Quan hệ Ấn – Mỹ: Vượt qua sự lưỡng lự

Thứ Năm, 17/08/2017, 07:45
Trong chuyến công du tới Mỹ vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đạt được tuyên bố chung cam kết thúc đẩy quan hệ song phương Ấn - Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt về quốc phòng.

Kết quả trên không nằm ngoài sự kỳ vọng, và thực sự 2 nhà lãnh đạo đã có cuộc hội đàm hiệu quả khi tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề cùng quan tâm.

Tổng thống Donald Trump đánh giá Ấn Độ là đối tác an ninh quan trọng, đáng tin cậy và bày tỏ tin tưởng những rào cản trong quan hệ thương mại song phương sẽ sớm được dỡ bỏ. Trong khi đó, Thủ tướng Modi ca ngợi Mỹ và Ấn Độ có mối quan hệ đối tác chiến lược vững mạnh, đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.

Nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa 2 quốc gia dưới thời chính quyền Tổng thống D. Trump đang “gợn sóng” với những khác biệt có thể dễ nhận thấy so với chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực đã được ông Modi tạo ra trong cuộc gặp lần này.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể đã đúng khi tuyên bố rằng cuối cùng mối quan hệ Ấn - Mỹ đã “vượt qua sự lưỡng lự” và với sự lãnh đạo của ông, quan hệ này đã được hồi sinh trên “đống đổ nát” trong những năm dưới thời chính quyền cũ.

Việc New Delhi và Washington tăng cường quan hệ song phương phù hợp với chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ” mà Thủ tướng Modi từng đưa ra.

“Sưởi ấm” quan hệ song phương

Trong chiến dịch tranh cử, ông D. Trump từng cam kết nếu trở thành tổng thống thì Ấn Độ sẽ có “một người bạn thật sự” trong Nhà Trắng. Không lâu sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Narendra Modi để trao đổi về việc tăng cường quan hệ đối tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kinh tế, quốc phòng, an ninh và chống khủng bố. 

Trong cuộc điện đàm, chủ nhân mới của Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chính quyền của ông coi Ấn Độ là “một đối tác và người bạn quan trọng”.

Tổng thống Trump sau khi lên cầm quyền đã có tuyên bố và điều chỉnh lớn đối với nhiều chính sách đối ngoại cũng như quan hệ đối tác của Washington. Việc liên tiếp có các cuộc điện đàm cấp cao với Ấn Độ bằng những lời lẽ nồng ấm và cam kết mạnh mẽ cho thấy quan hệ Mỹ - Ấn, vốn đang phát triển ổn định dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, sẽ được chính quyền Tổng thống Trump tiếp nối và duy trì.

Khi tới thăm Mỹ trên cương vị Thủ tướng Ấn Độ đúng một năm trước, ông Modi đã có cơ hội phát biểu trước Quốc hội Mỹ, miêu tả cường quốc hàng đầu thế giới này là “đối tác không thể thiếu” của New Delhi. 

Điều đó phần nào thể hiện đúng bản chất mối quan hệ Mỹ - Ấn dưới thời Tổng thống Barack Obama. Và chuyến thăm Mỹ lần này của ông Modi cũng không ngoài mục đích tái khẳng định chính sách đó của Ấn Độ với nhà lãnh đạo đương nhiệm Donald Trump.

Chưa hết, ông Modi muốn tìm cách xoa dịu những căng thẳng về kinh tế và thương mại song phương giữa 2 nước. Bằng nỗ lực ngoại giao tinh tế và khéo léo của mình, Thủ tướng Modi đã đạt được một số thành quả đáng kể, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền tảng cho mối quan hệ lâu dài, theo hướng đôi bên cùng có lợi.

Hai bên đạt được nhiều đồng thuận, trong đó bao gồm việc hợp tác chống khủng bố, nỗ lực giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên hay thống nhất kêu gọi Pakistan không để các lực lượng khủng bố lợi dụng lãnh thổ. Chính quyền Tổng thống Trump đã chấp thuận thương vụ trị giá 2 tỷ USD bán máy bay trinh sát không người lái Guardian MQ-9B cho Ấn Độ, giúp nước này tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã phê chuẩn thương vụ bán 1 máy bay vận tải quân sự C-17 trị giá 365 triệu USD cho New Delhi. Đây được xem là động thái hiếm hoi bởi vì cho tới nay Mỹ thường chỉ chuyển giao những công nghệ cao như vậy cho các đồng minh hay đối tác quốc phòng gần gũi và có các hoạt động phối hợp cùng lực lượng Mỹ.

Thủ tướng Modi đặc biệt bày tỏ mong muốn nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn - Mỹ lên một tầm cao mới, đem lại lợi ích cho cả hai bên. Tổng thống Trump mong muốn mở rộng quan hệ với Ấn Độ sao cho hiệu quả, cùng có lợi, giúp Mỹ gia tăng ảnh hưởng; trong khi đó, Thủ tướng Modi cũng muốn Mỹ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo vị thế của nước này trong khu vực. 

Ngoài ra, quốc gia có nền kinh tế năng động hàng đầu châu Á và nền kinh tế số 1 thế giới tăng cường quan hệ sẽ mang lại những lợi ích lớn cho cả hai bên.

