Chính quyền Donald Trump “ra đòn” với Trung Quốc:

Khởi đầu chiến tranh thương mại?

Thứ Ba, 05/09/2017, 13:14
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã có “bước tiến lớn” khi ra lệnh điều tra cáo buộc vi phạm sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc. 

Theo ước tính, các vi phạm sở hữu trí tuệ của công ty Trung Quốc có thể lên tới 600 tỷ USD, và các chính sách của Bắc Kinh hiện đang làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và việc làm của các công ty Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia, cuộc điều tra có thể sẽ làm ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Trump liên tục yêu cầu Bắc Kinh gia tăng áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Thậm chí, Mỹ và Trung Quốc dường như đang bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, và phía Washington sẽ còn có những hành động mạnh mẽ hơn nữa với Bắc Kinh.

Cáo buộc “ăn trộm” chất xám

Chính sách của Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài phải giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc trong liên doanh và việc nước này không loại bỏ tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ vốn là những vấn đề tồn tại dai dẳng với Mỹ.

Hội đồng Thương mại Mỹ (AmCham) - tổ chức vận động hành lang lớn nhất của các doanh nghiệp Mỹ - nói Trung Quốc cần chấm dứt chính sách buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc và cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài. Tuy nhận thức được vấn đề này từ lâu, và thường xuyên chỉ trích chính sách thương mại của Trung Quốc, thế nhưng đến nay chính quyền Trump vẫn chưa có bất kỳ hành động mạnh tay nào.

Trong bối cảnh một số công ty lớn của Mỹ hiện nay đang phải đối mặt với thách thức liên quan tới hàng giả và chuyển giao công nghệ trái phép, Tổng thống Donald Trump đã gây bất ngờ khi ký “Biên bản ghi nhớ về luật, chính sách, thực tiễn và hành động của Trung Quốc liên quan đến sở hữu trí tuệ, sáng kiến và công nghệ”, đồng thời chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer chịu trách nhiệm điều tra các chính sách, hoạt động của Trung Quốc nhằm rà soát lại xem có hoạt động nào bất hợp pháp về hoạt động sở hữu trí tuệ hay không. 

Mỹ và Trung Quốc dường như đang bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại và phía Washington sẽ còn có những hành động mạnh mẽ hơn nữa với Bắc Kinh.

Đây là biện pháp thương mại trực tiếp đầu tiên của chính quyền Trump nhằm vào Bắc Kinh, và rất có thể Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt lên Trung Quốc.

Thời gian qua, Tổng thống Trump liên tục quy trách nhiệm cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên nhân làm giảm việc làm trong nhiều ngành nghề của nước Mỹ. Kết quả điều tra về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ ước tính, tổn thất mỗi năm cho nền kinh tế nước này vì hàng nhái, phần mềm sao chép lậu và ăn cắp bí mật thương mại đã vượt ngưỡng 225 tỉ USD, có thể lên đến 600 tỉ USD.

Trong đó, Trung Quốc là nước vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm trọng hàng đầu thế giới và chiếm đến 87% các sản phẩm nhái đang được bán ở Mỹ. Với ông Donald Trump, điều này là “không thể chấp nhận được”. Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố nghĩa vụ và bổn phận của ông là bảo vệ người lao động Mỹ, cũng như đảm bảo an toàn cho các tác quyền hay thương hiệu bí mật thương mại và các tài sản trí tuệ khác - điều có ý nghĩa sống còn đối với an ninh và sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Tổng thống Trump cho biết việc yêu cầu điều tra “mới chỉ là sự khởi đầu”. Trong trường hợp Trung Quốc bị phát hiện vi phạm luật lệ về quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, chính quyền Washington sẽ tiến hành nhiều phương án xử lý khác nhau như áp thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng cụ thể.

Tuy vậy, Trung Quốc đã nhiều lần cự tuyệt những nỗ lực của các chính quyền tiền nhiệm của Mỹ nhằm có hành động đối với chính sách sở hữu trí tuệ của nước này. Các chuyên gia cho rằng nỗ lực của chính quyền Trump cũng sẽ vấp phải phản ứng tương tự từ Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc cảnh báo, nếu Mỹ tiến hành điều tra sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc thì cuộc điều tra đó sẽ “đầu độc” quan hệ song phương. Theo đó, chính quyền Trump không nên đưa ra một quyết định “hấp tấp”, nếu không sẽ phải hối tiếc. 

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết để đáp trả các động thái cản trở thương mại song phương của Washington sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức khởi động cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh. 

Vì lẽ đó, ông Trump nên biết trân trọng sự hợp tác và quan hệ thương mại giữa hai nước, trong khi nhận thức được rằng bất kỳ hành động nào của Mỹ nhằm làm tổn hại mối quan hệ song phương đều sẽ gây bất lợi cho cả hai bên.

