Mỹ tiếp tục trừng phạt Triều Tiên: Kịch bản nguy hiểm
- Mỹ- Triều Tiên: Bên bờ vực nhưng khó có chiến tranh
- Mỹ - Triều Tiên: Nguy cơ xung đột?
- “Khẩu chiến” Mỹ - Triều Tiên sau vụ thử tên lửa đạn đạo mới
Được biết, luật trừng phạt mới chủ yếu nhằm vào những tổ chức cung cấp cho Triều Tiên dầu thô và các sản phẩm có vai trò hỗ trợ chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời cấm hàng hóa sản xuất tại Triều Tiên nhập khẩu vào Mỹ.
Trước động thái này của Mỹ, Triều Tiên khẳng định rằng dự luật trừng phạt mới sẽ chỉ làm gia tăng gấp bội tinh thần “sắt đá” của quân đội và nhân dân Triều Tiên, thậm chí còn thúc đẩy thêm sự phát triển của chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Sẵn sàng đáp trả
Triều Tiên thời gian qua liên tiếp phóng thử tên lửa, và 2 lần gần đây nhất tuyên bố đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể vươn tới Mỹ. Việc Triều Tiên đạt bước tiến lớn trong chương trình phát triển tên lửa sẽ làm thay đổi “cuộc chơi”. Đáp lại những vụ thử nghiệm này, Mỹ tuyên bố để ngỏ mọi khả năng đối phó với Triều Tiên, trong đó có cả phương án tấn công quân sự.
Mặc dù vậy, cho đến nay, Mỹ vẫn không đưa ra bất cứ tín hiệu rõ ràng nào về việc sẽ dùng giải pháp quân sự với Bình Nhưỡng ngay cả khi giới tình báo cho rằng Triều Tiên có thể sở hữu một tên lửa ICBM đáng tin cậy có thể tấn công Mỹ vào năm 2018.
Mỹ đặc biệt thận trọng khi cân nhắc giải pháp quân sự vì gần 30.000 lính Mỹ hiện vẫn đồn trú ở Hàn Quốc, vốn nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Ở vào thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn kiên trì gây sức ép với Triều Tiên thông qua các lệnh trừng phạt để buộc họ trở lại bàn đàm phán. Đạo luật trừng phạt mới của Mỹ cấm các nước vận chuyển đá quý, xăng dầu cũng như các sản phẩm từ xăng dầu, khí tự nhiên, kim loại quý và tiền mặt đến Triều Tiên và từ Triều Tiên ra nước ngoài.
Mỹ cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài, cấm các dự án chung với Triều Tiên và không cho phép thực hiện khoản đầu tư mới nào trong các dự án chung hiện tại.
Về logic, Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác khi đối thoại vẫn là cơ hội tốt nhất để kiềm chế chương trình tên lửa của Triều Tiên, dù đây là cơ hội khá mong manh và Washington dường như đang lâm vào bế tắc.
Tổng thống Donald Trump từ lâu đã phát tín hiệu rằng ông sẵn sàng gặp mặt trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết những vấn đề bất đồng. Theo các chuyên gia, phía Triều Tiên hiện cũng có mong muốn đối thoại, nhưng không muốn thực thi điều kiện giải trừ hạt nhân hay bất cứ động thái đơn phương nào trước khi đàm phán.
Phản ứng trước lệnh trừng phạt mới của Washington, Bình Nhưỡng đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Donald Trump “đi quá xa”, rằng việc Mỹ thông qua đạo luật trừng phạt nhằm vào Triều Tiên không khác gì những nỗ lực cuối cùng của những kẻ đang sợ hãi trước hàng loạt bước tiến nhanh chóng mà Bình Nhưỡng đạt được nhằm phát triển một lực lượng hạt nhân hùng hậu.
Triều Tiên kịch liệt phản đối và bác bỏ cái gọi là các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh các quốc gia khác cũng cần cân nhắc nghiêm túc về hành vi thái quá và bất hợp pháp của Mỹ.
Bình Nhưỡng cáo buộc Washington thách thức Hiến chương Liên Hiệp Quốc cũng như luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định động thái của Washington sẽ chỉ càng làm gia tăng gấp bội tinh thần “sắt đá” của quân đội và nhân dân Bình Nhưỡng, khiến họ đoàn kết với các nhà lãnh đạo, và tăng khả năng phòng thủ của Triều Tiên.
Chiến dịch trừng phạt của Mỹ có thể hiệu quả với nước khác, nhưng không bao giờ có tác dụng với Triều Tiên. Điều đó chỉ càng chứng minh việc Triều Tiên tăng cường phát triển lực lượng hạt nhân là đúng đắn.
Chưa dừng lại ở đó, Triều Tiên tuyên bố sẽ sớm gửi thêm “nhiều món quà” cho Mỹ - ám chỉ những vụ thử tên lửa mới trong tương lai, đồng thời cảnh báo Washington đang ở giữa “ranh giới sống - chết”.
Trong bối cảnh rất căng thẳng như hiện nay, cả Washington và Bình Nhưỡng đều tỏ ra rất cứng rắn cũng như muốn đối phương phải “vẫy cờ trắng” đầu hàng. Truyền thông Triều Tiên nhấn mạnh, Mỹ cần thay đổi chính sách khi lãnh thổ Mỹ đang ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc; thế nên, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Trump bây giờ không phải là việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên, mà là bảo vệ an ninh của lục địa Mỹ.
