Tân Thủ tướng Pakistan, Imran Khan: Dũng cảm hay phiêu lưu?

Thứ Năm, 20/09/2018, 20:48
Chỉ vừa đắc cử, tân Thủ tướng Pakistan đã đối diện với không ít phong ba bủa vây quanh những quyết sách của mình. 

Các nhà quan sát quốc tế không thể không tự hỏi: Liệu những nước cờ táo bạo của ông sẽ đưa đất nước Pakistan nâng tầm vị thế, hay là chính phủ mới ấy sẽ nhanh chóng trở thành một thứ con tin của thời cuộc?

Chân trời đầy những vệt chớp

Ngày 18-8-2018, Imran Ahmed Khan Niazi tiếp nhiệm, chính thức trở thành thủ tướng thứ 22 trong lịch sử Pakistan.

Ngày 21-8, một lần nữa, sau cuộc điện đàm ngày đắc cử, tân Thủ tướng Imran Khan nhắc lại lời mời “đối thoại và theo đuổi hòa bình” với Ấn Độ, quốc gia láng giềng khổng lồ ở khu vực Nam Á. 

Ông khẳng định: "Để hướng về phía trước, Pakistan và Ấn Độ phải đối thoại và giải quyết các xung đột, trong đó có vấn đề Kashmir. Cách thức tốt nhất để xóa bỏ đói nghèo và nâng cao đời sống của người dân ở tiểu lục địa này là xử lý những bất đồng giữa chúng ta thông qua đối thoại và bắt đầu giao thương!".

Ngày 23-8, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo điện đàm với ông, trao đổi về mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, cũng như về vấn đề Afghanistan.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, Ngoại trưởng Pompep bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính phủ mới của Pakistan nhằm xây dựng một mối quan hệ song phương hiệu quả, đồng thời kêu gọi phía Pakistan hành động kiên quyết chống các phần tử khủng bố đang hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, ngược lại, tại một kênh không chính thức (mạng xã hội Twitter), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan - Mohammad Faisal - khẳng định: “Pakistan bác bỏ tuyên bố không chính xác của Bộ Ngoại giao Mỹ về cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Khan và Ngoại trưởng Pompeo. Không hề có thảo luận về các phần tử khủng bố đang hoạt động tại Pakistan”.

Không có gì dễ dàng chờ đợi ông Imran Khan.

Ngày 30-8, tân Thủ tướng Imran Khan đăng đàn xác nhận “Islamabad đang phải đối mặt với những thách thức cả từ bên ngoài lẫn nội tại”, đồng thời kêu gọi toàn thể nhân dân Pakistan ủng hộ chính phủ để vượt qua những thách thức đó.

Ngày 31-8, Pakistan thông báo đóng cửa tổng lãnh sự quán của mình tại thành phố Jalalabad (tỉnh Nangarhar, Afghanistan), với lý do phản đối sự can thiệp của tỉnh trưởng Nangarhar - Hayatulla Hayat - vào hoạt động của tổng lãnh sự quán. Phía Pakistan đánh giá rằng những sự can thiệp đó vi phạm Công ước Vienna năm 1963 về quan hệ lãnh sự.

Cụ thể, ngày 30-8, như phía Pakistan cho biết, tỉnh trưởng Hayatulla Hayat đã tới tổng lãnh sự quán với ý định can thiệp vào quá trình xin cấp thị thực đến Pakistan của các công dân Afghanistan. Pakistan tuyên bố sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới khi hài lòng với các thỏa thuận về an ninh.

Ngày 3-9, theo The News International, Bộ Ngoại giao hai nước cho rằng vấn đề này chỉ là sự hiểu lầm, sẽ sớm được giải quyết, và tuyên bố duy trì hợp tác theo Kế hoạch Hành động vì hòa bình và đoàn kết Afghanistan-Pakistan (APAPPS).

