Nước Mỹ là trên hết
- Chính sách "Nước Mỹ đầu tiên" trong chiến lược ANQG mới của Tổng thống Donald Trump
- Ông Trump dọa cắt viện trợ thành viên LHQ không ủng hộ Mỹ
- IS dọa thiêu đốt nước Mỹ sau quyết định của ông Trump vể Jerusalem
Chiến lược an ninh đưa ra định hướng nhằm khôi phục lợi thế của nước Mỹ trên thế giới và phát triển dựa trên những thế mạnh to lớn của đất nước. Chiến lược an ninh cũng chỉ ra những thách thức hàng đầu đối với vị thế của Mỹ.
Xuất hiện ngay đầu danh sách những mối đe dọa đối với Mỹ, chiến lược chỉ ra “các sức mạnh theo chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách định hình một thế giới đối chọi với các lợi ích và giá trị của Mỹ, từ đó nêu bật tham vọng cũng như quyết tâm của Tổng thống Donald Trump trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia trước các đối thủ thách thức Mỹ.
Những thách thức lớn
Có thể nói, nội dung chiến lược an ninh mới của Mỹ được rút ra từ những bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử, trong các chuyến thăm châu Á và tại Liên Hiệp Quốc. Đây là nỗ lực lớn đầu tiên của chính quyền Donald Trump trong việc cụ thể hóa quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” vào một chiến lược toàn diện.
“Chiến lược mới của chúng tôi dựa trên nguyên tắc chủ nghĩa hiện thực, được định hướng bởi các lợi ích thiết yếu của quốc gia và bắt nguồn từ những giá trị thực tế”, Tổng thống Trump nói trong bài phát biểu khi công bố chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của ông.
Chiến lược này gồm 70 trang, tập trung vào 4 vấn đề chính, bao gồm bảo vệ đất nước, thúc đẩy sự thịnh vượng của Mỹ, giữ gìn hòa bình thông qua sức mạnh và thúc đẩy ảnh hưởng của Mỹ.
Chiến lược an ninh mới công bố thể hiện rõ quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” mà ông Trump không chỉ đưa ra trong chiến dịch tranh cử mà còn là “kim chỉ nam” cho các chính sách đối ngoại của Mỹ. Chiến lược này khác hẳn với chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama tập trung vào đối thoại, ngoại giao và thúc đẩy một trật tự thế giới được hỗ trợ bởi sức mạnh quân sự.
Chiến lược an ninh quốc gia mới là nỗ lực lớn đầu tiên của chính quyền Donald Trump trong việc cụ thể hóa quan điểm “Nước Mỹ là trên hết”. |
Cách tiếp cận của chính quyền Trump hạn chế hơn, nhấn mạnh rằng sự thịnh vượng của Mỹ phải được bảo vệ, chứ không phải mở rộng. “Cho dù chúng ta có thích hay không, chúng ta đang tham gia vào một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh”, ông Trump cho biết và nhấn mạnh rằng người Mỹ đã bác bỏ những thất bại của quá khứ.
Chiến lược lần này nêu rõ an ninh kinh tế là an ninh quốc gia của Mỹ, kêu gọi nước Mỹ hành động chống lại hành vi thương mại không công bằng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời cảnh báo “sự cạnh tranh kinh tế khốc liệt” từ các nước khác là những quan ngại an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ tính đến việc tái thiết cơ sở hạ tầng, cũng như xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico. Trong khi 2 chiến lược an ninh quốc gia của cựu Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh đến việc hợp tác với các đồng minh và đối tác kinh tế, chiến lược an ninh mới của ông Trump lại tìm cách giữ cân bằng giữa khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” và khẳng định không từ chối hợp tác với các đối tác của Mỹ chừng nào sự hợp tác này còn có lợi cho Mỹ.
Tiếp theo trong chiến lược an ninh quốc gia là những mối đe dọa hàng đầu, mà theo Tổng thống Trump, bao gồm chương trình tên lửa của Triều Tiên, Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Cụ thể, vấn đề Iran tài trợ khủng bố cùng với nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của nước này tại Trung Đông là điều đáng lo ngại với Mỹ; trong khi đó, Mỹ vẫn đang loay hoay đối phó với các mối đe dọa khủng bố thánh chiến, cũng như tìm cách duy trì những chiến dịch quân sự chống các tổ chức khủng bố như IS để ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa ở Mỹ.
Để bảo vệ Mỹ, Tổng thống Trump nói sẽ nhắm tới các mối đe dọa từ gốc rễ của nó và đương đầu với các mối đe dọa trước khi nó chạm tới biên giới Mỹ. Chính quyền Donald Trump cam kết hợp tác với đồng minh nhằm đối phó với ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông và ngăn chặn các phần tử khủng bố thánh chiến hoạt động trên phạm vi toàn cầu.
Mỹ cũng kêu gọi Pakistan hành động quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, yêu cầu Pakistan “thay đổi căn bản” trong cách thức giải quyết những nơi trú ẩn an toàn của khủng bố, vốn bị cáo buộc có cơ sở ở nước này.
Chưa hết, hồ sơ hạt nhân Triều Tiên trở thành mối lo ngại an ninh quốc gia lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Chiến lược an ninh quốc gia nêu rõ các tên lửa được phát triển cả về số lượng, chủng loại và hiệu quả (bao gồm các tên lửa có tầm bắn lớn hơn) thực sự là các phương tiện nhiều khả năng nhất được sử dụng để gắn vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ.
