Tân Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa: Cờ đã đến tay

Chủ Nhật, 19/08/2018, 17:14
Sau 40 năm sát cánh với Tổng thống Zimbabwe tiền nhiệm - Robert Mugabe - cuối cùng, chính trị gia lão luyện mang biệt danh “Ngwena” (Cá sấu) ấy cũng đã bước lên bậc thang cao nhất của sự nghiệp. 

Vấn đề là, với ông, liệu quốc gia thuộc khu vực Nam Phi đã chìm trong bóng tối quá lâu ấy có thực sự có được “một bước khởi đầu mới” về phía tương lai tươi sáng hay không?

Đổi bạn thành thù

Với một chính khách khôn khéo như Emmerson Mnangagwa, người được CNN đánh giá rất cao về “kỹ năng thoát hiểm”, những gì xảy ra vào cuối năm 2017 thật khó tin. 

Khi ấy, đường đường là Phó Tổng thống Zimbabwe, “Ngwena” bị Robert Mugabe cách chức, quản thúc tại gia, để rồi được giải thoát bởi một cuộc đảo chính, trở thành tổng thống lâm thời tiếp nhiệm quyền lực khi Mugabe từ chức. Và bây giờ, ông thay thế người bạn - kẻ thù cũ ấy - trong vai trò nhà lãnh đạo tối cao của Zimbabwe.

Sẽ rất khó giải thích mối quan hệ giữa hai con người ấy chỉ với vài dòng ngắn ngủi, trong khuôn khổ một bài báo. Bởi vì, mối dây liên hệ này dường như gắn liền và bộc lộ trọn vẹn tất cả những khúc quanh mà quốc gia ấy trải qua trong lịch sử vẫn còn khá ngắn ngủi của mình, kể từ lúc chính thức giành được độc lập (năm 1980).   

Chúng ta có một khái niệm: “Chiến tranh bụi rậm” - tức là cuộc chiến tranh du kích mà nhân dân Zimbabwe (khi ấy còn mang tên Nam Rhodesia, rồi Cộng hòa Rhodesia, sau một bản tuyên bố độc lập đơn phương, rồi Zimbabwe Rhodesia) tiến hành nhằm đoạn tuyệt với vai trò một thuộc địa tự trị của đế quốc Anh. 

Song, bao hàm trong “Chiến tranh bụi rậm”, còn là cả sự bùng vỡ của những kỳ thị chủng tộc, xung đột sắc tộc và mâu thuẫn về quyền lợi chính trị giữa các phe nhóm nổi dậy, mà hệ quả là những hồ sơ đẫm máu, như những vụ thảm sát Gurukahundi hay Matabeleland (từ năm 1983 đến năm 1987).

Emmerson Mnangagwa đã là bạn chiến đấu của Robert Mugabe từ những ngày ấy, là thành viên sáng lập của nhóm kháng chiến Liên minh Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU) bên cạnh Mugabe, là một trong những nhà lãnh đạo của ZANU cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt với nhóm vũ trang Liên minh người Phi Zimbabwe (ZAPU), cho đến khi hai bên đạt được thỏa thuận hợp nhất năm 1988, để trở thành đảng cầm quyền Liên minh Zimbabwe Quốc gia châu Phi - Mặt trận yêu nước (ZANU-PF) của hiện tại.

Từ vị trí “nhân vật số 2” suốt bao năm, Emmerson Mnangagwa đã trở thành nhân vật số 1.

Được xem như “cánh tay phải” của Tổng thống Robert Mugabe, Emmerson Mnangagwa từng giữ những vị trí rất quan trọng, trước khi trở thành Phó Tổng thống Zimbabwe: Bộ trưởng An ninh Quốc gia, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Quốc phòng. 

Còn ở chặng cuối của câu chuyện, trước khi chính biến nổ ra, Mnangagwa bị người bạn chiến đấu cũ kết tội là “âm mưu phản loạn”, khi thực sự nắm giữ vị thế cũng như tầm ảnh hưởng đủ để có thể tác động đến mọi diễn biến chính trị tại Zimbabwe.