Cũng trong ngày 31-8, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif công du thăm Islamabad. Trong cuộc gặp gỡ, cả ông và tân Thủ tướng Imran Khan đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa hai nước, về kinh tế và an ninh, về chống khủng bố cũng như chống chủ nghĩa cực đoan trong khu vực. 

Ngoại trưởng Iran tuyên bố “không thấy có bất cứ hạn chế nào đối với việc phát triển quan hệ song phương” và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Pakistan.

Ngày 1-9, Thủ tướng Imran Khan khẳng định: Pakistan sẽ không chấp nhận bất cứ yêu cầu đơn phương nào từ phía Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước phải được đặt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Ông còn hé lộ sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận đi ngược lại lợi ích quốc gia của mình.

Cùng ngày, Lầu Năm Góc thông báo: Họ đã đưa ra quyết định cuối cùng hủy bỏ khoản viện trợ trị giá 300 triệu USD cho Pakistan, sau khi đã trì hoãn khá lâu với lý do chính quyền Pakistan không có những hành động quyết liệt cần thiết nhằm đối phó với các tay súng khủng bố ẩn náu trên lãnh thổ nước này. Đầu năm nay, Mỹ đã cắt một gói viện trợ khác, trị giá 800 triệu USD cho Pakistan.

Như vậy là, trong vòng nửa tháng, chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Imran Khan đã kịp trôi vào một “quỹ đạo lửa”, trên những chiến tuyến vô hình của tiến trình tái sắp xếp trật tự thế giới.

Theo ta hay chống ta?

Không có gì khó khăn để nhận thấy rằng, trong chuỗi sự kiện vừa liệt kê ở trên, các động thái ngoại giao của tân Thủ tướng Pakistan đều xoay quanh một trục duy nhất: Quyền lực, vị thế và tầm ảnh hưởng của nước Mỹ tại phần Tây - Trung - Nam Á.

Ở đó, có một quốc gia đang phải hứng chịu sự thù địch của cường quốc số 1 thế giới chìa tay ra với họ, là Iran. Có một quốc gia khác mà quyền lực nhà nước vẫn còn đang quá yếu ớt để có thể tồn tại độc lập với những binh sĩ viễn chinh Mỹ, là Afghanistan.

Và trong khi đó, Pakistan lại đang thể hiện thiện chí hòa giải với một cường quốc - một khối dân số cũng như diện tích khổng lồ, thành viên của Nhóm Các nền kinh tế mới trỗi dậy BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) - đang khao khát vươn tay nắm giữ vị thế tương xứng với tiềm lực của mình, cũng là một người láng giềng với bao nhiêu hiềm khích chất chứa kể từ ngày tiểu lục địa Ấn Độ vỡ thành 3 mảnh (Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh) sau khi giành được độc lập từ tay Đế quốc Anh.

Kashmir - điểm nghẽn trong mối quan hệ Pakistan - Ấn Độ.

Không chỉ họ lựa chọn việc mở rộng các mối quan hệ, nhằm hướng tới ổn định tình hình an ninh trong khu vực, đồng thời mở ra các cơ hội hợp tác thương mại kinh tế quốc tế. Đã có rất nhiều quốc gia lựa chọn sách lược đối ngoại ấy, như xu hướng chung trong thời đại mà thế giới mỗi ngày một trở nên phẳng đi, cũng như ý niệm “đơn cực” mỗi lúc một trở nên nhạt nhòa.

Đơn cử, kể cả khi nước Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận thương mại tự do ấy vẫn không “chết yểu” mà được tái sinh thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với sự thúc đẩy của tất cả các nền kinh tế lớn trong TPP cũ (Nhật Bản, Australia, Canada...).

