Brazil trước thềm cuộc bầu cử mới: Ở hai phía của niềm tin
- Cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva tranh cử ở trong tù
- Bầu cử Tổng thống Brazil: Liên minh đối lập thách thức đương kim Tổng thống
- Đảng Xanh sẽ làm trọng tài cho vòng 2 cuộc đua bầu cử tổng thống Brazil
Song, cho đến hiện tại, dường như vẫn chưa ai chỉ đích danh được một vị nguyên thủ đủ sức hàn gắn tất cả các mâu thuẫn và kích hoạt mọi nguồn lực của quốc gia Nam Mỹ ấy, để đẩy Brazil trở lại quỹ đạo tươi sáng trước những sóng gió chính trường trong quá khứ gần.
Chuyện nghiêm chỉnh như đùa!
Một người tù ra ứng cử Tổng thống Brazil? Không phải câu chuyện hài hước nào đâu, đó là điều đang được đề cập tới một cách vô cùng nghiêm túc, bắt đầu từ phòng giam của cựu Tổng thống Luiz Inacio “Lula” da Silva - người đang thụ án 12 năm tù giam vì bị kết tội tham nhũng, từ năm ngoái.
“Lula”, ngày 15/8, đã chính thức gửi đăng ký trở thành ứng cử viên tham gia đường đua đang mở rộng hết cỡ tới chiếc ghế tổng thống, tức là trở lại với vị trí mà ông từng đảm nhiệm suốt 8 năm (từ 2003 tới 2011). Và ngày 16-8, chiến dịch tranh cử Tổng thống Brazil chính thức bắt đầu, với 13 ứng cử viên, bao gồm cả “Lula”.
8 năm ấy, thực ra cũng là 2 nhiệm kỳ không ít thành công và dấu ấn tích cực. Đến độ mà lúc này, đồng vọng với lời tuyên bố của ông rằng mình “vẫn có thể làm được nhiều điều” để đưa đất nước thoát khỏi một trong những cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trong lịch sử Brazil kể từ khi giành được độc lập, thì trên những đường phố của thủ đô Brasillia, khoảng 10.000 người đã tuần hành để biểu thị sự ủng hộ ông.
Người biểu tình đòi thả tự do cho cựu Tổng thống “Lula” da Silva tuần hành trên đường phố Brasillia. Ảnh AFP |
Nhưng, còn hơn thế, đặt vấn đề theo cách của hãng thông tấn uy tín Bloomberg, không phải là “Lula da Silva sẽ phải cạnh tranh với những ai?”, mà là “Tòa án Tối cao Brazil thách thức tiến trình ứng cử của Lula!”.
Lula, dù đã chấp hành lệnh bắt giữ dành cho mình, vẫn luôn phủ nhận mọi cáo buộc. Và cho đến nay, đã 3 lần liên tiếp, Tòa án Tối cao Brazil bác đơn kháng cáo của ông.
Một người tù đang phủ cái bóng của mình lên cả một hệ thống chính trị. Bởi vì, theo thống kê từ các cuộc khảo sát, người tù ấy đang dẫn đầu cuộc đua từ sau song sắt, với 30% tỷ lệ người được hỏi ủng hộ.
Bám sát ông nhất, ứng cử viên cánh hữu Jair Bolsonaro - người được mệnh danh là “Donald Trump” của Brazil - cũng chỉ đạt mức 18,5%. Người đứng thứ ba, Marina Rede, chỉ giành được 13,5%.
Từ cánh tả đến cánh hữu, từ đường phố đến Tòa án Tối cao, sự chia rẽ và những mầm mống bất ổn, những va chạm về tư tưởng, những xung đột về quyền lợi... vẫn đang bao trùm lên cuộc tổng tuyển cử sắp tới này.
Những mặt người lấm bụi
Có những cái tên không thể không nhắc tới và những khái niệm không thể không đề cập khi nói về Brazil của hiện tại, sau những cơn dông bão chính trường liên tiếp ập tới suốt 2 năm qua, bên cạnh Luiz Inacio “Lula” da Silva.
