Chính quyền Donald Trump “trảm” thỏa thuận hạt nhân Iran: Bước đi mạo hiểm

Thứ Tư, 13/06/2018, 16:58
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8-5 chính thức ký bản ghi nhớ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). 

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, JPCOA là một thảm họa nhiều khiếm khuyết, không ngăn chặn được Iran phát triển hạt nhân sau hàng loạt cáo buộc Iran thiếu trung thực và tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố.

Tổng thống Trump tuyên bố tái khởi động các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này, đồng thời sẽ “thẳng tay” với bất cứ quốc gia nào hỗ trợ Iran về vấn đề hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhấn mạnh sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận mới với Iran, nhưng Tehran đã bác bỏ kịch bản đó và cảnh báo sẽ đáp trả một khi Washington rút khỏi thỏa thuận hiện tại. 

Quyết định này đã làm dấy lên lo ngại xung đột Trung Đông tiếp tục leo thang, cũng như làm phật lòng các đồng minh châu Âu và đe dọa gây ra những cuộc khủng hoảng nguy hiểm trên thế giới.

Xóa bỏ di sản

Theo phân tích của BBC, lý do hàng đầu khiến Tổng thống Donald Trump hủy bỏ JPCOA chính là tham vọng “xóa sạch” di sản của chính quyền tiền nhiệm. 

JCPOA được xem là “hình mẫu ngoại giao” - một thành quả từ nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama, người đã rời nhiệm sở vào năm 2016. Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký vào ngày 14-7-2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức.

Tổng thống Donald Trump “trảm” JPCOA vì đây là thỏa thuận bị “lỗi từ trong lõi”.

Từ tháng 1-2016, các bên bắt đầu bước vào giai đoạn thực hiện. Tehran đồng ý hạn chế các hoạt động làm giàu uranium, đồng thời chấp nhận sự gia tăng giám sát của cộng đồng quốc tế để đổi lại việc nước này được dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế.

Là người mang quan điểm chỉ trích JCPOA ngay từ đầu, việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống thực chất đã là điềm báo trước cho sự sụp đổ của thỏa thuận này trong tương lai. Tổng thống Trump nhiều lần miêu tả JPCOA là “thỏa thuận tồi tệ nhất” trong lịch sử Mỹ và bị “lỗi từ trong lõi”.

Theo đó, JPCOA không ngăn ngừa được khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân (bất chấp việc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiều lần xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận), đồng thời “vô dụng” trước việc Tehran hậu thuẫn nhóm phiến quân Hezbollah ở Lebanon, cung cấp viện trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay tham gia chiến tranh Yemen.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã không ít lần phản đối Thỏa thuận hạt nhân Iran bằng những chỉ trích cá nhân dành cho cựu Ngoại trưởng John Kerry - một trong những “kiến trúc sư chính” của JPCOA.

Ông cũng cho Thỏa thuận hạt nhân Iran rơi vào trạng thái “sống thực vật” bằng cách lần lượt rút khỏi các hiệp định quan trọng mà chính quyền Obama từng đàm phán thành công như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay Hiệp định Paris về vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như bãi bỏ Đạo luật Chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng (còn gọi là Obamacare).

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố Mỹ không muốn trở thành con tin để bị hăm dọa trước vấn đề hạt nhân nên đã chấm dứt nỗ lực ngoại giao suốt 15 năm qua của các cường quốc và Iran bằng quyết định “trảm” JPCOA bất chấp nỗ lực ngăn chặn cuối cùng của người dân Mỹ.

Ông kêu gọi xây dựng một thỏa thuận “mới và lâu dài, theo hướng cứng rắn hơn với Tehran”, trong đó không chỉ đặt ra giới hạn sâu hơn với chương trình hạt nhân Iran, mà còn nhằm vào dự án tên lửa đạn đạo và việc nước này hỗ trợ hàng loạt nhóm vũ trang khắp Trung Đông.

Sự kiện này được giới quan sát đánh giá là bước đi sau cùng trong lộ trình “thổi sạch tàn dư Obama” trên chính trường, bởi vì di sản còn lại của người tiền nhiệm về cơ bản chính là chiếc ghế tổng thống - mà hiện giờ ông Trump lại đang ngồi yên vị rồi và sẽ làm tất cả để bảo vệ vị trí này.

Xích lại gần đồng minh

Bằng quyết định “chớp nhoáng” của mình, ông Donald Trump tin Iran sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ lệnh cấm vận nhưng không dám phát triển thêm chương trình hạt nhân. Ông Trump nghĩ rằng có thể cắt đứt huyết mạch kinh tế của Iran và “phá vỡ chế độ” ở quốc gia này.

Thế nhưng Iran chỉ là bước đệm để gắn kết Mỹ với các đồng minh Trung Đông, đặc biệt là Israel. Ông Trump tính toán rằng Iran sẽ không có đủ sức mạnh kinh tế để đối đầu với cả Mỹ và Israel cùng một lúc. Bản thân Iran cũng biết rõ rằng bất cứ động thái sản xuất thêm vật liệu hạt nhân nào cũng sẽ tạo cớ cho Mỹ và Israel tung đòn đánh phủ đầu.

Quả thực, với việc từ bỏ JPCOA, ông Donald Trump đang dần xoay trục về phía Israel để hiện thực tuyên bố “nếu tôi làm tổng thống thì Israel sẽ... không còn bị đối xử bất công”. Khi ông Trump lần đầu chạy đua tranh cử, ông không bày tỏ thái độ quá quyết liệt với Thỏa thuận hạt nhân Iran, thậm chí để ngỏ phương án giữ cam kết.

