Liên minh nước Anh và “nước Anh của phương Đông”

Chủ Nhật, 08/10/2017, 07:19
Có nhiều lý do để Nhật Bản được gọi là “nước Anh của phương Đông”: cả hai nước đều là quốc đảo, có một nền quân chủ lập hiến bền vững; cả người Nhật và người Anh đều lái xe bên trái, sở hữu khiếu hài hước độc đáo nhưng luôn hòa nhã và lịch thiệp.

Từ lâu, Nhật Bản và Anh đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện và các hoạt động quốc tế. Vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã có chuyến thăm Nhật Bản, và tiến hành nhiều cuộc hội đàm quan trọng với người đồng cấp Shinzo Abe.

Theo đó, hai bên nhất trí thúc đẩy tăng cường kinh tế và hợp tác trong việc đối phó với những mối đe dọa từ việc Triều Tiên phóng tên lửa, an ninh mạng và chống khủng bố. Về phần mình, Thủ tướng Theresa May cho rằng, trong bối cảnh thế giới hiện nay và tình hình căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản hoàn toàn có thể tin tưởng vào Anh như một đối tác tin cậy và cùng chí hướng.

Nhiều ý kiến nhận định, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Anh là bước đi khôn khéo, nhằm củng cố lòng tin của Tokyo và nâng tầm quan hệ song phương, đồng thời thể hiện cam kết của London nhằm tiếp tục duy trì vị thế kinh tế và ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế.

Lợi ích thương mại

Trọng tâm chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Anh là giành được “cái gật đầu” của Nhật Bản về ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng cho Thủ tướng May, khi Tokyo vẫn đang do dự chưa hiểu rõ lập trường của London trong quá trình thương thảo về Brexit với Brussels. 

Trên thực tế, Nhật Bản chưa thể đàm phán cho đến khi Anh chính thức ra khỏi Liên minh châu Âu (EU). Điều mà Thủ tướng Abe muốn biết từ bà May là vị thế mà Anh mong muốn hậu Brexit. 
Thủ tướng Theresa May và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí thúc đẩy tăng cường kinh tế và hợp tác trong việc đối phó với những mối đe dọa an ninh.

Chưa hết, chuyến thăm của bà May trở thành tâm điểm đối với cộng đồng doanh nghiệp tại cả London và Tokyo. Truyền thông cho hay, chuyến đi này của Thủ tướng May nhằm tái khẳng định với các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại nước Anh về sự quan tâm và ủng hộ của London dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản.

Việc bà May gặp ông Abe là một tín hiệu trấn an các doanh nghiệp trong nước trước những lo lắng về viễn cảnh ảm đạm sau khi Anh ra khỏi thị trường chung châu Âu. Thực tế, sự ra đi của Anh sẽ buộc chính quyền May tìm kiếm những đối tác và thị trường tiềm năng khác cho các doanh nghiệp của Anh, thông qua khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn ở châu Á như Nhật Bản. 

Trên thực tế, Nhật Bản là một đối tác đầy tiềm năng khi trung bình giá trị xuất khẩu Anh - Nhật Bản đạt 9,9 tỷ bảng /năm. Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Anh. 

Với khoản đầu tư hiện đã lên tới 40 tỷ bảng, tạo ra 140.000 công ăn việc làm, các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Nissan hay Hitachi có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Anh. Do đó, sự rút lui, dù chỉ là một phần nhỏ, từ phía những tập đoàn này sẽ khiến Anh chịu không ít thiệt hại.

Trong khi đó, chính quyền Shinzo Abe cũng hiểu rằng London là một trong những thị trường có giá trị xuất khẩu lớn của Nhật Bản tại châu Âu. Bất chấp khủng hoảng Brexit, Anh vẫn giữ vị thế là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới và có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp của xứ sở “mặt trời mọc”. Tokyo vẫn mong muốn Brussels và London có thể hình thành liên minh riêng để các doanh nghiệp nước này tiếp tục tham gia một thị trường chung. 

Mặc dù hiện nay Chính phủ Anh cam kết sẽ mở cửa đối với các hoạt động kinh doanh thời hậu Brexit, nhưng các nhà sản xuất và giới tài chính Nhật Bản tại nước Anh vẫn lo ngại về tương lai đầu tư của họ khi “xứ sở sương mù” rời khỏi thị trường chung châu Âu. 

Trong bối cảnh này, việc ông Abe gặp gỡ và hội đàm với bà May được đánh giá là “đúng thời điểm”, sau khi Thủ tướng May đưa ra những lời đảm bảo về môi trường kinh doanh tại nước Anh thời hậu Brexit.

Thiện chí của phía Nhật Bản là lợi thế không nhỏ cho Thủ tướng May trong cuộc gặp gỡ người đồng cấp Shinzo Abe và đại diện các tập đoàn lớn của quốc gia này.

Thủ tướng Theresa May đã rất khôn khéo khi đến thăm Nhật Bản sau khi nhận thấy các công ty Nhật Bản có thể giảm các khoản đầu tư nếu cảm thấy Brexit có khả năng cản trở các hoạt động kinh doanh của họ ở Anh và EU. Đây là cơ hội “vàng” để bà truyền tải thông điệp tích cực đến doanh nghiệp Nhật Bản - những đối tác đã chọn London là nơi đặt trụ sở chính của họ tại châu Âu và là nơi xuất khẩu hàng sang EU. 

