Tổng thống Donald Trump công du Trung Đông: Đi tìm đột phá mới

Thứ Ba, 13/06/2017, 09:07
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ tới “chảo lửa” Trung Đông, ông Donald Trump đã đặt ra những mục tiêu rất thực tiễn.

Đó là việc hàn gắn rạn nứt với các đồng minh truyền thống ở Trung Đông, giảm căng thẳng với thế giới Hồi giáo, khôi phục lại ảnh hưởng vốn đã sa sút và tìm kiếm một cách tiếp cận mới bảo đảm được vị thế và lợi ích chiến lược của Mỹ ở Trung Đông. 

Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine, một trong những vấn đề gai góc nhất ở Trung Đông, đã được ông Trump đề cập trong chuyến công du tới Israel và khu Bờ Tây. Nhiều nhà phân tích nhận định, với sự quan tâm đặc biệt tới điểm nóng dai dẳng này, ông chủ Nhà Trắng có thể tạo ra một “luồng gió mới” cho triển vọng hòa bình Trung Đông. 

Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử cuộc xung đột kéo dài gần 7 thập kỷ giữa Palestine và Israel, có thể thấy rằng các bên liên quan cần nhiều nỗ lực, thiện chí và cả sự chân thành mới có thể vận hành “cỗ xe hòa bình” khỏi bị chệch hướng như đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ.

Tổng thống Donald Trump đã phần nào “cài đặt lại” quan hệ với các đồng minh thân cận ở Trung Đông như Saudi Arabia và Israel.

Ông chủ Nhà Trắng muốn hiện thực hóa tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ hóa giải thành công cuộc xung đột Israel - Palestine.

Cài đặt lại chính sách

Việc ông chủ Nhà Trắng lựa chọn Trung Đông là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức đã cho thấy rõ sự coi trọng của chính quyền mới ở Washington đối với khu vực này. 

Thực vậy, chuyến công du của Tổng thống Donald Trump diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các nước Arab Vùng Vịnh xấu đi dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Thậm chí, Washington và nhiều đồng minh chủ chốt trong khu vực rơi vào tình trạng khủng hoảng lòng tin.

Giữa lúc vai trò của Mỹ tỏ ra mờ nhạt tại Trung Đông thì khu vực này phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như các cuộc khủng hoảng tại Syria và Yemen, tiến trình hòa bình bế tắc giữa Israel và Palestine, mối đe dọa từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 
Tổng thống Donald Trump đã phần nào “cài đặt lại” quan hệ với các đồng minh thân cận ở Trung Đông như Saudi Arabia và Israel.

Tất cả đã ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông cả về an ninh, chính trị lẫn kinh tế. Qua chuyến thăm lần này, có vẻ như Tổng thống Donald Trump đã phần nào “cài đặt lại” quan hệ với các đồng minh thân cận ở Trung Đông như Saudi Arabia và Israel.

Có thể thấy đến lượt mình, ông Donald Trump đang dẫn dắt nước Mỹ “đi tìm các đột phá mới”. Trong thời gian đi thăm Saudi Arabia và Israel, Tổng thống Donald Trump đã mở ra một số triển vọng chính sách mới trong khi “chỉnh sửa và thắt chặt hơn nữa” một số chính sách cũ, tạo điều kiện cho quan hệ song phương chưa từng thấy trên nhiều lĩnh vực nhằm tạo việc làm và thúc đẩy đầu tư tại Mỹ. 

Ông Trump đã tạo niềm tin để thúc đẩy đầu tư từ 300 - 380 tỷ USD, giúp giảm tỉ lệ thất nghiệp và đưa Saudi Arabia thoát khỏi sự phụ thuộc vào một nền kinh tế dầu mỏ.

Tại Israel, ông chủ Nhà Trắng đưa ra tuyên bố phục hồi và cải thiện mối quan hệ vốn khá lạnh nhạt trong 8 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Obama. Rõ ràng, những ràng buộc về lợi ích an ninh và kinh tế đang trở thành sợi dây kết nối chặt chẽ khiến Mỹ không thể bỏ qua các đồng minh truyền thống ở Trung Đông. 

Ngoài ra, chính quyền Trump đã có những động thái có thể coi là “xoa dịu” hai đồng minh chủ chốt bằng cách tỏ thái độ cứng rắn hơn với Iran - quốc gia được xem là thù địch với cả Saudi Arabia và Israel.

Có thể nói Tổng thống Mỹ đã đạt được những kết quả khá khả quan trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới “điểm nóng” Trung Đông. Thái độ coi trọng khu vực Trung Đông đã làm hài lòng nhiều quốc gia Arab Hồi giáo, mà kết quả là thỏa thuận giữa Mỹ với 6 nước Vùng Vịnh về thiết lập trung tâm chống tài trợ khủng bố và đẩy mạnh “hợp tác thực chất” về quân sự, kinh tế và an ninh.

Bên cạnh đó, sự quyết liệt của Tổng thống Donald Trump đối với cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt tổ chức IS ở Trung Đông, cho thấy Washington muốn giành lại thế chủ động tại khu vực này. Mỹ đang tìm cách định hình một chính sách đối ngoại rõ ràng hơn đối với Trung Đông đầy bất ổn và luôn có những diễn biến bất thường. 

