Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ván cờ cân não?
- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Hồi hộp trước giờ G
- Thượng đỉnh Mỹ-Triều bừng sáng với các động thái chuẩn bị tích cực
- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên: Giằng co dai dẳng
Nếu hội nghị diễn ra thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của Mỹ hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Giới quan sát nhận định, dù hai bên có đạt được thỏa thuận hay không thì hội nghị là một bước tiến lớn trong quan hệ giữa các cường quốc, và hoàn toàn có thể làm thay đổi bức tranh an ninh toàn cảnh ở châu Á. Tuy nhiên, suy xét kĩ lưỡng từ thực tế động thái các bên liên quan, hội nghị lần này chỉ là một bước đi nhỏ trong cuộc chiến ngầm giữa Mỹ và Triều Tiên đang diễn ra rất quyết liệt.
Phía Bình Nhưỡng hiện đang tỏ ra bình thản, đồng thời kêu gọi cách tiếp cận từng bước một, yêu cầu bảo đảm về an ninh và các lợi ích kinh tế cho đất nước, nhưng cũng không quên đặt dấu hỏi lớn về “sự khó hiểu” của Washington sau hàng loạt những động thái bất thường trước thềm hội nghị.
Trong khi đó, Mỹ đã thẳng thắn cảnh báo sẽ không từ bỏ chính sách “áp lực tối đa” với Triều Tiên, tiếp tục gây sức ép thông qua các lệnh trừng phạt cho tới khi Triều Tiên loại bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân “một cách triệt để”. Cả Mỹ và Triều Tiên đều đưa ra những chiến lược khó ngờ để đảm bảo vị thế đàm phán của mình.
Chiến lược... chơi chiêu
Đúng như dự đoán, con đường đến với bàn đàm phán Mỹ - Triều vào giữa tháng 6 không hề bằng phẳng. Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lịch sử này, hai bên đã liên tục có những động thái đầy bất ngờ, tạo nên cục diện thay đổi chóng mặt thông qua nhiều chiến thuật khác biệt, biến đàm phán trở thành một trò chơi chiến lược phức tạp giữa hai lãnh đạo khó đoán nhất trên thế giới.
Cả hai bên liên tục thay đổi quan điểm về cuộc gặp này trong hơn một tuần, nhưng cuối cùng đều có những bước đi thiết thực hướng tới cuộc gặp.
Viễn cảnh tồi tệ nhất là thượng đỉnh kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào, khi ấy “đối đầu quân sự” là lựa chọn có thể xảy ra. |
Cuối tháng 5, Triều Tiên đã cử Phó Chủ tịch đảng Lao động Kim Yong-chol, “cánh tay phải” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tới New York để hội đàm cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Chuyến đi này nhằm giúp Mỹ hiểu rõ lập trường của Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời tìm kiếm cơ hội thỏa hiệp giữa hai luồng quan điểm đối lập: một bên là Mỹ ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân nhanh chóng và bên còn lại là Triều Tiên với mong muốn phi hạt nhân hóa từng bước.
Ông Kim Yong-chol được cho là đã chuyển lời rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực sự nghiêm túc về việc dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Donald Trump, đồng thời bày tỏ hi vọng hai bên sẽ đạt được tuyên bố chung giúp thay đổi quan hệ song phương, cũng như tình hình căng thẳng trong khu vực.
Trên thực tế, kể từ sau lá thư ngày 24-5 của ông Trump gửi tới nhà lãnh đạo Kim Jong-un, tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vì cảm thấy “không phù hợp” sau khi Triều Tiên bày tỏ “sự thù địch công khai” trong những tuyên bố gần đây, Triều Tiên đã thay đổi thái độ, tích cực và chủ động hơn để cứu vãn cuộc gặp sẽ mang tính lịch sử này.
Nội dung bức thư cùng các phát biểu sau đó của ông Trump ám chỉ “sự thất vọng thực sự” của Tổng thống Mỹ. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng thực chất ông Donald Trump đang muốn “chơi chiêu”, thử lòng người đồng cấp Kim để xem phản ứng của Triều Tiên ra sao.
Ngay sau đó, ông Trump lại quay ngoắt 180 độ, tuyên bố sẽ vẫn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên để thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa.
Còn nhớ, Tổng thống Donald Trump từng gọi ông Kim Jong-un là “người tên lửa” và đe dọa sẽ xóa bỏ chính quyền Bình Nhưỡng khỏi trái đất. Thế nhưng, ngay sau đó, Tổng thống Mỹ đã thay đổi giọng điệu khi bắt đầu dành những lời khen ngợi cho ông Kim bởi “thành ý” cam kết phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-Ri.
Rõ ràng, không nên đánh giá đây là phong cách ngoại giao “trẻ con” khi ông Donald Trump từ một tỷ phú trở thành người đứng đầu quốc gia số 1 thế giới.
Tất cả những quyết định có vẻ “rất đột ngột” ấy thực chất lại nằm trong một chiến lược nhất quán về cách thức sử dụng “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ, được cụ thể hóa trong trường hợp này là “vừa dọa đánh, vừa đàm phán”, phải "đàm" thế nào đó để có ưu thế nhất.
Theo đó, dù đồng ý đàm phán, song Mỹ sẽ luôn duy trì lập trường cứng rắn, đồng thời sẵn sàng áp dụng chiến thuật “chơi cờ vua”, với mục tiêu chiến thắng bằng cách “chiếu hết” đối thủ. Dường như, việc Bình Nhưỡng dịu giọng hơn sau đó và khẳng định mong muốn đối thoại với phía Mỹ “ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào” ám chỉ động thái này rốt cuộc có vẻ hiệu quả.
