Mỹ gây sức ép lên Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên: Ném đá dò đường
- Mỹ - Trung Quốc "thảo luận" về Triều Tiên bên lề G20
- Quan hệ Mỹ - Trung “bị tác động bởi một số nhân tố tiêu cực”
- Mỹ - Trung tính toán trên “bàn cờ” Triều Tiên
Tuy nhiên, cuộc gặp này có lẽ mới chỉ là khúc dạo đầu… ném đá dò đường, chuẩn bị cho những cuộc tranh giành gay gắt giữa siêu cường toàn cầu và sức mạnh mới nổi.
Giờ đây, Tổng thống Donald Trump ngày càng tỏ ra thất vọng và mất kiên nhẫn trước việc Trung Quốc không làm gì nhiều để buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, hay giải quyết các vấn đề thương mại song phương.
Một nguồn tin nói người đứng đầu Nhà Trắng đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt thương mại nhằm vào Trung Quốc, trong đó có khả năng đánh thuế quan đối với thép nhập khẩu từ nước này.
Bắc Kinh “không hết mình”
Nhìn chung, cả Mỹ và Trung Quốc đều thể hiện thái độ lạc quan trong việc tăng cường quan hệ song phương. Tổng thống Donald Trump từng phát biểu rằng Washington và Bắc Kinh có hàng nghìn lý do để đưa quan hệ song phương đi đúng hướng, và không thể phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp này. Cuộc gặp gỡ vừa qua của hai nhà lãnh đạo, về cơ bản, đã tháo gỡ được một số khúc mắc liên quan đến thương mại.
Theo đó, Trung Quốc sẽ nhượng bộ để trao cho Mỹ quyền tiếp cận thị trường tốt hơn ở hai lĩnh vực là đầu tư tài chính và xuất khẩu thịt bò, nhằm tránh nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận này là một phần trong kế hoạch 100 ngày mà hai nước dự kiến sẽ thực hiện để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Ở thời điểm hiện tại, nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa hai nước là thấp, nhưng trong tương lai, điều này sẽ tùy thuộc vào các cuộc đàm phán Mỹ - Trung trong kế hoạch 100 ngày.
Giới quan sát vẫn đang chờ xem liệu Mỹ có liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tỷ giá đồng tiền. Đây là một lời hứa mà ông Trump đưa ra từ khi tranh cử Tổng thống Mỹ, nhưng chưa thực hiện. Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc theo đuổi chính sách thương mại không bình đẳng, khiến Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại hằng năm hơn 300 tỷ USD với Trung Quốc.
Những thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nguội lạnh khi Bắc Kinh không thể kiềm chế tham vọng hạt nhân của chính quyền Kim Jong-un. |
Trong khi đó, Trung Quốc nói rằng mối quan hệ thương mại này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng Mỹ thông qua hàng hóa giá rẻ và đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Người đứng đầu Nhà Trắng nhận định một mối quan hệ “nổi bật” giữa hai nước đang được phát triển; thế nhưng cho dù thiện chí và tình bằng hữu đã được tạo lập thì chỉ có thời gian mới đưa ra câu trả lời về vấn đề thương mại.
Bên cạnh đó, có vẻ như mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ chưa thể “sóng yên biển lặng” bởi những thỏa thuận giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã nguội lạnh đáng kể sau khi Bắc Kinh thất bại trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Vừa qua, Tổng thống Mỹ bắt đầu đổi giọng, cho thấy sự thất vọng với Trung Quốc.
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên, nhưng thực tế lại không có kết quả nào đáng kể”, ông Trump đăng trên Twitter, nhận định rằng Trung Quốc “chưa hết mình” trong việc thuyết phục Triều Tiên lùi bước.
Nhà lãnh đạo Mỹ cảm thấy đã cho Trung Quốc một cơ hội để tạo ra sự khác biệt nhưng kết quả không như ông mong đợi. Washington nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh gây sức ép về kinh tế và ngoại giao để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận ảnh hưởng của họ đối với láng giềng Triều Tiên là hạn chế và Bắc Kinh đang làm tất cả những gì có thể.
Cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier sau khi được Bình Nhưỡng phóng thích sau 17 tháng cầm tù càng làm phức tạp hơn nữa cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Triều Tiên.Sau cuộc gặp Trump - Tập, ngỡ tưởng Trung Quốc sẽ có những động thái mạnh mẽ hơn.
Thế nhưng, Bình Nhưỡng vẫn liên tục thực hiện các vụ thử tên lửa tầm xa. Thậm chí, có thông tin cho rằng Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân trong lòng đất.
Thế nên, khi Tổng thống Donald Trump không nhận được những gì ông kỳ vọng thì ông cần tiếp tục chương trình nghị sự rộng lớn hơn về vấn đề Triều Tiên, và thậm chí không cần phải “ngồi chờ” nữa. Trên thực tế, sau những “khó chịu” với Trung Quốc, Donald Trump đã gặp gỡ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng.
