Từ vụ đầu độc điệp viên Sergei Skripal đến căng thẳng mới giữa khối Đông – Tây:

Bão tố khó tan

Thứ Sáu, 13/04/2018, 08:47
Những ngày qua, dư luận thế giới hướng về sự kiện cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh. 

Sự việc nhanh chóng trở thành vấn đề “nóng” vì Skripal từng bị Nga buộc tội phản quốc sau khi bị phát hiện làm gián điệp hai mang cho cả Nga và Anh. 

Nhiều tuần sau khi chính quyền Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc này, các đồng minh của Anh đã chấp nhận quan điểm rằng việc sử dụng chất độc thần kinh Novichok trong vụ ám sát Sergei Skripal “khả năng cao” là do phía Nga thực hiện.

Trong một động thái cứng rắn, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga và kêu gọi các nước khác có động thái tương tự. Tiếp đó, Mỹ, Canada, Australia và các quốc gia châu Âu cũng đã trục xuất nhiều cá nhân bị cho là nhân viên tình báo Nga. 

Đáp trả, Nga bác bỏ cáo buộc và có quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, hay trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg. Việc trục xuất các nhà ngoại giao của Anh, Mỹ, Nga và các nước phương Tây được nhận định có thể châm ngòi cho căng thẳng toàn cầu. 

Sự việc này sẽ tạo nên cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea.

Cáo buộc quyết liệt

Diễn biến vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal bị đầu độc tại Anh đặc biệt thu hút dư luận quốc tế. Ông Sergei và cô Yulia được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh trên băng ghế tại một trung tâm mua sắm ở thành phố Salisbury (Anh) ngày 4-3. 

Kết quả điều tra cho thấy hai người đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok (từ tiếng Nga có nghĩa “tân binh”). Thông tin mới nhất từ cơ quan điều tra là chất Novichok đã được tìm thấy trên cửa nhà và trong xe của ông Skripal. 

Novichok được giới khoa học Liên Xô sáng tạo và phát triển, được thế giới biết đến từ cuối thập niên 1990. Đây được xem là một chất hiếm, có khả năng gây chết người cao gấp 5-10 lần so với những chất độc thông thường, đồng thời có thể chống lại các biện pháp chữa trị nhiễm độc thông thường.

Hiện nay, Anh đang cáo buộc rằng Nga đứng đằng sau vụ đầu độc. Phía Nga phủ nhận cáo buộc và liên tục đòi phía Anh đưa ra bằng chứng. Tranh cãi giữa Nga và Anh về vụ đầu độc ngày càng căng thẳng khi London khăng khăng có bằng chứng cho thấy Novichok do Liên Xô phát triển và được Nga tiếp quản. 

London còn cáo buộc Moscow vi phạm nghiêm trọng Công ước vũ khí hóa học vì che giấu chương trình vũ khí hóa học. 

Thủ tướng Anh Theresa May đã tuyên bố: “không có kết luận nào khác ngoài việc Nga chịu trách nhiệm về vụ cố tình sát hại cựu điệp viên Skripal và con gái” bằng chất độc thần kinh cấp độ quân sự do Liên Xô chế tạo. Nhằm tăng áp lực với Moscow về vụ việc, Thủ tướng Theresa May đã gửi tối hậu thư cho chính quyền ông Putin.

Mới đây, bà May tuyên bố trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga là nhân viên tình báo, đồng thời đe dọa đóng băng quan hệ song phương cấp cao với Moscow. 

Bà May cũng hoan nghênh sự ủng hộ của Mỹ, Đức, Pháp cũng như kêu gọi các nước đồng minh đoàn kết để cùng đưa ra biện pháp trừng phạt Nga. Đức, Pháp và Mỹ đã ra thông cáo chung tuyên bố trách nhiệm của Nga là giải thích hợp lý cho vụ việc và yêu cầu Nga cung cấp mọi thông tin về chất độc Novichok. 

