Chính sách đối ngoại của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Tham vọng và quyết đoán

Thứ Sáu, 20/07/2018, 09:23
Trong hơn một năm cầm quyền, ông Emmanuel Macron đã tạo nên những “làn gió mới” trên chính trường, từ những ứng biến khéo léo trong quan hệ với Mỹ cho đến những đổi mới trong chiến lược an ninh ngoại giao ở châu Á - khu vực tập trung nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại và căn cứ quân sự của Pháp.

Có thể nói, sự trỗi dậy của nền ngoại giao Pháp một phần xuất phát từ chính bản thân Tổng thống Macron, một người đầy tham vọng và quyết đoán. Bởi lẽ, ông muốn đi đầu trong mọi động thái để tìm lại vận mệnh nước Pháp, hướng tới trao lại cho nước Pháp vị thế anh hùng.

Tiến sâu vào châu Á

Có thể nhận định, hồ sơ châu Á hiện đang trở thành ưu tiên của chính quyền Emmanuel Macron trong chiến lược mở rộng sự hiện diện của Pháp ở những khu vực khác nhau trên thế giới, từ đó tạo nên một thế giới đa phương, nơi mà tất cả các bên đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế.

Trong tính toán này, ông Macron đặc biệt chú ý đến “đối tác hàng đầu” Trung Quốc, kèm những điều kiện ràng buộc cụ thể. Đơn cử như dự án “Con đường tơ lụa thế kỷ 21”, Tổng thống Pháp để ngỏ cánh cửa tham gia vào kế hoạch mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang ấp ủ, cùng yêu cầu trao đổi tương xứng hai chiều. Dễ thấy, ông Macron đang có những chiến lược để bảo vệ các quyền lợi của Pháp một cách thực tế và thực dụng.

Sự trỗi dậy của nền ngoại giao Pháp xuất phát từ chính bản thân Tổng thống Emmanuel Macron, một người đầy tham vọng và quyết đoán muốn trao lại cho Pháp vị thế anh hùng.

Cùng lúc đó, Paris cho thấy sẽ không đơn phương đối đầu với Bắc Kinh, mà tìm cách huy động các đối tác châu Âu khác để đưa ra những khung pháp lý, từ đó kiểm soát chặt chẽ hơn các dự án đầu tư của Bắc Kinh vào Paris hay châu Âu.

San bằng những bất đồng trong quan hệ ngoại giao với Nga cũng được ông Emmanuel Macron ưu tiên trong thời gian nắm quyền. Chính phủ Pháp toan tính dựa vào sức mạnh kinh tế để sưởi ấm “tình bang giao” khi Paris là một trong hai đối tác kinh tế châu Âu quan trọng nhất của Moscow thông qua nhiều dự án hợp tác song phương, bên cạnh việc bày tỏ thiện chí đối thoại với Moscow về hai hồ sơ lớn là Syria và Ukraine.

Tất nhiên, điều này là không hề dễ dàng khi mà chính quyền Macron chưa thể bắt tay với Nga nếu chưa tìm cách bảo vệ những mối quan hệ chiến lược của Pháp với các đồng minh phương Tây.

Cùng lúc đó, Paris kiên quyết bảo vệ những giá trị dân chủ ở khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả các quyền cơ bản của những cộng đồng thiểu số như là người đồng tính ở Tchetchenia. Và chính bản thân ông Macron cũng từng bày tỏ lo ngại và tuyên bố dè chừng trước chính sách của Nga trong nhiều lĩnh vực, như quân sự và hạt nhân.

Vai trò trọng tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được ông Emmanuel Macron tính đến trong chiến lược an ninh của Pháp. Pháp đã tăng tần suất hoạt động quốc phòng tại khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương kể từ đầu năm 2018, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác quốc phòng tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việc Pháp lựa chọn khu vực này để tiến hành một chương trình đào tạo kỹ năng tác chiến cho sĩ quan của hải quân các nước là minh chứng rõ ràng cho chiến lược an ninh của Paris.

Tổng thống Pháp đã có chuyến công du tới Ấn Độ để mở rộng cánh cửa hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Paris và New Delhi, phản ánh chính sách “hướng Đông” của Paris.

Tổng thống Pháp đã có chuyến công du tới Ấn Độ để mở rộng cánh cửa hợp tác, phản ánh chính sách “hướng Đông” của Paris.

Trong chuyến thăm Australia gần đây, Tổng thống Macron đã kêu gọi thành lập một liên minh chiến lược 3 bên mới giữa Pháp, Australia và Ấn Độ, nhằm phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động hàng hải, hỗ trợ các nước bạn bè tại Thái Bình Dương thông qua hoạt động nhân đạo, cứu trợ thiên tai, xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực.

Ngoài ra, Pháp cũng nhắm đến hàng loạt quốc gia châu Á để tăng cường hiện diện trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Pháp tung ra liên tiếp 2 tín hiệu mạnh nhằm khẳng định vai trò của mình tại cả hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, hiện đang được gộp lại trong khái niệm chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo đánh giá, Paris đang khẳng định vai trò cường quốc hải quân của mình vào lúc Bắc Kinh đang ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực. 