Thậm chí, để tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa và sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã tiến hành cuộc gặp bất ngờ với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 26-5, chỉ chưa đầy một tháng sau cuộc gặp trước đó.
Bình Nhưỡng đã có một vài cử chỉ thiện chí như trả tự do cho 3 tù nhân Mỹ hay... |
Có phải Triều Tiên đang thực sự “xuống nước”?
Không có lời giải thích rõ ràng cho những động thái “hiền lành” từ phía Bình Nhưỡng, chỉ biết rằng Bình Nhưỡng đã có một vài cử chỉ thiện chí nhượng bộ như trả tự do cho 3 tù nhân Mỹ hay ngưng các vụ thử nghiệm hạt nhân.
Giờ đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un quyết định “chấp nhận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, nhằm đổi lấy sự bảo đảm an ninh, viện trợ phát triển kinh tế và con đường bình thường hóa với Mỹ. Triều Tiên muốn Mỹ biết Bình Nhưỡng muốn ngồi xuống “bất cứ lúc nào”.
Chiến lược của người đứng đầu Bình Nhưỡng là “phản ứng nhún nhường đi trước”, nhằm tối đa hóa những gì nhận được, trong khi không muốn thể hiện vẻ tuyệt vọng hay để đối thủ lấn át.
Hòa giải hay đối đầu?
Chỉ trong một thời gian ngắn, cả Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều lật ngược thái độ đối với cuộc gặp lịch sử. Dù mục đích khác nhau nhưng cả hai ông đều sử dụng chiến lược “không thể đoán trước”.
Ông Trump liên tiếp thể hiện sự cứng rắn với Triều Tiên để tìm kiếm sự nhượng bộ của ông Kim Jong-un, sau đó vồn vã thể hiện thành ý để đi đến đàm phán nhưng vẫn không quên răn đe Triều Tiên về hậu quả khủng khiếp nếu “lừa dối Mỹ”.
Thực tế cho thấy, nếu ông Kim Jong-un dễ dàng nổi khùng và đe dọa tấn công Mỹ thì có đàm phán vào ngày 12/6 cũng sẽ không đạt kết quả gì. Trái lại, một khi nhà lãnh đạo Triều Tiên “bình thản” ngồi vào bàn đàm phán thì may ra hai bên mới đạt kết quả nào đó. Thế nên, kịch bản thượng đỉnh Mỹ - Triều là vô cùng khó dự đoán.
Viễn cảnh tồi tệ nhất là thượng đỉnh kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào. Cuộc gặp không thành sẽ đưa hai nhà lãnh đạo đứng trước “ngã ba đường” của những quyết định quan trọng; thậm chí, hai bên có thể quay lại đe dọa lẫn nhau và “đối đầu quân sự”.
Triều Tiên từng cảnh báo về “so găng hạt nhân” với Mỹ, còn Washington cũng hung hăng hơn trước khi đe dọa nhấn chìm Bình Nhưỡng trong “lửa và cuồng nộ” nếu đàm phán thất bại.
Tuy nhiên một số nhà quan sát tin rằng điều này khó có thể xảy ra, bởi lẽ hai nhà lãnh đạo sẽ không “mất thời gian” gặp nhau nếu không đạt được bất cứ điều gì. Suy cho cùng, họ sẽ phải tránh khả năng “ra về tay trắng” và may ra kết thúc thượng đỉnh bằng những cam kết... chung chung, mở ra cơ hội kéo dài đàm phán.
Đây là khả năng có thể xảy ra nhất khi hai bên cần phác thảo mô hình đàm phán tương lai, đi cùng với một (hay nhiều) khung nguyên tắc cần có trong thỏa thuận song phương trước khi đi vào thảo luận chi tiết, để rồi đạt tới thỏa thuận cuối cùng.
cam kết phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-Ri. |
Xuất hiện quan điểm lạc quan nhận định Mỹ - Triều nhiều khả năng cân nhắc đưa ra những nhượng bộ để “câu” thời gian, như việc Washington giảm nhẹ các lệnh trừng phạt còn Bình Nhưỡng phá hủy một vài tên lửa để chứng minh “thiện chí hoàn toàn”.
Từ trước tới nay, chìa khóa cho thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là cam kết giải trừ hạt nhân hoàn toàn của Triều Tiên, điều mà Bình Nhưỡng từng tuyên bố chỉ thực hiện khi Mỹ rút binh sĩ khỏi Hàn Quốc. Thế nên, điều được mong đợi nhất tất yếu sẽ là hai bên đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Giả sử Kim Jong-un đồng ý giải trừ hạt nhân theo từng giai đoạn để có được các nhượng bộ từ Mỹ thì chuyện gì sẽ xảy ra với các đồng minh của Mỹ ở châu Á? Rõ ràng, việc giải trừ quân bị của Mỹ có thể khiến liên minh Mỹ, Hàn và Nhật suy yếu, đặt Hàn và Nhật vào thế nguy hiểm khi nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Dù vậy, giới quan sát dự báo không có khả năng Triều Tiên quyết định dỡ bỏ hoàn toàn kho hạt nhân vì họ luôn coi đây là biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia, cũng như răn đe các thế lực bên ngoài. Cắt giảm, thậm chí xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân có nguy cơ chấm dứt sự tồn tại của Triều Tiên...