Một cách tiếp cận khôn khéo, thực dụng và toàn diện có lẽ là sự lựa chọn hợp lý nếu ông Trump muốn đạt mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, trong khi vẫn đảm bảo được lợi ích của Washington tại Trung Đông.

Thúc đẩy hòa bình

Nhìn vào những tuyên bố của ông Donald Trump kể từ khi đắc cử, có thể khẳng định chưa có một vị Tổng thống Mỹ nào đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc giải quyết vấn đề Trung Đông như vậy. 

Cũng chưa có bất kỳ nhà lãnh đạo Mỹ nào đặt quyền lực thương thuyết một vấn đề quan trọng như vậy vào tay của cố vấn thân cận nhất và cũng là con rể của mình. Dường như ông Trump mong muốn tạo dấu ấn của gia đình trong các cuộc thảo luận về một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất thế giới.

Tổng thống Trump từng gửi nhiều thông điệp khác nhau về cách tiếp cận cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Ông gọi thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine là “thỏa thuận tối hậu”, một trong những vấn đề đã bị trì hoãn qua nhiều đời Tổng thống Mỹ, đồng thời bày tỏ mong muốn để hai bên tự giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp cùng các biện pháp hòa bình.
Ông chủ Nhà Trắng muốn hiện thực hóa tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ hóa giải thành công cuộc xung đột Israel - Palestine.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, các quốc gia Trung Đông đang có cơ hội hiếm hoi để có thể mang lại hòa bình và ổn định trong khu vực, đánh bại chủ nghĩa khủng bố và tạo ra tương lai thịnh vượng. Tuy vậy, điều đó chỉ có thể đạt được khi các nước bắt tay hợp tác. 

Do đó, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Tel Aviv và cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Bethlehem, ông Donald Trump đều tập trung vào những nỗ lực nối lại các cuộc hòa đàm giữa hai bên vốn bị đình trệ từ lâu.

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ muốn tiếp cận một cách nghiêm túc vấn đề Israel - Palestine. Ông mong đợi có thể tìm ra được con đường thích hợp, hoặc ít nhất là có được một chuyển biến nào đó, sau các cuộc gặp gỡ với các bên liên quan. Đáp lại, cả hai nhà lãnh đạo của Israel và Palestine đều thể hiện sự sẵn lòng nối lại các vòng đàm phán hòa bình với vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Để thực hiện tham vọng trở thành Tổng thống Mỹ hóa giải thành công cuộc xung đột Israel - Palestine, trước hết ông Donald Trump phải thuyết phục được Israel chấm dứt hoàn toàn xây dựng trái phép trên phần đất đang chiếm đóng của người Palestine, đồng ý với giải pháp “hai nhà nước” cùng tồn tại hòa bình, cũng như công nhận độc lập và chủ quyền của Palestine.

Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn vì Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngay từ khi lên nắm quyền vào năm 2009, đã theo đuổi chính sách cứng rắn trong vấn đề Palestine, và đưa ra nhiều quyết định mở rộng khu định cư của Israel trên phần lãnh thổ của Palestine. Những chính sách bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ của ông Netanyahu đã góp phần đưa tiến trình hòa bình Trung Đông vào ngõ cụt.

Giới phân tích cho rằng, sẽ không dễ dàng để Tổng thống Donald Trump đưa Israel và Palestine cùng ngồi vào bàn đàm phán. Trên thực tế cả ông Netanyahu và ông Abbas đều đang chịu sức ép về mặt chính trị ở trong nước. 

Chính phủ hiện tại của Israel được dẫn dắt bởi Thủ tướng Netanyahu là một trong những chính quyền có tư tưởng bảo thủ nhất trong lịch sử nước này, trong khi Tổng thống Abbas của Palestine cũng gặp những khó khăn trong việc điều hành. Cả hai nước đều có mức độ lòng tin lẫn nhau rất thấp.

Vì vậy, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Israel và Palestine chưa thể lập tức tái khởi động đàm phán hòa bình giữa hai bên mà chỉ là giai đoạn đầu của sự chuẩn bị cho tiến trình hòa bình Trung Đông. 

Tất nhiên, cần phải khẳng định rằng thông qua những cuộc đối thoại với hai nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Trump đã mang đến niềm hy vọng về khả năng sẽ có những đột phá nhằm nối lại cuộc hòa đàm đang bị bế tắc và hướng tới một nền hòa bình cho cả hai dân tộc.

Ông cũng cần thể hiện quyết tâm lập lại hòa bình Trung Đông - vấn đề mà nhiều đời Tổng thống Mỹ đã không thể xử lý trọn vẹn, bởi lẽ đích đến cuối cùng, hay nói chính xác là một bản hòa ước nghiêm túc giữa các bên liên quan, vẫn là một mục tiêu đầy trở ngại. 

Điều này thực sự cần thiết khi cho đến nay, ông Trump vẫn chưa đưa ra bất kỳ cơ chế cụ thể nào để tiến tới một giải pháp lâu dài cũng như không đề cập tới bước đi tiếp theo dựa trên “Sáng kiến hòa bình Arab” hay giải pháp “hai nhà nước” và quyền lợi của người Palestine...

Việt Dũng
.
.