Nỗ lực thành lập Chính phủ liên minh sụp đổ: Thất bại của nước Đức, nỗi lo của châu Âu

Thứ Sáu, 15/12/2017, 07:20
Nước Đức vừa qua đã chứng kiến một thất bại bất ngờ của nữ Thủ tướng Angela Merkel trong nỗ lực thành lập chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử tháng 9. 

Các cuộc đàm phán đã không tìm được “tiếng nói chung” sau khi đảng Dân chủ Tự do (FDP) tuyên bố bỏ cuộc, bất chấp việc đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và đảng Xanh đã gần như đồng thuận về vấn đề hóc búa nhất là chính sách nhập cư.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thốt lên rằng “đây là ngày sẽ ảnh hưởng sâu sắc tới con đường phía trước của nước Đức”. Theo giới phân tích, việc bà Angela Merkel thất bại trong đàm phán để thành lập chính phủ liên minh bị coi là một cú sốc chính trị với nước Đức, đe dọa nghiêm trọng tương lai của nữ Thủ tướng Đức. 

Tuy vậy, bà Angela Merkel khẳng định không thấy có lý do gì để từ chức sau thất bại, tuyên bố vẫn tiếp tục điều hành đất nước cho đến khi thành lập được chính phủ mới, bất chấp hạn chế ở một số quyền theo quy định của Hiến pháp.

Cú sốc chính trị

Sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, nước Đức đang đứng trước nguy cơ phải tổ chức bầu cử lại bởi liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã không tìm được tiếng nói chung với các đối tác. Cuộc đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa CDU/CSU, FDP và đảng Xanh đã kết thúc trong thất bại.

Quá nhiều khác biệt không thể dung hòa khi mỗi bên vừa phải cố giữ lời hứa với cử tri của mình, lại vừa phải nhân nhượng để thỏa thuận được một hiệp ước chung. Các cuộc thương thảo diễn ra trên 3 chủ đề chính là nhập cư, thuế và môi trường.

Cụ thể, các bên không thể “chung một mái nhà” do bất đồng quan điểm về chuyện bỏ thuế “đoàn kết”, huy động tiền để giúp các khu vực từng thuộc Đông Đức hồi phục sau khi thống nhất. Tiếp đó là nhiều tranh cãi liên quan đến các mục tiêu biến đổi khí hậu và thông qua chính sách cũng như nguồn tài chính cho vấn đề này.

Những bất đồng gay gắt, đặc biệt về khủng hoảng nhập cư, đã khiến Thủ tướng Angela Merkel thất bại trong nỗ lực thành lập chính phủ liên minh.

Bất đồng cực kỳ gay gắt khi bàn thảo về khủng hoảng nhập cư. Nhờ chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel, 1,2 triệu người nhập cư đã chọn Đức là nhà của họ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng năm 2015 tới năm 2016. 

Giờ đây, các đảng không thể dàn xếp bất đồng quanh việc cho phép người tị nạn đoàn tụ với các thành viên gia đình họ. Đảng CSU, liên minh truyền thống của CDU, kiên quyết giữ quan điểm cứng rắn, không nhượng bộ đảng Xanh.

Cụ thể, đảng Xanh muốn bãi bỏ 2 điều khoản, một là mức trần chỉ nhận tối đa mỗi năm 200.000 người tị nạn và hai, là lệnh cấm liên quan đến việc đoàn tụ gia đình cho những người nhập cư chỉ có giấy phép cư trú 1 năm một. Tuy nhiên, đảng CSU phản đối gay gắt cả hai đề xuất này do lo ngại nếu nhượng bộ trong vấn đề nhập cư thì sẽ đánh mất lượng cử tri, đặc biệt tại bang Bavaria truyền thống của đảng này.

Rõ ràng, Thủ tướng Angela Merkel đang phải chứng kiến thực tế các bên đàm phán không có niềm tin với nhau, và việc không thành lập liên minh thậm chí “còn tốt hơn là cầm quyền một cách tệ hại”. Điều này chẳng khác nào một “gáo nước lạnh” đối với nữ Chủ tịch CDU - người cầm quyền nước Đức liên tục suốt 12 năm qua. 

Truyền thông coi thất bại lần này của bà Merkel là một bất ngờ lớn bởi việc “bà đầm thép” có thêm 1 nhiệm kỳ thủ tướng là gần như chắc chắn bởi thành tích của Chính phủ Đức tương đối ấn tượng sau cuộc bầu cử quốc hội vừa qua. Thành tích và điểm tựa kinh tế chính là thứ “vũ khí lợi hại” giúp bà Merkel giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ.

Đáng chú ý là, những phát ngôn của bà Merkel về các vấn đề kinh tế - xã hội hay đối ngoại (trong đó nhấn mạnh các ưu tiên chính sách bà đã thực hiện trong 3 nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua), dù vẫn chỉ là “lối cũ ta về”, vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri Đức.

Mặc dù tuyên bố sẽ làm hết sức để đưa nước Đức đi đúng hướng trong những ngày tới nhưng Thủ tướng Merkel cũng thừa nhận chính trường Đức đang phải đối mặt với những ngày vô cùng khó khăn. Hiện nay, nước Đức đứng trước viễn cảnh phải tổ chức lại một cuộc tổng tuyển cử ngay đầu năm 2018, đe dọa nghiêm trọng tương lai chính trị của bà Merkel.

