưa kể các vị trí khác thấp hơn.

Xuất thân từ giới thương nhân, gia tộc Shinawatra đã biến đồng tiền thành sức mạnh chính trị. Tuy nhiên, sự ra đi của bà Yingluck được cho đã khép lại cuộc chơi chính trị kéo dài suốt 16 năm của gia tộc lừng lẫy này. Di sản của anh em Shinawatra (nổi bật nhất là phong trào Áo đỏ) và sự ủng hộ của người dân vẫn còn đó, nhưng việc tìm ra một người từ dòng họ đủ sức tiếp tục “chơi bài” lúc này gần như là không thể.

Vụ đào tẩu bí ẩn

Ngày 25-8, Tòa án Tối cao Thái Lan tổ chức phiên tòa công bố phán quyết đối với bà Yingluck. Nếu bị tuyên có tội, bà sẽ phải đối diện với mức án 10 năm tù và bị cấm tham gia chính trị trọn đời theo hiến pháp mới do quân đội soạn thảo. Tuy nhiên, trong tuyên bố khai mạc phiên tòa, thẩm phán cho biết các luật sư của bà Yingluck thông báo bà không thể dự phiên tòa vì gặp phải vấn đề về tai, nhưng không trình được giấy chứng nhận y khoa.

Do đó, thẩm phán đã không chấp nhận và phát lệnh bắt giữ bà Yingluck vì lo ngại bà đã trốn ra nước ngoài. Phiên tòa công bố phán quyết được hoãn đến ngày 27-9.

Việc bà Yingluck đã bỏ trốn được nhiều nguồn tin xác nhận. Chỉ có điều, cuộc đào tẩu trót lọt của bà diễn ra như thế nào thì chưa thể khẳng định chắc chắn. Một nguồn tin trong đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) cho biết, 2 ngày trước phiên tòa, cựu thủ tướng đã rời Thái Lan tới Dubai.

Những suy đoán về hành trình đào tẩu trót lọt của bà Yingluck.

Theo đó, bà Yingluck đã bay trên một chiếc máy bay tư nhân tới tỉnh Trat ở miền đông Thái Lan rồi vượt biên sang tỉnh Koh Kong (Campuchia), đón chuyến bay sang Singapore rồi tới Dubai. Trong cuộc trốn chạy này, bà Yingluck được cho là mang theo cả hộ chiếu Campuchia và hộ chiếu Nicaragua.

Giới quan sát cho rằng, việc bà Yingluck bỏ trốn chắc chắn phải có sự hậu thuẫn của giới chức Thái Lan. Một quan chức cấp cao đã đi cùng bà Yingluck và dàn xếp để cuộc đào tẩu được suôn sẻ. Nghi vấn này hoàn toàn hợp lý bởi nếu không được chính quyền “bật đèn xanh”, bà Yingluck rất khó xuất ngoại khi đã có lệnh bắt của tòa án.

Mặt khác, nếu bà Yingluck ở lại và bị kết án, khả năng bùng phát bạo lực giữa những người ủng hộ bà và chính phủ hoàn toàn có thể xảy ra, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn hơn. Thêm vào đó, việc bà Yingluck bị tống giam có thể sẽ khiến đảng của bà càng nhận được sự ủng hộ của cử tri. Thế nên, việc bà chạy trốn chính là phương án hợp lý nhất để dàn xếp mọi chuyện.

Hiện tại, chưa thể xác nhận thông tin chính xác. Vào ngày 23/8, bà Yingluck vẫn đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân các bức ảnh về hoạt động của mình ở quận Noi (thủ đô Bangkok) cũng như tại nhà riêng. Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ đây chỉ là cách bà Yingluck “tung hỏa mù” để tránh sự chú ý của lực lượng an ninh khi bắt đầu chuyến đào tẩu.

Nhiều ý kiến nhận định, bà Yingluck đã xây dựng được mạng lưới ủng hộ hùng hậu để giúp bà bỏ trốn và không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào từ chính phủ.