Đó là vụ bê bối tham nhũng Petrobras (tên đầy đủ là Petroleo Brasileiro - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Brazil, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Mỹ latin), bắt đầu bùng nổ vào năm 2014, dẫn đến việc hàng loạt nhân vật cao cấp của Brazil vướng vòng lao lý.
Hệ lụy của nó kéo dài đến tận hiện tại, khi chỉ trong năm 2017, chính phủ của Tổng thống Michel Temer có tới 9 bộ trưởng, chưa kể chính ông, bị Tòa án Tối cao yêu cầu điều tra. Như Financial Times hé lộ năm 2016, Petrobras, với phần lớn cổ phần thuộc về nhà nước, đã trở thành một vụ tư hữu hóa tài sản quốc gia lớn bậc nhất thế giới vào năm 2007.
Họ phát hiện thấy một mỏ dầu nằm sâu 2.000m dưới một dải muối, và với những lý do mang tính “ái quốc”, đảng Lao động (PT) của “Lula” đang cầm quyền khi đó đã quyết định giữ nó “trong những bàn tay của riêng mình”.
Đó là Lava Jato (tiếng Anh: Operation Car Wash) - một thứ chợ đen (doleiros) tài chính có sức bao trùm ghê gớm, hoạt động song hành với vụ Petrobras. Khi những hoạt động điều tra đầu tiên về Lava Jato có kết quả (từ năm 2014 đến năm 2016), đã có gần 200 người bị thẩm vấn và 93 phán quyết được tuyên, với tổng thời gian thụ án lên tới gần 1.000 năm tù.
Con số ấy chưa chắc đã tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, khi mức độ thâm lạm ngân sách từ các hoạt động của chợ đen này, theo những kết quả ban đầu, đã là gần 42 tỷ real (tiền Brazil, hơn 10 triệu USD)
Đó là Dilma Rousseff, người kế nhiệm “Lula”, nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil, cũng là người đứng đầu Petrobras từ năm 2003 đến năm 2010, trước khi đắc cử.
Bà bị đình chỉ chức vụ vào giữa nhiệm kỳ thứ hai của mình, ngày 3-12-2015, sau một cuộc bỏ phiếu của Thượng viện Brazil, bởi những cáo buộc về hành vi che giấu thâm lạm ngân sách cũng như vi phạm các quy định về điều hành, quản lý đất nước.
9 tháng sau, ngày 31-8-2016, bà chính thức bị phế truất bởi kết quả của một cuộc bỏ phiếu khác, để nhường chỗ cho phó Tổng thống Michel Temer (đảng trung hữu PMDB) - một đồng minh cũ, kết thúc 13 năm cầm quyền liên tiếp của đảng PT.
Suốt quãng thời gian đó, bà và những người ủng hộ mình vẫn nỗ lực giành lại quyền lực và kết tội phe Temer đã tiến hành “một cuộc đảo chính” tại quốc hội.
Điều họ đạt được, rất đáng chú ý, là việc ngăn cản tính toán của cánh hữu tước quyền hoạt động chính trị của Dilma Rousseff tới tận 8 năm sau đó. Một cuộc bỏ phiếu nữa về vấn đề này đã để ngỏ cho bà cánh cửa trở lại chính trường.
Ông Jair Bolsonaro sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu ông “Lula” không được phép tham dự cuộc bầu cử. Ảnh AP. |
Và cuối cùng, đó là Sergio Moro, một thẩm phán liên bang sắt đá, một quan tòa không khoan nhượng, đến từ thành phố miền nam Brazil, Curitiba. Bắt đầu nổi danh với việc tuyên án 19 năm cho một trong những nhà tài phiệt địa ốc quyền lực nhất Brazil - Marcelo Odebrech, ông đã vượt qua mọi giới hạn, thách thức mọi quyền lực và lật tung mọi thiết chế bóng tối ở quốc gia Nam Mỹ này.
Bắt đầu từ ông, những cuộc điều tra liên tiếp dành cho “giới tinh túy” Brazil bùng lên dữ dội, để rồi thậm chí còn được so sánh với chiến dịch bài trừ mafia “Bàn tay sạch” nổi tiếng tại Italy những năm 1990.