Ông Trump đã cảm ơn Ấn Độ vì đã cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên. Bên cạnh đó, ông Donald Trump cũng nhấn mạnh Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ sớm tham gia các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương - một động thái dường như nhắm vào Bắc Kinh.
Không còn khách khí
Hiện nay, chính phủ Donald Trump đang tiến hành những bước đi mới nhằm gây thêm áp lực với phía Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một báo cáo liệt Trung Quốc vào danh sách những quốc gia buôn người tệ hại nhất trên thế giới.
Trung Quốc bị rớt xuống hạng thấp nhất vì Bắc Kinh không thực hiện những biện pháp nghiêm túc để chấm dứt tình trạng buôn người, trong đó có những người lao động Triều Tiên bị cưỡng ép làm việc. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Trump đang mất kiên nhẫn với Trung Quốc.
Kế hoạch bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump được đề xuất trị giá 1.3 tỷ USD. |
Mỹ đã gây sức ép để Bắc Kinh gây áp lực kinh tế và ngoại giao lên Bình Nhưỡng nhưng chính phủ ông Tập cho rằng họ “bị trói buộc” và ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng quá hạn chế. Kết quả này không làm hài lòng chính phủ Donald Trump.
Chưa dừng lại ở đó, Donald Trump được cho là đã xem xét nhiều phương án trừng phạt, gồm áp thuế lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc, để “bảo vệ ngành công nghiệp và nhân công Mỹ”. Chính quyền Trump đã tiến hành điều tra nguồn thép từ nước ngoài từ tháng 4 cho dù khi ấy hai nhà lãnh đạo dường như vẫn đang ở trong tình trạng “quan hệ bình yên và tốt đẹp”.
Khi ấy, ông Trump từ chối xác nhận cuộc điều tra nhắm vào Trung Quốc - nơi chiếm nửa công suất sản xuất thép của thế giới, và những năm gần đây sản phẩm của họ tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận tiết lộ rằng người đứng đầu Nhà Trắng đã và đang âm thầm triển khai các chính sách thương mại, mà trước hết là áp thuế thép, để “ép” Bắc Kinh phải mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. Nếu đây là sự thực thì Washington đã tung ra “cú đấm thẳng” vào Bắc Kinh.
Mỹ tiếp tục áp lệnh trừng phạt đối với hai công dân và một công ty Trung Quốc bị cáo buộc hậu thuẫn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đồng thời tố một ngân hàng Trung Quốc rửa tiền cho Bình Nhưỡng. Các chính sách của chính quyền Trump khiến Bắc Kinh “không thể ngồi yên”.
Hiện nay, Bắc Kinh tỏ ra giận dữ và phản đối Washington sau khi một ủy ban thuộc Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật kêu gọi nối lại các chuyến thăm cảng Đài Loan của hải quân Mỹ lần đầu tiên kể từ khi Mỹ bắt đầu chính sách “một Trung Quốc” vào năm 1979.
Bắc Kinh cho rằng dự luật này vi phạm nguyên tắc quan hệ Trung - Mỹ, kêu gọi Washington dừng tập trận quân sự chung với Đài Loan và dừng bán vũ khí cho Đài Loan “để tránh làm xấu đi mối quan hệ hợp tác rộng rãi song phương”.
Còn nhớ khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Trump đã khiến Bắc Kinh “nổi đóa” khi nhận cuộc gọi chưa từng có tiền lệ từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Tuy nhiên, sau đó ông Trump “nói khéo” rằng đây chỉ là sự tái khẳng định sự cam kết của Mỹ đối với chính sách coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Giờ đây, cho dù Bắc Kinh phản đối bất kỳ hành động bán vũ khí nào cho Đài Loan thì chính quyền Trump cũng... lờ đi. Bản kế hoạch bán vũ khí đầu tiên cho Đài Loan dưới thời Tổng thống Donald Trump được đề xuất trị giá 1.3 tỷ USD, bao gồm các thiết bị như radar giám sát cảnh báo sớm, tên lửa chống radar phóng từ máy bay và ngư lôi hải quân. Nhiều chuyên gia nhận định, việc chính quyền Donald Trump phê chuẩn việc bán vũ khí cho Đài Loan chính là tiếng chuông cảnh tỉnh Trung Quốc.
Những động thái vừa qua của ông Donald Trump cho thấy “sự gần gũi và bình yên” trong quan hệ giữa ông với Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc. Chính quyền Trump đang chịu sức ép lớn từ các nhà lập pháp về hiệu quả các cách kiềm chế chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên. Vì vậy, khi nỗ lực của Trung Quốc không phát huy tác dụng thì Donald Trump sẽ không “khách khí” với Trung Quốc nữa.
Việc ông Donald Trump tiếp tục ép Bắc Kinh tác động lên Bình Nhưỡng và đi kèm thông báo “cập nhật” các biện pháp quân sự và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cũng là một lời cảnh báo cứng rắn gửi tới Triều Tiên. Nếu Triều Tiên toan tính thử hạt nhân thêm lần nữa thì sẽ phải đối mặt với những quyết sách... bất ngờ và nguy hiểm hơn.