Kiểm soát súng đạn vẫn tiếp tục làm đau đầu Tổng thống Mỹ

Thứ Tư, 11/04/2018, 10:49
Thời gian qua, nước Mỹ tiếp tục chấn động bởi nhiều vụ xả súng tại một số trường học, khiến Tổng thống Donald Trump phải lên tiếng kêu gọi “sự bình tĩnh” trên cả nước.

Trong tuyên bố mới đây, ông Trump thường xuyên đổ lỗi cho những người tiền nhiệm về hành động thiếu sót và nhấn mạnh ông sẽ tạo nên sự khác biệt và sẽ thay đổi thực trạng súng đạn đang “bùng cháy dữ dội” ở nước Mỹ.

Tổng thống Trump cũng tuyên bố chính quyền của ông sẽ nỗ lực để cải thiện môi trường an toàn trong trường học và giải quyết vấn đề về rối loạn tâm thần. Có vẻ như Tổng thống Donald Trump đang tỏ ra thực sự nghiêm túc với cam kết về một “giải pháp” đối với bạo lực súng đạn để chứng minh trách nhiệm của một nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới.

Về lý thuyết, ông Trump có thể sử dụng vị thế của mình với các nhà hoạt động Tu chính án thứ 2 của Hiến pháp Mỹ (trong đó quy định vũ khí là một phương tiện để bảo vệ an ninh quốc gia và mọi người dân đều có quyền tự do vũ trang), để thay đổi luật kiểm soát súng đạn.

Vẫn rất bình thản

Nhiều năm qua, sở hữu súng đạn luôn là đề tài gây tranh luận khắp nước Mỹ. Sau vụ xả súng ở trường tiểu học ở thành phố Newtown, bang Connecticut hồi năm 2012 làm cho gần 30 người thiệt mạng, vấn đề kiểm soát súng đạn đã được đặt ra, song cho đến nay vẫn còn “bỏ ngỏ”. 

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2018 đến nay, nước Mỹ đã chứng kiến 18 vụ xả súng tại các trường học.

Còn nếu kể từ tháng 1-2013 đến nay, đã có ít nhất 283 vụ xả súng trên khắp nước Mỹ, trung bình mỗi tuần một vụ. Trong 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ, ông Obama cũng dành nhiều nỗ lực để có một dự luật về súng đạn. 

Nhưng cuối cùng, khi rời Nhà Trắng, ông vẫn không đạt được ý nguyện của mình bởi sự phản đối của những người bảo thủ trong đảng Cộng hòa và Hiệp hội Súng đạn quốc gia Mỹ (NRA).

Dưới thời Tổng thống Trump, tình hình có vẻ chưa khả quan hơn. Chỉ trong gần 2 tháng đầu năm 2018, nước Mỹ đối mặt với 18 vụ xả súng tại trường học. 

Có thể nói, Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với sức ép của dư luận về vấn đề siết chặt kiểm soát súng đạn.

Nước Mỹ lại lần nữa chấn động sau vụ xả súng kinh hoàng xảy ra ngày 14-2 tại trường cấp 3 Marjory Stoneman Douglas ở Parkland thuộc bang Florida khiến ít nhất 17 người thiệt mạng, do cựu học sinh Nikolas Cruz (19 tuổi) thực hiện. Vụ xả súng một lần nữa đặt ra yêu cầu cải cách luật sở hữu súng đạn.

Một ngày sau vụ xả súng, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi hàn gắn và hòa bình, đồng thời tuyên bố với người dân rằng chính quyền không thể làm ngơ trước yêu cầu cần hành động để ngăn chặn thảm kịch tương tự. Một lần nữa câu chuyện sở hữu súng đạn tự do “nóng” lên, và trách nhiệm lần này thuộc về ông chủ Nhà Trắng Donald Trump.