Chưa hết, Mỹ đã tiến hành trục xuất 60 người được cho là nhân viên tình báo Nga làm việc tại Mỹ dưới vỏ bọc ngoại giao, đồng thời đóng cửa lãnh sự quán Nga tại thành phố Seattle. Không riêng gì Mỹ, Canada, Australia và các quốc gia châu Âu cũng có quyết định tương tự.

Thủ tướng Anh cho biết đã đưa vấn đề ra NATO, Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Về phần NATO, tổ chức này đã xác định về vụ ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái là một trường hợp được quy định trong các điều khoản thành lập. 

Trong một tuyên bố, NATO đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” đối với “vụ sử dụng chất độc thần kinh trên lãnh thổ liên minh” kể từ khi thành lập năm 1949 cho đến nay. 

Với những từ ngữ đưa ra trong tuyên bố trên, NATO đang xác định vụ ám sát là một vụ tấn công vũ khí hóa học được thực hiện ở một trong các quốc gia thành viên NATO (mặc dù nó nhằm vào cá nhân chứ không phải là nhằm vào quốc gia đó). 

Theo NATO, hành động này có tính chất chống đối trật tự quốc tế, chủ quyền và tiến trình dân chủ ở các nước phương Tây.

Đáp trả thẳng thừng

Đối diện những cáo buộc, Nga thẳng thừng lên tiếng bác bỏ mối liên hệ với vụ đầu độc Sergei Skripal và con gái, đồng thời tuyên bố chuẩn bị những biện pháp đáp trả thích đáng. 

Phía Nga nghi ngờ chất lượng cuộc điều tra mà Anh đang tiến hành, với những kết luận vội vã và thiếu sự phối hợp. Dù Anh đã cho phép các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) nhận các mẫu vật chất độc thần kinh cũng như mẫu máu của cha con điệp viên, sẽ phải mất vài tuần để nghiên cứu các mẫu vật mà Anh cung cấp. 

Điều này khiến những lời cáo buộc của London đối với Moscow khó mà thuyết phục được. Nga cảnh báo rằng các bên phải tiến hành điều tra “chuyên nghiệp và bình tĩnh”, đồng thời nhấn mạnh mọi nỗ lực trừng phạt Nga sẽ bị đáp trả mạnh mẽ.

Theo giới phân tích, có một số lý do để Moscow không thực hiện vụ đầu độc. Trước hết, Skripal được biết đến là điệp viên của Cơ quan tình báo Anh MI6 với mật danh “Forthwith”, chứ không phải kẻ đào ngũ của Nga. 

Năm 2004, Skripal bị bắt ở Nga và 2 năm sau bị kết án 13 năm tù vì hoạt động gián điệp cho Anh, rồi được ân xá vào tháng 7-2010. 

Theo nhận định, “Forthwith” không gây mối đe dọa nào và không còn thông tin mật nào ngoài những thông tin đã cung cấp cho MI6 trước khi bị bắt năm 2004. Vì nếu còn, Moscow sẽ không trao cho Anh Skripal mà sẽ là một người khác. 

Tiếp đó, Skripal gần như bị các cơ quan đặc biệt của Anh giám sát chặt chẽ. Nếu Skripal từng liên quan đến bất cứ hoạt động nào nguy hiểm tiềm tàng cho Nga, London sẽ ngay lập tức tuyên bố Nga có động cơ để “thanh toán” Skripal.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu độc cựu điệp viên không đem lại lợi ích gì cho Nga, đặc biệt là ở thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống ở Nga và trước thềm World Cup 2018. 

Giới lãnh đạo Nga luôn có cách tiếp cận thực dụng đối với chính sách ngoại giao của nước này cũng như trong các vấn đề toàn cầu. Thế nên, Nga sẽ không “tự bắn vào chân mình” bằng cách đầu độc một cựu điệp viên ở Anh trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và phương Tây. 

