Thủ tướng Narendra Modi và chính sách ngoại giao “cân bằng”:

Vừa hợp tác, vừa cạnh tranh

Thứ Bảy, 27/05/2017, 18:55
Thời gian qua, chính quyền Narendra Modi đã có những thay đổi nhất định trong chiến lược ngoại giao. Theo đó, Ấn Độ sẽ không ngừng tăng cường quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc, và mang tới “sức sống mới” cho quan hệ với Mỹ. 

Trên thực tế, quan hệ Ấn - Trung đang có những tác động rất lớn đến các vấn đề khu vực và toàn cầu. Cùng với sự cạnh tranh quyết liệt, hai nước cũng có những bất đồng về lãnh thổ nhưng đều nhận thức được cần phối hợp với nhau để giải quyết, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược.

Ngoài ra, ông Modi khó có thể bỏ qua Washington khi đặt mục tiêu “thúc đẩy quan hệ đồng minh tự nhiên”, đồng thời bày tỏ mong muốn bàn luận với Tổng thống Donald Trump về các cơ hội tăng cường quan hệ đối tác trong nhiều lĩnh vực lớn. Mặc dù Ấn Độ mong muốn có các mối quan hệ hòa bình và thân thiện với tất cả các quốc gia nhưng Thủ tướng Modi cũng tuyên bố New Delhi sẽ không ngần ngại đối đầu khi cần thiết.

Tiết chế… láng giềng

Thủ tướng Narendra Modi từ lâu vẫn nói rằng Ấn Độ đã bị “xem nhẹ” trên trường quốc tế và tụt lại phía sau so với nhiều cường quốc. Từ sau khi nhậm chức, ông Modi cam kết xây dựng một Ấn Độ vững mạnh, độc lập, tự tin và muốn một vị thế thích hợp trên trường quốc tế.

So với Trung Quốc - láng giềng và cũng là đối thủ lâu đời, Ấn Độ đang có một khoảng cách nhất định. Vì vậy, ông Modi đang định hình “những bước đi hữu ích và thực tế” tiến tới mối quan hệ mạnh mẽ hơn giữa hai bên, vốn bị tổn hại bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ trên dãy Himalaya. Trong chiến lược phát triển quốc gia, ông Modi nhận định Ấn Độ cần tăng cường chạy đua cạnh tranh với Trung Quốc với trọng tâm là kỹ năng, quy mô và tốc độ.

Trong mỗi dịp công du đến Trung Quốc, ông Modi đều chuẩn bị sẵn những kịch bản cho riêng mình lúc đàm phán, phản ánh tham vọng rất lớn vực dậy vị thế của New Delhi trước một Bắc Kinh đầy ngạo mạn và muốn phô trương sức mạnh.

Chương trình nghị sự của Modi luôn bao gồm thu hút các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất và cơ sở hạ tầng nhằm tạo ra công ăn việc làm trên quy mô lớn, từ đó giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ngày càng tăng ở Ấn Độ. Đáng chú ý, cả hai nước đã nhất trí khởi động hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự và không gian vũ trụ - dấu mốc quan trọng về cấp độ mới trong quan hệ đối tác phát triển.

Thủ tướng Ấn Độ đặc biệt muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Bên cạnh đó, ông Modi muốn tìm cách truyền đi những tín hiệu cho phía Trung Quốc về việc sẵn sàng đạt được giải pháp cho vấn đề biên giới; đồng thời, nâng tầm quan hệ trên cơ sở chia sẻ lợi ích và những mối quan tâm chung với tư cách là những cường quốc mới nổi trên thế giới. 

Ông hiểu rõ thực tế rằng, nhiệm vụ của mình trên cương vị là thủ tướng không chỉ giới hạn ở những gì mà ông đã cam kết liên quan đến việc chỉ đạo phát triển và quản lý tốt Ấn Độ.

Cũng giống như các nước khác, dư luận Ấn Độ hay thay đổi và Modi hiểu rõ điều này. Điều lôi kéo Modi đến với Trung Quốc chủ yếu là sự thành công trong việc xóa đói giảm nghèo chỉ trong một thời gian ngắn - điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Thủ tướng Modi tham vọng lặp lại hiện tượng kỳ diệu này ở Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ đặc biệt muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, với thương mại hai chiều đạt gần 70 tỷ USD. Thế nhưng, ông Modi trên thực tế lại đang đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khi đương đầu với một Trung Quốc ngày càng mạnh lên cả về kinh tế và quân sự - vốn đang tìm cách đóng một vai trò lớn hơn tại Nam Á. Quan hệ giữa hai nước láng giềng vẫn bị cản trở bởi sự ngờ vực lẫn nhau do cuộc chiến biên giới đổ máu vào năm 1962 do tranh chấp lãnh thổ.

Ông Modi từng cảnh báo Trung Quốc cẩn thận với “tư tưởng bành trướng”, còn Bắc Kinh đáp trả rằng nước này chưa bao giờ “đi xâm lược để chiếm đất của các nước khác”. Ấn Độ và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán để cố gắng giải quyết tranh chấp lãnh thổ nhưng chưa thành công.

Chính quyền Narendra Modi không phải không có ý chí chính trị để nhìn thẳng vào “người hàng xóm hùng mạnh hơn”. Tưởng rằng Modi mềm mỏng với Trung Quốc, nhưng thực tế ông là người rất cứng rắn và biết tính toán. 

