Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Người sẽ cứu vớt châu Âu?

Thứ Sáu, 19/01/2018, 12:51
Bức tranh chính trị nước Pháp thời gian qua đã có những thay đổi sâu sắc với việc tổng thống trẻ nhất trong lịch sử đất nước Emmanuel Macron nhậm chức hồi tháng 5-2017. 

Những gì diễn ra trong năm vừa qua cũng phản ánh những ưu tiên lớn nhất của Tổng thống Macron nhằm thực hiện những cam kết tranh cử, đó là lấy lại lòng tin của người dân, vượt qua chia rẽ trong xã hội và xây dựng một nước Pháp hùng mạnh.

Trong năm 2018, chính quyền Macron sẽ tiếp tục những kế hoạch cải cách đầy tham vọng để hướng tới mục tiêu “hồi sinh” nền kinh tế vốn ì ạch nhiều năm qua. Trên bình diện quốc tế, Tổng thống Pháp đang có những động thái quan trọng để nâng cao uy tín của nước Pháp.

Ông khẳng định vị trí của Pháp là ở trong Liên minh châu Âu (EU) để bảo vệ những giá trị của mình trên thế giới, đồng thời đề xuất kế hoạch cải cách EU đầy táo bạo được thực hiện trong 10 năm tới. Những bước đi này cho thấy, Paris đang khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu lãnh đạo của EU.

Điều chỉnh ngân sách hợp lý

Vừa qua, chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã thông qua kế hoạch ngân sách năm 2018 với 356 phiếu thuận, 175 phiếu chống và 27 phiếu trắng. 

Theo đó, Tổng thống Macron đặt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 2,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn so với con số dự báo 2,9% GDP trong năm 2017, và tiết kiệm khoảng 15 tỷ euro ngân sách. Từ năm 2018, quỹ an sinh xã hội sẽ giảm 5,5 tỷ euro. 

Kế hoạch ngân sách này cũng sẽ “đóng băng” các dự án hạ tầng lớn và gần 1.600 viên chức sẽ bị sa thải. Chính quyền Tổng thống Macron đặt mục tiêu trong nhiệm kỳ 5 năm của mình sẽ tinh giản 120.000 biên chế trong cơ quan công quyền.

Chưa hết, chính quyền Macron tỏ ra “mạo hiểm” khi dự định cắt giảm 11 tỷ euro tiền thuế áp dụng với các cá nhân và doanh nghiệp trong năm 2018, nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động đầu tư, tuyển dụng và tăng trưởng kinh tế. 

Các biện pháp chủ yếu giúp hiện thực hóa kế hoạch đầy tham vọng này gồm xóa bỏ 80% thuế cư trú đối với các hộ gia đình tại Pháp, cắt giảm thuế tài sản và giảm dần thuế doanh nghiệp để đạt mức giảm 25% vào năm 2022 (so với mức 33% hiện hành). 

Ngoài ra, kế hoạch còn bao gồm việc giảm thuế thu nhập đối với lực lượng làm tài chính được hưởng lương cao - nỗ lực nhằm tăng sức hút của Paris (vừa được chọn là nơi đặt trụ sở Ngân hàng châu Âu) đối với các công ty tài chính nước ngoài đang tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi London sau khi Anh rời EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với tầm nhìn táo bạo, có thể trở thành người cứu vớt châu Âu hay ông vua mới của “lục địa già”.

Kế hoạch ngân sách 2018 sẽ bỏ thuế theo cấp độ đối với thu nhập của những nhân viên làm việc trong các công ty không chịu thuế giá trị gia tăng, như các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, áp dụng đối với mức lương trên 152.279 euro. 

Như vậy, từ ngày 1-1-2018 sẽ không còn khoản thuế 20% đánh vào mức lương này, trong khi các mức lương thấp hơn vẫn phải chịu thuế 13%. Bên cạnh chính sách thuế hấp dẫn nêu trên, chính quyền Macron cũng toan tính biện pháp nhằm cải thiện sức hút của Pháp đối với các công ty tài chính đang tìm cách di chuyển tới Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đó là hủy bỏ kế hoạch áp thuế đối với các giao dịch tài chính trong ngày. 

Những động thái này cho thấy quyết tâm thực hiện cam kết ổn định tình hình tài chính trong nước của Tổng thống Macron - người từng lãnh đạo Bộ Tài chính Pháp trước khi bước vào Điện Elysee.

Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp cũng cho biết chính phủ sẽ giữ vững cam kết đưa mức thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% theo quy định của Liên minh châu Âu. Nếu mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách được hoàn thành thì đây sẽ là lần đầu tiên trong một thập niên qua Pháp có thể giữ thâm hụt ngân sách trong mức mà châu Âu yêu cầu và giúp nước này tăng tín nhiệm quốc gia trên bình diện châu Âu. 

Chưa hết, Tổng thống Emmanuel Macron cũng công bố lộ trình tăng ngân sách quốc phòng bắt đầu trong năm 2018 và sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong năm 2025.

Theo đó, chi tiêu quốc phòng năm 2018 sẽ đạt 34,2 tỷ Euro, với 650 triệu Euro dành cho các hoạt động ở nước ngoài. Ông Macron khẳng định đây là một nỗ lực đáng kể trong bối cảnh Pháp đang phải thắt chặt chi tiêu ngân sách quốc gia.

Chiến lược đối ngoại khéo léo

Trong năm 2018, Tổng thống Macron sẽ phải nhìn lại tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi nước Pháp gần đây định hình được chính sách khá hiệu quả và tương xứng với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của khu vực này. 

