Nội các của Tổng thống Donald Trump: Thanh lọc những… gánh nặng

Thứ Hai, 14/05/2018, 18:23
Thời gian gần đây, hàng loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump lần lượt “rũ áo ra đi”. 

Theo Tổng thống Mỹ, các thành viên nội các đã không hoàn thành nhiệm vụ như kỳ vọng và ông muốn thanh lọc những cá nhân bị coi là “gánh nặng” này.

Từng có thời điểm, Tổng thống Trump tuyên bố đang sở hữu “đội ngũ tốt nhất từ trước đến nay” đảm nhiệm các vị trí trong nội các.

Thế nhưng giờ đây, “ông chủ” Nhà Trắng lại công khai đặt ra dấu chấm hỏi về khả năng của các vị quan chức đang dính vào nhiều bê bối hoặc bất đồng với ông. 

Giới quan sát cho rằng, việc thay đổi nhân sự đang làm gia tăng những hỗn loạn vốn đã bao trùm Nhà Trắng suốt nhiều tuần qua, khiến không ít quan chức cảm thấy bất an như... đang đi trong bóng tối.

Sự bất định này góp phần làm cho tinh thần của các nhân viên đi xuống, đồng thời làm nảy sinh hoài nghi từ chính những thành viên đảng Cộng hòa ở đồi Capitol với cái mà ông Trump gọi là “nỗ lực cải tổ bộ máy chính quyền”.

“Thay máu” nội các

Việc Ngoại trưởng Rex Tillerson bị sa thải được xem là biến động nhân sự lớn nhất trong nội các Mỹ từ khi ông Trump lên nắm quyền. Ông Trump nói dù rất quý ông Tillerson nhưng giữa hai người luôn có sự bất đồng trong nhiều vấn đề.

Thay vào vị trí Ngoại trưởng của ông Rex Tillerson là Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo - người được ông Donald Trump ca ngợi là “rất hợp ý”.

Hành động của Tổng thống Trump gây ngỡ ngàng cho cả thế giới nhưng lại không gây bất ngờ cho nước Mỹ vì dư luận đã nhận thấy mối quan hệ giữa ông với Rex Tillerson “cơm không lành, canh chẳng ngọt” từ lâu. 

Cuối năm ngoái, nhiều lần Tổng thống Trump úp mở cho biết ông không chắc liệu Rex Tillerson vẫn giữ chức vụ Ngoại trưởng trong phần còn lại của nhiệm kỳ ông ở Nhà Trắng.

Trong thời gian đương nhiệm, Rex Tillerson phải đối mặt với nhiều vấn đề ngoại giao của Mỹ, đặc biệt là chương trình hạt nhân Triều Tiên và Iran. Quan điểm của ông thường xuyên khác với những chính sách ngoại giao của Nhà Trắng. 

Tổng thống Donald Trump khẳng định bản thân ông và Rex Tillerson “không đồng lòng” trong nhiều vấn đề.

Tổng thống Trump khẳng định bản thân ông và Rex Tillerson “không đồng lòng” và cảm thấy ông Pompeo sẽ đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng tốt hơn.

Trên thực tế, việc lựa chọn ông Pompeo vào vị trí Ngoại trưởng là để thực hiện các kế hoạch ngoại giao mới của Tổng thống Trump (trong đó, có cuộc đàm phán nhạy cảm sắp diễn ra với Triều Tiên). 

Sự thay đổi nhân sự này đã khiến giới quan sát lo ngại vì ông Tillerson vốn là người cổ vũ cho thương mại tự do, còn Pompeo được đánh giá sẽ có quan điểm cứng rắn hơn.

Sau cú sốc sa thải “người bạn khá thân” Rex Tillerson, Tổng thống Trump tiếp tục cân nhắc thay thế nhân sự tại các bộ, ngành khác. Theo đó, ông tiếp tục cách chức Thứ trưởng Ngoại giao Steve Goldstein. 