Điều này cũng phù hợp với chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ” thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, mà Thủ tướng Narendra Modi từng đưa ra. Trong bối cảnh quan hệ với Nga chưa mang lại nhiều giá trị do cấm vận thì “lựa chọn” Mỹ là chiến lược đúng của ông Modi lúc này. Bởi thế, hai nhà lãnh đạo đã đặt ra kế hoạch tham vọng tăng tổng thương mại Ấn - Mỹ lên gấp 5 lần từ hơn 100 tỷ USD hiện nay lên 500 tỷ USD trong 10 năm tới.

Hai nhà lãnh đạo Narendra Modi và Donald Trump đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề cùng quan tâm.

Nhiệm vụ có khả thi?

Thế nhưng, cho dù chính quyền ông D.Trump tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ thì việc hiện thực hóa mối quan hệ này không phải điều dễ dàng. Bản thân ông Modi cũng nhận ra rằng dù thường xuyên duy trì đối thoại ở cấp cao, song đến nay giữa Mỹ và Ấn Độ vẫn chưa thiết lập quan hệ đồng minh như Washington đã làm điều này với nhiều đối tác thân cận và quan trọng trên thế giới.

Sỡ dĩ như vậy là do Washington vẫn duy trì xu hướng “nước đôi” trong mối quan hệ với Ấn Độ và Pakistan - đối thủ lớn khó chịu bậc nhất của New Delhi tại Nam Á. 

Biết rõ mối quan hệ đồng minh không kém phần thân thiết giữa Washington và Islamabad, chính quyền Modi, dù muốn tăng cường hợp tác với cường quốc mạnh bậc nhất thế giới, cũng phải đảm bảo những lợi ích chiến lược cốt lõi của mình nên cũng có “phương án dự phòng” khi luôn thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác thân thiết với Nga, từ kinh tế cho tới an ninh và quốc phòng.

Từ khi đắc cử, Tổng thống Trump liên tiếp đưa ra những tín hiệu trái chiều về các mối ưu tiên của nước Mỹ, gây khó hiểu cho Ấn Độ. Nhiều nghị sĩ hàng đầu trong Quốc hội Mỹ đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Trump gây sức ép để Ấn Độ bãi bỏ những rào cản thương mại và đầu tư của Mỹ vào quốc gia này, đồng thời cáo buộc Ấn Độ không thực thi cải cách theo thị trường.

Ngoài ra, chính sách hướng nội, siết chặt vấn đề nhập cư, trong đó có việc xem xét lại vấn đề cấp thị thực lao động tạm thời cho người nước ngoài có trình độ cao H1B mà Tổng thống Trump áp dụng, cũng là những lo ngại không nhỏ cho Ấn Độ khi nước này có hàng nghìn kỹ sư tay nghề cao muốn làm việc ở Mỹ.

Chưa hết, Washington cũng tỏ ý không bằng lòng khi New Delhi vẫn quyết tâm thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận toàn cầu này. Tổng thống Trump thậm chí còn cho rằng Ấn Độ hưởng lợi hàng tỷ USD tiền viện trợ khi chọn ở lại với Hiệp định Paris.

Giới phân tích tỏ ra thận trọng về triển vọng quan hệ Ấn - Mỹ, khi mà chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump va chạm với chính sách “Sản xuất tại Ấn Độ” của ông Modi. Khi ông Trump chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, các kế hoạch thảo luận về tăng trưởng kinh tế, thương mại Mỹ - Ấn, hợp tác cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố hay mở rộng hợp tác quốc phòng đều sẽ hướng tới mục tiêu này.

Về phần mình, Thủ tướng Modi đang thúc đẩy chương trình kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ”, mục tiêu chính là kéo việc làm về nước Ấn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng. Trên thực tế, chính ông Modi đang cảm thấy lo sợ về mối quan hệ song phương vốn đang khá lạnh nhạt và hờ hững, nên vẫn có phần dè chừng và thận trọng mỗi lần đến Mỹ.

Nhìn chung, chính quyền Narendra Modi vẫn chưa thể vui mừng trước những hỗn độn trong tương lai của quan hệ Ấn - Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump. Thách thức lớn nhất của Thủ tướng Ấn Độ là nỗ lực thể hiện cho Washington thấy New Delhi là một đối tác phù hợp và rất đáng tin cậy.

Ông Modi cũng phải tìm cách để “đồng điệu” với mục tiêu của Washington, cần khéo léo trao đổi về các vấn đề kinh tế nhạy cảm, đồng thời tìm cách để Washington “tiếp lửa” cho hợp tác an ninh và quốc phòng song phương. Suy cho cùng, lợi ích quốc gia sẽ là trên hết. 

Một Ấn Độ đang vươn lên tại châu Á và toàn cầu. Một nước Mỹ đang củng cố và gia tăng vai trò và vị thế tại châu Á - Thái Bình Dương. Cả hai hẳn sẽ không ngần ngại vượt lên thách thức để xích lại gần nhau hơn nữa...

Việt Dũng
.
.