Có thể nói, vụ xả súng lần này khiến chính quyền Trump phải “làm gì đó quyết liệt” bởi lẽ những sinh viên sống sót quyết tâm đưa vụ xả súng đẫm máu này thành một bước ngoặt để thay đổi việc sở hữu súng đạn.

Họ lên kế hoạch tổ chức cuộc tuần hành mang tên “Tuần hành vì mạng sống của chúng ta” vào ngày 24-3 tại Washington và các thành phố khác với sự tham gia của các sinh viên khắp nước Mỹ. Ngoài ra, những người sống sót trong vụ xả súng đã kêu gọi các nghị sĩ hành động nhiều hơn nữa trong nỗ lực cải cách luật kiểm soát súng đạn.

Dư luận Mỹ quan tâm đến phản ứng của Tổng thống Donald Trump bởi chính phủ chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc sở hữu súng đạn và vấn đề này vẫn là đề tài gây tranh cãi. Thế nhưng, một lần nữa, ông Trump lại khiến dư luận thất vọng khi có nhiều động thái hoàn toàn trái ngược với tuyên bố “không thể làm ngơ” trước đây.

Cụ thể, trên Twitter, ông Trump “đá quả bóng” sang FBI, cho rằng cơ quan này đã bỏ qua nhiều tín hiệu mà kẻ xả súng đã đưa ra.

Ông chủ Nhà Trắng thậm chí lý giải sự lơ là này là do cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời đổ lỗi cho đảng Dân chủ đã không bỏ phiếu thông qua đạo luật về kiểm soát vũ khí trong khi họ nắm Thượng viện và Hạ viện dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Đương nhiên, những gì ông Trump viết làm dư luận phẫn nộ bởi vị Tổng thống Mỹ không đề cập việc siết chặt luật kiểm soát súng đạn - điều cấp thiết sau những thảm kịch kinh hoàng. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ diễn ra mà không cần thông qua sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.

Đối diện dư luận

Có thể nói, Tổng thống Donald Trump và giới nghị sĩ đảng Cộng hòa đang đối mặt với sức ép của dư luận là phải có các biện pháp siết chặt kiểm soát súng đạn sau nhiều vụ xả súng đẫm máu, trong khi vẫn phải tránh làm mất lòng các cử tri của đảng Cộng hòa, vốn đa số đều ủng hộ quyền sở hữu súng, cũng như các nhóm lợi ích như NRA.

Sau khi ghi nhận những ý kiến từ quan chức các cấp cùng thân nhân nạn nhân trong các vụ xả súng, Tổng thống Donald Trump công bố ý tưởng về việc xây dựng một dự luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn các vụ xả súng tại trường học. 

Theo đó, dự luật sẽ quy định không cấp phép sở hữu súng đạn cho những đối tượng dưới 21 tuổi, tăng cường trang bị súng đạn cho các nhân viên an ninh tại các trường học của Mỹ.

Theo ông Trump, dự luật kiểm soát súng đạn toàn diện sẽ mở rộng các biện pháp kiểm tra lý lịch người mua súng, kiểm soát súng chặt chẽ nhằm ngăn chặn vũ khí nóng lọt vào tay những đối tượng có vấn đề về tâm thần, và hạn chế việc bán súng cho trẻ thành niên. Tuy nhiên, cái khó của Tổng thống Mỹ chính là phải “thuyết phục” lực lượng phản đối kiểm soát súng đạn.

Có một thực tế trong nhiều thập niên qua, việc kiểm soát súng đạn tại Mỹ không thể thực thi một sớm một chiều và phải vượt qua nhiều “ải”, trong đó có giới NRA - nhóm vận động hành lang thường lôi kéo sự ủng hộ của các nghị sĩ Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình. Với doanh thu 3,5 tỷ USD mỗi năm từ việc bán súng đạn, chắc chắn NRA không dễ dàng từ bỏ ngành kinh doanh đầy lợi nhuận này.