Họ, sau gần 40 năm, đã không thể còn đứng chung một chiến tuyến.

Niềm tin nào cho đổ nát?

 Zimbabwe đã thực sự chìm tới đáy sâu suy thoái, 12 năm về trước. Năm 2006, bão táp khủng hoảng kinh tế đưa chỉ số lạm phát chạm đến một mức độ khủng khiếp: 1.000%. Suốt 12 năm qua, Robert Mugabe đã cố gắng làm mọi cách có thể để duy trì quyền lực cho bản thân và gia đình, trên vũng lầy ấy. 

Thế nhưng, điều duy nhất mà cựu tổng thống có thể thực hiện là làm dày thêm những uất ức, mâu thuẫn và xung đột trong lòng đất nước tan hoang này.

Quá trình suy tàn của Zimbabwe không chỉ là một cuộc khủng hoảng đơn lẻ. Đó là cả một chuỗi những sai lầm nối nhau, phá hủy mọi cơ cấu kiến thiết xã hội và đẩy đất nước vào tình trạng không lối thoát trong quá nhiều vấn đề chồng chéo.

Đầu tiên, các dự án tái phân phối ruộng đất, được thực hiện thông qua sự tước đoạt mang tính ép buộc đối với thiểu số các chủ đất người da trắng đã làm sụp đổ hệ thống trang trại truyền thống, đồng thời dẫn đến tình trạng khủng hoảng lương thực nghiêm trọng kéo dài suốt mấy thập niên.

Kế đó, dĩ nhiên, xuất khẩu nông nghiệp - một trong những nguồn thu quan trọng nhất trước ngày giành độc lập - cũng bị tàn phá. Cộng thêm những hệ lụy không được xử lý kịp thời từ thiên tai và hạn hán, Zimbabwe hầu như không còn ngoại tệ mạnh dự trữ, để nhập khẩu những mặt hàng cần thiết. 

Khai mỏ và du lịch thay thế nông nghiệp cáng đáng trách nhiệm này nhưng tình trạng bất ổn trong xã hội khiến những ngành ấy cũng không thể kham nổi nhiệm vụ quá nặng nề ấy.

 Mức sống lao dốc và đến lúc này, các nhà quan sát quốc tế vẫn đánh giá rằng Zimbabwe chưa vượt qua nổi cuộc khủng hoảng nhân đạo với quy mô khổng lồ của họ. Đan xen trong đó, những vấn đề về nhà ở, y tế, nước sạch, tiện nghi mỗi lúc lại càng trở nên tồi tệ. 

Bệnh dịch hoành hành, nhất là căn bệnh thế kỷ AIDS (1,2 triệu người) và tuổi thọ trung bình của người dân Zimbabwe thuộc hàng thấp nhất thế giới (43 tuổi với phụ nữ, 44 tuổi với nam giới, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 81/1.000 ca, theo số liệu thống kê năm 2008).

Trên thượng tầng kiến trúc, từ rất lâu trước khi các cuộc biểu tình nổ ra khắp đất nước do khủng hoảng kinh tế trở lại năm 2016, Robert Mugabe đã bắt đầu phải chấp nhận những thỏa thuận chia sẻ quyền lực với các lực lượng chính trị khác, nhằm xoa dịu sự phẫn uất của xã hội. 

Ví dụ, năm 2008, ông đã phải bắt tay với Morgan Tsvangirai - lãnh tụ phong trào Thay đổi Dân chủ - Tsvangirai (MDC-T), và trao cho ông này chức thủ tướng. Song, phương thức vận hành bộ máy quản lý Nhà nước vẫn không có gì thay đổi.