Hiện vẫn không rõ lý do ông Goldstein bị sa thải; tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, đó là do mối quan hệ khăng khít giữa ông này và Tillerson, đặc biệt là thái độ “bênh vực” sếp cũ.

Phản ứng sau quyết định sa thải ông Tillerson, ông Goldstein khẳng định sếp mình không hề biết trước việc bị sa thải và còn nhấn mạnh rằng vị Ngoại trưởng thứ 69 của Mỹ có ý định tiếp tục giữ ghế này. 

Cũng theo lời ông Goldstein, ông Tillerson thậm chí còn không biết lý do bị cách chức bởi Tổng thống Trump không hề gặp riêng ông trước khi đưa ra quyết định.

Trước đó, Gary Cohn - cố vấn hàng đầu về kinh tế của ông Trump - cũng đã tuyên bố từ chức sau bất đồng với Tổng thống Mỹ về việc áp đặt thuế cao đối với nhôm và sắt nhập khẩu vào Mỹ. 

Tiếp đó, ông Trump đã sa thải Cố vấn An ninh quốc gia McMaster và Bộ trưởng Cựu chiến binh Mỹ David Shulkin do nhiều bê bối đạo đức.

Ngoài ra, còn phải kể tới nguy cơ ra đi của Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly - một trong nhiều tướng lĩnh thân cận nhất của ông Trump - sau những thất vọng với những quyết sách của Tổng thống.

Trong một diễn biến khác, bạn bè và các cố vấn của Tổng thống Trump đã thành công trong việc thuyết phục ông không sa thải Bộ trưởng Tư pháp Sessions. Song, “ông chủ” Nhà Trắng chưa từ bỏ ý định và đang cân nhắc thay thế ông Sessions bằng Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ Scott Pruitt.

Gây tranh cãi nhiều nhất cho đến thời điểm hiện tại là việc ông Trump bổ nhiệm một người theo chủ nghĩa “diều hâu hiếu chiến” như John Bolton làm Cố vấn An ninh quốc gia - vị trí gần gũi với ông Trump nhiều hơn những vị trí khác.

Dù động thái này cho thấy đường hướng mới trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong thời gian tới nhưng nhiều ý kiến nhận định đây là một thảm họa khi John Bolton lâu nay vốn luôn ủng hộ một cuộc chiến tranh với Triều Tiên, thậm chí ủng hộ cả việc tấn công Iran và còn là một trong những nhân vật hàng đầu đã xem xét đến quyết định xâm chiếm Iraq hay có quan điểm “diều hâu” với Nga. 

Quyết định bất ngờ này của Tổng thống Trump khiến các nhà ngoại giao điềm tĩnh nhất cũng phải đứng ngồi không yên.

Ngoài ra, Gina Haspel - ứng viên ông Trump đề cử cho vị trí đứng đầu CIA nhằm thế chỗ ông Mike Pompeo - đang khiến các nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện không khỏi lo lắng bởi vai trò của bà trong việc giám sát một chương trình thẩm vấn và giam giữ gây tranh cãi.

Nhà Trắng giải thích việc xáo trộn nội các hiện nay là do nhu cầu cần thiết phải thay đổi khối chính sách đối ngoại trước cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ được tổ chức cuối tháng 5. 

Quả thực, một cố vấn Bolton hiếu chiến sẽ cùng với ông Mike Pompeo và bà Gina Haspel trở thành bộ ba cố vấn cho ông Trump chuyển hướng các cuộc đàm phán chưa từng có với Triều Tiên, đồng thời xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, cũng như làm gia tăng căng thẳng với Nga và Trung Quốc.

Nên mừng hay lo?

Bất chấp những rối ren trong bộ máy, Tổng thống Trump vẫn ra những dấu hiệu cho thấy cuộc “thanh lọc” của ông chưa kết thúc. Có vẻ như ông thực sự háo hức trước công cuộc “thay máu” nội các, thậm chí khẳng định “đang tiến rất gần” đến nội các mà ông hằng mong muốn. 

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Trump bác bỏ những thông tin về việc cải tổ nhân sự diện rộng nhưng thêm rằng sẽ “luôn luôn có sự thay đổi”. 