Ông hiểu rằng Bắc Kinh “cần” New Delhi ở thời điểm hiện tại khi Ấn Độ có sự năng động trong khu vực, còn Trung Quốc đang đối mặt với sự cô lập. Bắc Kinh không thể không lo ngại về những ý nghĩa của mối quan hệ sâu sắc hơn nữa giữa Ấn Độ với Nhật Bản và Mỹ, cũng như hợp tác ba bên nhằm kìm hãm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

“Người láng giềng” cần lôi kéo Modi làm đối trọng chiến lược, trước hết là với quan điểm ngăn chặn sự cạnh tranh giữa hai nước căng thẳng thêm. Bắc Kinh tin tưởng rằng mình có thể dung hòa những tham vọng của Modi về chương trình phát triển của ông dành cho New Delhi, bởi vì Trung Quốc có thể hiểu và đáp ứng nhu cầu của Modi tốt hơn nhiều so với Nhật Bản hay Mỹ.

Củng cố liên minh

Thủ tướng Modi muốn thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc nhưng đồng thời tìm cách kìm hãm ảnh hưởng của quốc gia này thông qua quan hệ với Mỹ. Thời gian qua, Ấn Độ và Mỹ đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm phát triển quan hệ chiến lược.

Ông Modi kỳ vọng chính phủ hai quốc gia sẽ mang tới sức sống mới trong sự gắn kết giữa hai nước và tăng cường tiếng nói trong mọi lĩnh vực như thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, năng lượng và giáo dục. New Delhi coi Washington là “đồng minh tự nhiên”, nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Washington với hi vọng New Delhi sớm gia nhập liên minh đa phương của “các nước dân chủ” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng với Tokyo và Canberra.

Việc xúc tiến quan hệ với Ấn Độ đã được thực hiện từ thời Tổng thống Barack Obama, do chính quyền của ông tin rằng quốc gia này có khả năng giúp Mỹ hạn chế tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Giờ đây, chính quyền Donald Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ này khi sự trỗi dậy của Ấn Độ là liều thuốc cân bằng tự nhiên với Trung Quốc, và có lợi cho Mỹ.

Ông Modi gợi ý tái thiết mạng lưới an ninh bị bỏ ngỏ lâu nay giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia mang tên “Đối thoại an ninh bốn bên”.

Thái độ của Donald Trump về Ấn Độ - và Thủ tướng Narendra Modi - luôn tích cực. Giới phân tích cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa Washington và New Delhi trong những năm tới, và nâng tầm vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế - vốn là mục tiêu quan trọng đối với chính ông Modi.

Nhận biết được điều này, Thủ tướng Ấn Độ đã nhanh chóng “chớp thời cơ”, trở thành một trong số nguyên thủ quốc gia đầu tiên trao đổi với ông Trump sau lễ nhậm chức về nhiều vấn đề quan trọng.

Trong tham vọng cá nhân, ông Modi muốn Washington tiếp tục “cộng tác” với New Delhi trong năng lượng hạt nhân hay phát triển công nghệ quốc phòng, từ đó khẳng định sức mạnh của một thế lực “chắc chắn không thể hạ gục” tại châu Á.

Thủ tướng Ấn Độ cũng bày tỏ quyết tâm giữ một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề tại châu Á với chính sách mang tên “Phương Đông hành động”. Chính sách này gần tương đồng với chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ, cho thấy Ấn Độ và Mỹ đã cùng nhau hướng tới sự nhất trí chung về quy cách kiềm chế Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Modi cũng tỏ ra vô cùng bất an khi Trung Quốc nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng trong toàn khu vực và dồn sức mạnh để đối phó với Ấn Độ. Vì vậy, vị Thủ tướng đã đồng thuận ký kết tuyên bố chung với Mỹ, lên tiếng phản đối Bắc Kinh khơi mào xung đột với các quốc gia láng giềng nhằm giành quyền kiểm soát Biển Đông.

Ông Modi còn gợi ý tái thiết mạng lưới an ninh bị bỏ ngỏ lâu nay giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia mang tên “Đối thoại an ninh bốn bên” được khởi xướng từ năm 2007. Ngoài ra, ông Modi cũng bày tỏ mong muốn đóng vai trò lớn hơn trong hội thảo “Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương”, nhằm giúp Ấn Độ cân bằng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Suốt một thời gian dài, New Delhi vẫn là một quốc gia trung lập trước những vấn đề quốc tế và hoạt động tách biệt với Mỹ trong công tác đối phó với quốc gia láng giềng khổng lồ. Thế nhưng mọi chuyện giờ đã khác.

Ông Modi hiện không chỉ sẵn sàng mà còn gấp rút thắt chặt quan hệ với Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mạnh cả về kinh tế, quân sự và chính trị. Nếu mối quan hệ đối tác thân thiết giữa Ấn Độ và Mỹ được duy trì lâu dài thì sự chung sức của hai nước sẽ tạo tác động lớn hơn trong bối cảnh phải “đơn thương độc mã” đối phó với những tham vọng của Trung Quốc và duy trì trật tự trong khu vực.

Với ông Modi, Mỹ không chỉ là một đối tác chiến lược mà còn là một đối tác chiến lược quan trọng của Ấn Độ trên thế giới. Rõ ràng, mối quan hệ giữa hai nước sẽ ngày càng được cải thiện và đây là hướng đi mới trong chính sách ngoại giao của chính quyền Modi...

Hồng Hạnh
.
.