Ngoại trưởng Anh Boris Johnson: “Điểm tựa” của Brexit?
- Cựu Ngoại trưởng Anh có thể tham gia nội các Mỹ
- Ngoại trưởng Anh kêu gọi Trung Quốc đảm bảo an toàn hàng hải
- Đừng xem thường “anh hề” Boris Johnson
Dư luận không khỏi ngạc nhiên bởi giữa hai người vốn tồn tại mối quan hệ khá phức tạp. Dù lên tiếng ví Boris Johnson như “tinh thần của đảng” nhưng bà May không ít lần khẳng định thiếu tin tưởng Boris Johnson.
Nhiều ý kiến cho rằng, Thủ tướng May muốn Boris Johnson dẫn dắt đoàn đàm phán của Anh giành nhiều thắng lợi nhất sau khi bà chính thức kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu tiến trình “ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit.
Chính những thành tựu vang dội khi còn là Thị trưởng London, cộng với sự thông minh, từng trải và hoạt ngôn của một nhà báo nổi tiếng, Boris Johnson được kỳ vọng sẽ trở thành “cánh tay phải” của bà May, cùng lèo lái nước Anh trong tiến trình đàm phán rời khỏi EU đầy căng thẳng.
Con nhà nòi
Boris Johnson là con út trong một gia đình có truyền thống chính trị khi cha ông là cựu nghị sỹ Nghị viện châu Âu Stanley Johnson, còn người mẹ Charlotte Johnson Wahl cũng là một chính khách. Tuổi thơ của Johnson gắn liền với quá trình “di cư” của gia đình, từ New York đến Canada rồi sang London, sau đó quay trở lại Washington.
Sau đó, gia đình Johnson lại chuyển đến bang Connecticut. Khi Boris Johnson tròn 5 tuổi, gia đình ông lại chuyển đến Anh, sau đó đến Brussels (Bỉ). Tuổi thơ của các anh em nhà Johnson không hề êm ả: mẹ của Boris Johnson phải điều trị vì chứng trầm cảm do cha Johnson liên tục ngoại tình. Bản thân Johnson bị điếc và đã phải trải qua không ít lần phẫu thuật.
Boris Johnson được sinh ra ở Mỹ nên đã có quốc tịch Mỹ. Bản thân ông đã không ít lần thừa nhận tình yêu đối với nước Mỹ cho dù vẫn lên án Mỹ đang cố gắng áp đặt quan điểm của mình và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.
Boris Johnson cho rằng, với Brexit, người Anh sẽ có thể tự thông qua các quyết định và luật lệ của chính mình. |
Ngay từ khi còn nhỏ, Boris được ông Stanley Johnson truyền dạy tính cách hài hước, sôi nổi. Cùng với ba người em Jo, Rachel và Leo, Boris Johnson luôn được cha mẹ khuyến khích đọc sách để trau dồi kiến thức. Bên cạnh đó, chứng điếc bẩm sinh đã đưa ông tìm đến sách vở làm bạn, và chính thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ đã giúp ích cho ông rất nhiều trong thời gian hoạt động báo chí sau này.
Trong cuộc đời “bôn ba” của mình, Boris Johnson được thừa hưởng sự giáo dục tuyệt vời khi được học hành tại các ngôi trường tốt nhất. Ông học tiếng Pháp, tiếng Hy Lạp cổ và tiếng Latinh ở bậc tiểu học. Năm 13 tuổi, Johnson được trao học bổng để theo học tại Eton College - một trường độc lập danh giá hàng đầu nước Anh.
Eton được xem là “cái nôi của những chính khách nước Anh” và được miêu tả là một trong những trường công lập nổi tiếng nhất thế giới. Trường Eton cũng là nơi khởi nguồn cho tình bạn giữa Boris Johnson và David Cameron, người sau này đã bước lên đỉnh cao danh vọng trên cương vị Thủ tướng nước Anh.
Nhờ vào thành tích học tập xuất sắc, Boris Johnson tiếp tục giành được học bổng tại Đại học Oxford, niềm mơ ước của mọi cô cậu học sinh Eton. Tại đây, Johnson không mất nhiều thời gian để khẳng định mình. Thậm chí, ông còn giữ vai trò tổng biên tập một tạp chí châm biếm trong trường và trở thành chủ tịch của hội sinh viên có uy tín bậc nhất trong trường.
Chính trong những năm học đại học, niềm đam mê chính trị của Boris Johnson dần được hình thành. Sở hữu một bộ óc tư duy nhạy bén cùng lượng kiến thức khổng lồ so với những người bạn cùng trang lứa, chàng trai trẻ từng bày tỏ ước mơ được trở thành một “vị vua của thế giới”.
Dày dạn kinh nghiệm
Ra trường, Boris Johnson làm việc tại lĩnh vực truyền thông nhờ vào tài ăn nói lưu loát và khả năng viết văn cừ khôi. Năm 1987, Johnson chính thức làm việc tại tờ The Times với vị trí phóng viên tập sự, trước khi trở thành một tay viết cứng nhờ vào tài năng xuất chúng của mình. Tuy nhiên, sau đó Johnson bị The Times sa thải vì đưa thông tin không chính xác trong một bài phỏng vấn về vấn đề khảo cổ học.
Sự nghiệp báo chí của Boris Johnson sau đó được tờ Daily Telegraph cứu rỗi khi tổng biên tập biết rõ về ông từ khi là sinh viên Đại học Oxford. Các bài viết của ông được biết đến với phong cách văn chương độc đáo, được tô điểm bởi lối diễn đạt tự nhiên, hài hước và gần gũi với độc giả.
