Donald Trump với "canh bạc" hạt nhân Iran: Ván bài may rủi
- Tàu ngầm phi hạt nhân mạnh nhất châu Á của Nhật Bản
- Tôn vinh nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân
- Tổng thống Putin tới Iran thảo luận vấn đề hạt nhân
Tổng thống Donald Trump đang thể hiện rõ ý định tăng cường sức ép lên Iran - đối thủ nặng ký của Mỹ tại Trung Đông. Và thỏa thuận hạt nhân mà Iran cùng Mỹ và các cường quốc thế giới ký năm 2015 hiện trở thành tâm điểm tranh cãi khi Tổng thống Trump liên tục đe dọa rút khỏi thỏa thuận này.
Mới đây, Iran đã trao công hàm chính thức phản đối quan điểm “chống Iran” của Tổng thống Donald Trump đối với thỏa thuận hạt nhân mà Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, và Đức) đạt được năm 2015.
Nếu thỏa thuận bị phá vỡ ngay trong tình hình hiện tại, khi cục diện hỗn loạn ở Trung Đông chưa thực sự chấm dứt, chắc chắn Mỹ cùng các lực lượng liên quân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, gây tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.
Theo các nhà quan sát, một quyết định đơn phương của chính quyền Trump tuyên bố Iran không tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hoặc hỗ trợ khủng bố sẽ chỉ có tác dụng cô lập Mỹ và tạo cho Iran cái cớ để nối lại các hoạt động hạt nhân.
Tất cả những diễn biến trên đang khiến quan hệ Mỹ - Iran vô cùng căng thẳng và bất kỳ hành động nào của chính quyền Trump cũng có thể khiến mối quan hệ này đi xa khỏi tầm kiểm soát, càng làm mở rộng và kéo dài cuộc khủng hoảng ở Trung Đông trong thời gian tới.
Vòng xoáy căng thẳng
Theo thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran đồng ý thu hẹp chương trình hạt nhân để đổi lại việc cộng đồng quốc tế xóa bỏ phần lớn lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt với quốc gia này. Đây được xem như một thắng lợi ngoại giao, một dấu ấn trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận này, gọi đây là “thỏa thuận nực cười và tồi tệ nhất trong lịch sử”. Trên thực tế, ông Trump đã xem xét hủy bỏ thỏa thuận hai lần, nhưng lần này ông mới tuyên bố rằng Iran đã đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận.
Tổng thống Donald Trump luôn tìm các lý do để đơn phương rút hoặc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, gọi đây là “thỏa thuận nực cười và tồi tệ nhất trong lịch sử”. |
Theo một số nguồn tin, ông Trump có khả năng sẽ đưa ra một chiến lược mới toàn diện với Iran mang tính đối đầu hơn, bởi Washinton đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động của Tehran ở Trung Đông.
Bất chấp xác nhận của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) rằng Iran tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận hạt nhân, chính quyền Trump vẫn cho rằng Iran “phạm một số sai lầm”.
Theo ông Trump, Mỹ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Việc Chính phủ Iran ủng hộ chủ nghĩa khủng bố là nguyên nhân gây ra tình trạng bạo lực, đẫm máu và hỗn loạn ở Trung Đông. Đó là lý do tại sao Mỹ cần chấm dứt tham vọng hạt nhân của Iran. Washington thậm chí cáo buộc Tehran không làm theo tinh thần của bản thỏa thuận.
Bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế và những nỗ lực kêu gọi hòa giải, Mỹ tuyên bố khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định liệu có tái áp đặt lệnh trừng phạt với Tehran hay không.
Trong khi đó, đáp trả lại tuyên bố của Mỹ, Iran lên án Tổng thống Donald Trump có thái độ và phát ngôn thù địch về Iran, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa lực lượng Mỹ trong khu vực nếu bị áp đặt thêm cấm vận.
Theo Tehran, những cáo buộc của Washington không mang tính xây dựng, không thúc đẩy hòa bình và tôn trọng giữa các nước. Vì lẽ đó, thỏa thuận hạt nhân Iran là không thể đảo ngược và chính Mỹ sẽ bị thế giới lên án khi vi phạm thỏa thuận này. Iran sẽ không chủ động phá vỡ thỏa thuận hạt nhân, nhưng sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận và quay trở lại chương trình hạt nhân “chỉ trong vài giờ” nếu Mỹ làm khó, và sẽ đáp trả quyết liệt bất kỳ vi phạm nào từ bất kỳ nước nào.
Bên cạnh đó, Iran còn cáo buộc Israel - đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông - là mối đe dọa với an ninh khu vực và toàn cầu khi sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, và chính liên minh Mỹ - Israel mới là những kẻ đang thực hiện chiến dịch xâm lược Trung Đông.
Hiện nay, quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục rơi vào vòng xoáy căng thẳng với những hệ lụy nguy hiểm khó lường. Tổng thống Donald Trump không những làm Tehran tức giận mà còn đẩy Washington vào thế bất đồng với những nước còn lại cùng ký kết thỏa thuận - Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc.
