Nước Anh lại đau đầu với “phương trình Brexit”
- Anh sẽ quay lại Liên minh châu Âu nếu đàm phán thất bại?
- Đâu là “bến đỗ” mới của Anh thời hậu Brexit?
- Thời khắc quyết định của Brexit
Không còn nhiều thời gian để Brexit bảo đảm được tiến độ bằng các cuộc thương thảo nhưng dường như quỹ thời gian đó cũng lại là không hề ít, cho những biến chuyển và xung động ở London.
Sức ép thời gian
Một tuần cực kỳ sôi động đã khép lại, trên hai bờ eo biển Manche. Tuy nhiên, nói một cách chính xác, chưa có gì được giải quyết triệt để.
Ngày 15-10, phát biểu trước Hạ viện, Thủ tướng Anh Theresa May bày tỏ sự tin tưởng rằng: Một thỏa thuận cuối cùng dành cho Brexit vẫn có thể đạt được, bất chấp các cuộc đàm phán với EU đang ngày càng trở nên bế tắc, đặc biệt là về chuyện xử lý các vấn đề phát sinh dọc đường biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh - UK) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU).
Hướng giải quyết mà bà đưa ra là toàn bộ UK sẽ ở lại trong Liên minh hải quan EU thêm một thời gian nữa, cho tới khi đạt được một thỏa thuận thương mại lớn hơn, nhằm giải quyết nhu cầu kiểm tra biên giới.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Brussels (thủ đô Bỉ, nơi đặt trụ sở EU) cho rằng kế hoạch này sẽ khó thực hiện, bởi thời gian nước Anh ở lại Liên minh hải quan sẽ bị hạn chế khung thời gian.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đăng đàn tuyên bố: “Người dân Anh nên có niềm tin rằng Thủ tướng Theresa May sẽ không bao giờ ký một thỏa thuận không tương thích với văn bản cũng như tinh thần của cuộc trưng cầu ý dân về Brexit”.
Đó là một động thái phòng ngự cần thiết, bởi ngay ngày hôm sau, 16-10, có cuộc họp của nội các Anh về đàm phán Brexit, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU.
Tại đó, Thủ tướng Theresa May phải hết sức nỗ lực xoa dịu những xung đột căng thẳng về tư tưởng, trước thực trạng bế tắc của đàm phán Brexit. Bà tạm gác lại một số vấn đề quan trọng chưa có hướng giải quyết, thay vì áp đặt một thời hạn gấp gáp.
EU thúc ép nhưng Thủ tướng Anh Theresa May không có nhiều lựa chọn. |
Cùng lúc, vì kịch bản nước Anh chính thức rời EU vào tháng 3-2019 tới mà không đạt được một thỏa thuận, EU cũng “xuống thang”, cùng London “chạy đua với thời gian” nhằm tìm kiếm hướng đột phá.
Ngày 16-10 ấy, dòng thông tin về Brexit liên tục đảo chiều giữa “lạc quan” và “u ám”, trong sự chú tâm theo dõi của giới quan sát - phân tích quốc tế.
Cuối cùng, mọi chuyện xem như tạm ổn, khi ngày 17-10, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - ông Michel Barnier - để ngỏ khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm một năm, nghĩa là đến năm 2021 thay vì năm 2020 như kế hoạch. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng đề nghị Thủ tướng Theresa May “có những đề xuất cụ thể nhằm phá vỡ bế tắc”.
Tất cả những khúc ngoặt đó (cũng như cách vượt qua chúng) trở thành nền tảng để Hội nghị thượng đỉnh EU khép lại khá “tròn trịa”, với những phát biểu chung chung mang nặng tính ngoại giao và những cánh cửa để ngỏ.
Thủ tướng Anh Theresa May tỏ ra hứng thú với ý tưởng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm một năm và không đưa ra thêm một hướng đi cụ thể nào khác.
Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU nhất trí không tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 nhưng sẵn sàng tham dự nếu Trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier cho thấy “đã đạt được những bước tiến quan trọng”.
EU hối thúc Thủ tướng Anh “lập tức hành động”, trong khi ông Michel Barnier hồ hởi: “Thỏa thuận về Brexit đã đạt được 90%”.
Nhưng, ngày 20-10, London lại sôi sục. Ước tính có tới 670.000 người xuống đường đòi hỏi một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit lần thứ hai...
Và sóng gió chính trường
Cuộc tuần hành đó, mà người tham gia huy động tới 150 xe buýt để tập trung hàng nghìn nhà hoạt động xã hội tề tựu về trước điện Buckingham thể hiện rằng tâm trạng xã hội nước Anh đã trở nên xáo trộn đến mức độ nào sau những chặng đàm phán căng thẳng nhưng không đạt hiệu quả mong đợi.
Thực ra, ngay sau cuộc trưng cầu ý dân đầu tiên xác lập tiến trình “cắt áo chia ly” với EU cho nước Anh, những đợt phản chấn cũng đã rộ lên từng đợt. Không phải người dân Anh nào cũng muốn rời khỏi “mái nhà chung”.