Nằm trong một chuỗi hoạt động mới đây với nhiều nước châu Á, chuyến ghé cảng Philippines của chiến hạm Pháp đã nêu bật quan hệ quốc phòng đang phát triển giữa Pháp và Philippines, cũng như vai trò của Pháp với tư cách một cường quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo chính quyền Macron, Pháp hoàn toàn không phải là một tác nhân mới trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà đã có ảnh hưởng sâu rộng từ trước, thông qua hệ thống di sản thời thuộc địa, chủ quyền trên nhiều vùng lãnh thổ hải ngoại, hay cùng với một số cường quốc khác đóng góp vào việc duy trì ổn định khu vực theo luật quốc tế.

Củng cố tình bang giao

Dù là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp thế nhưng Emmanuel Macron đang chứng tỏ ông không hề e dè trước sự sôi động của chính trường quốc tế và đặc biệt thể hiện sự chủ động trong mối quan hệ với người đồng cấp Donald Trump.

Việc ông Macron liên tiếp có các tiếp xúc chặt chẽ với lãnh đạo Mỹ cho thấy Tổng thống Pháp đang rất nỗ lực đưa nước Pháp trở lại với vai trò lớn trong quan hệ quốc tế, với cái đích biến nước Pháp và Paris thành một đối tác trung gian tin cậy của mọi tiếp xúc lớn trên phạm vi toàn cầu. 

Việc mời ông Trump đến dự lễ duyệt binh Quốc khánh Pháp chính là một bước đi chiến lược rất thành công của ông Macron.

Theo đó, dù hiện nay giữa Mỹ và Pháp cũng như các đồng minh phương Tây khác có rất nhiều bất đồng nhưng trước sau Mỹ vẫn là một đối tác không thể bỏ qua với Pháp. Chính vì thế, dù nhiều lần công khai phản đối ông Trump nhưng ông Macron vẫn giữ liên hệ rất mật thiết với Tổng thống Mỹ.

Sự năng động và năng lượng mới mẻ mà ông Macron đem đến có vẻ như đang giúp Pháp dần lấy lại hình ảnh, ít nhất là với Mỹ sau những gian nan trong quan hệ song phương. 

Giới quan sát cho rằng, do tình thế đẩy đưa, hai đồng mình châu Âu thân thiết nhất với Mỹ là Anh và Đức đang lúng túng về chính trị nội bộ nên ông Macron đã bắt lấy cơ hội để xây dựng mối bang giao “mạnh mẽ và vững chắc” với ông Trump.

Báo chí Pháp miêu tả mối quan hệ Pháp - Mỹ thời gian gần đây như “ánh sáng xua tan màn đêm đã buông xuống Điện Elysee”. 

Ông Macron hi vọng mối quan hệ với ông Trump có thể khiến nước Pháp... vĩ đại trở lại. Ông đã thoát khỏi lập trường cổ hủ của những chính khách khác để trở nên thân thiện hơn với Tổng thống Donald Trump - người không được ưa mến ở Pháp cũng như ở châu Âu.

Giới quan sát nhận định, ông Macron đã dùng “tình bang giao” để làm đòn bẩy, tuyên bố với thế giới rằng Mỹ, dù bị nhiều chính trị gia khác chỉ trích vì chính sách đối ngoại đơn phương và xua đuổi bạn bè, vẫn rất cần những đồng minh.

Từ đây, Paris và Washington dường như đã tìm được một sân chơi chung trên nhiều hồ sơ quốc tế, từ Syria đến hạt nhân Triều Tiên hay sáng kiến thành lập liên quân G5 Sahel nhằm tăng cường sức mạnh chống khủng bố tại châu Phi.

Rõ ràng, những gì ông Macron dành cho ông Trump đã nâng cao vị thế của nước Pháp như là nhân tố hòa giải đáng tin cậy nhất hiện nay giữa các nước lớn, đồng thời không đẩy chính quyền Mỹ vào thế đối đầu bởi suy cho cùng Mỹ vẫn là siêu cường thế giới và các lợi ích của nước Pháp không thể được đảm bảo nếu không duy trì được mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ.

Trong khi đó, ông Trump cũng lưu ý rằng Pháp hiện là một trong nhiều thành viên quyền lực của Liên minh châu Âu, có vai trò lớn trong NATO cũng như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Với suy nghĩ đó, Pháp cực kỳ quan trọng đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump nếu ông chủ Nhà Trắng muốn đạt được mục tiêu của mình.

Việc Pháp sát cánh cùng đồng minh Mỹ tấn công quân sự Syria vừa qua cho thấy bất đồng giữa hai bên cơ bản đã được hàn gắn. Truyền thông từng đùa rằng, nhờ sức hút của ông Macron mà Pháp và Mỹ đang dần định hình thứ tình cảm anh em tri kỷ “nhún nhường nhau”, bất chấp khoảng cách về tuổi tác, tính cách hay chính sách đối ngoại của hai nhà lãnh đạo.

Báo chí Pháp miêu tả mối quan hệ Pháp - Mỹ thời gian gần đây như “ánh sáng xua tan màn đêm đã buông xuống Điện Elysee”. 

Tuy nhiên, ông Macron vẫn rất “lý trí” và tỏ ra rất sâu sắc trong từng chiến lược của mình nhằm đối phó với một Donald Trump “dễ bay hơi” - cụm từ truyền thông dùng để miêu tả cá tính dễ thay đổi bất ngờ của ông chủ Nhà Trắng, từ đó có thể tạo ra những rủi ro chính trị có thể khiến ông Macron trở tay không kịp...

Việt Dũng
.
.