Quả thực, Triều Tiên không hề “nói suông” khi tên lửa ICBM của nước này có thể đặt toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn, và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Bình Nhưỡng đã có khả năng tấn công nhiều thành phố lớn như Los Angeles, Chicago và New York.
Đừng đi quá xa
Bất chấp sự phản đối và các lệnh trừng phạt, Triều Tiên vẫn không ngừng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa. Vụ phóng tên lửa gần đây nhất vào đêm 28/7 là vụ phóng tên lửa ICBM thứ hai chỉ trong vòng 1 tháng, và là vụ phóng thứ 14 kể từ đầu năm tới nay. Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đạt độ cao 3.724km trong 47 phút 12 giây và bay xa gần 1.000 km.
Điều này cho thấy Triều Tiên thực tế đã có những tiến bộ vượt xa những gì người ta nghĩ. Bên cạnh đó, một số nguồn tin khẳng định Triều Tiên đang chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoặc một tên lửa tầm trung lần nữa dựa trên những ảnh chụp và các tín hiệu radar thu được từ vệ tinh.
Việc Washington toan tính các giải pháp quân sự là điều không thể tránh khỏi nếu Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa, hạt nhân. Và nguy cơ chiến tranh Mỹ - Triều là có thật. |
Hiện nay, Mỹ đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các hệ thống radar và liên lạc mà Triều Tiên có thể sử dụng trong một cuộc phóng thử nghiệm. Các quan chức Mỹ tin rằng Triều Tiên cũng đang kiểm nghiệm các bộ phận để phóng tên lửa từ tàu ngầm, song chương trình này vẫn đang ở giai đoạn đầu.
Triều Tiên đang ngày càng tinh vi hơn trong việc che giấu các hoạt động thử nghiệm tên lửa. Việc đưa tên lửa ra bãi phóng được thực hiện nhanh hơn khiến các vệ tinh của Mỹ có rất ít hoặc không đủ thời gian để quan sát các hoạt động của tên lửa trước khi được phóng.
Mặc dù tên lửa ICBM của Triều Tiên hiện vẫn còn những hạn chế và Bình Nhưỡng vẫn chưa chứng minh được rằng họ “có thể tấn công tên lửa xuống lãnh thổ nước Mỹ với tỉ lệ thành công nhất định” thế nhưng mối đe dọa là hoàn toàn có thật. Nếu tiếp tục lặp lại các vụ thử thành công, ICBM Triều Tiên sẽ đạt đến độ tin cậy nhất định vào cuối năm nay.
Nhằm đối phó với chương trình tên lửa ngày càng tiến bộ của Triều Tiên, Mỹ đã đặt các biện pháp quân sự lên bàn cân bên cạnh giải pháp đối thoại. Giới chức Mỹ tiết lộ các biện pháp quân sự nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên đang được lên kế hoạch và đã sẵn sàng để trình Tổng thống Donald Trump.
Ngoài ra, Mỹ bắt đầu những dự án nhằm xây dựng “một lưới lửa phòng không của Mỹ”, gồm những hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo phù hợp có thể đối phó với các tên lửa mà Triều Tiên có thể triển khai để tấn công vào các vùng lãnh thổ của Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng các giải pháp quân sự là điều không thể tránh khỏi nếu Triều Tiên tiếp tục chương trình tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, việc Washington tiến hành chiến dịch quân sự chống lại Bình Nhưỡng sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự ổn định và hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.
Các giải pháp quân sự cũng không phải lựa chọn dễ dàng bởi có thể gây ra những hậu quả vô cùng khôn lường. Nếu Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân để “trừng phạt” Triều Tiên thì sẽ gây thảm họa lớn cho cả Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc và khu vực. Trên thực tế, cho dù Mỹ và Hàn Quốc có chiếm được Triều Tiên cũng sẽ thấy vô nghĩa khi phải tiếp quản một vùng đất “chết” bị tàn phá bởi hạt nhân.
Chưa hết, việc Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khiến Triều Tiên trả đũa trở lại Mỹ, khiến cả hai quốc gia đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đều bị tàn phá ở mức độ nhất định. Do đó, nếu có chiến thắng thì “lợi bất cập hại”, cái thu được cũng sẽ không bù lại được cái giá phải trả cho sự hủy diệt mà vũ khí hạt nhân gây ra.
Ngoài ra còn phải kể đến việc phản ứng của các nước trong khu vực và thế giới, nhất là Trung Quốc và Nga (vừa là đối tượng, vừa là đối tác) của Mỹ. Và bài học về chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Afghanistan, Iraq và Libya vẫn còn đó, khiến Mỹ và đồng minh không thể làm ngơ.
Đối với Triều Tiên, ngay cả việc họ thường xuyên tuyên bố tấn công hạt nhân đối với Mỹ và đồng minh thì việc họ sở hữu vũ khí hạt nhân cũng chỉ là răn đe bảo vệ chế độ. Triều Tiên thừa biết rằng, hậu quả của một cuộc chiến tranh Mỹ - Triều bằng vũ khí hạt nhân sẽ đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Vì thế, Mỹ nên học cách sống với các nước “tên lửa hóa hạt nhân” như Nga, Trung Quốc và Pakistan - những nước lâu nay Mỹ vẫn không ưa gì khi họ có vũ khí hạt nhân, và tiếp tục hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn chương trình tên lửa đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên thay vì những hành động quân sự tiềm ẩn nhiều nguy hiểm...