Bộ ba “diều hâu” Bolton, Pompeo và Haspel được cho là sẽ chia sẻ cùng thế giới quan với Tổng thống Mỹ.

Những quan chức thuộc Cánh Tây Nhà Trắng tin rằng ông Trump đã sẵn sàng sốc lại bộ máy nội các. Nhưng như mọi khi, các chi tiết và thời điểm của công cuộc tái thiết lại bộ máy nội các sẽ được quyết định bởi riêng Tổng thống Trump.

Cho dù có nhiều xáo trộn nhưng Tổng thống Trump vẫn hài lòng với một số vị trí nội các mà ông đã lựa chọn. Ví dụ như, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis vẫn tiếp tục làm việc hài hòa với Nhà Trắng, dù có một số bất đồng với Tổng thống liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. 

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng khiến ông Trump hài lòng sau khi giúp hoạch định kế hoạch áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin cũng vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng lớn và quan trọng là luôn ủng hộ các chính sách mà ông Trump đưa ra.

Giới quan sát nhận định, việc ông Trump “thay máu” nhiều thành viên chú chốt là dấu hiệu cho thấy ông ngày càng mất kiên nhẫn với nhóm cố vấn từng bị ông chỉ trích là “chậm thay đổi” để thích nghi với những chính sách thay đổi liên tục của ông. Tuy nhiên, ông Trump không ghét những người bất đồng quan điểm với mình mà ông ghét những người sau khi đã thống nhất kế hoạch hành động vẫn tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình. 

Cho tới hiện tại, ngoài việc sa thải do bất đồng cá nhân, ông Trump cũng có xu hướng sốc lại đội ngũ nội các bằng cách loại bỏ thẳng tay các thành viên được xem là “gánh nặng”.

Điều này khiến một số nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện cảnh báo Cánh Tây hiện vẫn phải gồng mình với những thay đổi quá lớn, trong khi đó Nhà Trắng đang gây áp lực lên các nhà lập pháp với quá nhiều đề cử cho các vị trí nội các. 

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ cũng thúc giục ông Trump không nên hành động “vội vã”, cảnh báo quy trình xác nhận chức vụ cho gương mặt mới sẽ vô cùng khó khăn. Ngược lại, một số chính khách tin rằng Tổng thống Trump đang cố gắng hoàn thiện nội các, để hình thành “chính phủ trong mơ”. 

Điều này có nghĩa những nhân vật mới sẽ để “Trump là Trump”, không chen ngang và kiềm chế ông như những Tillerson hay McMaster đã “đội nón ra đi”. Quan trọng hơn, những “thân cận mới” như Bolton, Pompeo và cả Haspel được cho là sẽ chia sẻ cùng thế giới quan với Tổng thống Mỹ.

Tuy vậy, một luồng tâm lý khác có vẻ bi quan hơn, đi theo hướng khuyên dư luận “nên bắt đầu đào hầm tránh bom trong sân nhà”. Sự nổi lên của bộ ba “diều hâu” Bolton - Pompeo - Haspel là sự trỗi dậy của thế lực sẵn sàng xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, tái khởi động các chương trình tra tấn bí mật và tồi tệ hơn, khơi mào một cuộc chiến với Triều Tiên. 

Sự bí ẩn của bà Haspel, 3 nhiệm kỳ nghị sĩ của ông Pompeo với những quan điểm “khó chịu”, cùng những phát ngôn “hiếu chiến” của ông Bolton, khiến giới quan sát phải thốt lên rằng Tổng thống Trump đang bị vây quanh bởi một nhóm có đường lối cực kỳ cứng rắn trong việc định hình chính sách đối ngoại cho nước Mỹ. 

Bộ ba này sẽ thay đổi đáng kể hình ảnh của nước Mỹ trên trường quốc tế, ít nhất cho tới khi nào họ bị miễn nhiệm hoặc hết nhiệm kỳ của ông Trump...

Thanh Sơn
.
.