Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan: Người đi dây qua vực thẳm

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:41
Ngày 9-7, ông Recep Tayyip Erdogan chính thức tuyên thệ, lần thứ hai nhậm chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. 

4 ngày sau, ông chủ trì phiên họp nội các đầu tiên của nhiệm kỳ mới, một nhiệm kỳ vô cùng đặc biệt: Chức danh Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bãi bỏ và thêm rất nhiều quyền lực được tập trung về phủ tổng thống.

Lòng tự tin tuyệt đối

“Tôi sẽ nỗ lực không mệt mỏi, để xây dựng một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới tương lai bằng sự tự tin!”. R.T.Erdogan đã phát biểu như vậy vào ngày 13-7, với tư cách là một trong những nhà lãnh đạo giàu quyền lực nhất của lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại.

Nhưng, cần khẳng định, để có một sự tự tin như thế cho đất nước mình, chính đương kim tổng thống cũng đã là một con người vô cùng tự tin. Nếu không đủ lòng tự tin ấy, chắc chắn ông đã không thể “sống sót” qua một nhiệm kỳ quá nhiều sóng gió và cạm bẫy, không thể đưa ra những quyết định “táo tợn” đến như vậy.

Sinh ngày 26-2-1954, ông đã có thể trở thành một doanh nhân. Năm 1981, ông tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Khoa học thương mại tại Đại học Marmara. 

Nhưng, tấm bằng ấy chỉ để tô điểm thêm cho lý lịch, bởi từ 18 tuổi, Erdogan đã chọn một con đường khác: Con đường hoạt động chính trị. Không ai biết, lựa chọn ấy xuất hiện từ khi nào. Khi ông còn là một cậu bé nghèo bán nước hoa quả trên đường phố để phụ giúp gia đình?

Hay khi ông đã trở thành một cầu thủ bóng đá bán chuyên nghiệp, nhưng cha ông từ chối cả lời đề nghị “thử sức” từ một trong những câu lạc bộ lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ - Fenerbahce? Hay là phải đến tận lúc trở thành sinh viên đại học và tiếp cận với nhiều khuynh hướng chính trị, nhiều luồng tư tưởng khác nhau thì lựa chọn ấy mới được định hình?

Cũng chẳng quan trọng lắm. Sau chặng khởi đầu mà ai cũng đều phải trải qua khi muốn trở thành chính khách, quả ngọt rồi cũng đến. Ông giữ cương vị Thị trưởng thành phố Istanbul từ năm 1994 đến năm 1998 và biến nó trở thành một đô thị gọn gàng, sạch sẽ, hiện đại gấp bội. Rồi Erdogan thành lập đảng Công lý và Phát triển (AK) ngày 14-8-2001.

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào năm sau, đảng AK giành gần 2/3 số ghế trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Và Erdogan trở thành thủ tướng.

Tiềm năng của một nhà cải cách bắt đầu hé lộ và phát huy mãnh liệt, kể từ khi ấy. Erdogan kiểm soát được lạm phát - căn bệnh trầm kha đã kéo dài hàng thập niên. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, lãi suất công cộng giảm xuống và chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi đảng AK của ông chiến thắng còn rực rỡ hơn nữa ở lần tổng tuyển cử sau.

Cũng ở lần giữ cương vị Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên ấy, ông đề xuất ý tưởng đưa đất nước mình gia nhập Liên minh châu Âu - điều sau này sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong mọi quyết sách mà Erdogan hướng tới.

Con người ấy, quá quen với thành công và sẵn sàng làm mọi cách để duy trì thành công, kể từ khi đắc cử Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu (năm 2014), chưa từng dừng lại và rất ít khi chịu lùi bước trước ai, trên bàn cờ địa chính trị quốc tế cũng như trong lĩnh vực đối nội.

Thủ lĩnh sáng suốt

“Độc tài sáng suốt” từng là một hình mẫu nguyên thủ khá phổ biến và thậm chí được tán thưởng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực Trung Cận Đông bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Những mảnh vỡ vụn của Đế quốc Ottoman, sau Thế chiến thứ nhất, đã được chống đỡ bởi những cái tên như thế: Ataturk Kemal (Thổ Nhĩ Kỳ), Nasser (Ai Cập) hay Ibn Saud (Saudi Arabia). Tuy nhiên, ở thời hiện đại, trong làn sóng dân túy đang bao trùm cả thế giới, một dáng vóc như Erdogan lại trở thành của hiếm.

Nhiệm kỳ tổng thống thứ nhất của ông đã khép lại đầy nghẹt sự kiện và quá nhiều dấu ấn, bao gồm cả sự khôn khéo lẫn độ khốc liệt, khiến giới quan sát khâm phục cũng có, mà bị truyền thông quốc tế theo ảnh hưởng phương Tây bài xích cũng có.

Xích lại gần Nga và Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang gây sức ép mạnh mẽ lên các toan tính của NATO.

Có thể cuộc đảo chính bất thành của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào ông, ngày 15 và 16 tháng 7-2016 đã khiến ông thêm phần sắt máu. Nhưng cũng có lẽ, sự ủng hộ mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ dành cho ông vào thời điểm đó lại càng khiến ông thêm tự tin vào những quyết định của mình.