Chỉ có điều, cho đến tận bây giờ, bất kể lời tuyên bố của Michel Temer khi nhậm chức, rằng “một thời đại mới đã bắt đầu”, thượng tầng kiến trúc của Brazil vẫn đang là một đống ngổn ngang.
Cuộc khủng hoảng vẫn còn đó
Trở lại với cuộc đua, nói như tờ The Economist: “Vẫn còn quá khó để dự đoán người chiến thắng”, cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 10 này. Khó, bởi vì có lẽ sau những gì đã và đang diễn ra, chưa ai đủ khả năng thực sự tái tạo được niềm tin cho đại chúng nhân dân, về khả năng vãn hồi kỷ cương và sự trong sạch. Và khó, bởi vì không thể trong một sớm một chiều, người ta có thể quét sạch hoàn toàn tàn dư tồn đọng của thời đại mà các nhóm lợi ích thống trị.
“Lula” đang chiếm ưu thế trong các cuộc khảo sát, nhưng khả năng để ông có thể được trả tự do và nhận quyền ứng cử là một điều gần như không tưởng.
Thế nhưng, thực sự là dưới thời ông nắm quyền, mức sống của người dân Brazil đã được cải thiện đáng kể (nâng mức lương tối thiểu từ 200 real/tháng lên 350 real/tháng trong nhiệm kỳ đầu, xây dựng chương trình Không có người đói/Fome Zero...), và dễ hiểu là vì sao vẫn còn rất nhiều người chịu ơn ông, cũng như PT.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao chắc chắn sẽ không vì vậy mà hủy hoại công sức của chính mình.
Còn Jair Bolsonaro? Ta hãy nghe lời nhận xét của Mauricio Santoro - nhà nghiên cứu khoa học chính trị, giáo sư quan hệ đối ngoại của Đại học bang Rio de Janeiro: “Một số người có thể bầu cho Bolsonaro, không phải vì thực tâm cổ vũ cho ông ta, mà vì những sự vỡ mộng đối với giới chính khách”. Thế nhưng, chính trị gia cánh hữu (và có thể xem là cực hữu) ấy lại có những ý tưởng gây kinh hãi.
Cũng như ông Donald Trump ở nước Mỹ, Bolsonaro đang đặt cược vào việc quảng bá hình ảnh của mình qua mạng xã hội song song với các phương tiện truyền thông đại chúng, với rất nhiều người theo dõi (followers).
Ông muốn nới lỏng quyền sở hữu súng, đồng thời muốn trao quyền bắn hạ nghi phạm cho cảnh sát, nhằm đẩy lùi làn sóng tội phạm gia tăng - hệ quả của những biến động xã hội và sự tụt lùi về tăng trưởng kinh tế.
Trong quá khứ, ông từng không giấu giếm những quan điểm phân biệt giới tính, khi cho rằng phụ nữ không nên được hưởng mức lương như nam giới, bởi họ còn vướng chuyện sinh đẻ. Một lần khác, nữ chính khách đối lập - bà Maria do Rosario - chỉ trích ông và ông đáp lại rằng bà “đáng bị cưỡng hiếp”.
Chuyện khác nữa, Bolsonaro từng cho rằng “Chưa cần phải tính đến chuyện nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là cho người nghèo, bởi họ không sẵn sàng tiếp nhận giáo dục. Chỉ có kiểm soát tốc độ sinh sản mới có thể đưa đất nước thoát khỏi hỗn loạn”. Niềm tin đặt vào ông, cũng như lòng trung thành dành cho Lula, đều có thể trở thành những con dao hai lưỡi.
Ông toát lên khí chất của một nhà độc tài, điều đã hiện hữu ở Brazil trước năm 1985. Ông có điểm cộng là không dính líu đến những cáo buộc tham nhũng. Vấn đề là, với những ý tưởng của mình, ông cũng có khả năng tạo nên sự chia rẽ ghê gớm trong lòng đất nước Brazil, một quốc gia vẫn đang trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất: Khủng hoảng niềm tin.