Tổng thống Emmanuel Macron: Đã tới lúc thế giới cần nước Pháp
- “Siêu sao cuối cùng” của nền chính trị quốc tế
- Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: Không hô khẩu hiệu suông
- Những cái bắt tay của Tổng thống Trump với người đồng cấp Emmanuel Macron
Có thể nói, đối ngoại đang là lĩnh vực mà ông Macron thể hiện thành công nhất ở cương vị tổng thống tính đến thời điểm hiện tại. Việc ông Macron liên tiếp có các cuộc tiếp xúc chặt chẽ với lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới cho thấy nỗ lực đưa nước Pháp trở lại vị thế lớn và tin cậy trên trường quốc tế, đặc biệt là trong quan hệ với Mỹ.
Việc tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ duyệt binh Quốc khánh Pháp nhân kỷ niệm 100 năm nước Mỹ tham chiến tại Thế chiến I cho thấy một bước đi đầy chủ động và linh hoạt của ông Macron. Tạm gác lại những bất đồng về thương mại và chống biến đổi khí hậu, hai nhà lãnh đạo đã dành những lời đầy thiện chí để khẳng định rằng quan hệ truyền thống giữa hai nước không thể bị phá vỡ.
Nước cờ thông minh
Trong nhiều đời Tổng thống Pháp gần đây, vai trò của Pháp suy giảm khá nhiều trên trường quốc tế, cho dù nước này vẫn là một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Macron đang phấn đấu thay đổi điều này, và cho đến hiện tại thì mọi việc đang tiến triển tốt.
Với sự khéo léo trong chính trị, ông Macron đã thay đổi bộ mặt của nền chính trị Pháp khi “bơm” sự lạc quan vào xã hội Pháp sau nhiều năm đất nước này chứng kiến những nhiệm kỳ lãnh đạo tẻ nhạt.
Chưa hết, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Pháp đã chứng tỏ sự quyết đoán nhưng rất khôn khéo về mặt đối ngoại. Đó là thông qua đối thoại để giải quyết những bất đồng vì lợi ích chung và nhằm lấy lại vị thế của một cường quốc. Sự năng động và năng lượng mới mẻ mà ông Macron đem đến có vẻ như đang giúp Pháp dần lấy lại hình ảnh.
Bối cảnh hiện tại trong quan hệ quốc tế đang “giúp sức” ông Macron rất nhiều. Ở châu Âu, sức ảnh hưởng của “bà đầm thép” Angela Merkel đang dần bị hạn chế, trong khi nữ Thủ tướng Anh Theresa May thì đang loay hoay với việc đưa đất nước ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Trong bối cảnh đó, ông Macron trở thành ngôi sao đang lên, thu hút sự chú ý của giới quan sát toàn cầu và được coi là một điểm tựa của phương Tây. Truyền thông nhận định, Tổng thống Pháp sẵn sàng chìa bàn tay làm cầu nối với tất cả các bên, xoa dịu quan hệ đang căng thẳng giữa các bên.
Cuối tháng 5, ông Macron đã đón tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin rất trang trọng tại Cung điện Versailles, khẳng định rằng dù có những quan điểm khác biệt về nhiều vấn đề, hai nước Nga và Pháp vẫn có quan hệ lâu đời và đặc biệt.
Thông qua việc gặp gỡ hai lãnh đạo Nga và Mỹ, ông Macron đã chứng tỏ một phong cách lãnh đạo mới mẻ, linh hoạt và đầy sáng tạo. |
Tuy nhiên, tâm điểm đổ dồn về việc Tổng thống Macron gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Pháp - một bước đi quan trọng trong chiến lược đối ngoại đang rất thành công của ông chủ Điện Elysee. Điều này được coi là bất thường khi ông Trump đã liên tục phê phán EU, ủng hộ nước Anh ra khỏi EU (Brexit) cũng như phong trào dân túy và cực hữu châu Âu.
Không chỉ có vậy, ông Donald Trump còn đình chỉ đàm phán tiến tới Hiệp định tự do thương mại EU - Mỹ và áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, đồng thời quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khiến cho Tổng thống Pháp rất thất vọng.
Dù vậy, cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Macron và Tổng thống Trump là một quyết định rất thông minh, được coi là “cuộc đảo chính ngoại giao” thành công của Tổng thống Macron, cho thấy nước Pháp đang trở lại cuộc chơi chính trị.
Giới quan sát cho rằng, thông qua việc gặp gỡ hai lãnh đạo Nga và Mỹ, ông Macron đã chứng tỏ một phong cách lãnh đạo mới mẻ, linh hoạt và đầy sáng tạo, kết hợp cương - nhu hài hòa. Ông không né tránh mà đối diện với những vấn đề khó khăn và tìm cách tiếp cận trực diện, nhằm hóa giải chúng.
Xuất hiện vào thời điểm đất nước đang trì trệ và chìm trong bế tắc, Tổng thống Macron đã mang đến một luồng suy nghĩ mới cho tư duy và đời sống chính trị Pháp.
Riêng với Mỹ, nhà lãnh đạo trẻ người Pháp đã nêu lên một yêu cầu quan trọng, đó là việc Pháp muốn được công nhận vai trò đối tác quốc phòng quan trọng của châu Âu và Mỹ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria, Iraq và ở chính châu Âu. Ngoài ra, Pháp muốn thể hiện vai trò trung gian, sẵn sàng làm cầu nối giữa các bên, xoa dịu những căng thẳng đang có giữa các cường quốc.