Cũng không chỉ mình Pakistan thể hiện sự cứng rắn đến như vậy với những đòi hỏi của Nhà Trắng. Nga, CHDCND Triều Tiên, Iran hoặc ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên quan trọng của khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Mỹ lãnh đạo - cũng đã thay nhau bộc lộ rằng những lời đe dọa và cả những biện pháp trừng phạt - “những cây gậy” - của Mỹ không phải lúc nào cũng hiệu quả. Mềm mỏng hơn một chút nhưng Trung Quốc cũng đang đối mặt với Mỹ trong một “cuộc chiến thương mại”.

Vấn đề là, Pakistan của tân Thủ tướng Imran Khan dường như đang buộc phải lựa chọn. Một lựa chọn có thể tạo nên đột phá nhưng cũng có thể khiến mọi chuyện trở thành tồi tệ. Nước Mỹ, đặc biệt là nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đến lúc này vẫn đang sẵn sàng tỏ ra khắc nghiệt, kể cả với các đồng minh gần gũi như châu Âu...

Đòn bẩy của nhà cải cách

Pakistan hiện tại giống như một cơ thể vừa mở mắt sau giấc ngủ dài và Thủ tướng Imran Khan vẫn còn đang phải tiếp tục lay gọi. Ông - cựu ngôi sao cricket (môn thể thao được ưa thích nhất tại đất nước ấy), một trong những vận động viên Pakistan nổi tiếng nhất mọi thời đại, một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng, cũng là người từng giữ cương vị Hiệu trưởng Đại học Bradford (2005-2014) trước khi tập trung hoàn toàn vào sự nghiệp chính trị - hiểu quá rõ những vấn đề đang kìm hãm đất nước của mình.

Nằm gần 3 nền kinh tế lớn (Trung Quốc, Ấn Độ, Nga) nhưng Pakistan hầu như không nương theo được đà trỗi dậy của họ, để tự mình cùng cất cánh. Pakistan vẫn bị giằng xé bởi các toan tính địa chính trị từ các trung tâm quyền lực quốc tế nhưng lại gần như rơi vào quên lãng sau cuộc truy sát trùm khủng bố Osama Bin Laden.

Khi ấy, chính quyền Pakistan đã phản ứng vô cùng gay gắt với Nhà Trắng về chuyện xâm phạm chủ quyền quốc gia và mối quan hệ giữa hai bên hằn lên một vết rạn cho đến giờ vẫn chưa phai mờ. Nhưng, họ còn luôn ở trong trạng thái căng thẳng truyền thống với Ấn Độ, đặc biệt là về vấn đề tranh chấp khu vực Kashmir.

Trong khi đó, ở nội tại, sự trì trệ của nền kinh tế cộng hưởng với đà tăng dân số liên tục gia tăng các áp lực. Giới phân tích quốc tế đã dự báo: Có thể Pakistan phải cầu viện các gói cứu trợ tài chính từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Có lẽ vì vậy mà Imra Khan chấp nhận bắt đầu một cuộc “đại cải cách”, từ ngoại giao đến nội trị, để thay đổi bằng được trạng thái thiếu sinh khí ấy. 

Nhìn theo hướng này, sự không khoan nhượng được thể hiện với nước Mỹ sẽ mang khá nhiều ý nghĩa về việc đánh thức tinh thần dân tộc - điều rất cần để nhân dân Pakistan chấp nhận những kế hoạch gian nan sắp tới mà ông ôm ấp: Một nền chính trị trung thực, một chế độ pháp trị công bằng, sự tuyên chiến với nạn tham nhũng, một nền kinh tế giàu sinh khí hơn nhưng lại phải bắt đầu bằng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm nhân sự và bán các tài sản công để giảm nợ.

Ông chọn phẩm giá và khắc kỷ làm đòn bẩy cho đất nước ấy. Nhưng, ở bất cứ đâu và bất cứ thời đại nào, đó cũng sẽ là những yêu cầu khắc nghiệt đối với mỗi cá nhân. Trước mắt, sẽ có những người tiếc nuối và đổ lỗi cho ông về chuyện bị cắt gói viện trợ 300 triệu USD từ Washington.

Đông Phong
.
.