Vĩnh biệt ông, "viên kim cương đen" Kofi Annan!

Thứ Hai, 27/08/2018, 13:20
Ngày 18-8, cựu Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan - người đã đem đến sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo - đã từ trần.

Là người châu Phi đầu tiên dẫn dắt Liên Hiệp Quốc, ông được đánh giá là một trong những nhà ngoại giao nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. 

Xuất phát từ sự thấu hiểu về nỗi thống khổ và sự đau đớn của con người, Kofi Annan đã dành cả cuộc đời để đấu tranh cho nền hòa bình và nhân quyền, chứng minh vai trò quan trọng trong những cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới.

Khát vọng thay đổi

Không tổ chức các chiến dịch vận động tranh cử, Kofi Annan đã tự đi lên bằng chính năng lực cá nhân. Sau vài lần bị phản đối, ở tuổi 59, Kofi Annan trở thành Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) da màu đầu tiên, truyền cảm hứng mạnh mẽ bằng khao khát tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng triệt để. 

Tiếp quản vị trí Tổng Thư ký vào thời điểm LHQ đang trên bờ vực phá sản và vấp phải sự phản đối của Mỹ, ông Kofi Annan đã bắt tay vào quá trình cải tổ không ngừng nghỉ. Ngay trong tuần lễ đầu tiên ở cương vị mới, ông đã thực hiện chuyến công du tới Washington để tìm sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ.

Chưa hết, ông Kofi Annan thực hiện hàng loạt cải cách trong công tác quản lý như lập chức vụ Phó Tổng Thư ký LHQ cùng một bộ phận giám sát tài chính theo dõi việc lãng phí, tham nhũng và xây dựng phương thức điều hành hiệu quả hơn. 

Ông thậm chí đã cắt giảm 1.000 đầu việc tại trụ sở LHQ ở New York, đồng thời thuyết phục các nước thành viên chung tay giải quyết nhiều thảm kịch của thế giới. 

Dư luận hẳn vẫn chưa thể quên chia sẻ đầy hóm hỉnh của ông Annan, rằng “Tôi là một người lạc quan bướng bỉnh và sẽ vẫn luôn như vậy để vực dậy LHQ dù còn nhiều khó khăn”.

Bằng sự táo bạo và quyết liệt, ông Kofi Annan đã đặt ra Mục tiêu Thiên niên kỷ, tích cực kêu gọi các quốc gia phát triển giúp đỡ những nước nghèo hơn, xóa nghèo và bất bình đẳng. 

Nhờ có ông mà tầng lớp dân nghèo được chú ý nhiều hơn, đồng thời LHQ trở nên gần gũi với công chúng và gắn bó hơn với xã hội dân sự. 

Chính sách kêu gọi hành động ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS toàn cầu của ông năm 2001 đã tạo tiền đề cho việc thành lập Quỹ Y tế và AIDS toàn cầu để giúp đỡ những nước đang phát triển chống lại căn bệnh thế kỷ. Chính quyết tâm này đã đem đến giải Nobel Hòa bình cho ông vào năm 2001.

Quyết tâm thay đổi và nỗ lực không biết mệt mỏi đã đem đến giải Nobel Hòa bình cho ông vào năm 2001.

Phơi bày sai trái

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Kofi Annan còn nỗ lực hợp tác với các chuyên gia quốc tế để đưa vi phạm pháp luật nhân quyền quốc tế ra trước công lý. Năm 1993, Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Yugoslavia (ICTY) được thành lập. 

Một năm sau, Tòa án Hình sự Quốc tế dành cho Rwanda (ICTR) ra đời. Từ những nỗ lực này, năm 1998, LHQ dưới sự dẫn dắt của ông Annan đã tạo nên một cơ quan cực kỳ quan trọng để bảo vệ nhân quyền quốc tế là Tòa Hình sự Quốc tế (ICC). 

Năm 2001, ông Annan hoan nghênh việc bắt giữ cựu Tổng thống Serbia cũng như khuyến khích chính phủ Belgrade nên hợp tác với ICTY. Trong những năm 2002 và 2003, ông liên tục đạt được một số thành công nhất định trong việc hình thành tòa án quốc tế xử lý tội ác diệt chủng Pol Pot ở Cambodia.

Sự thay đổi của LHQ dưới bàn tay ông Annan được cả thế giới công nhận, tạo nên một không gian đối thoại hòa bình. Trong những thời khắc hỗn loạn, ông không ngừng làm việc để đưa những giá trị của Hiến chương LHQ vào cuộc sống. 

Năm 2005, ông dũng cảm kêu gọi giải thể Ủy ban Nhân quyền khi cơ quan này mắc phải nhiều sai lầm gây ảnh hưởng đến danh tiếng của LHQ. 

Ông kêu gọi các nước thành viên hãy thành lập một hội đồng nhân quyền khác, với trách nhiệm đánh giá thực trạng nhân quyền của mọi quốc gia. Ông chính là người tạo ra tầm nhìn mới với Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR), định hình Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày nay.

Đi tìm hòa bình

Tháng 12-2006, Kofi Annan rời khỏi vị trí Tổng Thư ký nhưng vẫn tiếp tục các công việc đấu tranh cho quyền con người ở độ tuổi gần 70. Kofi Annan trở thành nhà đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập ở Kenya sau cuộc bầu cử đầy xung đột hồi cuối năm 2007. 