Gia tộc lụi tàn

Gần 2 thập niên đầu thế kỷ 21, nhà Shinawatra với 3 đời thủ tướng chi phối ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan. Tháng 1/2001, Thaksin giành thắng lợi áp đảo ở cuộc bầu cử Hạ viện, chính thức trở thành người đầu tiên của dòng họ nắm giữ chức vụ thủ tướng.

Kể từ đó, Thaksin gây dựng nền tảng chính trị rộng rãi, và tái đắc cử vào năm 2005 để trở thành thủ tướng liên nhiệm kỳ duy nhất của xứ Chùa Vàng. Somchai Wongsawat, em rể của Thaksin, tiếp bước anh vợ khi đứng đầu chính phủ vào năm 2008.

Sự nghiệp chính trị của nhà Shinawatra được tiếp nối khi em gái út Yingluck giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2011. Dù không ưa thích chính trị, nhưng vì anh trai Thaksin, bà đã ngồi vào ghế thủ tướng ở tuổi 44 - trở thành người trẻ nhất lãnh đạo Thái Lan trong vòng 60 năm.

Thế nhưng, gia tộc Shinawatra bị chỉ trích và phản đối mạnh mẽ bởi các phe phái, mà tiêu biểu nhất là phe Áo vàng và quân đội. Cả 3 vị thủ tướng của dòng họ Shinawatra đều kết thúc sự nghiệp trong sóng gió với những án tù treo lơ lửng, cũng như rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị ở xứ Chùa Vàng.

Trong thời gian lãnh đạo, Thaksin bị lên án là người độc đoán và tham nhũng, với cáo buộc chỉ định người thân vào các vị trí quan trọng hay sử dụng vị thế chính trị cá nhân để làm giàu cho gia đình. Một loạt cuộc biểu tình dẫn đến cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền Thaksin vào tháng 9-2006. 2 năm sau, Thaksin bị kết tội lạm dụng quyền lực, và lĩnh án 2 năm tù.

Trong khi đó, ông Somchai bị cáo buộc “là người của Thaksin”. Gần 1 tháng sau khi ông Somchai nhậm chức, tức tháng 10/2008, người biểu tình tiến chiếm quốc hội và bắt 320 nghị sĩ làm con tin. Đảng của ông bị kết tội vi hiến, mua phiếu bầu và buộc phải giải thể.

Ông Somchai bị tước quyền thủ tướng chỉ sau hơn 3 tháng lãnh đạo, bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm và đối mặt với mức án 10 năm tù. So với 2 người anh, số phận của bà Yingluck bi đát hơn.

Chỉ vài tháng trong cương vị thủ tướng, bà đối mặt với trận lũ lịch sử như muốn quét sạch một nửa Thái Lan hồi năm 2011 và 2012. Kế đến là cuộc chiến đường phố với phong trào biểu tình phản đối chính phủ của bà, cho rằng bà là “con rối” của anh trai. Phe đối lập coi bà là tàn dư của truyền thống chính trị gia tham ô, nhũng lạm quyền thế, bảo vệ “ông anh bị lật đổ”.

3 thủ tướng của dòng họ Shinawatra, ông Somchai Wongsawat, ông Thaksin và bà Yingluck, đều kết thúc sự nghiệp trong sóng gió với án tù treo lơ lửng.

Cùng với mâu thuẫn phe phái, đề án trợ cấp lúa gạo của Yingluck là chất xúc tác gây ra làn sóng biểu tình của tầng lớp trung lưu, và dẫn đến cuộc đảo chính năm 2014 khiến bà bị phế truất. Những người phản đối cho rằng, cựu thủ tướng thực chất đã dùng tiền ngân sách nhà nước để mua chuộc lá phiếu cử tri, dẫn đến tham nhũng tràn lan.