Có rất nhiều người vẫn tin rằng ở lại là cách tốt hơn để bảo đảm những lợi ích toàn diện cho nước Anh, kể cả về kinh tế. Bởi vì, cho tới lúc này, London chưa phác thảo được những kế hoạch cụ thể nhằm tìm kiếm các hướng trao đổi thương mại, thị trường và đối tác mới trong thời đại toàn cầu hóa này.
CPTPP (Hiệp định Đối tác và Tiến bộ toàn diện xuyên Thái Bình Dương, hiệp định thương mại tự do đa phương thay thế cho TPP) đã được nhắc tới nhưng cũng mới chỉ là một ý tưởng.
Trong khi đó, như Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond nhận định ngày 17-10: Nếu không đạt được một thỏa thuận với EU, chi phí thanh toán “hóa đơn ly hôn” mà nước Anh phải trả có thể lên đến mức từ 30 đến 60 tỷ bảng.
Viễn cảnh đen tối này xuất phát từ một nguy cơ có thực, là nước Anh có quá ít cơ hội để giành phần thắng trong bất cứ cuộc chiến pháp lý nào nhằm tránh phải thanh toán khoản tiền khổng lồ ấy.
Éo le thay, việc không phải trả khoản tiền đó chính là một trong những điều kiện cốt yếu mà Chính phủ Anh đã cam kết với Quốc hội trong tiến trình đàm phán. Và hiện thực rất tàn nhẫn.
Theo ông Philip Hammond, nước Anh chỉ có thể “tiết kiệm” tối đa được từ 3 đến 9 tỷ bảng. Đạt được một thỏa thuận cuối cùng với EU, vì thế, trở thành sứ mệnh nhất thiết phải hoàn thành.
Exit from Brexit (rời khỏi Brexit) - một nhu cầu có thực. |
Cũng chính vì vậy, nguy cơ lớn nhất đối với các cuộc thương lượng về Brexit không đến từ EU mà đến từ chính các phòng họp của thượng tầng kiến trúc nước Anh.
Ngay sau khi Thủ tướng Theresa May thể hiện sự hào hứng với việc kéo dài thời gian chuyển tiếp tại Hội nghị thượng đỉnh EU, những nhân vật đối lập của đảng Bảo thủ - những người phản đối các kế hoạch dành cho Brexit của Thủ tướng May - đã lập tức lên tiếng. Họ đòi hỏi bà “bước sang một bên và để những người có khả năng đảm nhiệm trọng trách này”.
Có những nghị sĩ khác khuấy lên các cuộc vận động nhằm bổ sung thêm nội dung tiến hành bỏ phiếu mới, lấy ý kiến về việc Anh có nên ở lại EU hay không, đính kèm vào thỏa thuận Brexit để Quốc hội Anh xem xét. Cuộc tuần hành ngày 20-10 chính là cách thực tế chứng minh nhu cầu về ý tưởng đó.
Cũng có những người khác, những người ủng hộ Brexit nhiệt thành, lại muốn nước Anh tiến tới theo mô hình thỏa thuận tự do thương mại, như cách Canada từng ký kết với EU. Vấn đề là, khả năng này cũng từng bị bà Theresa May bác bỏ.
Từ bên kia Đại Tây Dương, nước Mỹ quan sát tất cả các diễn biến này trong tâm trạng không mấy vui vẻ. Chủ tịch FED (Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ) Jerome Powell cảnh báo: Xu hướng chững lại của nền kinh tế EU sau Brexit (điều rất khó tránh khỏi) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tài chính - ngân hàng châu Âu và gián tiếp tác động đến nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bởi vì, mối quan hệ giữa các ngân hàng châu Âu với các ngân hàng Mỹ là khá khăng khít. Và như vậy, chuyện nước Anh rời EU trong hỗn loạn chắc chắn sẽ tạo nên những tác động tiêu cực.
Quá nhiều đòi hỏi, quá nhiều thách thức, dĩ nhiên, đương kim Thủ tướng Anh cần thêm thời gian để xử lý “rốt ráo” từng việc một. Song, cũng nên nhắc lại: 3 năm trước, không ít nhà quan sát quốc tế đã tiên liệu được những sự xáo trộn này, trong cả tâm trạng xã hội lẫn chính trường Anh.
Rất đơn giản: Trong thời hạn đàm phán và dàn xếp giữa Anh -EU về các vấn đề liên quan thì vị trí, tính chính danh, các yếu tố liên quan tới thương mại và pháp luật của những “nhân tố Anh” (kể cả về kinh tế và xã hội) không thể được xác lập một cách rõ ràng.
Sự thiếu rõ ràng đó ngăn cản tất cả, kể cả người Anh lẫn đối tác quốc tế, thiết kế những dự án hợp tác tầm trung hạn và dài hạn. Hiển nhiên, điều này là mảnh đất màu mỡ để ươm những hạt mầm tiêu cực.
Càng kéo dài, các cuộc đàm phán lại càng dễ khuếch trương thêm tâm lý bất ổn trong xã hội. Và các đối thủ chính trị của Thủ tướng Theresa May sẽ không “khách sáo” đến độ từ chối nắm lấy cũng như tận dụng bối cảnh ấy nhằm phục vụ các toan tính quyền lực của mình.
Đêm dài lắm mộng. Nhưng tiến thoái lưỡng nan...