Các cường quốc gia tăng tập trận quân sự: Thùng thuốc súng… sắp nổ
- Châu Á-Thái Bình Dương hối thúc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân
- Anh có thể hiện diện quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương
- Nước Mỹ sẽ không bỏ châu Á – Thái Bình Dương
Những tranh chấp bất đồng trong khu vực đang gây nhiều quan ngại, và dù chưa đến mức bùng phát xung đột nhưng đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tiềm tàng cần được ngăn chặn và hóa giải kịp thời. Tình hình đó xuất phát từ những khác biệt về lợi ích, hay tham vọng bành trướng thể hiện sức mạnh bất chấp luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh này, các quốc gia liên tục tiến hành những cuộc tập trận quy mô, đơn phương hay kết hợp cùng với đồng minh, như một lời cảnh báo đến “kẻ thù” trong khu vực. Những biểu hiện khó lường như vậy chỉ khiến bất đồng kéo dài, và nếu không tìm thấy cách giải quyết hiệu quả, vì hòa bình và ổn định, thì sẽ dẫn đến nguy cơ bùng phát xung đột thực sự.
Trung Quốc ngang ngược khiêu khích
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo Bắc Kinh tiến hành diễn tập quân sự từ ngày 29-8 đến ngày 4-9 tại khu vực rộng 11.000km² ngoài cửa vịnh Bắc Bộ thuộc chủ quyền của Việt Nam, trong đó khu vực gần nhất chỉ cách TP Đà Nẵng khoảng 75 hải lý. Đây cũng là khu vực rất gần với các lô dầu khí thuộc mỏ Cá voi xanh mà Việt Nam cho Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) khai thác, dự định sẽ khởi động vào tháng 11.
Thông báo của MSA nêu rõ trong các ngày 31-8, 1-9 và 2-9 Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại các khu vực nằm gần các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Hoàng Sa ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Ngoài ra, MSA còn ngang nhiên cấm tàu bè đi vào khu vực rộng lớn nói trên trong thời gian diễn ra cuộc diễn tập phi pháp.
Bắc Kinh tuyên bố đây là một trong những cuộc tập trận định kỳ hằng năm và được tiến hành ở khu vực “nằm dưới quyền tài phán của Trung Quốc”, và vì thế các bên liên quan cần có cách nhìn bình tĩnh và hợp lý hơn. Tuy nhiên, những động thái này của Trung Quốc thực chất đang xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “Lập trường của Việt Nam là mọi hoạt động của nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam cần phải được thực hiện phù hợp với các quy định của luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Mới đây, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng các đảo nhân tạo. Điều này trái ngược với tuyên bố rằng Bắc Kinh đã chấm dứt các hoạt động đó từ 2 năm nay.
Trong bối cảnh này, sức ép của dư luận quốc tế phản đối Trung Quốc có những hành động gây hấn trên Biển Đông ngày càng mạnh mẽ. Giới quan sát cho rằng, an ninh Biển Đông đang đứng trước nhiều thách thức trước các hành động hiếu chiến của Trung Quốc.
Các hoạt động trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông đang làm tổn hại nghiêm trọng sự ổn định của khu vực. Nhiều quốc gia lên án Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh dừng ngay các hoạt động hiện nay để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Các tuyên bố gần đây của Mỹ cho thấy Washington sẽ không ngồi yên, thậm chí sẽ sớm điều tàu chiến ra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây cất trái phép để cho thấy những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh là vô giá trị. Trung Quốc nên nhận ra rằng, những hành động mang tính vũ trang nặng nề đang hủy hoại lòng tin của các nước láng giềng.
Thắt chặt đồng minh
Đứng trước sự bành trướng của Trung Quốc, Ấn Độ đang dần chuyển hướng chiến lược. Xét về tương quan lực lượng, có thể hải quân Ấn Độ không có lợi thế bằng Trung Quốc, nhưng Ấn Độ lại có lợi thế chiến lược ở khu vực quần đảo Andaman và quần đảo Nicobar trải dài hơn 700km về phía Tây Bắc của eo biển Malacca - một “nút thắt” kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương.
Vị trí này, có thể được dùng để tạo áp lực lên các tuyến đường vận chuyển của Trung Quốc, giờ là trung tâm của sự hợp tác giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản. Tháng trước, hải quân Ấn Độ thông báo về việc thiết lập một trạm hải quân thường trực dành cho tàu chiến để giám sát sự di duyển của tàu thuyền qua eo biển Malacca, nơi có nhiều tàu Trung Quốc đi từ Biển Đông.
Trong một diễn biến mới nhất, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung Malabar 2017 nhằm diễn tập kỹ thuật phát hiện, bám đuổi và tiêu diệt tàu ngầm của đối phương, đồng thời âm thầm chiếm giữ các vị trí gần bờ biển Ấn Độ. Đây là một phần của các cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Ấn Độ bắt đầu từ năm 1992 nhằm ứng phó với những mối đe dọa chung đối với an ninh hàng hải tại Ấn Độ - châu Á - Thái Bình Dương.
Nội dung chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar 2017 được nhấn mạnh vào lúc hải quân Ấn Độ ghi nhận “sự tăng vọt khác thường” số lượng tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong 2 tháng qua, cho thấy Trung Quốc đang dồn sức vào khu vực này bên cạnh việc khống chế Biển Đông.
