Thủ tướng Shinzo Abe với tham vọng đưa Nhật Bản vĩ đại trở lại: Giữa bộn bề lo toan
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Bên bờ vực nguy hiểm
- Thủ tướng Nhật Bản tái đắc cử, mở đường thay đổi Hiến pháp
- Ông Shinzo Abe tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản
Giới quan sát nhận định, chính quyền ông Shinzo Abe sẽ phải đối mặt với những thách thức đến từ hai mặt trận chính là ngoại giao và kinh tế.
Theo đó, trong bối cảnh môi trường an ninh biến động và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn tại khu vực, ông Abe cần khéo léo tìm cho Nhật Bản hướng đi cải thiện kinh tế bền vững, đồng thời củng cố các mối quan hệ ngoại giao với những “ông lớn”, từ đó hiện thực hóa mục tiêu sau cùng của ông là “đưa Nhật Bản vĩ đại trở lại”.
Ngoại giao bận rộn
Trên phương diện quân sự - ngoại giao, ông Shinzo Abe đã nhanh chóng sửa đổi toàn bộ tư thế an ninh và phòng thủ của Nhật Bản.
Trong nỗ lực đưa Nhật Bản trở lại hoạt động địa - chính trị toàn cầu, vị thủ tướng này đã thiết lập Hội đồng An ninh quốc gia, thông qua một đạo luật về bí mật nhà nước và, sau cùng, sửa đổi luật pháp nhằm cho phép thực hiện quyền phòng vệ tập thể - thành tựu gây trãnh cãi nhất của ông.
Điều này cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia các xung đột ở nước ngoài nhằm bảo vệ các đồng minh, thậm chí cho dù Nhật Bản không trực tiếp bị tấn công.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe đã có nhiều động thái ấn tượng nhằm hàn gắn các mối quan hệ với Hàn Quốc. Chính phủ hai quốc gia đã ký kết một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng bất đồng, mặc dù vấn đề này đã bùng phát trở lại trên mối hận thù kiểu “ăn miếng trả miếng”.
Quan trọng hơn, Thủ tướng Shinzo Abe đang quan sát Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm tìm kiếm cơ hội đàm phán cách đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ông Abe đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực giải quyết vấn đề tranh cãi với Triều Tiên. |
Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ mong muốn có các cuộc thảo luận thường xuyên mang tính chiến lược với giới lãnh đạo Hàn Quốc để Triều Tiên và thế giới thấy rõ tinh thần đoàn kết mạnh mẽ giữa hai quốc gia trong giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Trên thực tế, vấn đề Triều Tiên phủ bóng lên mọi chương trình nghị sự của chính quyền Abe khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đe dọa nhấn chìm Nhật Bản xuống biển và Bình Nhưỡng đã phóng 2 tên lửa bay qua không phận đảo Hokkaido trong vòng chưa đầy một tháng.
Thủ tướng Abe đã liên tục tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên khi cho rằng thời gian để thảo luận đã kết thúc và hối thúc cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, hiện nay, Triều Tiên bất ngờ khăng khăng đòi loại Nhật Bản ra khỏi quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và từ chối mọi cuộc gặp cấp cao cho đến khi Tokyo chấm dứt các cuộc tập trận quân sự.
Nguyên nhân được cho có liên quan đến tranh cãi giữa hai nước về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản. Đây chính là trở ngại duy nhất để Nhật Bản hướng đến quan hệ thân thiện hơn với Triều Tiên.
Ông Abe đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nỗ lực giải quyết vấn đề này. Bất chấp thái độ cứng rắn, ông bị các đối thủ cáo buộc chính trị hóa vấn đề bắt cóc nhằm thúc đẩy vị thế.
Giờ đây, nếu muốn phá vỡ bế tắc Nhật - Triều thì ông cần một hướng đi mới. Chiến thuật thay đổi chắc chắn sẽ đối mặt nhiều rủi ro về mặt chính trị nhưng nó được cho là cần thiết nếu Nhật Bản muốn không bị “bỏ rơi” trong vấn đề Triều Tiên.
Trước mắt, Nhật Bản sẽ theo đuổi một đường lối ngoại giao quyết liệt, đồng thời gây áp lực lớn hơn để Triều Tiên sớm từ bỏ chương trình phát triển tên lửa hạt nhân. Ông Abe cam kết Nhật Bản sẽ phối hợp với Trung Quốc và Nga, đặc biệt là Mỹ, trong nỗ lực kiềm chế mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên thông qua các biện pháp ngoại giao cứng rắn.
Có thể nói, vấn đề Triều Tiên đã tạo cơ hội cho ông Abe xoay chuyển quan hệ với chính quyền ông Donald Trump. Ông sáng suốt phớt lờ những khuyến nghị của các cố vấn chính sách đối đầu với ông Trump về các vấn đề từ thương mại đến an ninh, rồi lựa chọn theo đuổi một cách hợp lý chiến lược thân mật và tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước.
Các chuyến thăm chính thức Mỹ của ông Abe kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức đã khẳng định vai trò của Tokyo trên “ván cờ hạt nhân” tại Bán đảo Triều Tiên.