Theo thăm dò, có đến 61,4% cử tri Đức cho rằng nếu việc thành lập chính phủ liên minh thất bại thì bà Merkel không thể giữ được ghế thủ tướng. Chưa hết, vai trò lãnh đạo của bà Merkel trong nội bộ CDU cũng bị đe dọa bởi uy tín của bà đã suy yếu khá nhiều sau kết quả không như ý trong cuộc tổng tuyển cử liên bang cuối tháng 9.

Dù vậy, nữ Thủ tướng khẳng định sẵn sàng tiếp tục dẫn dắt liên đảng CDU/CSU, đồng thời sẽ tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử mới trong trường hợp phải tổ chức tái bầu cử. Bà nhấn mạnh, nếu được chọn, bà muốn tiến hành cuộc bầu cử mới hơn là lãnh đạo một chính phủ thiểu số luôn phải đấu tranh để đạt sự đồng thuận về mọi vấn đề.

Thế suy của Thủ tướng Merkel không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của Đức, nó còn là nỗi lo của toàn châu Âu.

Tương lai trắc trở

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với thách thức chính trị lớn chưa từng có, thậm chí có thể khiến bà phải ra đi. Tồi tệ hơn nữa, thế suy của Thủ tướng Merkel không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của Đức, nó còn là nỗi lo của toàn châu Âu. Lâu nay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn trông cậy vào nữ chính trị gia tài ba này.

Và giờ thì không rõ liệu bà có giữ nổi quyền lực nữa hay không. Đó cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với một lục địa đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit), hội nhập người tị nạn và một làn sóng chính trị cực hữu ngày càng lan rộng, từ Ba Lan tới Cộng hòa Séc và Áo. Đó là chưa kể đến khía cạnh kinh tế. 

Nhờ bàn tay mạnh mẽ của Thủ tướng Merkel, nền kinh tế dồi dào sinh lực của Đức đã trở thành một nhân tố bình ổn quan trọng trong thời kỳ châu Âu khủng hoảng kinh tế. Khi vị thế của bà Merkel lung lay, các thị trường chắc chắn sẽ “run rẩy” theo.

Việc các chính đảng tại Đức không đạt được thỏa thuận hình thành một liên minh là chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị ở nước này, đồng thời đặt chính trị Đức trước các kịch bản khác nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng Merkel có thể quay lại kêu gọi đàm phán với đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vốn là đối tác của liên minh CDU/CSU trong 4 năm qua, song khả năng này hầu như không có khi SPD đã kiên quyết không tham gia đàm phán thành lập chính phủ mà trở thành đảng đối lập và sẵn sàng cho một cuộc bầu cử mới.

Kịch bản thứ hai là CDU/CSU liên minh với đảng Xanh thành lập chính phủ thiểu số, song một chính phủ như vậy sẽ không ổn định và cũng không phải là điều mong muốn của Thủ tướng Merkel. Điều khó cho bà Merkel hiện nay là lựa chọn nào cũng phức tạp. 

Bất luận Chính phủ Đức được thành lập theo kịch bản nào, AfD cánh hữu cũng có thể là “kẻ phá đám” đối với liên minh cầm quyền.

Giới phân tích cho rằng, kể cả khi “bà đầm thép” có thể lập được một chính phủ liên minh thì nước Đức sẽ trải qua một thời khắc thay đổi chính trị ở tầm rộng lớn hơn: bắt đầu khép lại nhiệm kỳ của bà.

Kịch bản cuối cùng được đồn đoán nhiều khả năng xảy ra nhất là nước Đức sẽ tiến hành bầu cử lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Theo quy định, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmer sẽ yêu cầu quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Merkel. 

Nếu chính phủ vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng thống Steinmeier sẽ quyết định phê chuẩn bà Merkel tiếp tục cương vị của mình hoặc sẽ giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử trước thời hạn trong vòng 60 ngày sau đó.

Cho tới lúc này, khả năng tiến hành một cuộc bầu cử mới là rất cao, bởi đại diện các đảng đều đã đề cập tới khả năng bầu cử lại.

Thủ tướng Merkel tuyên bố sẵn sàng là ứng cử viên thủ tướng của liên đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử mới, đồng thời khẳng định CDU/CSU đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây là điều các chính đảng không mong muốn xảy ra do lo ngại đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) có cơ hội giành thêm ghế tại cơ quan lập pháp Đức. 

Trong thời gian tới, bất luận Chính phủ Đức được thành lập theo kịch bản nào, AfD cũng có thể là “kẻ phá đám” đối với liên minh cầm quyền.

Giới phân tích cảnh báo, cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức đe dọa làm tê liệt châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với một loạt vấn đề và thách thức. 

Nếu tiến trình thành lập Chính phủ Đức tiếp tục lâm vào bế tắc, quyết định sẽ nằm trong tay Tổng thống Steinmeier, kể cả trường hợp thuyết phục SPD tiếp tục tham gia liên minh cầm quyền. Dù diễn tiến theo kịch bản nào đi chăng nữa, thực tế cho thấy nước Đức đang phải đối mặt với những tháng ngày khó khăn.

Thủ tướng Angela Merkel sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt nước Đức nói riêng và EU nói chung trong nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp của mình. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy dù giữ được ghế thủ tướng, “bà đầm thép” của nước Đức sẽ có một nhiệm kỳ không dễ dàng để thực hiện lời hứa với cử tri là bảo đảm “quốc thái dân an”.

Anh Lâm
.
.