Thủ tướng Anh Theresa May và thách thức Brexit: Gian nan không nản

Thứ Sáu, 03/08/2018, 13:26
Trong vòng 2 năm qua, kể từ thời điểm người Anh bỏ phiếu lựa chọn rời EU (Brexit), London hầu như đạt được rất ít tiến bộ trong quan hệ với 27 thành viên còn lại, cũng như tỏ ra ít nhiều lúng túng trong quá trình đàm phán.


Trên thực tế, chính quyền của bà Theresa May đã từ bỏ ý tưởng “Brexit cứng” nhằm cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với EU, mà chọn cách tiếp cận “Brexit mềm”, chấp nhận một số quy tắc của EU về hàng hóa và sản phẩm nhưng từ chối các quy định đối với dịch vụ, đi kèm với một số quy định riêng của Anh.

Tưởng như quyết định của bà May đã tạo nên đột phá nhưng thực chất lại làm bùng nổ những tranh cãi mới, khiến nội các rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Sóng gió chính trường

Năm 2017 đã chứng kiến các cuộc đàm phán vô cùng khó khăn của kế hoạch nước Anh rời khỏi EU. Điều mà dư luận quan tâm là trong năm 2018, liệu Brexit có diễn ra êm thấm hay không. 

Sau một loạt cuộc đàm phán thì vừa qua, Thủ tướng Theresa May tuyên bố nội các của bà đã đạt được sự nhất trí về kế hoạch tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu thời hậu Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố đã đạt được sự nhất trí về kế hoạch tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu thời hậu Brexit.

Theo bà May, Anh sẽ thành lập một khu vực thương mại hàng hóa tự do với EU với “bộ quy tắc chung” cho các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp, theo đó cho phép tiến hành trao đổi thương mại không rào cản và tránh việc phải áp đặt một biên giới “cứng” tại Bắc Ireland.

Bên cạnh đó, Quốc hội Anh có tiếng nói cuối cùng về mọi quy định và luật lệ, đồng nghĩa với việc các nghị sĩ sẽ phải quyết định có thông qua hay không mọi sửa đổi do phía EU đưa ra. Brexit diễn ra đồng nghĩa với việc chấm dứt việc đi lại tự do và việc đóng góp cho EU, cùng với thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu đối với nước Anh.

Thủ tướng May coi đây là bước đi quan trọng trong tiến trình đàm phán để Brexit diễn ra êm thấm nhất, đồng thời là tiền đề cho nước Anh công bố “Sách Trắng Brexit” tạo nền tảng tự do xây dựng các thỏa thuận thương mại với các nước khác, trong khi vẫn duy trì những tiêu chuẩn cao về luật pháp, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.

Rõ ràng, bà May có cớ để vui mừng với quyết định này khi cho rằng Anh vẫn gắn chặt với thị trường chung châu Âu sau Brexit, đồng thời tạo ra hướng đi thống nhất về tương lai các cuộc đàm phán với EU trước khi Brexit chính thức diễn ra.

Thủ tướng Anh hi vọng sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tháng 10-2018 nhưng cũng nhấn mạnh tích cực chuẩn bị cho tình huống rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019 mà không đạt được thỏa thuận nào. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược với mong muốn của bà May khi mâu thuẫn bùng nổ với sự ra đi liên tiếp của nhiều nhân vật trong nội các. 

Và bà đã rất lo sợ rằng, những mâu thuẫn về Brexit sẽ làm lung lay chính phủ thiểu số mà bà đã cất công xây dựng bấy lâu, đe dọa chiếc ghế ở nhà số 10 phố Downing.

Chính trường Anh dậy sóng khi Ngoại trưởng Boris Johnson đệ đơn từ chức nhằm phản đối kế hoạch của chính quyền May về một quan hệ thương mại mật thiết với EU hậu Brexit. 

Ông Boris Johnson đã gọi Brexit là “giấc mơ sắp tàn”, như một cách ám chỉ thực trạng Brexit hiện nay cũng như sự bế tắc của chính quyền Theresa May.

Tuy nhiên, đòn mạnh nhất với bà May lại là việc Bộ trưởng Phụ trách vấn đề Brexit David Davis ra đi sau những bất đồng với chính nữ Thủ tướng nhằm tìm ra hướng đi tối ưu cho tiến trình đàm phán Brexit. 

Sự ra đi của hai “lão tướng” - hai cá nhân ủng hộ “Brexit cứng” từng gắn bó với bà May ngay từ những ngày đầu bà nhậm chức - cho thấy mọi dự định của Thủ tướng Anh đang đứng trước nguy cơ... vỡ vụn, đồng thời phản ánh một chính phủ yếu hơn bao giờ hết, khó có thể xây dựng một chính sách ngoại giao và thương mại cho thời kỳ chuyển tiếp quan trọng sắp tới.

Không ít lần, những mâu thuẫn và chia rẽ trong nội bộ liên quan đến Brexit làm lung lay chiếc ghế thủ tướng của bà May. Nhưng sự ra đi của hai cái tên nổi bật Boris Johnson và David Davis mới thực sự đặt ra thách thức lớn nhất, phủ nhận hoàn toàn tuyên bố đầy tự tin trước đó của bà May rằng “tôi đã xóa bỏ sự chia rẽ trong nội các về thỏa thuận giữ mối quan hệ thương mại thân thiết nhất có thể với EU hậu Brexit”.