Trên thực tế, châu Á - Thái Bình Dương đang trỗi dậy như là động lực tăng trưởng chính của toàn cầu với sức mạnh về kinh tế, địa thế chiến lược, vai trò tác động tới cán cân toàn cầu trong các vấn đề từ môi trường đến quân sự - chính trị. Nhờ cách tiếp cận đa chiều của những chính phủ trước, Pháp được công nhận là một đối tác đáng tin cậy, lâu năm và hiệu quả, một bên trung gian trung thực ở châu Á - Thái Bình Dương. 

Rõ ràng, Tổng thống Macron sẽ được hưởng lợi từ nền tảng quan hệ tốt đẹp hiện nay với các nước châu Á như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Vì vậy, chính quyền Macron càng muốn sớm thắt chặt mối quan hệ và tăng cường ảnh hưởng của Pháp tới khu vực này để đảm bảo vị thế toàn cầu trong tương lai.

Pháp cần đến châu Á - Thái Bình Dương như là một thị trường tiềm năng để chấn hưng nền kinh tế vẫn còn rất trì trệ sau suy thoái. Đầu tư trực tiếp của Pháp vào khu vực này hiện đã vượt 60 tỷ euro, và đặc biệt trong thị trường thiết bị quốc phòng, có khoảng 40% tàu ngầm bán cho các nước Đông Nam Á là từ Pháp. 

Ngoài ra, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang nắm giữ những lợi ích an ninh quốc gia trực tiếp của Pháp. Với 1,6 triệu công dân sinh sống trên các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp như Mayotte, La Reunion ở Ấn Độ Dương hay New Caledonia, Polynesia, Clipperton và quần đảo Wallis và Futuna ở Thái Bình Dương - tất cả tạo thành vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chính quyền Macron cần phải kiên quyết nỗ lực bảo vệ các nguyên tắc tự do hàng hải ở châu Á, đặc biệt là Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương và Biển Đông. 

Vì những lý do trên mà Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi tái lập sự hiện diện chiến lược của Pháp ở châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ kế hoạch chung của châu Âu.

Chính quyền Macron công bố kế hoạch cải cách thuế đầy mạo hiểm.

Còn ở châu Âu, Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt đề xuất cải cách sâu rộng cho Liên minh châu Âu trong 10 năm tới. Ông cho rằng EU đang “quá yếu, chậm chạp và thiếu hiệu quả”, song nhấn mạnh duy trì một châu Âu thống nhất và đoàn kết là cách duy nhất để các nước khu vực tham gia giải quyết hiệu quả những thách thức lớn của thời hiện đại trên trường quốc tế. 

Tổng thống Pháp đề xuất thành lập một lực lượng phòng vệ chung, một ngân sách quốc phòng chung và học thuyết chiến lược của riêng EU nhằm nâng cao tiếng nói của khối trong bối cảnh những nguy cơ về an ninh gia tăng. 

Giới quan sát nhận định, nhà lãnh đạo Pháp có một tầm nhìn táo bạo, có thể sẽ “soán ngôi” lãnh đạo châu Âu của Thủ tướng Đức Angela Merkel để trở thành người cứu vớt châu Âu hay ông vua mới của “lục địa già”.

Tuy nhiên, để trở thành một người hùng châu Âu, Tổng thống Pháp không thể hành động một mình, nhất là khi tầm nhìn mới công bố của ông đang tạo ra những phản ứng trái chiều trong dư luận châu Âu. 

Một số quan điểm cho rằng, ông Macron nên tập trung vào nước Pháp, đồng thời cảnh báo rằng sự hội nhập xa hơn có thể khiến nhiều thành viên theo bước chân của Anh từ bỏ EU. 

Theo đó, cải cách sâu rộng theo hướng của ông Macron không thích hợp để đưa châu Âu tiến lên, thậm chí chỉ khiến “lục địa già” thêm chia rẽ. Mặc dù vậy, với một châu Âu đang đối mặt với nhiều khủng hoảng như việc Anh “ly hôn” EU, cuộc khủng hoảng di cư, sự gia tăng của chủ nghĩa dân túy cùng xung đột trong mối quan hệ giữa châu Âu và các quốc gia khác, những tuyên bố của Tổng thống Pháp được dư luận hoan nghênh, tiếp thêm niềm tin và động lực cho triển vọng của châu Âu sau nhiều năm khủng hoảng.

Nhìn chung, nước Pháp, châu Âu hay toàn thế giới đều mong chính quyền Emmanuel Macron có những động thái nhằm bảo vệ những “tư tưởng Ánh sáng” vốn đang bị đe dọa ở nhiều nơi, bảo vệ các quyền tự do, bảo vệ những người bị áp bức. 

Với Tổng thống Pháp, nhiều trách nhiệm nặng nề đang chờ đón ở phía trước và các trách nhiệm đó sẽ tiếp tục là thách thức đối với chính quyền trong năm 2018. Đó là phải hình thành được một đa số thực sự và mạnh mẽ trong trong quốc hội, thiết lập được yêu cầu đạo đức trong đời sống công, bảo vệ sức sống của nền dân chủ và chấn hưng kinh tế. 

Chưa hết, ông Macron cũng cho rằng cần phải đổi mới châu Âu, thiết lập quan hệ tốt hơn và biết cách gìn giữ “tình bằng hữu” với các quốc gia hay khu vực khác trên thế giới. 

Người đứng đầu Điện Elysee cam kết sẽ chiến đấu với tất cả sức lực để chống lại sự chia rẽ đã làm nước Pháp suy yếu, sẽ phục vụ nước Pháp với tất cả sự tận tụy, lòng quyết tâm và sự khiêm nhường vì các giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”...

Lê Nam
.
.