Năm 1989, Boris Johnson được bổ nhiệm làm phóng viên của Daily Telegraph tại Brussels với nhiệm vụ chính là phản ánh các hoạt động của Ủy ban châu Âu. Johnson nhanh chóng biến mình trở thành người có quan điểm nghi hoặc đối với châu Âu.
Rất nhiều đồng nghiệp đã chỉ trích Johnson vì tội thường xuyên viết bài không đúng sự thật với mục đích bôi xấu Ủy ban châu Âu và chủ tịch. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ khi đó cáo buộc Johnson lan truyền tư tưởng thù địch trong một loạt đảng phái, chia rẽ các đảng này thành phái nghi ngờ và tin tưởng châu Âu.
Cho đến năm 1994, Boris Johnson trở thành nhà phân tích chính trị nhiều kinh nghiệm. Những bài viết của Johnson trên tờ Daily Telegraph đã mang đến cho ông uy tín và nhiều giải thưởng. Cũng trong khoảng thời gian này, Boris Johnson đã bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.
Sau khi từ chối kế hoạch của người cha để trở thành nghị sỹ Nghị viện châu Âu, Johnson quyết định tập trung phát triển sự nghiệp tại nước Anh, sau đó trở thành nghị sỹ Nghị viện thành phố Henley thuộc khu Oxfordshire. Dù trở thành nghị sỹ nhưng ông vẫn theo đuổi nghiệp báo chí, tiếp tục viết sách về chính trị và phát biểu trên truyền hình.
Trong suy nghĩ của bà Theresa May, sự thông minh và từng trải của Boris Johnson sẽ dẫn dắt đoàn đàm phán của Anh giành nhiều thắng lợi nhất. |
Sự nghiệp chính trị của Johnson chỉ thực sự cất cánh khi ông trở thành Thị trưởng London trong cuộc bầu cử vào năm 2008 nhờ các quan điểm cánh tả của mình.
Bất chấp những nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Johnson qua vẻ bề ngoài “mập ú”, chính trị gia mang hai quốc tịch Anh và Mỹ đã ngày càng chứng tỏ ông chính là nhà lãnh đạo xứng đáng của thủ đô nước Anh. Bằng chứng là 4 năm sau đó Johnson tái cử bằng số phiếu khá chênh lệch trước đối thủ Livingstone.
Trên cương vị Thị trưởng London, ông cấm sử dụng đồ uống có cồn trên các phương tiện giao thông công cộng, đưa vào vận hành các xe buýt 2 tầng màu đỏ mới và hệ thống cho thuê xe đạp ở London - được biết đến với tên gọi “xe đạp Boris”. Ngoài ra, ông còn bỏ không ít công sức vào việc hỗ trợ mảng tài chính cho London với dấu ấn lớn nhất là tổ chức thành công Thế vận hội năm 2012.
Gánh nặng trên vai
Ngay sau khi Boris Johnson tuyên bố sẽ đứng đầu phong trào vận động Anh rời EU (Brexit), nhiều người đã vội coi đó là hành động phản bội của Johnson với ông David Cameron - người bạn đồng hành từ thời Đại học tổng hợp Oxford.
Theo Boris Johnson, thay đổi duy nhất của Brexit đối với người Anh là việc người Anh có thể tránh khỏi các phán quyết của Tòa án châu Âu. Người Anh sẽ có thể tự mình thông qua các quyết định và luật lệ của mình, cũng như kiểm soát được chính sách nhập cư. Với tư cách là người đứng đầu phong trào Brexit, Boris Johnson nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Thủ tướng Anh.
Tuy nhiên, Boris Johnson bất ngờ rút khỏi cuộc đua khi ông nhận thấy cơ hội thắng cử Thủ tướng Anh bị suy giảm sau khi một đồng minh trong chiến dịch Brexit là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove quay lưng lại với ông và tuyên bố cũng tranh cử thủ tướng.
Những tưởng cái tên Boris Johnson sẽ sớm rơi vào quên lãng do ông đã “bỏ của chạy người” thì ngay sau khi nước Anh có tân thủ tướng, một lần nữa Boris Johnson lại là cái tên được nhắc tới nhiều nhất trong thành phần nội các của bà Theresa May. Sự nghiệp chính trị của người đàn ông này dường như lại có sự khởi đầu mới.
Thủ tướng Theresa May đã chỉ định Boris Johnson - thủ lĩnh Brexit - vào vị trí Ngoại trưởng. Đây có lẽ là quyết định bất ngờ nhất và gây ra nhiều tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng bà May muốn dựa vào khả năng ăn nói lưu loát của Boris Johnson để đàm phán về quá trình tách khỏi EU có lợi nhất, đồng thời cũng muốn ông “dọn dẹp” đống đổ nát thời hậu Brexit.
Bà May cũng muốn trấn an dư luận thông qua những bài viết của ông Boris Johnson kêu gọi người dân Anh bình tĩnh và sẵn sàng đối diện với các khó khăn sau khi Brexit được khởi động.
Trong bài phát biểu gần đây, Ngoại trưởng Boris Johnson cho hay nước Anh có thể sẽ cho phép công dân EU được tự do đi lại trong thời kỳ chuyển đổi - giai đoạn chuyển tiếp giữa Brexit với một thỏa thuận thương mại mới - nhằm thu hút các nhân tài.
Ngoài ra, ông nhấn mạnh không muốn ngăn cản những người tài đến nước Anh, song chính phủ muốn kiểm soát dòng người này. Tuy vậy, Ngoại trưởng Anh cũng nhận định con đường phía trước còn nhiều chông gai, và ông sẽ phải đưa ra câu trả lời cho mọi thắc mắc về tiến trình Brexit, trong khi tiếp tục thúc đẩy quan hệ của Anh với EU trong các điều kiện mới...