Chúng ta đã thấy Erdogan không hề ngần ngại duy trì tình trạng căng thẳng với nước Nga - một siêu cường quân sự của quá khứ đang trên đà trở lại vị thế - trước khi làm phương Tây ngỡ ngàng bởi tốc độ “tan băng” trong cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chúng ta cũng đã thấy ông sẵn sàng đưa Thổ Nhĩ Kỳ nhận lãnh vị trí của một “phòng chờ”, một kiểu “máy lọc người nhập cư trái phép” khổng lồ từ Bắc Phi - Trung Đông vào châu Âu, đổi lại là những lợi ích mà đất nước ông hướng tới.

Khi EU “nhấc lên đặt xuống” chuyện miễn thị thực visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu, cũng như đưa khả năng gia nhập EU của quốc gia ấy ra “làm giá”, Erdogan cũng sẵn sàng phản ứng dữ dội, với những lời chỉ trích nghiệt ngã về “sự thất hứa”. 

Ông cũng chẳng chịu lép vế trước áp lực từ phía Mỹ. Những chỉ trích về vấn đề nhân quyền theo chuẩn phương Tây bị ông phớt lờ.

Trong nước, ông đã, đang và sẽ còn “chăm sóc đến nơi đến chốn” những kẻ tham gia lên kế hoạch đảo chính ông, mà tiêu biểu là giáo sĩ Fethulah Gulen - một người bạn cũ từ trước năm 2013, nay đã trở thành kẻ thù, bị Erdogan săn đuổi. 

Hàng trăm, hàng nghìn nhân viên nhà nước hoặc sĩ quan quân đội vướng vòng lao lý và dễ dàng bị thay thế bởi những người trung thành với đương kim Tổng thống.

Trong khu vực, ông không ngần ngại phát lệnh xua thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ vượt biên giới vào đất Syria, nơi Nga và Mỹ đang tranh giành ảnh hưởng dữ dội, để bóp nghẹt những khát vọng quật khởi và thành lập một quốc gia mới mang tên Kurdistan của những chiến binh người Kurd.

Hơn thế, đó còn là cách để ông đưa Thổ Nhĩ Kỳ giành lấy vị thế, trong cuộc xung đột đã được quốc tế hóa trên quốc gia láng giềng. Đó cũng đồng thời là đòn “dằn mặt” dành cho Israel - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông - sau những phen “lời qua tiếng lại” công khai, trong mối hiềm khích nghìn năm Hồi giáo - Do Thái.     

Và bây giờ, khi đã trở thành tổng thống không cần thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ, R.T.Erdogan còn có thể hành động một cách quyết liệt hơn nữa, dữ dội hơn nữa, vì những điều mà ông nghĩ là có lợi cho đất nước của mình. Bất chấp mọi lực cản.

Một phương hải tần

Erdogan là một vị nguyên thủ  tận dụng rất khéo léo các mâu thuẫn chồng chéo trong tiến trình tái sắp xếp trật tự thế giới đang diễn ra hiện tại. EU cần Thổ Nhĩ Kỳ, như một lớp đê quai chắn bớt những hệ lụy kinh khủng của lớp lớp sóng người nhập cư vượt biển.

Khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần Thổ Nhĩ Kỳ, như một thành viên chủ chốt, có tiềm lực quân sự hùng hậu hàng đầu, đủ sức biến Bán đảo Tiểu Á thành một tiền đồn phòng thủ không thể xâm phạm.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tràn qua biên giới Syria.

Nước Nga cũng cần Thổ Nhĩ Kỳ, để từ Biển Đen mở đường cho các đoàn tàu ra Địa Trung Hải. Các nền kinh tế quanh khu vực này đều cần Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vị trí địa lý mang tính yết hầu của vịnh Sừng Vàng và eo biển Bosphore - giao lộ trên biển mở vào châu Âu, sang Trung Đông, lên Biển Đen, xuống Bắc Phi và Hồng Hải...

Trên những tiền đề thuận lợi đó, Erdogan ung dung “ra điều kiện” với mọi phía và không cần phải nhún mình thái quá với bất cứ bên nào. Kể cả khi phải đưa ra những quyết định làm dấy lên các phản ứng trái chiều, thậm chí là những quyết định mạo hiểm đến liều lĩnh, ông vẫn có cơ sở hậu thuẫn cho những hành động ấy. Mà thậm chí là vẫn chừa lại cho mình được một đường lui, nếu cần thiết.

Hơn 18.500 viên chức đã bị sa thải đầu tháng 7-2018, ngay trước khi Erdogan tái đắc cử. Ngày 15-7, Tư lệnh Không quân Mỹ bày tỏ sự lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có thể gây khó khăn cho NATO. 

Nhưng, NATO vẫn sẽ phải cố gắng duy trì một mối quan hệ quân sự bền vững với Thổ Nhĩ Kỳ. Và ở Syria, cùng Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đang là một bên luôn phải được tham vấn ý kiến, trong bất cứ tiến trình tìm kiếm hòa bình nào.

Con đường đã chọn vẫn đang rộng mở, với R.T.Erdogan!

Thiên Thư
.
.