Thủ tướng Đức Angela Merkel: Giữa bộn bề gian khó

Thứ Tư, 19/09/2018, 11:22
Trước những diễn biến liên quan đến khủng hoảng kinh tế - chính trị trong nước cũng như vấn đề di cư ở châu Âu, “bà đầm thép” Angela Merkel đang trải qua những tuần lễ làm việc tồi tệ nhất.

Uy tín của Thủ tướng Merkel đã giảm mạnh khi tỷ lệ ủng hộ xuống mức thấp nhất trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. 

Trong bối cảnh này, “bà đầm thép” cần có một giải pháp về vấn đề di cư cho Liên minh châu Âu (EU), gỡ cái bẫy về cuộc khủng hoảng trong nước, cũng như thay đổi phong cách lãnh đạo nếu như không muốn kết thúc sớm nhiệm kỳ thủ tướng lần thứ 4 của mình.

Gánh vác khó khăn

Sau nhiều tháng bế tắc kể từ cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2017, bà Merkel ý thức rõ rằng cử tri mong muốn chính phủ giải quyết nhanh chóng các vấn đề về kinh tế, xã hội và an ninh. 

Trong cuộc họp nội các Đức vừa qua, bà Merkel còn mời cả Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker để nhấn mạnh tầm quan trọng của một Chính phủ Đức ổn định và được tin tưởng.

Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược hoàn toàn khi kết quả cuộc thăm dò dư luận đầu tháng 9 cho thấy chính quyền bà Merkel chỉ nhận được 29% sự ủng hộ, đạt mức thấp nhất kể từ năm 2006. 

Điều gây bất ngờ là uy tín chính trị ngày càng tăng của Ngoại trưởng Heiko Maas và Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz đều thuộc đảng Dân chủ Xã hội, trong khi uy tín của Thủ tướng Merkel chỉ xếp ở vị trí thứ 3.

Thủ tướng Đức Merkel đang nỗ lực tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ về một chiến lược “chia sẻ và cùng thắng”, cũng như sẵn sàng hợp tác với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Dư luận cho rằng, tỷ lệ ủng hộ thấp cho thấy sự rạn nứt trong nội bộ liên minh cầm quyền và có thể gây khó khăn trong việc thông qua những quyết sách lớn của đất nước. 

Trên thực tế, bất đồng giữa Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo trong liên minh cầm quyền liên tục nảy sinh, xoay quanh chính sách nhập cư của Đức và vấn đề ngân sách khi Liên minh Xã hội Cơ Đốc giáo yêu cầu tăng cường những biện pháp kiểm soát nhập cư.

Ngoài ra, trong quốc hội hiện nay, AfD là lực lượng chính trị lớn nhất thuộc phe đối lập và đương nhiên sẽ trở thành thủ lĩnh đối lập. AfD được dự báo sẽ tận dụng mọi công cụ vốn có của dân chủ nghị viện để tấn công chính sách của chính quyền bà Merkel.

Bà Merkel cũng cần phải lưu tâm về vấn đề kinh tế. Hiện nay, Chính phủ Đức coi “số hóa” là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng cơ cấu chính phủ lại không có một bộ hay bộ máy riêng để lo việc này. Nếu như vậy, vấn đề số hóa nền kinh tế hay phát triển nền công nghiệp 4.0 sẽ phân tán và trở nên vô cùng rời rạc.

Thêm vào đó, Đức đang ở trong trạng thái kinh tế tồi tệ khi xuất khẩu giảm đột ngột trong nhiều tháng, đồng thời chịu tác động tiêu cực do tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Điều này xuất phát từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhập khẩu đánh vào những mặt hàng từ Đức. Với tư cách là nước xuất khẩu hàng đầu, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc sống còn vào xuất khẩu và tự do thương mại, nước Đức thiệt đơn thiệt kép từ chính sách của ông Trump.

Khó khăn lớn nhất ở thời điểm hiện tại với chính quyền bà Merkel chính là khủng hoảng di cư. Bà Merkel tiếp tục mong đợi các quốc gia thành viên tham gia chia sẻ người tị nạn khi ngày càng nhiều quốc gia ở Trung và Đông Âu phản đối do lo ngại những gánh nặng về an ninh và kinh tế.

Ngoài ra, bà tuyên bố tăng viện trợ phát triển cho các nước đông người di cư, đồng thời bảo đảm an ninh tốt hơn cho các biên giới bên ngoài khối EU - một động thái khiến các đảng đối lập cùng một bộ phận dân Đức dậy sóng.

Bà từng khẳng định, giải quyết những tranh chấp leo thang về vấn đề di cư sẽ quyết định tương lai và sự gắn kết của EU. Thế nhưng, cho đến nay, dường như bà Merkel vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Bà Angela Merkel phải chịu trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay của châu Âu sau quyết định “mở cửa” cho người tị nạn vào năm 2015.