Văn kiện trên nêu rõ, “Triều Tiên cũng theo đuổi việc sở hữu vũ khí hóa học và sinh học có thể được phóng đi bằng tên lửa”. Bất chấp những đánh giá gần đây của Lầu Năm Góc rằng tên lửa của Triều Tiên hiện nay không thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, song Washington đã liên tục gọi chương trình phát triển tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa thường trực.
Về Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump kêu gọi cộng đồng toàn cầu hành động vượt ra ngoài các nghị quyết được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, nói rằng đây có thể là cơ hội tốt nhất cuối cùng để tránh xung đột quân sự.
Theo Tổng thống Donald Trump, những mối đe dọa hàng đầu bao gồm chương trình tên lửa của Triều Tiên, Iran và các nhóm Hồi giáo cực đoan. |
Vừa kiềm chế, vừa thúc đẩy
Trong bài phát biểu công bố chiến lược an ninh, Tổng thống Donald Trump gọi Nga và Trung Quốc là những “cường quốc đối thủ”, thách thức quyền lực, tầm ảnh hưởng, lợi ích của Mỹ và tìm cách để hủy hoại an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ.
Theo đó, Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng thương mại, vi phạm sở hữu trí tuệ và tiếp tục là mục tiêu chính của chính quyền Mỹ nhằm bảo vệ an ninh kinh tế. Ông Trump miêu tả hành vi gây hấn kinh tế của Trung Quốc là một mối đe dọa đang thách thức trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc, vốn đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo túng.
Liên quan đến Nga, chiến lược an ninh của Tổng thống Trump cáo buộc Nga gây bất ổn, đồng thời can dự vào các vấn đề chính trị nội bộ của nhiều quốc gia trên thế giới. Moscow đang chống Washington bằng “chiến tranh thế hệ mới”, bao gồm các chiến dịch tuyên truyền tinh vi được thiết kế nhằm mục đích chia rẽ cộng đồng.
Chính quyền Trump cho rằng, Nga và Trung Quốc là các cường quốc theo “chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách làm suy yếu trật tự và ổn định toàn cầu. Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông và sự tham gia của Nga tại Ukraine vẫn tiếp tục.
Do đó, Tổng thống Trump dường như muốn hạn chế các mối đe dọa như vậy thông qua sức mạnh quân sự và tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong các khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga.
Ông cũng đề xuất chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc bằng “sự giao tiếp mang tính cạnh tranh” - một ý tưởng cho rằng sự thịnh vượng của Mỹ là một lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết vẫn cân nhắc hợp tác với Moscow và Bắc Kinh trong khi đặt lợi ích của Mỹ lên hàng đầu.
Chiến lược an ninh của Mỹ khiến Nga và Trung Quốc phản ứng gay gắt. Trong khi Nga cho rằng Mỹ thể hiện bản chất đế quốc thì Trung Quốc chỉ trích Washington mang tâm lý Chiến tranh Lạnh.
Vừa kiềm chế đối thủ, chính quyền Trump vừa tìm cách gìn giữ hòa bình thông qua sức mạnh. Mỹ sẽ xây dựng lại sức mạnh quân sự để đảm bảo rằng nước Mỹ sẽ luôn đứng đầu. Nước Mỹ sẽ sử dụng tất cả các công cụ của nhà nước trong một kỷ nguyên mới về cạnh tranh chiến lược - ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế - để bảo vệ lợi ích cá nhân.
Theo đó, chính quyền của Trump dự kiến sẽ tăng ngân sách quốc phòng hơn 10% trong năm tài chính 2018 lên khoảng 700 tỷ USD. Để nâng cao ảnh hưởng của Mỹ, chính quyền Trump đang tập trung vào các nguyên tắc như luật pháp và nhân quyền.
Tổng thống Trump coi lệnh cấm nhập cảnh đối với một số quốc gia Hồi giáo và một bức tường biên giới với Mexico như là những giải pháp chính bảo vệ đất nước và ngăn chặn những cuộc tấn công khủng bố và nâng cao an ninh công cộng.
Về thúc đẩy sự thịnh vượng, Tổng thống Trump hứa sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ bằng cách gia tăng áp lực lên Trung Quốc và các đối tác thương mại khác. Chiến lược này có đề cập đến “sự hung hăng về mặt thương mại”, dường như ám chỉ Trung Quốc, như một rủi ro đối với Mỹ.
Theo đó, Mỹ cần hướng tới các mối quan hệ thương mại công bằng và đôi bên có lợi. Bên cạnh đó, chiến lược an ninh 2018 cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc hợp tác với các đồng minh truyền thống của Washington, ngay cả khi yêu cầu các đồng minh này chia sẻ gánh nặng một cách công bằng.
Nhà Trắng miêu tả chiến lược trên là “nguyên tắc thực tế”, vì nó công nhận vai trò trung tâm của quyền lực trong chính trị quốc tế, khẳng định rằng những quốc gia mạnh và chủ quyền là hy vọng lớn nhất của một thế giới hòa bình, định nghĩa rõ ràng quyền lợi an ninh quốc gia Mỹ...