Học sinh trên khắp nước Mỹ xuống đường tuần hành nhằm kêu gọi hành động chống lại bạo lực súng đạn sau vụ xả súng đẫm máu tại một trường trung học ở Parkland.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất ý tưởng trang bị súng cho các giáo viên và nhân viên trong trường để tăng cường an toàn cho các trường học. 

Ý tưởng này được đưa ra sau khi ông nghe các câu chuyện đầy cảm xúc của những người sống sót cũng như cha mẹ các nạn nhân trong vụ xả súng vào trường cấp 3 ở Parkland. Ông đề xuất ý tưởng về các khóa đào tạo và trang bị súng cho giáo viên hoặc cán bộ trong trường.

Theo ông, giải pháp này có thể giúp sớm chấm dứt các cuộc xả súng nếu xảy ra. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của nhiều người khi họ nghĩ rằng nếu giáo viên được trang bị và huấn luyện sử dụng súng thì họ sẽ chính những người đầu tiên phản ứng khi xảy ra những sự cố trong trường học.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều đồng ý với đề xuất trang bị súng trong trường học. Nhiều cá nhân cho rằng các giáo viên cần được trang bị cách ngăn chặn các vụ xả súng hơn là được trang bị súng.

Theo đó, đề xuất “kì quặc” này của ông Trump chỉ nhằm xoa dịu dư luận và việc kiểm soát súng đạn sẽ vẫn là câu chuyện dài ở Mỹ.

Hầu hết người Mỹ đổ lỗi cho Tổng thống Donald Trump và Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số đã không tích cực trong về vấn đề kiểm soát súng. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kể sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.

Kết quả khảo sát của Washington Post/ABC News vừa qua cho thấy, 62% số người được hỏi cho rằng ông Trump chưa làm đủ để ngăn chặn các vụ xả súng, trong khi 77% cho rằng Quốc hội chưa có hành động hợp lý trong vấn đề này.

Rõ ràng, tất cả hi vọng đang đặt vào Tổng thống Trump. Nếu ông chủ Nhà Trắng quyết định chấp nhận rủi ro và đi đầu trong nỗ lực tăng cường kiểm soát súng đạn thì đó sẽ là “cú hích” trong sự nghiệp chính trị của ông.

Thời gian qua, khi vẫn còn tồn đọng vấn đề liên quan đến người nhập cư, Nhà Trắng có lẽ không muốn gây chiến thêm nữa với Quốc hội. Nhưng áp lực chính trị đối với Nhà Trắng đang gia tăng nhanh chóng trước các hoạt động phản kháng của dư luận.

Ở vào bối cảnh bản thân ông Trump cũng chịu ít nhiều áp lực từ những cơ sở mua bán súng và NRA, sự đồng lòng và quyết tâm gây sức ép lên chính quyền của người dân bắt đầu có hiệu lực tại Washington. 

Ông Trump đã ra lệnh cấm thiết bị chuyển đổi súng trường bán tự động sang chế độ bắn liên thanh - loại thiết bị tay súng thảm sát ở Las Vegas hồi tháng 10/2017 đã sử dụng làm 58 người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump đã tạo nên một bước đột phá quan trọng khi thông qua một dự luật nhằm bảo đảm an toàn trường học. Dự luật cho phép tài trợ 500 triệu USD trong 10 năm để cải thiện việc đào tạo, phối hợp giữa các trường học và cơ quan thực thi pháp luật địa phương, đồng thời giúp xác định các dấu hiệu của bạo lực tiềm ẩn. Tổng thống Mỹ gọi đây là bước quan trọng để bảo vệ an toàn cho học sinh Mỹ. 

Điều này phần nào giúp ông Trump xoa dịu làn sóng phẫn nộ trong dư luận, ngăn chặn các cuộc biểu tình trong tương lai tại nhiều thành phố lớn nhằm yêu cầu chính phủ siết chặt kiểm soát súng đạn...

Thanh Sơn
.
.