Tổng thống Emmanuel Macron luôn cho rằng dù hiện nay giữa Mỹ và Pháp cũng như các đồng minh phương Tây khác có rất nhiều bất đồng về nhiều chủ đề, từ biến đổi khí hậu đến vai trò của NATO hay việc thực thi chính sách bảo hộ trong thương mại, nhưng trước sau Mỹ vẫn là một đối tác không thể bỏ qua với Pháp. Tổng thống Pháp đã thể hiện sự coi trọng đối với Mỹ và mối quan hệ giữa hai nước, hy vọng rằng sẽ có sự điều chỉnh tích cực trong thời gian tới.
Ông Macron được coi là một điểm tựa của phương Tây vào thời điểm hiện tại. |
Chính vì thế, dù nhiều lần công khai phản đối ông Trump nhưng ông Macron vẫn giữ liên hệ rất mật thiết với Tổng thống Mỹ. Điều này không đẩy chính quyền Mỹ của ông Donald Trump vào thế đối đầu bởi suy cho cùng Mỹ vẫn là siêu cường thế giới và các lợi ích của nước Pháp hay châu Âu không thể được đảm bảo nếu không duy trì được mối quan hệ mang tính xây dựng với Mỹ.
Cương - nhu hài hòa
Dù thể hiện tinh thần cầu thị nhưng ông Macron không hề hạ mình, vẫn thể hiện nét cứng rắn và mạnh mẽ của một người đàn ông làm chính trị gia. Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Nga Putin, Tổng thống Macron luôn mềm mỏng và nhắc nhở về những mối quan hệ truyền thống, cố kết của hai quốc gia cùng châu lục, luôn cần hợp tác để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của hai bên cũng như trong khu vực.
Cũng tương tự như vậy, ông Macron trong cuộc gặp với ông Trump vẫn thể hiện sự coi trọng đối với mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa hai nước, mong muốn Washington vẫn là đối tác quan trọng số 1 của Paris và EU trong việc giải quyết các vấn đề của khối và trên quy mô toàn cầu. Dù phải đối mặt với ai, nhà lãnh đạo trẻ tuổi vẫn giữ những nguyên tắc riêng của nước Pháp cũng như của EU.
Giới quan sát đánh giá, Tổng thống Pháp đã chứng minh được kỹ năng đàm phán của bản thân và không nhượng bộ quá nhiều, đồng thời duy trì sự cứng rắn về những vấn đề quan trọng đối với giá trị quốc gia của Pháp.
Nhiều ý kiến còn khẳng định Điện Elysee đã có một lãnh đạo sắc sảo và tinh tế, có thể giúp Pháp đương đầu với chủ nghĩa khủng bố. Ông Macron từng nói rằng ông chủ Nhà Trắng “muốn khiến Trái đất vĩ đại một lần nữa” sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Dẫu vậy, khi được hỏi về động thái này của Mỹ, Tổng thống Macron tuyên bố “không bao giờ có ý nghĩ tuyệt vọng khi phải thuyết phục ai đó”. Điều này cho thấy sự quyết tâm và quan điểm mạnh mẽ của ông Macron về những vấn đề mang tính lợi ích và chiến lược đối với Paris.
Trong bối cảnh hiện nay, Tổng thống trẻ tuổi Macron đang nổi lên như một nhà lãnh đạo có khả năng kết nối Mỹ và phương Tây. Thay vì cô lập, lãnh đạo Pháp hy vọng giữ ông Trump tiếp tục liên kết với các nền dân chủ phương Tây. Hơn nữa, ông Macron có khả năng “độc nhất vô nhị” để đảm nhận vai trò người đối thoại chính của châu Âu với ông Trump.
Nhìn xa hơn, ông Macron đang nỗ lực gắn kết với các nhà lãnh đạo cường quốc trên thế giới và qua đó, “hợp pháp hóa” chiến thắng của mình. Bên cạnh đó, ông Macron cũng rất khôn khéo khi không vội vàng đến Mỹ ngay sau khi nhậm chức như Thủ tướng Anh Theresa May và vẫn lên tiếng phản đối quyết định rút khỏi Hiệp định Paris của Washington. Điều này cho thấy vị thế độc lập của nhà lãnh đạo trẻ tuổi trước người đứng đầu cường quốc số 1 thế giới.
Nhờ chiến thuật này, lời mời ông Donald Trump thăm Pháp không vấp phải sự phản đối nào trong khi động thái tương tự của Thủ tướng Anh Theresa May lại vấp phải hàng loạt nghi ngại. Đây thực sự là tình thế “thắng cả đôi đường” đối với ông Macron.
Dù các đối thủ chính trị trong nước còn nhiều chỉ trích, ông Macron hy vọng việc mở cửa các kênh liên lạc với Washington sẽ tạo cơ hội để bàn bạc với ông Trump về các vấn đề đáng chú ý như thỏa thuận biến đổi khí hậu và khủng hoảng Syria. Đây là một nước cờ thông minh khi ông Macron muốn thể hiện rằng mối quan hệ Pháp - Mỹ rất quan trọng.
Việc Tổng thống Macron mời Tổng thống Trump đến Pháp là một trong những nỗ lực để kéo quan hệ Paris - Washington khăng khít trở lại, qua đó hai bên có thể đàm phán về các vấn đề quan trọng bao gồm các giá trị mà Pháp đại diện và vai trò của các tổ chức quốc tế.
Có thể thấy, nước Pháp và Tổng thống Macron đang tìm cách tiếp cận Mỹ cũng như cá nhân ông Donald Trump theo một cách rất ôn hòa và khôn khéo. Vị tổng thống trẻ tuổi đang tiếp tục khẳng định bản thân và dần cho công chúng thấy rằng đã tới lúc thế giới cần nước Pháp...