Giới quan sát đánh giá, Angela Merkel đang chịu áp lực phải chịu trách nhiệm cho tình hình khủng hoảng người di cư hiện nay của châu Âu sau quyết định “mở cửa” cho người tị nạn vào năm 2015. 

Không một ai dám khẳng định “bà đầm thép” có thể đảm bảo xây dựng một chính sách di cư hoàn hảo cho EU để “bịt miệng” những người chống đối ở trong nước. Điều cần làm bây giờ chính là dập tắt những tư tưởng bảo thủ ngay trong nội bộ đảng.

Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer từng công bố “kế hoạch di trú” sẽ giảm số người được chấp nhận tị nạn, tăng số lượng trục xuất và cho phép cảnh sát ngay lập tức trục xuất bất kỳ người xin tị nạn nào đã đăng ký ở một quốc gia EU khác. Ý kiến này có vẻ được hoan nghênh trong bối cảnh dân Đức quá mệt mỏi vì người tị nạn và sự chậm trễ của chính quyền bà Merkel.

Nỗ lực thay đổi

Dư luận hi vọng Thủ tướng Merkel có thể là nhà lãnh đạo châu Âu duy nhất cân bằng được “việc nước và chuyện nhà người ta”, tìm ra những giải pháp cho thế khó của EU. 

Thế nhưng, cho đến lúc này, bà vẫn tỏ ra lặng lẽ. Mặc dù bà chưa một lần thất bại trong việc tìm ra giải pháp được đa số chấp nhận, thế nhưng trong phần lớn các trường hợp, bà Merkel xử lý khủng hoảng bằng cách “không làm gì”.

Sự nhất quán của bà nằm ở việc lặng lẽ quan sát mọi động thái, nắm bắt xu thế chung và đưa ra giải pháp phù hợp nhất có thể. Giới quan sát nhận định, đây có thể trở thành điểm yếu của bà Merkel khi cách tiếp cận không gắn liền với triết lý chính trị nào có nguy cơ biến thành lớp vỏ che đậy nguy hiểm và không giải quyết triệt để những vấn đề rắc rối hiện nay.

Có thể nói, bối cảnh hiện tại thúc đẩy “bà đầm thép” phải quyết liệt hơn nữa trong từng động thái chính trị của mình. Với chính sách đối ngoại “Merkel 4.0”, nữ Thủ tướng tuyên bố nước Đức luôn hành động vì hòa bình, tự do và an ninh trên thế giới, đồng thời tăng cường hợp tác xuyên Đại Tây Dương cũng như trong EU và tiếp tục là đối tác tin cậy của NATO, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Hội đồng châu Âu.

Quan trọng hơn, bà Merkel cam kết sẽ vực dậy châu Âu đang suy yếu, nỗ lực cải cách EU trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc tăng lên, mối quan ngại về an ninh và các bước đi khó lường của Tổng thống Donald Trump với EU.

Cùng với việc đồng ý tăng cường chính sách ngoại giao và quốc phòng của EU, Chính phủ Đức sẽ nâng cao mức đóng góp của nước này cho ngân sách của EU sau khi Anh rời EU, bên cạnh đó là việc thành lập một quỹ tiền tệ của châu Âu để giải cứu các nước bị khủng hoảng kinh tế, tài chính.

Trong quan hệ song phương, cần phải nhắc đến nỗ lực khơi thông thế bế tắc trong quan hệ Đức - Mỹ, đặc biệt trong vấn đề thương mại. Bà Merkel đã tiến hành chuyến công du thứ hai tới Washington kể từ thời điểm ông Donald Trump nhậm chức nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ thông qua các cuộc đàm phán để quay trở lại quỹ đạo của hệ thống tự do thương mại toàn cầu, ngừng áp đặt các biện pháp tăng thuế gây xáo trộn quan hệ thương mại, không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà Đức cùng 5 Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã phải rất khó khăn mới đạt được hồi năm 2015.

Với chính sách đối ngoại “Merkel 4.0”, Thủ tướng Đức cam kết sẽ vực dậy châu Âu đang suy yếu, đồng thời nỗ lực cải cách EU.

Với vai trò đầu tàu EU, quan hệ của Đức với Mỹ có ý nghĩa quyết định trong việc định hình mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO, khi hai nước cùng phối hợp giải quyết một loạt thách thức địa chính trị và kinh tế.

Theo giới quan sát, Thủ tướng Đức đang nỗ lực để khơi thông dòng chảy tự do thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương thông qua việc tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ về một chiến lược “chia sẻ và cùng thắng”.

Chính quyền bà Merkel liên tục phát đi những tín hiệu bày tỏ thiện chí với Mỹ, như tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Washington để đối phó việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép và được trợ giá hay kêu gọi giảm bớt thuế quan của EU đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu từ Mỹ, với hi vọng “gỡ nút thắt” trong quan hệ hai nước, bất chấp cơ hội này tỏ ra mong manh vì nhiều bất đồng quá lớn giữa hai bên suốt thời gian qua...

Anh Lâm
.
.