Cuộc tập trận hàng hải Malabar 2017 với sự góp mặt của hải quân Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhiều biến động, được cho là gửi đi thông điệp chiến lược gửi tới Trung Quốc. Tham gia cuộc tập trận là một lực lượng tàu thuyền và máy bay hùng hậu chưa từng thấy từ trước đến nay.
Lần đầu tiên, mỗi nước đều cử một chiếc tàu sân bay đến tham gia: Mỹ với siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Nimitz, Ấn Độ với tàu sân bay INS Vikramaditya, và Nhật Bản với khu trục hạm chở trực thăng JS Izumo - chiến hạm lớn nhất trong hạm đội nước này.
Xích lại vì “quả bom” Triều Tiên
Một điểm nóng khác ở châu Á là căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng liên tiếp thử tên lửa và hạt nhân, bất chấp mọi cảnh báo từ Washington. Trong bối cảnh này, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tập trận phối hợp bắn đạn thật một ngày sau khi Triều Tiên diễn tập quy mô lớn (với 300 khẩu pháo đã khai hỏa) ở Wonsan để kỷ niệm ngày thành lập quân đội.
Hơn 2.000 lính Hàn Quốc và Mỹ tham gia cuộc tập trận ở Pocheon (Hàn Quốc), cách Khu phi quân sự (DMZ) chia cách hai miền Bán đảo Triều Tiên 30 km. Đây là một trong những cuộc tập trận phối hợp bắn đạn thật lớn nhất giữa hai đồng minh trong những năm gần đây, với sự tham gia của 100 khẩu pháo, 90 xe bọc thép và 50 máy bay.
Chưa hết, khi Triều Tiên không có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì Mỹ và Hàn Quốc quyết định tiếp tục tiến hành cuộc tập trận chung “Người bảo vệ tự do Ulchi” từ ngày 21 đến 31-8. Khoảng 17.500 binh sỹ Mỹ tham gia cuộc tập trận này, bên cạnh binh lính đến từ các nước Australia, Canada, Colombia, Đan Mạch, New Zealand, Hà Lan và Anh.
Theo tiết lộ, “Người bảo vệ tự do Ulchi” là trận phòng thủ giả lập trên máy tính được xây dựng nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ khu vực và duy trì ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Mỹ và Hàn Quốc khẳng định cuộc tập trận này mang tính phòng vệ; tuy nhiên, Triều Tiên từ lâu lên án đây là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân chống Triều Tiên, cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc đang cố ý đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đến mức “thảm họa”.
Các mối đe dọa từ Triều Tiên khiến Nhật Bản luôn ở vào tình trạng “sẵn sàng lên nòng”. |
Ở gần Triều Tiên, Nhật Bản không thể đứng ngoài cuộc. Quân đội Nhật - Mỹ tiến hành huấn luyện trên không lẫn tập trận bắn đạn thật dưới đất trong bối cảnh Bình Nhưỡng đe dọa phóng tên lửa đến đảo Guam (Mỹ).
Ngày 16-8, 300 quân nhân Mỹ - Nhật đã tập trận bắn đạn thật ở đảo Hokkaido. Đây là một phần trong cuộc tập trận Northern Viper 2017 kéo dài gần 20 ngày giữa quân đội hai nước. Tham gia cuộc tập trận có 2 máy bay ném bom B-1B Lancer của không lực Mỹ cất cánh từ đảo Guam và 2 chiến đấu cơ F-15 của Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản.
Phía Mỹ nhận định, các chuyến bay huấn luyện với Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng tương tác và nâng cao kỹ năng chiến đấu, đồng thời thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm cùng đồng minh duy trì hòa bình và ổn định tại Đông Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Quả thực, cho rằng các mối đe dọa từ Triều Tiên đã khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn ở vào tình trạng “sẵn sàng lên nòng”. 3 quốc gia đã từng tập trận hải quân trong 3 ngày tại vùng biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản gần đảo Jeju, với sự tham gia của tàu khu trục có trang bị hệ thống tên lửa dẫn đường Aegis cùng một số tàu chiến và máy bay quân sự nhằm đối phó hiệu quả các mối đe dọa tàu ngầm của Triều Tiên, đặc biệt là các tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm.
Triều Tiên xem các cuộc tập trận của Mỹ với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc là sự tập dượt cho kế hoạch xâm lược Bình Nhưỡng. Triều Tiên thường xuyên dọa tấn công Mỹ và các căn cứ của Mỹ, và chắc chắn sẽ “không ngồi yên” trước các cuộc tập trận chung thường niên giữa 3 quốc gia.
Cần đối thoại hòa bình
Có vẻ như, các cuộc tập trận đang có xu hướng gia tăng và khiến những mâu thuẫn giữa các quốc gia ngày càng khó kiểm soát. Để tránh tình hình tiếp tục xấu đi, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình là xu hướng tất yếu không thể phủ nhận, và được đa số các nước trên thế giới ủng hộ.
Theo đó, tất cả các quốc gia cần phải hợp tác để ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin và tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau; đồng thời, thẳng thắn đấu tranh để tìm ra tiếng nói chung trong giải quyết bất đồng. Dù hợp tác hay đấu tranh, các quốc gia đều phải dựa trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như kiên trì theo đuổi các biện pháp hòa bình, tuyệt đối không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.