Những toan tính chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump: Rối loạn và mắc kẹt

Thứ Ba, 01/05/2018, 19:19
Thời gian vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều động thái khiến dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. 

Ông Trump từng tuyên bố quân đội Mỹ sẽ “rất nhanh chóng” rút khỏi Syria bởi quốc gia Trung Đông này đang tiến gần tới mục tiêu đánh bại hoàn toàn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, nhưng lại không đưa ra thời điểm chính xác cho việc rút quân.

Bên cạnh đó, có vẻ như “bận tâm” vì Syria nên ông chủ Nhà Trắng đang thể hiện sự hững hờ trong mối quan hệ giữa Mỹ và Mỹ Latinh - khu vực được Washington coi là “sân sau” trong suốt nhiều thập niên qua. Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8 được tổ chức tại Lima (Peru) khép lại mà không tạo ra được nhiều kỳ vọng.

Giới quan sát nhận định, quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh chưa từng tốt đẹp, cho dù ai là ông chủ Nhà Trắng đi chăng nữa nhưng kể từ khi Mỹ khăng khăng thúc đẩy lợi ích riêng thì căng thẳng khu vực càng gia tăng.

Lạnh nhạt với “sân sau”

Có thể nói, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang rơi vào trạng thái “rối loạn và mắc kẹt” khi liên tục có những động thái mà giới truyền thông đánh giá là khó hiểu. 

Còn nhớ, chỉ trong vòng hơn một năm kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã hủy bỏ nhiều di sản trong chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Barack Obama và đã “dội gáo nước lạnh” vào mối quan hệ đang nồng ấm trở lại giữa Mỹ và Cuba.

Chưa dừng lại ở đó, ông Trump cũng đã bỏ rơi nhiều nước Mỹ Latin khi coi tất cả những người nhập cư là tội phạm không mong muốn và kêu gọi xây một bức tường lớn giúp ngăn cách Mexico và Mỹ, bất chấp chi phí tốn kém và phản ứng gay gắt của người dân Mexico.

Chính quyền Donald Trump tin rằng Mỹ có thể phát triển mà không cần sự trợ giúp của "sân sau" Mỹ Latinh.

Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8 được tổ chức tại Lima (Peru) thu hút sự quan tâm của dư luận với kỳ vọng sẽ tạo nên những bước đột phá nhằm khai thông bế tắc trong quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ Latinh. 

Thế nhưng, thực tế lại trái ngược hoàn toàn khi chính quyền Donald Trump tỏ ra lạnh nhạt và có dấu hiệu sẽ “gây muộn phiền” hơn nữa cho các đối tác mà Washington vẫn thường gọi là “sân sau”. 

Điển hình là việc Tổng thống Mỹ áp đặt các giới hạn thương mại hay yêu cầu đám phán lại các thỏa thuận thương mại đã được thiết lập nhằm đạt được những điều khoản có lợi cho Washington.

Chính quyền Donald Trump có vẻ khá nặng lời với các nước Mỹ Latinh. Washington từng gay gắt cáo buộc La Habana muốn “xuất khẩu hệ tư tưởng sai lầm ra toàn khu vực”, đồng thời hỗ trợ và tiếp tay cho chế độ độc tài ở Venezuela mà chính quyền Donald Trump mỉa mai gọi là “một nhà nước thất bại”. 

Thêm vào đó, Mỹ cũng lên án Venezuela không tích cực tham gia các hội nghị khu vực và chỉ trích Tổng thống Nicolas Maduro để xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đất nước mình. 

Trong bối cảnh này, Cuba khẳng định sẽ quyết không từ bỏ thậm chí một milimet đối với các nguyên tắc của mình, cũng như sẽ không ngừng mọi nỗ lực xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Còn phía Venezuela lên án việc Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và những mối đe dọa xâm lược nhằm vào Venezuela, gọi những hành động này là “kẻ thù tồi tệ nhất của hòa bình và dân chủ”.

Cách đây 3 năm, 35 nước thành viên của Tổ chức Các nước châu Mỹ đã hi vọng về mối quan hệ tái hòa hợp tiếp theo sự “tan băng” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba sau 50 năm “đóng băng”. 

Rất nhiều thay đổi đã diễn ra kể từ thời điểm đó, nhưng đáng tiếc đều theo hướng không mấy vui vẻ. Cái gọi là hi vọng thường gây nên nỗi thất vọng và các cuộc hội nghị thượng đỉnh thường bị lấn át bởi “màn sương mờ dày đặc” của sự không chắn chắn về khả năng ông Trump hành động tiếp theo như thế nào đối với khu vực Mỹ Latinh. 

Từ đây, không sai khi cho rằng Mỹ, dưới thời đại Donald Trump, không còn rõ chính bản thân mình đang ở đâu trong mối quan hệ với các nước Mỹ Latinh và rằng tương lai hợp tác giữa hai bên thực sự mờ mịt.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là: vai trò của Mỹ ra sao ở khu vực và rằng có phải chính Mỹ đang dần rời xa mối quan hệ với các nước láng giềng để tìm con đường riêng cho mình. Có một điều chắc chắn rằng “tình bằng hữu” bấy lây giữa Washington và “sân sau” đang nhạt nhòa, rơi vào trạng thái “đóng băng” ở mức đáng quan ngại. 

Giới đầu tư Mỹ Latinh nhận định, chính quyền Donald Trump tin rằng Mỹ có thể tự phát triển mà không cần sự trợ giúp của bất kì quốc gia nào. Vì vậy, họ muốn muốn hướng tới việc mở rộng thị trường tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn là với Mỹ. 