Nhưng quan trọng hơn, đây chính là nước đi lấy lại niềm tin ở người dân sau khi ông Abe liên tiếp dính phải bê bối đất công hay thiên vị bạn thân. Cảm giác bị phớt lờ trong vấn đề Bình Nhưỡng, cộng với sự lạnh nhạt của Washington khiến Thủ tướng Shinzo Abe... đứng ngồi không yên.
Do đó, ông Abe tận dụng khoảng thời gian với Tổng thống Trump để củng cố quan hệ đồng minh, đồng thời cho Washington thấy Tokyo sẽ không đứng bên lề trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thực hiện những bước đi tích cực, ông Abe tin rằng Nhật Bản sẽ nhận được sự trợ giúp từ nhiều quốc gia khác để củng cố vị thế của mình.
Bài toán kinh tế
Ông Shinzo Abe đã đúng khi cho rằng số phận của ông phụ thuộc vào tình hình kinh tế Nhật Bản. Với Abenomics - bộ các giải pháp tiền tệ, tài khóa và tái cấu trúc - ông Abe đang cố gắng đảo ngược tình trạng tăng trưởng gần như bằng 0 và lạm phát đình đốn đã kéo dài suốt 2 thập niên ở Nhật Bản.
Thế nhưng, nếu quan sát bức tranh toàn cảnh thì những gì ông Abe đã và đang thực hiện là chưa đủ để hiện thực hóa lời hứa “phục hưng nền kinh tế Nhật”. Người dân Nhật Bản quan ngại về việc không có tiến bộ trong chiến lược 3 mũi tên Abenomics. Và ông Abe biết rằng, nếu không cải thiện nền kinh tế thì viễn cảnh từ chức sẽ đến rất gần.
Hiện nay, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với những khoản nợ khổng lồ. Theo tính toán, nợ công của Chính phủ Nhật đang ở mức cao nhất trong các quốc gia công nghiệp, lớn hơn gấp đôi nền kinh tế nước này. Các chuyên gia từ lâu đã cảnh báo Tokyo phải hạ bớt núi nợ này, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
Vì vậy, ông Abe sẽ phải cân nhắc nhiều quyết định khó khăn. Trước đây, chính sách tăng thuế doanh thu được đưa ra với mục đích tăng thu ngân sách nhưng cuối cùng lại khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và làm mất lòng người dân. Trong khi đó, chính quyền ông Abe cũng đã trì hoãn kế hoạch tăng thuế tương tự vào năm ngoái.
Chính quyền ông Shinzo Abe đang loay hoay với nguy cơ Nhật Bản trở thành quốc gia “siêu già” đầu tiên trên thế giới. |
Chính quyền ông Abe đang loay hoay với nguy cơ Nhật Bản trở thành quốc gia “siêu già” đầu tiên trên thế giới. Tỉ lệ sinh thấp trong khi số dân cao tuổi đang tăng lên đồng nghĩa với việc lực lượng lao động bị thu hẹp và phải gồng gánh khoản chi phí phúc lợi khổng lồ.
Trong bối cảnh chính quyền ông Abe phải huy động tiền để giảm nợ, thì chính Nhật Bản cũng cần rất nhiều tiền mặt để chi cho an sinh xã hội.
Chưa hết, muốn “đưa Nhật Bản vĩ đại trở lại”, ông Shinzo Abe phải chấm dứt cơn ác mộng giảm phát dai dẳng, bất chấp mọi biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ lớn chưa từng thấy. Tốc độ tăng trưởng tiền lương rất chậm khiến người dân không hào hứng chi tiêu, dẫn đến lạm phát không thể tăng và hiện còn cách rất xa so với mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đề ra.
Giới quan sát nhận định, chính phủ của ông Abe cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn nền kinh tế hụt hơi trong vài năm tới.
Chính Thủ tướng Shinzo Abe đã phải thừa nhận rằng, hiện nay môi trường kinh doanh tại Nhật tỏ ra kém năng động, phần lớn là do tình trạng tham nhũng hay những bê bối lớn tại các doanh nghiệp hàng đầu, làm suy giảm khả năng cạnh tranh và tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp Nhật.
Trong khi năng suất của người lao động Nhật Bản thấp thì lượng vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật cũng không cao. Chính quyền ông Abe khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động với hi vọng cải thiện tình hình, tuy nhiên kết quả thu được rất hạn chế.
Người dân Nhật Bản chưa thể an tâm khi Thủ tướng Shinzo Abe vẫn còn loay hoay với bài toán kinh tế, cho dù nhà lãnh đạo tuyên bố chuẩn bị cải cách chính sách Abenomics.
Theo lộ trình ông đưa ra, đảng cầm quyền LDP sẽ xây dựng một gói chính sách nhằm cải thiện những vấn đề cấp bách như tỷ lệ sinh thấp, tình trạng lão hóa dân số thông qua việc thúc đẩy hệ thống phúc lợi xã hội hoạt động hiệu quả hơn đối với thế hệ trẻ.
Thủ tướng Nhật Bản cũng đưa ra cam kết sẽ tăng thuế tiêu dùng từ 8% hiện nay lên mức 10% kể từ tháng 10-2019, để tăng cường đảm bảo phúc lợi xã hội. Chưa biết kết quả ra sao nhưng rõ ràng con đường phía trước của liên minh cầm quyền và bản thân Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ không suôn sẻ.