Tháng 1-2015, Quốc hội truy tố bà Yingluck với cáo buộc lơ là trách nhiệm trong việc giám sát thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo, khiến Thái Lan thiệt hại 15 tỉ USD. Bà đã phải nộp 900.000 USD để được tại ngoại nhưng vẫn bị quản thúc, cấm xuất ngoại và cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Đến cuối năm 2016, chính phủ yêu cầu phong tỏa tài sản của bà Yingluck và phạt 1,3 tỉ USD.

Bế tắc không lối ra

2 thập kỷ qua, nhờ chính sách vì người nghèo, gia tộc Shinawatra nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ tầng lớp lao động ở Bangkok và khu vực nông thôn phía bắc đông dân nhưng nghèo khó.

Thaksin được xem là vị thủ tướng của người nghèo khi xây dựng một nền y tế cho phép mọi người điều trị chỉ với khoản phí rất nhỏ (1 USD), đồng thời cải cách kinh tế giúp Thái Lan phát triển rất nhanh thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính. Kế thừa chính sách của anh, Yingluck tiếp tục duy trì được sự ủng hộ của tầng lớp dân nghèo thông qua các biện pháp như trợ giá gạo cho nông dân, hay tăng đáng kể mức lương tối thiểu.

Ban đầu, nhà Shinawatra cũng nhận được sự ủng hộ từ giới tinh hoa ở Bangkok; tuy nhiên, sau đó họ dần trở thành cái gai trong mắt thế lực này. Cuộc đối đầu giữa một bên là gia tộc tài phiệt đại diện cho phong trào dân túy và một bên là nền tảng chính trị bảo thủ tại Bangkok với trung tâm là quân đội và hoàng gia dần hình thành và ngày càng quyết liệt.

Phe tướng lĩnh lo ngại ảnh hưởng của ông Thaksin hay bà Yingluck sẽ có thể lấn át quyền lực của hoàng gia, cũng chính là quyền lực của quân đội. Chính quyền quân sự cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng, chỉ biết làm giàu cho bản thân và vây cánh, mua lá phiếu bằng những chính sách dân túy tốn kém.

Thông qua những cuộc đảo chính, quân đội Thái Lan cho biết họ đơn thuần muốn lập lại trật tự sau quãng thời gian dài đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn vì biểu tình và bạo lực chính trị. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi các lãnh đạo quân sự hàng đầu thực chất vẫn kiên quyết muốn dập tắt mọi dấu ấn Shinawatra tại Thái Lan. 

Chính quyền quân sự vẫn luôn tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nhà Shinawatra bằng cách cấm phe Áo đỏ hoạt động, đóng cửa các đài phát thanh và theo dõi các cựu lãnh đạo của họ.

Sau khi tiến hành cuộc đảo chính tháng 5-2014 lật đổ chính quyền Yingluck, lãnh đạo quân đội mang lại cho Thái Lan sự ổn định tương đối, nhưng đa số hành động của họ tiếp tục là vì lợi ích của giới thượng lưu chứ không phải người nghèo, và bất ổn vẫn chưa thể chấm dứt.

Giới phân tích cho rằng, bất ổn chính trị liên miên ở Thái Lan xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong lòng xã hội. Với những thù hằn chồng chất và quá nhiều những lợi ích đối chọi, sự chia rẽ của chính trị - xã hội có lẽ đã quá sâu rộng để có thế biến mất sau các cuộc đảo chính. Các tầng lớp trung lưu đô thị, sĩ quan quân đội cấp cao, phe công chức bảo thủ và lãnh đạo doanh nghiệp đối đầu với dân thường Thái Lan - những người chỉ có thể đứng nhìn chính phủ họ bầu ra bị lật đổ bởi các tướng lĩnh quân đội.

Rõ ràng, chính quyền quân sự vẫn bị đè nặng bởi các “vấn đề cốt lõi” của Thái Lan, nghiêm trọng nhất là sự giận dữ và chán ghét của đại bộ phận nông dân mà sự thức tỉnh của họ chính là nguyên nhân gốc rễ gây nên cuộc khủng hoảng ở đất nước này...

Nam Hồng
.
.