Đại diện Anh, Pháp và Đức phản ứng bằng các tuyên bố thỏa thuận trên là lợi ích an ninh quốc gia chung trong khi EU nhấn mạnh không quốc gia riêng lẻ nào được quyền chấm dứt thỏa thuận. Những người ủng hộ cho rằng bước đi trên là cách tốt nhất để ngăn Iran có vũ khí hạt nhân. Trái lại, phe chỉ trích lập luận hành động của ông Donald Trump có thể khiến Mỹ bị cô lập, thúc đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân và làm tăng nguy cơ xung đột quân sự.
Nhiều thành viên đảng Dân chủ còn lo ngại thái độ “căm ghét thỏa thuận” của Tổng thống Donald Trump có thể dẫn đến chiến tranh ở Trung Đông và trên Bán đảo Triều Tiên.
Canh bạc may rủi
Vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cho Quốc hội Mỹ biết đánh giá của chính phủ về việc Iran tuân thủ như thế nào những cam kết trong thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran. Đây là bước đi ông Trump phải thực hiện sau khi ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ không chứng thực Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân khiến nhiều nước đồng minh của Mỹ tại EU phản ứng gay gắt.
Tuyên bố mới của người đứng đầu Nhà Trắng không có nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ở thời điểm hiện tại. Thực chất, Tổng thống Donald Trump chỉ đang “đá quả bóng” mang tên thỏa thuận hạt nhân Iran sang phần “sân” của Quốc hội Mỹ.
Trong 60 ngày tới, Quốc hội Mỹ sẽ phải quyết định có áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận, vốn đã được Iran yêu cầu dỡ bỏ để đổi lại việc hạn chế hoạt động làm giàu hạt nhân hay không.
Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 từng được đánh giá là một thành công mang tính lịch sử. |
Ông Donald Trump cho biết chính quyền sẽ làm việc với Quốc hội và các nước đồng minh để xử lý “những lỗi nghiêm trọng của thỏa thuận” và trong trường hợp các nỗ lực thất bại, ông có thể rút lại sự tham gia của Mỹ đối với thỏa thuận này.
Nếu như Quốc hội Mỹ quyết định hủy bỏ thỏa thuận, ông Donald Trump có cớ và cơ hội tiến hành đàm phán lại với Iran. Lần này không chỉ có về chương trình hạt nhân mà còn cả về chương trình tên lửa của Iran, đồng thời còn nhằm đẩy lùi vai trò và ảnh hưởng của Iran ở Vùng Vịnh. Tức là, ông sẽ xóa ván cũ để chơi ván bài chính trị quyền lực và địa chiến lược mới ở khu vực này.
Còn nếu Quốc hội Mỹ không lật ngược thỏa thuận thì ông Donald Trump vẫn được lợi khi không bị mang tiếng là đã hủy hoại thỏa thuận, thoát khỏi trách nhiệm cứ 90 ngày một lần báo cáo Quốc hội và vẫn có thể áp dụng một số biện pháp trừng phạt lẻ đối với Iran.
Mặc dù thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 từng được đanh giá là một thành công mang tính lịch sử, thế nhưng giờ đây số phận của nó lại như sợi chỉ mành treo trước gió. Nếu theo dõi những cuộc tranh cãi ở tầm quốc tế về thỏa thuận hạt nhân Iran, có thể thấy rằng nước Mỹ đang đi ngược chiều các quốc gia khác trong đánh giá về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân này.
Trong tuyên bố chung, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May yêu cầu Mỹ và Quốc hội xem xét tình hình an ninh của Mỹ và các nước đồng minh trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran. Nếu Mỹ hủy thỏa thuận hạt nhân, Mỹ sẽ tự đẩy mình vào thế bị cô lập bởi châu Âu vẫn ủng hộ thỏa thuận này.
Trong khi đó, phía Nga tuyên bố không có chỗ cho những lời hùng biện đầy tính đe dọa, hiếu chiến trong hoạt động ngoại giao quốc tế và những phương pháp tiếp cận như vậy thường thất bại.
Nga cũng nhấn mạnh việc Mỹ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran không làm cho thỏa thuận này sụp đổ nhưng hành động này là đi ngược lại tinh thần của thỏa thuận. Nga cảnh báo về những hậu quả “tiêu cực” nếu Tổng thống Donald Trump không duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Như một kịch bản đã được báo trước, chiến lược mới của Tổng thống Trump đã vang vọng tới Iran. Tổng thống Trump đã chính thức đưa Mỹ vào một kỷ nguyên đối địch mới với Iran. Giới phân tích cho rằng, nếu Donald Trump kiên quyết hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cuộc đua vũ trang sẽ ngay lập tức xuất hiện đồng thời làm tình hình căng thẳng ở Trung Đông gia tăng theo chiều hướng không thể kiểm soát...