Việc Mỹ tiến hành điều tra hoạt động thương mại của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump liên tục hối thúc Bắc Kinh hành động mạnh tay hơn nữa trong việc ngăn chặn chương trình vũ khí của Triều Tiên.

Một số ý kiến cho rằng đây có thể là cách để Tổng thống Trump gây sức ép với Trung Quốc bởi ông từng tuyên bố sẵn lòng mềm mỏng với Trung Quốc hơn nếu nước này chấp thuận lời kêu gọi của Mỹ và có thái độ cứng rắn hơn với Triều Tiên. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ nhấn mạnh vấn đề ngoại giao về Triều Tiên và ý định điều tra thương mại “hoàn toàn không liên quan”, khẳng định đây không phải chiến thuật gây áp lực.

Trong khi đó, truyền thông Bắc Kinh cho rằng ông Trump “quá bất công” khi đặt gánh nặng khuyên giải Triều Tiên lên Trung Quốc. Bắc Kinh cáo buộc chính quyền Trump đang phạm sai lầm nghiêm trọng khi chia rẽ liên minh quốc tế - vốn là cách thức giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, và kêu gọi người đứng đầu Nhà Trắng nên duy trì “các mối quan hệ đan xen”.

Nguy cơ chiến tranh thương mại

Việc Mỹ chính thức khởi động cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động thương mại bất hợp pháp của Trung Quốc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa hai bên. Trong giai đoạn đầu, Mỹ không vội vàng tung hết đòn hiểm mà chủ động giữ miếng và chỉ tung ra những đòn thăm dò đối phương.

Một trong số những đòn thăm dò của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào lượng lõi nhôm mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Giới chức Mỹ khẳng định sẽ đánh thuế rất nặng vào mặt hàng này với lý do Bắc Kinh đã trợ giá quá mức. 

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Mỹ tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào các công ty mà Mỹ cho là gian lận hoặc vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu hoàn toàn bình thường và cũng không nên vội đưa ra bất kỳ nhận định nào.

Tuy nhiên, mọi động thái của Mỹ có thể khiến Trung Quốc nhanh chóng đáp trả bằng việc đánh thuế nặng nề vào các hàng hóa của Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc, khiến cho hai nước lún sâu vào giai đoạn sau của cuộc chiến. Các doanh nghiệp Mỹ chịu tác động bởi hành động đáp trả của Trung Quốc sẽ vận động tích cực để Tổng thống Donald Trump tung đòn mạnh hơn.

Hệ quả là, Trung Quốc sẽ phản ứng dữ dội hơn và vòng xoáy “ăn miếng trả miếng” sẽ diễn ra liên miên. Trung Quốc được đánh giá là “đặc biệt nhạy cảm” với những vấn đề liên quan đến thương mại - động lực chính giúp kinh tế Trung Quốc “thăng hoa” trong gần hai thập kỷ qua. 

Chính vì thế, trước mọi động thái “nguy hiểm” của chính quyền Donald Trump, Trung Quốc cảm thấy phải bảo vệ lợi ích về thương mại tại thị trường Mỹ trong khi vẫn sẽ tạo ra những lợi thế rất lớn cho các công ty trong nước.

Trên thực tế, Donald Trump khó có thể chấp nhận điều này, và sẵn sàng tung các đòn tiếp theo để ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì thế khó tránh khỏi nguy cơ bùng nổ.

Phía Bắc Kinh từng “hạ giọng” rằng luôn chú ý đến vấn đề sở hữu trí tuệ và muốn duy trì hợp tác tốt với Washington. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã dự phòng những biện pháp đối phó trong trường hợp chiến tranh thương mại nổ ra, trong đó có những biện pháp hạn chế pháp lý đối với những công ty nước ngoài và hàng nhập khẩu của một số ngành cụ thể.

Lần này, nhu cầu phải khẳng định sức mạnh trong nội bộ Trung Quốc hiện rất lớn khi nước này đang chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng với triển vọng sẽ giúp Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố quyền lực.

Dù đã sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh thương mại bùng nổ, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng hệ lụy từ cuộc chiến này là vô cùng thảm khốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nếu bùng nổ, sẽ tác động đến cả những người làm việc trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các rào cản thương mại do hai bên lập ra và cả người tiêu dùng.

Chiến tranh thương mại càng leo thang, hai bên sẽ càng phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động bảo hộ sản xuất trong nước trong khi việc xuất khẩu hàng hóa sang nước đối tác sẽ bị ngưng trệ. Người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua sản phẩm trong khi sự lựa chọn của họ bị thu hẹp đáng kể.

Ngoài ra, nhiều công ty sẽ lâm vào tình trạng khó khăn do không xuất khẩu được hàng hóa. Lợi nhuận giảm sút khiến họ phải sa thải nhân công, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Hơn thế nữa, với vị thế là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hệ lụy từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn khiến thương mại thế giới... rung chuyển và hứng chịu những hậu quả khó lường...

Việt Dũng
.
.