Thỏa thuận chia sẻ quyền lực 2008 do ông góp phần bảo trợ đã chấm dứt tình trạng bạo lực từng khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng tại Kenya, trở thành sứ mệnh ngoại giao được cho là thành công nhất trong sự nghiệp của ông.

Trước đây, cái tên Kofi Annan bắt đầu được thế giới chú ý về tài thương thuyết trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990. Khi đó, ông Annan thuyết phục được Iraq trả tự do cho 900 nhân viên LHQ và hàng nghìn người nước ngoài bị bắt làm con tin ở Iraq, đồng thời đưa họ an toàn rời khỏi đất nước Hồi giáo này. 

Thành công tiếp theo của ông là khi tiến hành cuộc chuyển giao sứ mạng gìn giữ hòa bình ở Bosnia-Herzegovina từ tay LHQ sang NATO một cách êm đẹp.

Chính sự bình tĩnh là thế mạnh giúp ông Annan tìm ra nhiều lời giải cho những bài toán hóc búa nhất, tại những địa bàn phức tạp nhất. Năm 2012, ông Annan được chỉ định làm đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Ảrập về vấn đề Syria, nỗ lực để tìm cách chấm dứt cuộc xung đột tại Syria. 

Chưa hết, ông tiếp tục đảm nhiệm vị trí cố vấn cho một ủy ban giải quyết xung đột với người thiểu số Rohingya ở Myanmar năm 2017 và góp phần ổn định tình hình chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này. Đây là sứ mệnh hòa bình cuối cùng trong cuộc đời ông Kofi Annan.

Trăn trở cuối đời

Điều đáng tiếc cho ông Kofi Anna là những năm cuối nhiệm kỳ không được suôn sẻ khi vẫn còn những mong muốn dở dang. Bất chấp những nỗ lực, kỹ năng ngoại giao và uy tín, ông vẫn không thể thiết lập được cơ chế mới về can thiệp quốc tế, trong đó quy định trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn tội ác diệt chủng và tội ác chiến tranh. 

Tiếp đó, những cố gắng ngoại giao mà ông Annan là người đứng mũi chịu sào đã thất bại khi không thể thiết lập dù chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời khi Syria đang lún sâu trong cuộc nội chiến khốc liệt.

Khi còn giữ vị trí người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, ông đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì thất bại trong việc chấm dứt nạn diệt chủng ở Rwanda - sự kiện hơn 800.000 người sắc tộc Tutsi bị giết trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7-1994. 

Trong khi đó, các bê bối liên quan đến ngăn chặn đổ máu ở vùng Darfur (Sudan), lính mũ nồi xanh mua dâm trẻ em gái, hay dự án “Đổi dầu lấy lương thực” cùng việc con trai Kojo bị nghi ngờ sử dụng các mối quan hệ của LHQ để trục lợi suýt chút nữa lấy đi danh tiếng chính trị của ông Annan, dù sau đó ông đã được chứng minh vô can.

Ông Kofi Annan chứng kiến lễ ký thỏa thuận chấm dứt bạo lực tại Kenya năm 2008 - sứ mệnh ngoại giao được cho là thành công nhất trong sự nghiệp của ông.

Một trong những sự cố khiến ông Kofi Annan dằn vặt nhất là những tai nạn ở Iraq, mà phải kể đến vụ đánh bom văn phòng LHQ tại thủ đô Baghdad ngày 19-8-2003, sau khi ông Annan quyết định gửi nhân viên LHQ trở lại Iraq. Chính nỗi đau này khiến ông luôn trăn trở về tham vọng bành trướng và thái độ thiếu hợp tác trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. 

Trước khi qua đời, ông đã lên tiếng chống lại những quyết định ngoại giao của Tổng thống Donald Trump, nhất là với lựa chọn rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump. 

Ông kêu gọi các nước hợp tác với nhau nhiều hơn để đối phó với khủng bố và vấn đề di cư, đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về nguy cơ chiến tranh với lời cảnh báo rằng: “Chỉ cần một tính toán sai lầm, tất cả chúng ta sẽ thành nạn nhân”.

Cả thế giới tiếc thương

Trong thông báo về sự ra đi của ông Kofi Annan, Quỹ Kofi Annan đã mô tả ông là “một chính khách toàn cầu đã đấu tranh cả một đời cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn”.

Trong khi đó, đương kim Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres mô tả ông Annan là hiện thân của Liên Hiệp Quốc, dẫn dắt tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh tới thiên niên kỷ mới với phẩm cách và quyết tâm mãnh liệt.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng ông Annan đã phá vỡ các rào cản và không ngừng theo đuổi mục tiêu vì một thế giới tốt đẹp hơn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Kofi Annan sẽ mãi mãi được tưởng nhớ trong trái tim người Nga nhờ sự thông tuệ và can trường của ông, cùng khả năng thông qua quyết định sáng suốt ngay cả trong những tình huống phức tạp nhất”.

Tổng thống Nana Akufo-Addo ca ngợi ông Annan là “nhà ngoại giao xuất chúng” và đem lại niềm tự hào cho đất nước Ghana, tuyên bố Ghana sẽ để quốc tang 1 tuần tưởng nhớ ông Kofi Annan.

Anh Lâm
.
.