Sự thay đổi quan điểm của ông Trump bắt nguồn từ sự ủng hộ tuyệt đối của ông dành cho Thủ tướng Israel và phe Do Thái cứng rắn, cùng tuyên bố trước Ủy ban Các vấn đề công Israel rằng “ưu tiên số một là phá bỏ thỏa thuận tồi tệ với Iran”. 

Động thái của ông Donald Trump càng khiến Iran có quyết tâm đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Israel tỏ ra cực kỳ vui mừng trước động thái của chính quyền Donald Trump, coi đây là quyết định “sáng suốt và dũng cảm” của một đồng minh... lâu năm.

Ngay khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tỏ ra vô cùng giận dữ, miêu tả ông Trump không biết gì về luật pháp cùng cáo buộc Mỹ đang tiến hành “chiến tranh tâm lý”. 

Iran nói rằng hành động của Mỹ phá vỡ các thỏa thuận quốc tế, đồng thời cảnh báo chương trình làm giàu uranium của Iran sẽ được tái khởi động trong thời gian sớm nhất.

Iran cũng tỏ ra cứng rắn khi khẳng định sẽ không đàm phán lại với chính quyền Donald Trump, quyết tâm bác bỏ những yêu sách của người đứng đầu Nhà Trắng về việc thay đổi thỏa thuận và chỉ trích đây giống như “hành động bắt nạt”.

Tại Iran, phong trào phản đối Mỹ, đốt cờ Mỹ trong giới hoạt động chính trị, trong đó có cả các giáo sỹ dòng Shiite, gọi sự kiện ông Trump rút khỏi JPCOA là “cái chết dành cho xứ cờ hoa”.

Khi mà Donald Trump đang bận rộn với thượng đỉnh Mỹ - Triều thi Iran bất ngờ “nổ phát súng trả đũa đầu tiên”. Ngày 4/6, lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei ra lệnh ngay lập tức bắt đầu làm giàu uranium ở mức độ 190.000 SWU (đơn vị phân chia đồng vị phóng xạ, một trong những chỉ số về sức mạnh ly tâm) trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động chung toàn diện.

Ngay hôm sau, Iran chính thức thông báo với IAEA về việc khởi động tiến trình gia tăng năng lực làm giàu uranium, nhấn mạnh sẽ sản xuất nhiều tên lửa và vũ khí cần thiết để phòng vệ như một bước đi thách thức chính quyền Donald Trump vì “tự tiện hủy bỏ thỏa thuận”.

Với động thái này, Iran đang chứng minh cho ông Trump thấy quốc gia này không thể đồng thời bị trừng phạt và bị “giám sát hạt nhân”.

Canh bạc nhiều rủi ro

Quyết định từ bỏ JPCOA có thể đánh dấu chữ ký quan trọng tại thời điểm bước ngoặt cho chiếc ghế tổng thống đầy sóng gió của ông Trump. Nó mang lại cho ông cơ hội để củng cố triết lý “nước Mỹ trên hết”, đồng thời cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng đã “giữ lời hứa” trước cử tri.

Quan trọng hơn, Washington đã làm hài lòng các đồng minh - đối tác quan trọng nhất ở Trung Đông là Israel, “đối thủ truyền kiếp” của Iran. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, động thái lần này của chính quyền Donald Trump đem lại nhiều rủi ro hơn lợi ích. 

Việc rút Mỹ ra khỏi JCPOA sẽ là canh bạc mạo hiểm nhất mà ông từng chơi, đặt cược tương lai quan hệ Washington - Tehran cũng như phớt lờ những rủi ro khó lường trong một kịch bản xấu nhất là chiến tranh.

Theo dự đoán, hành động của ông Trump sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới ở Trung Đông, càng “thêm dầu vào lửa” khiến Iran có quyết tâm đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Khi ấy, thế giới đột nhiên quay trở lại điểm xuất phát vào năm 2012, trên con đường đối đầu đầy bất trắc ở Trung Đông.

Nguy cơ nổ ra một cuộc chiến ở Trung Đông do Iran phát động là rất nhỏ, nhưng với sự hiện diện của nhiều cường quốc tại đây, một cuộc xung đột khác ở Trung Đông có thể khiến tình hình thế giới leo thang lên mức độ căng thẳng mới. 

Trong trường hợp này, quyết định của ông Trump đã gây ra những hậu quả lâu dài ảnh hưởng hòa bình thế giới và lẽ tất yếu “không còn ai có thể tin vào Mỹ” sau những gì đã diễn ra.

Nhìn xa hơn, việc hủy cam kết JPCOA làm suy yếu vị thế quốc tế của “xứ cờ hoa”, khiến mối quan hệ giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump với các đồng minh châu Âu ít nhiều sứt mẻ. 

Trong bối cảnh này, các nước châu Âu như Anh, Pháp hay Đức đều ủng hộ quan điểm thế giới đã trở thành một nơi an toàn hơn nhờ vào JCPOA - “trụ cột an ninh quốc tế” quan trọng nhất hiện nay để ngăn Trung Đông chạy đua vũ khí hạt nhân.

Thế nên, hành động từ bỏ thỏa thuận Iran của Mỹ là “cơ hội và nhỏ nhen”, đồng thời vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế. Rõ ràng, ở thời điểm hiện tại, nước đi của Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ vào thế bất lợi, khiến vị thế của Nhà Trắng tiếp tục lung lay.

Một khi rút khỏi các hiệp định đa phương, Mỹ đang dần từ bỏ vai trò “lãnh đạo thế giới”, giúp Nga hay Trung Quốc tận dụng thời cơ để tạo dựng thanh thế, đẩy Mỹ xa dần “bàn cờ chính trị” thế giới...

Việt Dũng
.
.