Thủ tướng May đang củng cố lòng tin với phía các đối tác kinh doanh Nhật Bản nhằm giữ chân nguồn vốn đầu tư khổng lồ đến từ xứ sở “mặt trời mọc” thông qua nhiều biện pháp bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định nhất có thể.

Đối đầu thách thức

Có lẽ, điều Thủ tướng May và người đồng cấp Abe quan tâm hơn cả chính là hợp tác an ninh. Cả Tokyo và London đều mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo rất nhiều về vấn đề Triều Tiên, khi quốc gia này đã bắn thêm 3 quả tên lửa tầm ngắn bay ngang qua lãnh thổ Nhật Bản. 

Động thái liều lĩnh của Bình Nhưỡng sẽ đòi hỏi Tokyo có những biện pháp cứng rắn hơn. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa chính quyền Abe với Mỹ và Hàn Quốc tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên gần đây chưa đem lại nhiều kết quả và chỉ khiến cho Bình Nhưỡng cương quyết hơn. 

Giới quan sát nhận định, hai nhà lãnh đạo Anh - Nhật Bản đang âm thầm xây dựng chiến lược cho mối quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh lâu dài, nhằm hóa giải nguy cơ tiềm tàng đến từ phía Bình Nhưỡng.

Chính quyền Theresa May đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về mối đe dọa tên lửa hạt nhân đến từ Bình Nhưỡng. Bất chấp phát ngôn cứng rắn của chính quyền Chủ tịch Kim Jong-un nhắm vào Anh, Thủ tướng May vẫn duy trì lập trường không ủng hộ sử dụng giải pháp quân sự trong vấn đề Triều Tiên. 

Anh và Nhật quyết định sẽ tham gia các cuộc tập trận chung trên lãnh thổ Nhật Bản.

Điều này có tác dụng rất lớn khi thúc đẩy Nhật Bản tiếp tục ưu tiên hàng đầu là phối hợp với Seoul và Washington để đối phó Bình Nhưỡng. Ngoài ra, bà May đã cùng chính quyền Abe phê chuẩn nghị quyết tăng cường trừng phạt kinh tế và ngoại giao được Washington đề xuất vừa qua. 

Quan trọng hơn, hai nước đều hiểu rằng, việc bảo đảm sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á là tối quan trọng đến an ninh của Nhật Bản, cũng như lợi ích của Anh trong khu vực. Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau xem xét lại quá trình tuân thủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên, cũng như xem xét đưa ra các biện pháp mạnh tay hơn nữa đối với quốc gia này.

“Chúng tôi lên án mạnh mẽ Triều Tiên vì hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Để đáp trả động thái này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tôi thống nhất hợp tác với nhau và với cộng đồng quốc tế để gia tăng áp lực nhằm vào Triều Tiên, bao gồm biện pháp đẩy mạnh cấm vận”, Thủ tướng Theresa May khẳng định.

Cụ thể, Anh và Nhật Bản muốn Liên Hiệp Quốc đưa ra biện pháp cấm vận mới đánh vào các công nhân xuất khẩu lao động tại Nga và Trung Quốc - một trong những nguồn thu kinh tế chính của Triều Tiên. 

Có thể nói, việc chính quyền Theresa May tham gia tích cực hơn trong việc gây áp lực cho phía Triều Tiên là tín hiệu tích cực đối với chính quyền Abe. Sự tác động này có thể buộc chính quyền Kim Jong-un cân nhắc kĩ lưỡng hơn trước khi đưa ra những hành động trong thời gian tới.

Chưa dừng lại ở đó, lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên. Quyết định này được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng đe dọa Tokyo sẽ sớm hứng chịu “thảm họa hủy diệt”. Thủ tướng Shinzo Abe nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Theresa May cùng nhau đối phó với mối đe dọa Triều Tiên bởi vì Anh có nhiều lợi ích quan trọng tại châu Á. 

Lần đầu tiên, quân lính Anh sẽ tham gia các cuộc tập trận chung với Nhật Bản trên lãnh thổ Nhật Bản. Hai đồng minh sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng và chống khủng bố. Đổi lại, theo đề nghị của Thủ tướng Theresa May, Nhật Bản hứa hợp tác với Anh trong lĩnh vực thương mại, đồng thời gợi mở khả năng có thể chấp nhận đàm phán với London về hiệp định FTA song phương.

Thời điểm vàng

Sau cùng, giới quan sát nhận định Thủ tướng Anh Theresa May không hẳn hoàn toàn thất bại với chuyến công du Nhật Bản vừa qua. Đây là dịp để hai quốc gia tương đồng về nhiều mặt xích lại gần nhau hơn, đồng thời là “cái cớ” củng cố vững chắc hơn quan hệ kinh tế Anh - Nhật trong giai đoạn hậu Brexit. 

Bên cạnh đó, Nhật Bản và Anh từ lâu đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện. Thế nên, chuyến thăm của bà May tới đất nước “mặt trời mọc” chắc chắn tạo nên làn gió mới, làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia và giúp giải quyết phần nào những khó khăn mà nước Anh đang phải đối mặt.

Lê Nam
.
.