Không ít người còn nhận định vụ ám sát chỉ là một cái cớ để phương Tây tăng sức ép với Nga. Skripal có thể bị Anh và Mỹ lợi dụng để “bôi xấu thêm” nước Nga cũng như Tổng thống Putin, và “phủ bóng đen” lên tình hình chính trị ở Moscow vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quan trọng. 

Từ đây, giới quan sát nhận định Nga và phương Tây (đặc biệt là Anh) sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng kéo dài, nhiều khả năng vượt xa mọi kiểm soát bởi mối quan hệ song phương từ xưa đến nay vốn đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Căng thẳng leo thang

Căng thẳng giữa Anh và phương Tây liên quan đến vụ Sergei Skripal nhiều khả năng sẽ bị đẩy lên một nấc thang mới, sau khi Thủ tướng Anh Theresa May nhân Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brusells ngày 22/3 đã thuyết phục các nước đồng minh hành động tương tự London để “phản ứng” với Nga. 

Các nhà lãnh đạo EU ngày 23/3 đã quyết định triệu hồi đại sứ của khối tại Nga sau khi ủng hộ quan điểm của Anh cho rằng Moscow liên quan tới vụ đầu độc Sergei Skripal. 

Trong khi đó, một số nước thành viên EU đang xem xét khả năng trục xuất các nhà ngoại giao Nga hoặc triệu hồi các nhà ngoại giao của mình tại Nga.

Dù vụ việc Skripal bị đầu độc chưa kết thúc, vở kịch vẫn chưa hạ màn, song có thể thấy được phần nào kế sách của London mượn tay Mỹ, EU và NATO chống Nga, hay phát động một cuộc chiến tranh lạnh với Nga. Đây cũng có thể là chiến lược của Anh nhằm kéo EU gần hơn với nước này. 

Sau sự kiện Brexit, Anh không còn nhận được sự ủng hộ của nhiều thành viên trong EU về nhiều vấn đề đối ngoại. Do vậy Anh muốn lợi dụng vụ điệp viên bị đầu độc như một cách xây dựng lại cầu nối với EU. Câu hỏi đặt ra là liệu Anh có thực sự thành công, hay Anh đã đẩy vụ việc đi quá xa và bây giờ rơi vào thế “đâm lao phải theo lao”?

Một số ý kiến nhận định, cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài giữa Nga với các nước phương Tây liên quan đến Sergei Skripal có thể dẫn tới việc cả hai bên đều đánh mất ảnh hưởng lẫn nhau. 

Bằng một thông cáo chung, lãnh đạo các nước Pháp, Đức và Mỹ cùng quy lỗi cho Moscow, yêu cầu Nga giao nộp tất cả hồ sơ về chất Novichok cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học. 

Trong những động thái đáp trả, chính quyền Moscow có thể tung ra những đòn “hiểm” nhắm vào phương Tây, chẳng hạn như rút khỏi các thỏa thuận quốc tế, cản trở hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, trục xuất nhiều nhà ngoại giao hơn, thậm chí là cả nhà báo nước ngoài.

Những năm gần đây, quan hệ giữa Nga và phương Tây ở nhiều cấp độ trở nên xấu đi, sau những cáo buộc từ phương Tây về việc Nga can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu, tiến hành tấn công và do thám trên mạng, và can dự vào xung đột tại Ukraine hay Syria.

Tất cả những vấn đề này đã tích tụ lại và vụ việc Sergei Skripal là “cơ hội” để các nước phương Tây thể hiện thái độ cứng rắn trong quan hệ với Nga. Sẽ rất khó để dự báo chiều hướng tiến triển của cuộc khủng hoảng hiện nay, vì vấn đề không chỉ là căng thẳng giữa Nga và Anh mà câu chuyện này đã mở rộng sang quan hệ giữa Nga với các nước lớn khác như Mỹ, Đức và Pháp. 

Những biện pháp trả đũa lẫn nhau cũng như tranh cãi qua lại giữa hai bên sẽ khiến triển vọng làm dịu căng thẳng giữa Nga và phương Tây trong tương lai gần là rất thấp...

Nguyễn Tuyết
.
.