Hiện các nghị sĩ Bảo thủ đang làm đơn kiến nghị để tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thủ tướng (nếu thu thập đủ ít nhất 48 đơn) vì cho rằng chiến lược mà chính quyền bà May thông qua đã phản lại cam kết “chia tay dứt khoát” với EU. 

Điều này thách thức vai trò lãnh đạo của bà May, đồng thời khiến bà phải suy tính xem có nên thay đổi hay kiên trì bám trụ với quyết định của chính mình.

Sẵn sàng đương đầu

Rối loạn nội các để phản đối kế hoạch Brexit “quá mềm” của chính quyền Theresa May rõ ràng là bất lợi, nhưng giới quan sát nhận định bà May đang dần ổn định được tình hình. Chính phủ không sụp đổ như lo ngại và làn sóng từ chức hàng loạt của các thành viên nội các gần như chẳng có tác dụng.

Trên lý thuyết, việc Phó Chủ tịch đảng Bảo thủ Maria Caulfield và quan chức chính phủ Ben Bradley “nối gót” Boris Johnson và David Davis có thể làm gia tăng sức ép để hạ bệ bà May. 

Sự ra đi của Ngoại trưởng Boris Johnson và Bộ trưởng Brexit David Davis cho thấy các kế hoạch của Thủ tướng Anh đang đứng trước nguy cơ... vỡ vụn.

Thế nhưng, hai gương mặt này chỉ nắm giữ những vị trí nhỏ trong chính phủ và không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ tiếp tục có những quan chức khác trong nội các nộp đơn từ chức trong thời gian sắp tới.

Dù phản đối bà May, phe “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ cũng thừa hiểu chưa có gương mặt thay thế bà May dẫn dắt Anh vượt qua Brexit. Hầu hết các nghị sĩ Bảo thủ đều không quá mặn mà với việc bị cuốn vào một cuộc tranh chấp quyền lực nội bộ, nhất là việc bà May ra đi có thể mở đường cho tham vọng quyền lực của một nhân vật đầy tranh cãi như Boris Johnson.

Ngoài ra, tỷ lệ ủng hộ bà trong công chúng ngày càng tăng cao, cho thấy người dân Anh đã bị thuyết phục rằng bà May sẽ đấu tranh cho đến khi hoàn thành “sứ mệnh Brexit”. 

Đây chính là lý do bà May có thể tiếp tục vai trò thuyền trưởng lèo lái nước Anh từ nay đến hết tháng -2019, cho dù khó khăn có thể quay lại vào mùa thu với áp lực đạt được thỏa thuận với EU và thông qua thỏa thuận đó tại Quốc hội.

Trong bối cảnh này, Thủ tướng Theresa May đã chính thức khẳng định không từ chức và sẵn sàng đương đầu với bất kỳ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào. Bà sẽ bảo vệ đến cùng việc triển khai kế hoạch “đúng đắn” đã công bố, đồng thời sẵn sàng đưa ra nhiều chiến lược mới đảm bảo cho tiến trình Brexit được suôn sẻ.

Nhờ kế hoạch tiềm năng này, Anh sẽ bước vào một giai đoạn mới mà nội các, dưới sự lãnh đạo của bà May, luôn đề cao trách nhiệm tập thể và không còn mâu thuẫn. Chưa hết, theo bà May, Anh đang thách thức EU, buộc khối này phải suy nghĩ lại để tìm ra một cơ chế mới bình đẳng về quyền và nghĩa vụ cho cả hai bên.

“Sách Trắng Brexit” khả thi, mạnh dạn và tham vọng nhưng cũng rất thực tế, tôn trọng nguyện vọng của cử tri Anh.

Bà May cũng cảnh báo, EU phải tham gia đàm phán với tinh thần xây dựng và nghiên cứu kĩ lưỡng mọi đề xuất của Anh, thay vì đưa ra những ý tưởng không thể thành hiện thực và ép nước Anh thực hiện.

Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, bà May cũng hành động quyết đoán và nhanh chóng để ổn định nội các trong bối cảnh phe đối lập cáo buộc Chính phủ Anh đang trên bờ vực sụp đổ.

Thủ tướng Anh đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt làm Ngoại trưởng mới, trong khi giao trọng trách Bộ trưởng Brexit cho cựu Quốc vụ khanh Dominic Raab - hai nhân vật được giới quan sát đánh giá là có tư tưởng thân châu Âu và cam kết tôn trọng kế hoạch “Brexit mềm” của bà May.

Tiếp đó, nữ Thủ tướng chuẩn bị tái khởi động các nỗ lực ngoại giao cấp cao với nhiều lãnh đạo EU để thuyết phục họ về kế hoạch Brexit của Anh.

Động thái mới nhất của chính quyền May là công bố “Sách Trắng Brexit” - văn bản có ý nghĩa nhất về Brexit tập hợp những đề xuất được Chính phủ Anh đưa ra với kỳ vọng thiết lập nền tảng cho mối quan hệ gần gũi trong tương lai giữa Anh và EU trong mọi lĩnh vực.

Bà May nhấn mạnh, văn bản này “khả thi, mạnh dạn và tham vọng, nhưng cũng rất thực tế”, tôn trọng nguyện vọng của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. 

Giới quan sát lạc quan cho rằng, với cá tính kiên trì, cùng cái “uy” thủ tướng và những động thái đầy kiên quyết, bà chắc chắn sẽ tìm thấy giải pháp hợp lý để thuyết phục toàn bộ nội các và trong tương lai là Quốc hội, về một Brexit suôn sẻ cho nước Anh.

Việt Dũng
.
.