Đến tháng 7-2016, mọi chuyện chạm tới giới hạn. Các cựu chiến binh cũng không còn ủng hộ ông Mugabe nữa. Mất đi hậu thuẫn quan trọng nhất, ông Mugabe liên tiếp bị đẩy lui, bị dồn ép và bị công kích. Ngày 15-11-2017, ông bị lật đổ và quản thúc. Ngày 21-11-2017, ông buộc phải từ chức.

 Ngày 24-11-2017, Emmerson Mnangagwa nhận cương vị tổng thống kế nhiệm, trong thời gian chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vừa khép lại ngày 30-7-2018.

Quân đội nổ súng vào những người biểu tình trên đường phố thủ đô Harare.

Thời thế có tạo anh hùng?

Điểm nhấn lớn nhất trong thời gian nắm quyền tổng thống tạm thời vừa qua của “Ngwena”, không gì khác, là tiếp tục bảo đảm và duy trì được uy tín cho ZANU - PF, như những gì đã được thể hiện qua các lá phiếu của cuộc tổng tuyển cử. ZANU - PF vẫn nắm giữ 2/3 ghế trong Quốc hội Zimbabwe.

Thế nhưng, bản thân ông lại chỉ có thể tái đắc cử ngôi vị tổng thống với 50,8% số phiếu, không bỏ cách quá xa đối thủ chính Nelson Chamisa (44,3% số phiếu) - đại biểu phong trào Vì sự Thay đổi dân chủ (MDC, hậu thân của MDC - T).

Cũng chỉ 2 ngày sau khi tái đắc cử, Emmerson Mnangagwa đã phải ngỏ ý đàm phán với Nelson Chamisa, nhằm xoa dịu tình trạng bạo lực bùng phát. 

Ngay trong ngày chiến thắng của “Ngwena”, quân đội đã phải bắn đạn thật vào đám đông người biểu tình phản đối kết quả bầu cử trên những đường phố thủ đô Harare. 3 người đã chết và sự phẫn uất vọt lên, cộng hưởng với những cáo buộc từ phía MDC rằng ZANU - PF, như thói quen, đã lại gian lận bầu cử.

Vượt qua được thử thách này đã khó nhưng chính khả năng xây đắp lại nền móng tái thiết cho một quốc gia tàn tạ như Zimbabwe của ông Emmerson Mnangagwa cũng bị giới quan sát quốc tế nghi ngờ.

Với ông, con người dính líu đến gần như tất cả những sai lầm trong tiến trình lụn bại và suy tàn của quốc gia ấy suốt 30 năm qua, thật khó để hy vọng những thay đổi quyết liệt và mạnh mẽ nhằm lật tung các thiết chế lỗi thời, hất ngã sự thống trị của các nhóm lợi ích truyền thống và thực sự bắt đầu một chặng đường mới không còn dính líu gì đến tàn dư cũ.

Từ cuối những năm 2000, Earl Irving, một nhà bình luận quốc tế danh tiếng, đã cảnh báo rằng “Ngwena” còn “có thể độc đoán và áp chế hơn Mugabe nếu như trở thành người kế vị”.

Và trả lời CNN vào tháng 11-2017, ông Morgan Tsvangirai nhấn mạnh: “Tôi hiểu tính cách của Emmerson Mnangagwa. Ông ấy sẽ phải cực kỳ nỗ lực thay đổi bản thân để có thể tự miêu tả tương lai của đất nước cũng như chính mình với những sắc màu dân chủ và như một nhà cải cách. Song, tôi nghi ngờ điều đó. 

Chỉ là, vào lúc này, chính Mnangagwa cũng biết rằng ông ấy không thể đi theo con đường của Robert Mugabe mà vẫn có thể trông đợi vào sự tôn trọng và ủng hộ của nhân dân. Chỉ mình ông ấy biết ông ấy sẽ chọn hướng đi nào. Và Zimbabwe sẽ phải vô cùng cẩn thận”.

Một sự hoài nghi vẫn còn đầy đủ căn cứ, cho đến tận lúc này.

Thiên Thư
.
.