Trong khi đó, Argentina chỉ trích các biện pháp bảo hộ và biệt lập của Washington vốn có nguy cơ hủy hoại toàn khu vực. Quốc gia này tin rằng Mỹ không có chương trình nghị sự tích cực cho khu vực Mỹ Latinh. Hầu hết các vấn đề về mối quan hệ giữa Donald Trump với Mỹ Latinh là các cuộc xung đột và đối đầu liên quan vấn đề thương mại hoặc nhập cư.

Toan tính rút quân

Giới quan sát cho rằng, ông Donald Trump không thể từ bỏ Mỹ Latinh vì những lợi ích kinh tế và địa - chính trị mà khu vực này đem lại. Chỉ có điều, bối cảnh hiện nay cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang có những chiến lược mới nhiều tham vọng hơn nhằm củng cố vị thế của Mỹ. 

Vì vậy, ông Donald Trump đã hủy bỏ chuyến công du tới một số quốc gia Mỹ Latinh vào phút chót để chỉ đạo cuộc không kích vào Syria - mặt trận “rối ren” mang nhiều dấu ấn của Mỹ. 

Trước cuộc không kích này, ông Trump tuyên bố Mỹ sớm rút quân khỏi Syria. 

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng việc Mỹ rút quân khỏi Syria là vì chiến dịch quân sự này gây tốn kém cho Washington hay là vì nguyên nhân nào khác, chẳng hạn như liên quan đến thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ?

Trên thực tế, Tổng thống Donald Trump và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đang tranh cãi gay gắt về vai trò tương lai của Mỹ tại Syria. Ông Trump nhấn mạnh, sứ mệnh chính của Mỹ tại Syria - đánh bại IS - đã hoàn thành. 

Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 8 được tổ chức tại Lima (Peru) khép lại mà không tạo ra nhiều kỳ vọng.

Ông chủ Nhà Trắng muốn nhanh chóng rút quân sau khi cho rằng Mỹ đã lãng phí tới 7.000 tỷ USD vào các cuộc chiến tại Trung Đông và khẳng định “dành công việc chăm lo đất nước này lại cho người khác”. Tuy nhiên, đội ngũ an ninh quốc gia cho rằng, những bình luận của ông Trump được đưa ra vào “thời điểm không thích hợp” khi Syria vẫn đang đối mặt với những mối nguy cũ. 

Mỹ hiện đã đầu tư rất nhiều cho các đơn vị tự vệ người Kurd và đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) mà Washington xem như lực lượng bộ binh của mình. Với những đầu tư lớn như vậy, Mỹ không chắc sẽ sớm rời khỏi Syria.

Liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, truyền thông Ankara cho biết nước này và Washington đã đạt được một thỏa thuận chung về vấn đề Manbij do các lực lượng người Kurd kiểm soát tại Syria, và rằng phía Ankara đang chờ đợi nước đồng minh NATO thực hiện thỏa thuận. 

Trong khi đó, chính quyền Trump đã bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ về sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại thành phố Manbij. 

Ở một góc độ khác, các chuyên gia phân tích rằng, đối với Mỹ, động lực tồn tại cho sự hiện diện của Mỹ tại Syria chính là cuộc chiến nhằm vào IS. 

Thông qua cuộc chiến này, Mỹ muốn đảm bảo sự trợ giúp cho Chính phủ Iraq, khiến cho lực lượng IS không thể hoàn thành và thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào chính nước Mỹ và các nước phương Tây.

Bối cảnh hiện tại cho thấy Nga và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đã kiểm soát gần như toàn bộ lãnh thổ Syria. Nếu Mỹ vẫn ở lại Syria, không những Washington sẽ tiếp tục lún sâu vào cuộc nội chiến mà thậm chí còn chẳng được gì khi bước vào giai đoạn đàm phán tái thiết Syria thời hậu chiến. 

Rõ ràng, tại chiến trường Syria, Mỹ thực sự ở vào thế “hạ phong” so với Nga. Nhiều chuyên gia khẳng định, tìm kiếm lợi ích tối đa thông qua đàm phán, gây áp lực lên Nga trên nhiều phương diện và để Nga “dọn rác” trong cuộc nội chiến tàn khốc tại Syria là những gì mà Tổng thống Donald Trump toan tính khi tuyên bố sớm rút quân đội Mỹ khỏi chiến trường này. 

Việc rút quân khỏi Syria sẽ giúp cho Mỹ có thời gian và tiềm lực lớn mạnh hơn để đặt trọng điểm vào những kế hoạch dài hơi hơn, qua đó đảm bảo cho Mỹ ở vào vị trí chủ động và có lợi trong bàn cờ Syria thời kỳ hậu chiến.

Có thể nói, lợi ích thực sự của Mỹ tại Syria chính là đạt được phương án giải quyết thông qua đàm phán, đảm bảo thu được lợi ích trên chiến trường, sau đó mới rút quân. 

Để đạt được mục tiêu này, Mỹ cần phải tìm được tiếng nói chung với Nga - quốc gia có vai trò quyết định tới cục diện địa - chính trị tại Syria. 

Không còn cách nào khác, Mỹ phải thừa nhận một thực tế không dễ dàng chấp nhận: đó là chính quyền hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad. Hơn nữa, cả Mỹ và Nga đều không muốn bùng phát xung đột giữa quân Chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hẫu thuận. 

Việc Mỹ rút quân khỏi Syria cũng đồng nghĩa với việc sẽ giúp tháo gỡ cục diện căng thẳng giữa chính quyền Damascus với người Kurd, đồng thời cũng giúp làm ly gián mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đặc biệt là nhằm gây ảnh hưởng lên tiến trình hòa bình Trung Đông do Nga hậu thuẫn...

Hồng Hạnh
.
.